LÝ CÁC HÀNH VI CƯỚP TÀI SẢN, TRỘM CẮP TÀI SẢN, CƯỚP GIẬT TÀI SẢN
Vụ việc số 1
Đoàn Văn T là công nhân làm việc tại Công ty IK V (Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) đóng tại khu chế xuất Tân An, huyện A, tỉnh B. Do biết được sự sơ hở trong việc quản lý sản phẩm của Công ty nên T đã bàn với Nguyễn Văn V, Tạ Minh G lấy sản phẩm của công ty đưa ra ngoài cho V, G mang đi tiêu thụ lấy tiền tiêu xài và được cả bọn đồng ý.
Khoảng 11h00 ngày 21/8/2010, lợi dụng lúc công nhân của Công ty đi ăn cơm trưa, Đoàn Văn T đã lẻn vào bộ phận mài 3 của Công ty lấy một số sản phẩm là muỗng Inox bỏ lên xe đẩy rồi đẩy đến kho hàng đang bỏ trống của Công ty. Đến kho, T dùng thang bắc lên cửa kính trên vách tường của công ty. T đã lấy sẵn 02 chiếc bao tải nhỏ rồi đổ hết số muỗng lấy được vào 2 bao này, sau đó lần lượt đỡ lên vai leo thang quăng qua cửa kính ra bên ngoài cho Nguyễn Văn V và Tạ Minh G đang chờ sẵn chở đi tiêu thụ. G, V mỗi người vác 1 bao. Khi G và V mang số tài sản trên ra đến cổng sau khu chế xuất thì bị 2 anh Q, Y (là bảo vệ khu chế xuất Tân An) phát
hiện đuổi bắt. Do bị áp sát, G, V quay lại chống trả. G để bao tải xuống đất quay lại đánh tới tấp vào anh Y khiến anh Y mất đà ngã xuống đất, sau đó G vác bao tải bỏ chạy. Thấy không thể chống đỡ được anh Q, V bỏ lại bao tải chạy ra ngoài đường. Nghe tiếng hô của 2 bảo vệ, các công nhân đã kịp thời đuổi theo và bắt giữ được G, V.
Qua thu giữ xác định số tài sản gồm 2.036 cái muỗng Inox là sản phẩm của Công ty IK V dùng để xuất khẩu. Theo lời khai của đại diện Công ty IK V thì giá thành lao động khoảng 0,8 tới 0,9 USD/cái, trị giá thành tiền khoảng 28.000 đồng/1 cái. Toàn bộ số tài sản này được trao trả cho công ty IK V.
Ngày 24/8/2010, Cơ quan điều tra Công an huyện A ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Tạ Minh G và Nguyễn Văn V. Qua lời khai của G, V, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Đoàn Văn T.
Công an huyện A đã ra lệnh tạm giam T, G, V 3 tháng kể từ ngày 24/8/2010.
Tại cơ quan điều tra:
- G khai: khi đang chống trả với 2 bảo vệ, thấy có thể thoát ra được, V hét lớn bảo tôi cố mang bao tải to đang để dưới đất ra ngoài trước, còn bao nhỏ mất cũng không sao. Do đó, tôi mới dùng hết sức mình đánh người bảo vệ ngã rồi vác đồ bỏ chạy.
- V khai: tôi cam đoan không hề có việc tôi bảo G mang đồ bỏ chạy trước, lúc đó tôi chỉ cố thoát thân mà thôi nên bảo G "chạy nhanh lên".
Bình luận
Trường hợp 1
Nếu lời khai của V tại cơ quan điều tra là chính xác thì: * Hành vi của T, V chỉ cấu thành tội “trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 138 BLHS, vì:
- T, V, G chỉ bàn bạc về việc lén lút lấy sản phẩm của Công ty IK V mang đi tiêu thụ để lấy tiền tiêu xài.
- Khi bị bảo vệ Công ty IK V phát hiện, V chỉ chống trả nhằm tẩu thoát.
* Hành vi của G là hành vi dùng vũ lực tấn công bảo vệ Công ty IK Vinna nhằm chiếm đoạt cho được tài sản nên đủ yếu tố cấu thành tội “cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS vì;
- Việc G tấn công anh Y để giữ bằng được tài sản là hành vi vượt quá của người đồng phạm, không nằm trong kế hoạch bàn bạc chung. V không bàn bạc thống nhất với G tấn công anh Q, anh Y để giữ cho được tài sản. Chỉ có hành vi này của G đủ yếu tố cấu thành tội “cướp tài sản” nên V không phải chịu trách nhiệm về sự vượt quá này.
