Trụ cột 1: Yêu cầu về vốn tối thiểu
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I. Tuy nhiên, rủi ro được tính toán theo ba yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt: rủi ro tín dụng, rủi ro tác nghiệp (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường. So với Basel I, cách tính chi phí vốn đối với rủi ro tín dụng có sự sửa đổi lớn, đối với rủi ro thị trường có sự thay đổi nhỏ, nhưng hoàn toàn là phiên bản mới đối với rủi ro tác nghiệp. Trọng số rủi ro của Basel II bao gồm nhiều mức (từ 0% - 150% hoặc hơn) và rất nhạy cảm với xếp hạng.
Trụ cột 2: Giám sát
Các ngân hàng cần phải đánh giá một cách đúng đắn về những loại rủi ro mà họ phải đang đối mặt và đảm bảo rằng những giám sát viên sẽ có thể đánh giá được tính đầy đủ của những biện pháp đánh giá này. Ngoài ra, trụ cột 2 còn liên quan tới việc hoạch định chính sách ngân hàng, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những công cụ tốt hơn so với Basel I. Trụ cột này cũng cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt, gồm rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro pháp lý, rủi ro thanh khoản.
Trụ cột 3: Kỷ luật thị trường
Các ngân hàng cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Với trụ cột này, Basel II đưa ra một danh sách các yêu cầu buộc các ngân hàng phải công khai thông tin, từ những thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro tác nghiệp và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.
Hạn chế của Basel II
Qua các thay đổi của Basel, các ngân hàng càng được yêu cầu hoạt động một cách minh bạch hơn, đảm bảo vốn phòng ngừa cho nhiều loại rủi ro hơn, do vậy hy vọng sẽ giảm thiểu được rủi ro. Tuy nhiên, dù được coi là một cơ chế quan trọng để tăng cường cải cách và củng cố toàn bộ công tác điều hành trong lĩnh vực tài chính,
nhưng cuộc khủng hoảng tài chỉnh hiện tại đã cho thấy những thiếu sót, bất cập của Basel II.
Thứ nhất, việc áp dụng các phưuơng pháp quản trị rủi ro tiên tiến chưa có các tiêu chuẩn có thể được chấp nhận rộng rãi.
Thứ hai, các phương pháp giám sát, đánh giá rủi ro chưa tính đến các hoạt động của chu kỳ kinh doanh.
Thứ ba, các cơ quan quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển mạnh mẽ những sản phẩm dịch vụ có khoa học công nghệ cũng như mức độ rủi ro cao.