VI. BÌNH LUẬN MỘT SỐ VỤ VIỆC VỀ KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠ
2. Người bị khiếu nại trong trường hợp trên là ai?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Khiếu nại năm 2011: “Người bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị
khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại”, thì trong trường hợp trên, do đối tượng khiếu nại chỉ có thể là quyết định xử phạt nên người bị khiếu nại là Trưởng Công an quận C, thành phố H, người ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Vụ việc số 2
Căn nhà số 1 đường H, phường 3, quận 8 do bà Nguyễn Thị Th nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị V từ năm 1997. Bà Th và gia đình bà ở ổn định từ đó đến nay. Trong quá trình sử dụng, bà có kê khai đăng ký nhà đất năm 1999. Ngày 05/02/2011, bà làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với căn nhà số 1 Hưng Phú, phường 3, quận 8 của bà vớ diện tích là 218,8m2 tại Ủy ban nhân dân quận 8 theo biên nhận hồ sơ số 1759 ngày 27/02/2011 nhưng quá thời hạn pháp luật quy định, yêu cầu của bà vẫn chưa được giải quyết.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bà Th, vụ việc trên có thể giải quyết theo phương thức nào?
Bình luận
Trong tình huống trên, xuất hiện hành vi hành chính không cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở cho công dân của Uỷ ban nhân dân quận 8.
Vào thời điểm của sự việc, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp bà Th có thể khiếu nại.
Theo khoản 1, 2 Điều 2 Luật Khiếu nại, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.
Trường hợp này, người khiếu nại là công dân, đối tượng khiếu nại là hành vi hành chính, người bị khiếu nại là Uỷ ban nhân dân quận 8.
Để khiếu nại được chấp nhận xem xét, khiếu nại của bà Th phải đảm bảo đủ các điều kiện:
Thứ nhất, bà Th có quyền khiếu nại. Cụ thể là có căn cứ cho rằng hành vi trên là trái pháp luật, xâm hại đến lợi ích hợp pháp của bà. Để trực tiếp thực hiện quyền khiếu nại, bà phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Nếu bà Th là người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của bà thực hiện việc khiếu nại.
Trường hợp bà Th ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.
Thứ hai, việc khiếu nại phải trong thời hiệu khiếu nại được Luật Khiếu nại quy định. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được hành vi hành chính. Nếu khiếu nại lần hai, thì thời hiệu là 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định đó (với vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày).
Thứ ba, phải khiếu nại đúng chủ thể có thẩm quyền giải quyết. Trong tình huống này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận 8. Nếu bà Th khiếu nại lần hai thì người có thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Thứ tư, phải thực hiện đúng thủ tục khiếu nại. Để thực hiện việc khiếu nại, bà Th cần làm đơn khiếu nại theo đúng quy định về hình thức và nội dung, gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc khiếu nại trực tiếp trong thời hiệu luật định.
Nếu bà Th khiếu nại bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do bà Th - người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
Nếu bà Th đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại sẽ hướng dẫn bà Th viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu bà Th ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định trên.
Thứ năm, không thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết sau:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
- Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại; - Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
- Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
- Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; - Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
- Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
Vụ việc số 3
Ngày 15/11/2010, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận A ký Quyết định số 1991/2010/QĐ-UB phê duyệt phương án tái định cư cho 23 chủ sử dụng nhà, đất xây dựng nhà và đang ở thường xuyên trên đất nông nghiệp trong phạm vi đất thu hồi
để Giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kinh tế khu tái định cư tại phường B, quận A. Theo nội dung của quyết định nêu trên (kèm theo Phương án tái định cư) thì gia đình ông Vũ Văn Th cùng 22 hộ gia đình khác được phê duyệt cấp cho 40m2/ hộ gia đình (trị giá 40 m2 x 3.272.000đ/m2 = 157.056.000 đồng) để tái định cư.
Theo các hộ dân, nội dung Quyết định số 1991/2010/QĐ- UB phê duyệt Phương án tái định cư nêu trên không phù hợp với Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Quyết định số 26/2010/QĐ-UB ngày 18/02/2010 của Uỷ ban nhân dân Th phố H về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cụ thể là đã có sai sót về cách tính hạn mức cấp đất tái định cư, vì thế gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của các hộ gia đình có liên quan.
Các hộ dân cùng nhau gửi một đơn khiếu nại đến Uỷ ban nhân dân quận A, yêu cầu huỷ Quyết định số 1991/2010/QĐ-UB.
Bình luận
Trong tình huống trên, quyết định phê duyệt phương án đền bù, tái định cư là một quyết định hành chính. Những hộ dân được nêu tên trong quyết định đó là những đối tượng chịu tác động trực tiếp và họ cho rằng quyền lợi bị xâm hại. Vì vậy, các hộ dân đó có quyền khiếu nại.
Tuy nhiên, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2002, sửa đổi bổ sung năm 2005 quy định không chấp nhận giải quyết khiếu nại đông người. Thêm nữa, chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận A chứ không phải là Uỷ ban nhân dân quận A. Vì vậy, trong điều kiện Luật khiếu nại, tố cáo còn hiệu lực, việc các hộ dân cùng nhau gửi một đơn khiếu nại Quyết định số 1991/2010/QĐ-UB đến Uỷ ban nhân dân quận A trong trường hợp trên là không hợp pháp.
Nếu vụ việc tương tự xảy ra sau ngày 01/7/2012 (khi Luật Khiếu nại năm 2011 có hiệu lực) thì việc khiếu nại như trên được coi là hợp pháp nếu nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và thủ tục khiếu nại phải thực hiện như sau:
- Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp, những người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ các nội dung theo quy định.
- Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung như đã hướng dẫn ở tình huống của vụ việc số 2, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.
Vụ việc số 4
Một viên chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc. Nếu không đồng ý với quyết định kỷ luật đó, viên chức đó có thể dựa trên cơ sở pháp lý nào để thực hiện việc khiếu nại? Khi khiếu nại, viên chức đó có thể đưa ra những yêu cầu nào?
Bình luận