Như vậy, hành vi của T, V chỉ đủ yếu tố cấu thành tội “trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự. Điều luật của BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 tham chiếu:
“Điều 20. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”
“Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới 02
triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức; ….”
Hành vi của G đủ yếu tố cấu thành tội “cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS. Điều luật của BLHS tham chiếu:
“Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức; …..”
Trường hợp 2:
Nếu lời khai của G tại cơ quan điều tra là chính xác thì: * Hành vi của T chỉ cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS vì:
- T đã có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của Công ty IK V mang đi tiêu thụ để lấy tiền tiêu xài.
- Hành vi này được thực hiện theo sự thỏa thuận, bàn bạc ban đầu với 02 đối tượng Nguyễn Văn V và Tạ Minh G. T sẽ lợi dụng sự sơ hở trong việc quản lý sản phẩm của Công ty IK V để lấy sản phẩm của Công ty đưa ra ngoài cho V, G mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên, hành vi của V và G sẽ không bị xem xét, truy cứu trach nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS vì hành vi của họ có những điểm vượt quá so với thỏa thuận ban đầu.
* Hành vi của V, G sẽ cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS, vì:
- Khi G và V mang số tài sản chiếm đoạt được ra đến cổng sau khu chế xuất thì bị 2 anh Q, Y (là bảo vệ khu chế xuất Tân An) phát hiện đuổi bắt. Do bị áp sát, G, V quay lại chống trả. G để bao tải xuống đất quay lại đánh tới tấp vào anh Y khiến anh Y mất đà ngã xuống đất, sau đó G vác bao tải bỏ chạy. Hành vi đánh anh Y của G không phải là hành vi chống trả để tẩu thoát mà thực chất nhằm mục đích giữ bằng
được tài sản đã chiếm đoạt được. Đây chính là hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt bằng được tài sản. G đã thực hiện hành vi theo yêu cầu của V (tiếp nhận mục đích giữ bằng được tài sản của V).
- V chính là người đã hét lớn bảo G cố mang bao tải to đang để dưới đất ra ngoài trước, còn bao nhỏ mất cũng không sao. Lời nói của V đã thúc đẩy G thực hiện việc chống trả một cách quyết liệt. Do đó, G mới dùng hết sức mình đánh người bảo vệ ngã rồi vác đồ bỏ chạy. Hành vi này không nằm trong thỏa thuận ban đầu với T.
- Hành vi của V và G là hành vi vượt quá của người đồng phạm nên chỉ G, V phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của mình. Đây là biểu hiện của trường hợp đồng phạm giản đơn (V và G tiếp nhận mục đích phạm tội của nhau).
Như vậy, trong trường hợp này, T sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 138 BLHS; V, G chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 133 BLHS.
Vụ việc số 2
Trần Văn Tr (sinh ngày 01/4/1990) và Trần Văn Th (sinh ngày 20/8/1994), cùng trú tại xã D, huyện B và là anh em con chú con bác. Trưa ngày 15/7/2010, Tr rủ Th tìm cách lấy xe máy của người khác để làm phương tiện đi lại hoặc
bán lấy tiền tiêu, Th đồng ý. Tr bảo Th mượn xe máy (hiệu Supper Halim biển số 100U1-5256) của mẹ Th là bà Phạm Kiều Anh để thuận tiện cho việc thực hiện kế hoạch. Tr đưa Th một biển số giả 100L1-3672 gắn vào xe, còn biển số thật cất tại nhà trọ của Tr. Tr đưa 10.000 đồng cho Th ra chợ Bình Y mua tiêu xay và ớt xay. Khi Th mua về, Tr đem tiêu, ớt pha với nước lã cho vào chai nhựa (loại chai nước suối 0,5 lít), còn lại một ít tiêu xay Tr bỏ vào bao thuốc lá hiệu Texas. Th chuẩn bị 01 con dao dài 20 cm (loại dao dùng rọc giấy), 01 khúc gỗ tròn dài 40 cm, đường kính 3,5 cm.
