Thời hiệu xử phạt được xác định như thế nào?

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU CÁC TRANH CHẤP TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC PHÁP LUẬT (Trang 57)

V. BÌNH LUẬN MỘT SỐ TÌNH HUỐNG VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ MÔI TRƯỜNG,

4. Thời hiệu xử phạt được xác định như thế nào?

Vào thời điểm hiện nay, hành vi đó phải bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hiệu được quy định tại Điều 10 Pháp lệnh XLVPHC và Điều 5 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh XLVPHC quy định:

“Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm kể từ ngày hành vi hành chính được thực hiện. Đối với các lĩnh vực… môi trường… thì thời hiệu là 2 năm.”

Điều 5 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP quy định:

“Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; nếu quá thời hạn trên thì không xử phạt, nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

2. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo

quy định tại Nghị định này thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức có vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên được tính lại, kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc kể từ thời điểm chấm dứt hành vi cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

4. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nếu quá một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.

Vụ việc số 2

Dọc theo tuyến quốc lộ số 6, bắt đầu từ địa phận huyện CM lên đến thị trấn XM, thỉnh thoảng lại bắt gặp một đống rác lớn ở ven đường, giáp khu dân cư. Mùi hôi thối từ đống

rác bốc lên nồng nặc. Không chỉ có vậy, nước rỉ từ những đống rác ấy còn chảy lênh láng khắp nơi, gây ô nhiễm nguồn nước cho toàn bộ khu vực xung quanh. Lượng rác tập trung lớn nhất tại thị trấn TS và thị trấn XM, gây bức xúc lớn cho dân cư hai thị trấn này. Người dân sống quanh khu vực những đống rác này đều khẳng định, đó là rác do Công ty môi trường đô thị XM, có trụ sở ngay tại thị trấn đã chở bằng xe ô tô đem về tập kết ở đó từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2009.

Tại buổi làm việc của phóng viên báo Lao động với Uỷ ban nhân dân huyện CM gồm đại diện Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện, chuyên viên Phòng Tài nguyên môi trường huyện với sự có mặt của Giám đốc Công ty môi trường đô thị XM, Uỷ ban nhân dân huyện CM cho biết: Toàn bộ số rác tồn đọng tại thị trấn XM và thị trấn TS là do Công ty môi trường đô thị XM đem về tập kết tại đó từ tháng 8/2008. Hiện số rác đó ước tính khoảng 6.000 tấn tồn đọng từ tháng 8/2008 đến nay. Còn theo Công an huyện Chương Mỹ, lượng rác do Công ty môi trường đô thị XM tập kết và tồn đọng cho đến nay là khoảng hơn 10.000 tấn. Lượng rác này là nguồn gây ô nhiễm và là nguồn bệnh rất nguy hiểm cho toàn bộ cư dân sống quanh khu vực.

Bình luận

Một Công ty môi trường được thành lập ra để thực hiện trách nhiệm làm sạch môi trường, nhưng Công ty môi trường đô thị XM đã không bằng mọi cách làm sạch môi trường, mà

còn chở rác về tập kết tại những khu đông dân cư làm ô nhiễm môi trường ở nơi đây. Vào thời điểm năm 2008, hành vi vi phạm của Công ty đã được quy định tại Điều 15 Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 15. Vi phạm các quy định về quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải, các chất gây ô nhiễm môi trường không theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này gây ô nhiễm môi trường.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại hoặc có chứa chất phóng xạ không đúng quy định về bảo vệ môi trường.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại đối với trường hợp phải lập hồ sơ, đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối

với hành vi quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường quá mức cho phép.

7. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước Giấy phép môi trường từ chín mươi ngày làm việc đến một trăm tám mươi ngày làm việc đối với các vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

Tước Giấy phép môi trường không thời hạn đối với các vi phạm tại các khoản 3, 4 và khoản 5 Điều này;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này gây ra.

Mặc dù có thể hậu quả của hành vi này là rất lớn đối với môi trường, song mức phạt lại bị ràng buộc bởi quy định của pháp luật nên tính răn đe không cao. Trong tình huống này, hành vi của Công ty có thể xác định theo khoản 2 Điều 15 Nghị định số 81/2006/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 02 triệu đến 05 triệu đồng. Ngoài hình thức phạt tiền, Công ty có thể bị tước Giấy phép môi trường từ chín mươi ngày làm việc đến một trăm tám mươi ngày làm việc và buộc thực hiện các biện

pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.

Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND cấp huyện, căn cứ mức phạt được quy định đối với hành vi vi phạm của Công ty môi trường đô thị XM là quy định tại Điều 15 trên.

Vụ việc số 3

Ngày 23/11/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ĐN công bố quyết định tạm đình chỉ hoạt động Công ty TNHH AB Việt Nam của UBND tỉnh ĐN, được coi là động thái “mạnh tay” của chính quyền với Công ty TNHH AB Việt Nam do có nhiều năm xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Quyết định tạm đình chỉ hoạt động đốivới công ty TNHH AB Việt Nam (đóng tại xã La Ngà, huyện Định Quán) được công bố trong bối cảnh đã 25 ngày (tính từ đầu tháng 11/2011) hàng chục người dân xã La Ngà đã tổ chức chặn xe 24/24 giờ không cho Công ty hoạt động, do quá bức xúc với tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng không có hướng khắc phục…

Trong quyết định tạm đình chỉ hoạt động Công ty TNHH AB Việt Nam của UBND tỉnh ĐN nêu rõ “... trong quá trình sản xuất các loại men thực phẩm và chất phụ gia làm bánh mì, Công ty TNHH AB Việt Nam liên tục gây ô nhiễm môi trường kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân

trong khu vực. Trong thời gian dài, công ty đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có một lần bị tạm ngưng hoạt động.

