Quyền con người trong tiếp cận thông tin, quyền tham gia vào các

Một phần của tài liệu Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 35)

quyết định, hoạt động bảo vệ môi trường, quyền tiếp cận tư pháp về môi trường

Như đã phân tích ở trên, bên cạnh các quyền nội dung của quyền con người về môi trường thì các quyền thủ tục của quyền con người về môi trường gồm: quyền tiếp cận thông tin liên quan tới môi trường; quyền được tham gia một cách tích cực, chủ động trong hoạch định chính sách, lập kế hoạch, ban hành quyết định có tác động đến môi trường và phát triển; quyền tham gia đánh giá tác động trước về môi trường; quyền tiếp cận tư pháp đối với vấn đề môi trường, cụ thể là quyền khởi kiện đòi đền bù thiệt hại môi trường do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra. Các quyền thủ tục này có chức năng như cơ chế phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Cơ chế này không chỉ đề cập đến việc khắc phục khi các vấn đề môi trường xuất hiện, mà nó có tác dụng chính là ngăn ngừa vi phạm, bảo vệ môi trường thông qua một trình tự giúp cá nhân, cộng đồng và các tổ chức nhận thức rằng môi trường của họ đang bị đe dọa và cần phải có phương án bảo vệ và khắc phục.

Tầm quan trọng của các quyền tiếp cận thông tin về môi trường của công chúng, quyền tham gia vào các quyết định môi trường và tiếp cận tư pháp đã ghi rõ trong Nguyên tắc 10 của Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển, Chương 23 Chương trình nghị sự 21. Nguyên tắc 10 của Tuyên bố Rio nêu rõ:

Những vấn đề môi trường được giải quyết tốt nhất với sự tham gia của các công dân quan tâm, ở cấp độ thích hợp, ở cấp độ quốc gia, mỗi cá nhân sẽ có quyền thông tin thích hợp liên quan đến môi trường do các nhà chức trách nắm giữ, bao gồm thông tin về những nguyên liệu và hoạt động nguy hiểm trong cộng đồng, và cơ hội tham gia vào những quá trình quyết định. Các quốc gia cần làm cho thuận tiện và khuyến khích tuyên truyền và sự tham gia của nhân dân bằng cách phổ biến thông tin rộng rãi. Nhân dân cần được tạo điều kiện tiếp cận có hiệu quả những văn bản luật pháp và hành chính, kể cả uốn nắn và sửa chữa [20, tr.13].

Tiếp cận có sự tham gia hướng đến bảo vệ môi trường đặc biệt quan trọng đối với những nhóm ngoại biên và cộng đồng, những người bị ảnh hưởng của môi trường trong việc đưa ý kiến của họ vào các quyết định có liên quan. Hơn nữa, bối cảnh cụ thể của bảo vệ môi trường và phát triển yêu cầu sự tham gia của các đối tượng khác nhau vào quy trình đánh giá tác động môi trường và vào việc ra các quyết định, tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường đặc biệt có sự tham gia của những cá nhân cộng đồng sống trong môi trường có tiềm năng bị ảnh hưởng bởi các quyết định. Cá nhân, nhóm và tổ chức cần phải có quyền truy cập vào thông tin liên quan đến môi trường, đến hoạt động của chính quyền địa phương, quốc gia, bao gồm cả thông tin về sản phẩm và các hoạt động mà có hoặc có thể có một tác động đáng kể đối với môi trường và thông tin về các biện pháp bảo vệ môi trường. Chương trình nghị sự 21 khuyến khích Chính phủ xây dựng các chính sách tạo điều kiện trao đổi trực tiếp tin tức giữa Chính phủ và công chúng về các vấn đề môi trường và cho thấy quá trình đánh giá tác động môi trường là một cơ chế tiềm năng để người dân và cộng đồng tham gia. Chương trình cũng kêu gọi Chính phủ và các nhà lập pháp xây dựng thủ tục hành chính để khắc phục tình trạng pháp lý còn lỏng lẻo đối với các hành động vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng

xấu đến môi trường và xâm phạm các quyền theo pháp luật, bao gồm cơ sở pháp lý của việc đền bù thiệt hại và khắc phục các hậu quả môi trường.

Một phần của các chương trình nghị sự chính trị rộng lớn trong quá trình này là các vấn đề môi trường - khởi nguồn cho tiến trình môi trường của châu Âu. Quyền thông tin, đảm bảo quyền tham gia và quyền tiếp cận tư pháp được xem là yếu tố thiết yếu của một nền dân chủ có sự tham gia thực sự. Các vấn đề này do đó đã trở thành yếu tố trung tâm trong tiến trình môi trường châu Âu, kết quả là sự ra đời Chỉ thị Liên minh châu Âu về tiếp cận thông tin môi trường có hiệu lực vào cuối năm 1992 và Hướng dẫn Sofia vào năm 1995. Trong số các thỏa thuận quốc tế về sử dụng quyền thủ tục để đạt được yêu cầu bảo vệ môi trường, quan trọng hơn cả là Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp về các vấn đề môi trường 1998 hay còn gọi là Công ước Aarhus. Nội dung của các Công ước được xây dựng dựa trên các văn bản trước đó, đặc biệt là Nguyên tắc 1 của Tuyên bố Stockholm: “con người có các quyền cơ bản về tự do, bình đẳng và điều kiện sống tối thiểu trong môi trường trong lành, cho phép con người có cuộc sống có nhân phẩm và hạnh phúc” [20, tr.5].

Với nhận thức rằng việc thực hiện Nguyên tắc 10 của Tuyên bố Rio 1992 về môi trường và phát triển đòi hỏi phải có các chính sách và hệ thống có hiệu quả, năm 2001, một số tổ chức xã hội dân sự của các nước Chilê, Hungary, Thái Lan, Uganda và Mỹ đã khởi xướng việc thành lập Liên minh về Tiếp cận môi trường (Liên minh TAI). Đây là liên minh của các tổ chức xã hội dân sự nhằm mục tiêu tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Nguyên tắc 10 tại các quốc gia với mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa các cam kết quốc tế và việc thực hiện chúng trên thực tế.

Từ 5 nước khởi xướng ban đầu, ngày nay, tại 42 quốc gia đã có các liên minh xã hội dân sự đang thực hiện đánh giá, tìm kiếm tài trợ hoặc bắt đầu lập kế hoạch cho đánh giá TAI.

Việc đánh giá theo phương pháp TAI được thực hiện cho từng quốc gia theo ba loại nội dung trụ cột của khung đánh giá TAI: Tiếp cận thông tin; Sự tham gia của công chúng; Tiếp cận tư pháp. Ngoài ra còn có loại hình thứ tư là Xây dựng năng lực - đánh giá nỗ lực của Chính phủ nhằm tăng cường nhân lực, thể chế và nguồn lực cho quá trình tiếp cận. Cho tới nay, đã có 23 đánh giá TAI của 20 quốc gia được hoàn thành. Các đánh giá này bước đầu đã có ảnh hưởng tích cực đến một số chính sách và giải pháp cho các vấn đề môi trường ở cấp quốc gia [21, tr.38].

Một phần của tài liệu Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 35)