Khoảng 22h30 cùng ngày, Tr bảo Th điều khiển xe chở Tr. Th giấu dao trong người, khúc gỗ để ở ba-ga xe. Tr đem theo một ca nhựa (loại ca dùng uống nước) cùng chai nước đã pha tiêu và ớt xay. Khi đến đoạn đường vắng, phát hiện người điều khiển xe máy đi một mình, cả hai thống nhất Th sẽ điều khiển xe chạy áp sát xe người đi đường, Tr sẽ đổ nước có pha tiêu và ớt xay vào ca nhựa rồi tạt vào mặt làm họ cay mặt, mất phương hướng mà ngã xuống đường. Th sẽ lấy xe bỏ chạy. Nếu người này chống cự thì Th dùng dao và Tr dùng khúc gỗ để tấn công, khống chế để cướp xe máy, lấy được xe thì cả hai quay về nhà trọ của Tr.
Khoảng 23h30 cùng ngày, khi Tr và Th đang chạy xe trên đường Lê Lợi, hướng từ Lê Lợi về Trần Hưng Đạo, đến khu vực xã A, huyện B thì bị lực lượng tuần tra của công an
xã A, huyện B phát hiện xe gắn biển số giả. Công an xã đã yêu cầu Th dừng xe lại để kiểm tra giấy tờ xe. Trong quá trình kiểm tra, các đồng chí công an đã phát hiện những công cụ mà cả hai chuẩn bị nên đưa về công an xã lập hồ sơ.
Sau khi tiến hành điều tra ban đầu, ngày 17/7/2010, cơ quan điều tra công an huyện B ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Tr và Trần Văn Th. Ngày 18/7/2010, cơ quan điều tra công an huyện B ra lệnh tạm giam Tr, Th 04 tháng.
VKSND huyện B ra bản cáo trạng truy tố Trần Văn Tr và Trần Văn Th về tội “cướp tài sản” theo quy định tại điểm a, d khoản 2 Điều 133 BLHS (với tình tiết tăng nặng định khung “có tổ chức”, “có tính chất chuyên nghiệp”) và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện B. Đồng tình với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện B, ngày 05/01/2011, Tòa án nhân dân huyện B ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Ngày 25/01/2011, Tòa án nhân dân huyện B mở phiên toà xét xử sơ thẩm đối với Trần Văn Tr và Trần Văn Th. Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát cho rằng việc Tr và Th chuẩn bị kỹ lưỡng công cụ, phương tiện phạm tội, bàn tính, dự liệu tình huống xảy ra cũng như phương án xử lý cho thấy các bị cáo rất chuyên nghiệp. Do đó, Hội đồng xét xử cần áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “có tính chất chuyên nghiệp”.
Bình luận
Với nội dung vụ việc nêu trên, không ít người cho rằng, Tr và Th không phạm tội vì họ chưa sử dụng vũ lực với bất kỳ ai để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cách hiểu này không chính xác vì những việc mà Tr, Th đã thực hiện trước khi bị công an phát giác đã thể hiện rõ nét biểu hiện của hành vi phạm tội được quy định tại điểm a, d khoản 2 Điều 133 BLHS. Bởi lẽ:
- Trần Văn Tr và Trần Văn Th đã cùng nhau bàn bạc, chuẩn bị hung khí, chuẩn bị phương tiện và đang trên đường tìm kiếm người có tài sản để khống chế nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Hành vi của Tr, Th thể hiện sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là biểu hiện của trường hợp phạm tội có tổ chức (là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 133 BLHS).
- Việc Tr, Th sử dụng xe máy làm phương tiện phạm tội chính là sử dụng phương tiện nguy hiểm để phạm tội. Tình tiết này được quy định là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS.
- Tr là người chủ động bàn bạc và hướng dẫn phương thức hành động cho Th. Th là người chưa thành niên (chưa đủ 16 tuổi) bị Tr xúi giục cùng thực hiện tội phạm.
- Hành vi của Tr và Th tuy chưa trực tiếp dùng vũ lực đe dọa người có tài sản, nhưng họ đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện hành vi cướp tài sản là tội rất nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và sự bất khả xâm phạm đến tài sản hợp pháp của công dân.
- Hành vi của Th và Tr ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội cướp tài sản là tội rất nghiêm trọng nên họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện.
Như vậy, hành vi của Trần Văn Tr và Trần Văn Th đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS. Điều luật của BLHS áp dụng:
“Điều 17. Chuẩn bị phạm tội
Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm.
Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện.”
“Điều 20. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”
“Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.