Mặc dù là cơ sở nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp khắc phục xử lý môi trường, gây bức xúc dư luận xã hội”.

Theo quyết định này: “UBND tỉnh quyết định áp dụng hình thức tạm thời đình chỉ hoạt động đối với công ty TNHH AB Việt Nam cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường. Công ty TNHH AB Việt Nam phải tiến hành xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải; nhanh chóng xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý lò hơi, đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường theo quy định trước khi thải ra môi trường; thực hiện ngay các biện pháp xử lý triệt để mùi hôi phát sinh.

Chậm nhất đến 31/01/2012, nếu công ty không khắc phục đầy đủ tình hình ô nhiễm môi trường theo những yêu cầu nêu trên thì buộc phải di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong vòng 10 ngày, tính từ ngày quyết định có hiệu lực, nếu công ty không chấp hành, sẽ bị cưỡng chế thi hành”.

Sau khi trao quyết định cho Công ty TNHH AB Việt Nam, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường đã tiến hành

niêm phong nhà máy.

Bình luận

Hành vi vi phạm của Công ty TNHH AB Việt Nam là hành vi mang tính chất tái phạm. Trước khi bị tạm đình chỉ theo Quyết định ngày 23/11/2011 của UBND tỉnh ĐN, Công ty đã nhiều lần vi phạm và nhiều lần bị xử phạt hành chính.

Việc áp dụng hình thức xử lý như trên có thật sự thuyết phục và có tác dụng?

Trong vụ việc trên, Công ty này đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: xả nước thải, chất thải không đạt tiêu chuẩn, không đảm bảo công trình xử lý môi trường…

Như vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP, khi Công ty thực hiện hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường được quy định trong Nghị định thì phải bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định này. Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệmôi trường cần thiết chỉ là một trong các hình thức xử lý cùng với quyết định xử phạt chứ không thay thế cho hình thức xử phạt hành chính.

Vụ việc số 4

Ông M.J được Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho phép nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 18/3/2011 đến ngày 12/4/2011. Hết hạn visa, ông muốn ở lại thêm để tìm đối tác làm ăn lâu dài tại thành phố H. Qua giới thiệu, Công ty A đã nhận làm thủ tục bảo lãnh cho ông M.J.

Ngày 16/5/2011, Công ty A có đơn bảo lãnh cho ông M.J được gia hạn visa từ ngày 20/5/2011 đến ngày 20/7/2011 và đã được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố H đồng ý. Khi gần hết hạn gia hạn visa, ông M.J đề nghị với Công ty được tự mua vé máy bay xuất cảnh về nước nhưng sau đó lại tự ý ở lại Việt Nam quá thời hạn cho phép.

Ngày 21/7/2011, sau khi phát hiện ông M.J chưa xuất cảnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thông báo cho Công ty biết. Sau khi được thông báo của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công ty đã làm các thủ tục và mua vé máy bay cho ông M.J về nước vào ngày 31/8/2011.

Bình luận

1. Những đối tượng nào có hành vi vi phạm và có thể bị xử phạt hành chính trong tình huống trên?

Trong tình huống trên, có hai chủ thể thực hiện hành vi vi phạm các quy định về trật tự, an toàn xã hội quy định tại Nghị

định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội là ông M.J và Công ty A.

Ông M.J đã ở lại Việt Nam sau khi visa hết hạn cho đến khi được nhận bảo lãnh trên 30 ngày. Ông M.J là cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều 20 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP: “e) Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 16 ngày trở lên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.

Công ty A là tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 Điều 20 Nghị định số 73/2010/NĐ- CP: “Cá nhân, tổ chức ở Việt Nam bảo lãnh… cho người nước ngoài… gia hạn tạm trú nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật…”.

Cũng căn cứ điều luật trên của Nghị định số 73/2010/NĐ- CP, cả hai đối tượng này đều có thể bị xử phạt hành chính theo quy định.

2. Hình thức phạt, mức phạt có thể áp dụng trong trường hợp này?

Với các hành vi vi phạm trên, ông M.J có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; tịch thu hộ chiếu theo quy định tại khoản 3 và 7 Điều 20 Nghị định số 73/2010/NĐ-

CP; Công ty A có thể bị “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng” theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP.

Điều 20. Hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú và đi lại

………..

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

………

e) Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 16 ngày trở lên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

……….

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

……….

c) Cá nhân, tổ chức ở Việt Nam bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật hoặc khai không đúng sự thật khi bảo lãnh, mời hoặc làm thủ tục cho

người nước ngoài nhập cảnh, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú;

Vụ việc số 5

Do Nguyễn Văn A vượt đèn đỏ, vi phạm trật tự an toàn giao thông, nên cảnh sát giao thông đã yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ. Khi A mở cốp xe lấy giấy tờ xuất trình, chiến sĩ cảnh sát giao thông phát hiện trong cốp xe máy của A có chứa mã tấu, dao găm và một số hung khí nguy hiểm khác. A khai là do anh họ nhờ chuyển giúp cho một người bạn chứ không phải là của mình. Để không bị xử lý, A đã đưa cho chiến sĩ cảnh sát 500.000 đồng.

Việc làm của A có vi phạm pháp luật không?

Bình luận

Trong tình huống này, Nguyễn Văn A đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm. Ngoài hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông, Nguyễn Văn A còn thực hiện 2 hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU CÁC TRANH CHẤP TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC PHÁP LUẬT (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w