II. Thực trạng hoạt động xuất khẩu than của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng
2. Tình hình xuất khẩu than của Tập đoàn Công nghiệp Than-
2.4. Giá than xuất khẩu
Giá than cũng là một trong những yếu tố làm nên sức cạnh tranh của than Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu. Giá than xuất khẩu được xác định
thông qua việc tính toán hợp lý chi phí sản xuất và dựa trên giá của thị trường thế giới. Các bên mua bán sẽ tiến hành đàm phán và chấp nhận giá trên cơ sở thương lượng đi đến thống nhất về mức giá chung. Giá chào bán cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường (cung cấp về than, giá cả, cước vận chuyển), cũng như khách hàng (khách hàng truyền thống hay khách hàng mới) và loại hợp đồng ký kết (spot hay yearly contract). Khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, mức giá được TKV áp dụng chủ yếu là giá FOB, một số rất nhỏ là giá CFR áp dụng đối với các tàu có trọng tải nhỏ. Nguyên nhân là do giá cước tàu cũng thường xuyên biến động, nếu bán giá CFR mà sử dụng các tàu HandyMax có trọng tải 20000 tấn trở lên và Panamax có trọng tải 40000 tấn trở lên thì rủi ro cho TKV là rất lớn.
Bảng 6 - So sánh giá than xuất khẩu và giá than nội địa bình quân: (Đơn vị: Nghìn đồng/tấn)
2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Giá than xuất
khẩu TB 386,4 387,5 395,7 482,2 641,7 555,4 580,2 Giá than nội
địa TB 276,0 284,8 301,0 329,4 380,8 395,8 402,1 Giá than xuất
khẩu/nội địa 140% 136% 131% 146% 169% 140% 144%
(Nguồn: Báo cáo tài chính hàng năm của TKV)
Từ bảng số liệu ta có thể thấy, giá xuất khẩu bình quân luôn cao hơn nhiều so với giá than bình quân bán trên thị trường nội địa trong cả giai đoạn 2001 - 2007. Giá than xuất khẩu bình quân cũng tăng lên liên tục từ năm 2001 đến 2005. Đặc biệt, giá than đạt mức cao kỷ lục vào năm 2005 với giá bán đạt 641,7 nghìn đồng/tấn, tức là tăng 33% so với năm 2004 trong khi giá bán than bình quân trong nước trong năm này chỉ tăng 12% so với năm trước đó. Nguyên nhân dẫn đến giá than tăng mạnh vào năm 2005 là do trong năm này
nhu cầu than trên thế giới tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp, nhất là ngành thép và điện lực. Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích năng lượng thế giới, trước tình hình giá dầu thô và khí đốt cũng liên tục tăng cao buộc các quốc gia phải tìm đến nguồn năng lượng rẻ hơn là than đá. Chính nhờ nhu cầu về than đá tăng mạnh đã góp phần làm giá than trên thế giới tăng rất cao và có ảnh hưởng không nhỏ đến giá than xuất khẩu của Việt Nam. Một nguyên nhân khác là Trung Quốc – quốc gia sản xuất và tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới chuyển từ nước xuất khẩu ròng sang nhập khẩu ròng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở trong nước. Chính sách thắt chặt xuất khẩu của Trung Quốc đã dẫn đến thiếu hụt nguồn năng lượng để cung cấp cho các nhà sử dụng trên thế giới. Nhờ đó, năm 2005 tiêu thụ than Việt Nam vào thị trường thế giới tăng tăng mạnh. Tính riêng than cung cấp vào thị trường Nhật Bản và Tây Âu cho các nhà sản xuất thép đã đạt mức tăng giá trung bình từ 2 – 2,2 lần so với giá năm 2004.
Theo đà tăng trưởng trên, sang đến năm 2006 và 2007, giá than xuất vẫn tiếp tục tăng. Một lý do quan trọng đó là cơn sốt dầu mỏ không những không hạ nhiệt mà còn liên tục tăng cao. Trong hai năm này, giá dầu mỏ liên tục đạt những mức kỷ lục mới khiến cho các nhà sản xuất buộc phải tìm đến nguồn nhiên liệu rẻ hơn, trong đó than đá là giải pháp có hiệu quả nhất. Trong những năm này, mặc dù giá than nội địa có tăng nhưng giá than xuất khẩu bình quân của Việt Nam vẫn cao hơn giá bán than trong nội địa, gấp 1,4 lần năm 2006 và gấp 1,44 lần năm 2007.
Nhu cầu về than trên thị trường thế giới vẫn tăng mạnh trong năm 2008, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, giá xuất khẩu than sẽ tăng khoảng 30% trong năm 2008.
Dự báo trong những năm tiếp theo, nhu cầu sử dụng than đá tăng sẽ đẩy giá than tiếp tục tăng. Cũng theo các nhà phân tích năng lượng, giá than đá
châu Á có thể sẽ tăng 42% trong 5 năm tới. Giá hợp đồng than hàng năm tại châu Á dự kiến có thể vượt mức kỷ lục 55,5 USD/tấn năm 2007 lên tới 58 USD/tấn vào năm 2008 và 59,5USD/tấn vào năm 2009 và sẽ còn tiếp tục tăng.