Pháp luật bảo đảm quyền con người khi tiếp cận thông tin về môi trường

Một phần của tài liệu Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 72)

Quyền tiếp cận thông tin môi trường (access to information on the environment) được quy định trong Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp về các vấn đề môi trường 1998 (Công ước Aarhus). Đối với các nước đã tham gia phê chuẩn Công ước, việc nội luật hóa quyền tự do tiếp cận thông tin môi trường cũng có sự khác biệt. Hiến pháp bảo vệ quyền tiếp cận thông tin phổ biến tại nhiều nước, trong một số trường hợp, có quy định cụ thể về tiếp cận thông tin về môi trường. Công ước quy định rằng, các thông tin về môi trường bao gồm các thông tin chi tiết về tình trạng môi trường, các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng môi trường, tình trạng an toàn và sức khỏe của con người, điều kiện đời sống con người, các khu vực văn hóa, các công trình bị ảnh hưởng bởi môi trường.

Điều 4 và Điều 5 của Công ước quy định rõ về quyền tiếp cận thông tin môi trường gồm hai khía cạnh: một mặt, đó là quyền của công dân được chủ động tiếp cận, thu thập thông tin mà cơ quan nhà nước nắm giữ, mặt khác là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin cho công dân [21, tr.39].

Là một quyền cơ bản của công dân, quyền tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng trong quản lý nhà nước, phát huy dân chủ và tạo nền tảng cho việc tiếp cận các quyền cơ bản khác về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp cận thông tin được công nhận là một quyền cơ bản của công dân trong Điều 69 của Hiến pháp 1992 và Điều 25 của Hiến pháp 2013. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng thời nội luật hóa một số quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhiều

văn bản đã được ban hành có quy định liên quan đến quyền được thông tin và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp các thông tin đang nắm giữ (các thông tin về môi trường, quy hoạch, xây dựng, đất đai, các dự án, vệ sinh, an toàn thực phẩm, chi tiêu ngân sách... trong các Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật xây dựng; Luật đầu tư; Luật đất đai; Luật môi trường; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Luật Ngân sách; Pháp lệnh thực hiện dân chủ cấp xã, phường, thị trấn... và các văn bản quy định chi tiết thi hành).

Phân tích văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành có thể thấy, quyền tiếp cận thông tin được thể hiện thông qua quyền tìm kiếm, trao đổi thông tin (Luật Công nghệ thông tin 2006); quyền yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 31, Điều 32, Điều 86 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005); quyền phổ biến thông tin (Điều 3, Điều 5 Luật xuất bản 2012). Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật Nhà nước 2000 và Nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh này là những văn bản pháp lý chính quy định danh mục các thông tin không được công khai. Như vậy, trong văn bản pháp luật Việt Nam quyền tiếp cận thông tin bao hàm hai khía cạnh: một mặt, đó là quyền của công dân được chủ động tiếp cận, thu thập thông tin mà cơ quan nhà nước nắm giữ; mặt khác, đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin cho công dân.

Hệ thống pháp luật về môi trường cũng có quy định các nội dung liên quan đến quyền tiếp cận thông tin về môi trường. Cụ thể: Điều 104 Luật Bảo vệ môi trường 2003; Điều 131, Khoản 1 Điều 146 Luật bảo vệ môi trường 2014; Điểm b Khoản 1 Điều 6, Điều 8, Điểm b Khoản 4 Điều 32, Điểm d Khoản 1 Điều 43 Luật Tài nguyên nước năm 2010. Các thông tin không được công khai lĩnh vực tài nguyên và môi trường được quy định trong Quyết định số 21/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong lĩnh vực tài nguyên và môi

trường, Thông tư số 29/2013/TT-BCA ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Bộ Công an quy định Danh mục bí mật nhà nước độ mật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Phân tích những quy định liên quan đến quyền tiếp cận thông tin môi trường trong các văn bản pháp luật và dưới luật cho thấy, khung pháp lý hiện hành đã bao quát toàn diện những thông tin phải được công khai, và những thông tin không công khai. Tuy vậy vẫn tồn tại nhiều bất cập trong cơ chế, quy trình thực hiện.

