Do đặc điểm ngành Bưu chính – Viễn thông có truyền thống lâu đời, mạng lưới trải rộng trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, cả những vùng xa xôi của đất nước nên NNL khá đông. Toàn VNPT có hơn chín vạn CBCNV.
Đội ngũ CBCNV phần lớn đều đã qua đào tạo, trình độ, nghiệp vụ chuyên môn tương đối cao mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển liên tục trong lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin.
Phần lớn CBCNV có thâm niên làm việc tương đối cao, tư tưởng gắn bó lâu dài với ngành. NNL có tuổi đời tương đối cao, có bề dày kinh nghiệm công tác.
Về cơ cấu, do VNPT là ngành kinh tế kỹ thuật nên NNL phần đông là nam, được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật.
Do VNPT là ngành dịch vụ, yêu cầu nhân sự cho việc bán hàng, giới thiệu dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ lắp đặt, sửa chữa dịch vụ…khá cao nên đội ngũ NNL trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh nhiều hơn đội ngũ gián tiếp làm công tác hành chính, quản lý.
Đội ngũ CBCNV đa phần đều có tinh thần, thái độ làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật trong công việc rất cao. Do tư tưởng làm việc ở một đơn vị nhà nước tại địa phương nên phần lớn mong muốn gắn bó lâu dài với DN.
Mặc dù NNL dồi dào nhưng có lúc, có nơi vẫn rơi vào tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thừa số lao động lớn tuổi, trình độ hạn chế, năng lực không đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển của ngành và thiếu đội ngũ trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Phân bổ nguồn lực trong nội bộ VNPT chưa hợp lý, có đơn vị số lượng NNL không cao nhưng doanh thu, lợi nhuận đem lại cho VNPT tương đối cao và ngược lại Đội ngũ CBCNV đa số chuyên sâu về kỹ thuật, kiến thức về kinh doanh, quản lý chưa được trang bị một cách bài bản. Bước vào thời kỳ cạnh tranh, yêu cầu NNL làm công tác quản lý, kinh doanh, chăm sóc khách hàng trở nên cần thiết trong khi mạng lưới, trang thiết bị qua thời gian dài đầu tư đã dần đi vào hoạt động ổn định, vì vậy, những năm gần đây, đội ngũ kỹ thuật dần được điều chuyển sang hỗ trợ làm công tác quản lý, kinh doanh và cũng được tập trung đào tạo thêm về lĩnh vực quản lý, kinh doanh.