Trước hết do tính chất riêng của thông tin về môi trường, Bộ Công an đã ban hành Thông tư quy định Danh mục bí mật nhà nước độ mật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Mặc dù quy định của Thông tư nhằm đảm bảo tính bí mật nhà nước về thông tin môi trường, tuy nhiên có thể thấy rằng, người dân sẽ rất khó để biết được tình hình, thông tin môi trường nếu nhà nước coi các thông tin đó là mật. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể dựa vào lý do tài liệu “chưa công bố” để hạn chế việc tiếp cận thông tin về môi trường của người dân.

Thứ hai đối với thông tin được miễn trừ, luật pháp chưa có quy định về việc xem xét “lợi ích công cộng” của việc các thông tin này được bảo mật hay công khai với yêu cầu là các cơ quan nhà nước và các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành Luật phải cân bằng lợi ích công này. Ý nghĩa của việc xem xét “lợi ích công cộng” là cho phép công bố thông tin miễn trừ nếu như lợi ích của việc công bố thông tin lớn hơn thiệt hại có thể gây ra do công bố thông tin. Điều này thường được sử dụng trong việc công bố thông tin tiết lộ hành vi sai phạm, tham nhũng, hoặc ngăn chặn các mối thiệt hại xảy ra đến với các cá nhân, hay môi trường. Ví dụ, cân nhắc giữa khả năng bị ảnh hưởng do cung cấp thông tin về môi trường đến chiến lược đầu tư hoặc kinh doanh của ngành sản xuất và mức độ nguy hại đến môi trường và cộng đồng

nếu các thông tin đó bị giấu đi. Quy định này hạn chế khả năng của các cơ quan Nhà nước lấy lý do các bí mật thương mại làm cơ sở từ chối việc cung cấp thông tin về môi trường.

Thứ ba, quy định về các loại thông tin phải công khai và hình thức công khai, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin này nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn và mất thời gian cho người người có nhu cầu tiếp cận thông tin trong việc xác định cơ quan cần tiếp cận để có loại thông tin cần thiết. Trong Luật Môi trường cũng như các nghị định có quy định về công khai thông tin môi trường, nhưng chưa quy định cụ thể những thông tin môi trường nào thì các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm công khai dưới các hình thức nào dẫn đến việc công khai thông tin từ phía cơ quan nhà nước còn hạn chế.

Quyền yêu cầu thông tin môi trường cũng không được quy định một cách rõ ràng trong văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù quy định về công khai thông tin môi trường đã giao trách nhiệm cho tổ chức trong việc công khai thông tin môi trường, nhưng không có quy định nào về đơn vị cũng như cán bộ chuyên trách có nhiệm vụ cung cấp thông tin; không quy định về thời gian cung cấp thông tin; chưa quy định về trình tự, thủ tục rõ ràng, thuận tiện bảo đảm cho công dân có quyền được tiếp cận với những thông tin mà họ yêu cầu.

Theo khung pháp lý hiện hành, hệ thống giám sát tiếp cận thông tin bao gồm nhiều tổ chức và cơ quan chức năng với nhiệm vụ không được quy định rõ ràng, hơn nữa không có cơ chế giám sát hay xử phạt sai phạm trong trường hợp cung cấp thông tin không đúng thời hạn, hoặc từ chối cung cấp thông tin bất hợp pháp. Chỉ có một số văn bản pháp lý quy định rõ việc không cung cấp thông tin là vi phạm pháp luật phải được xử lý (hình thức kỷ luật trong Luật Phòng chống tham nhũng). Quy định này thật sự cần thiết, bởi sự trì hoãn cung cấp thông tin nhiều khi đồng nghĩa với việc từ chối cung cấp thông tin

và nếu thông tin không được cung cấp nhanh chóng thì có nhiều khả năng gây thiệt hại đến lợi ích của công dân trong lĩnh vực môi trường việc cung cấp thông tin chậm trễ hoặc từ chối cung cấp thông tin làm tăng nguy cơ thiệt hại môi trường trên diện rộng.

Một phần của tài liệu Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 72)