Trong công tác nghiên cứu khoa học, sự hợp tác giữa Công ty FECON và Khoa Địa chất, trường ĐH Mỏ Địa chất tập trung vào những nội dung cụ thể như sau:
a) Hợp tác nghiên cứu các đề tài khoa học
Hai bên cùng ký văn bản tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học do Khoa Địa chất và Công ty FECON đăng ký và triển khai hàng năm, gồm các đề tài cấp trường hoặc viện, cấp Bộ, cấp nhà nước, độc lập... trong đó có các đề tài khoa học về địa chất vùng Hà Nội và đồng bằng ven biển và hướng tới việc áp dụng các công nghệ nền móng tiên tiến trong lĩnh vực thi công xây dựng mà công ty FECON đang làm chủ. Hai bên ký văn bản hợp tác trong đó quy định Khoa Địa chất gửi cho công ty FECON danh sách các đề tài nghiên cứu mà Khoa dự định thực hiện để công ty FECON có thể xem xét, bổ sung ý kiến và lựa chọn trong số đó những đề tài mà FECON có thể tham gia cùng nghiên cứu hoặc hỗ trợ kinh phí, etc,. Công ty FECON cũng sẽ gửi cho Khoa Địa chất danh sách đề xuất các đề tài mà FECON quan tâm và muốn Khoa Địa chất tiến hành nghiên cứu riêng cho FECON hoặc cùng hợp tác nghiên cứu với FECON. Trên cở sở danh sách đề tài của Khoa Địa chất và định hướng đề tài của FECON, hai bên sẽ cùng tổ chức họp muộn nhất 2 tuần sau khi có danh mục đề xuất để thống nhất lựa chọn các đề tài nghiên cứu của năm.
Thực trạng công tác này cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Lý do được Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và đào tạo - Viện Nền móng và Công trình ngầm phân tích chỉ ra là do Nhà nước chưa có quy định về cơ chế phối hợp, quyền lợi và trách nhiệm trong việc liên kết giữa trường và DN làm nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, Công ty FECON là DN hoạt động sản xuất, do đó, các công tác nghiên cứu của DN cũng khác với của Trường, dẫn tới sự chủ động trong liên kết làm nghiên cứu khoa học của cả 2 bên đều thiếu. Mặt khác, hoạt động nghiên cứu khoa học là hoạt động mang tính không ép buộc, là thành tựu của kết quả nghiên cứu tâm huyết và nhu cầu mong muốn giải đáp vấn đề nào đó của chính người làm, do đó, hiện trạng không có sự liên kết về mảng nghiên cứu khoa học, đồng thời không có sự phản hồi về nhu cầu
mong muốn hợp tác của 2 bên cho thấy nhu cầu trong vấn đề này của cả 2 bên là không có, cả hai đều chưa tìm được một cái đích chung cùng có lợi trong vấn đề này.
Công ty FECON và Khoa Địa chất cùng hợp tác chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc sử dụng phòng thí nghiệm, thiết bị thí nghiệm của hai bên nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu nhanh, có chất lượng cao và hiệu quả. Về bản chất, hoạt động này trong thực tế mới chỉ dừng lại ở việc thăm quan, giới thiệu các thiết bị máy móc, hoạt động của phòng thí nghiệm của 2 bên. Do các hoạt động này gắn kết trực tiếp với công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động liên kết nghiên cứu khoa học không có, nên tính chất, nhu cầu tìm hiểu, sử dụng tìm hiểu thiết bị thí nghiệm của cả 2 bên cũng không có. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan khác theo ý kiến của Trưởng phòng thí nghiệm Viện Nền móng và Công trình ngầm thì các thiết bị của Trường tương đối lạc hậu, các thiết bị thí nghiệm của FECON với những thiết bị được đầu tư mua sắm, nghiên cứu sáng tạo, thì việc bảo mật công nghệ cũng là hạn chế cho sự liên kết này.
Hàng năm, Công ty FECON cử cán bộ thuộc phòng Nghiên cứu đào tạo (thuộc Viện Nền móng và Công trình ngầm) hướng dẫn một số nhóm SV Khoa Địa chất trong công tác nghiên cứu khoa học. Căn cứ trên số lượng nhóm SV nghiên cứu khoa học và nội dung đề tài nghiên cứu khoa học của Khoa Địa chất, Công ty FECON sẽ thông báo cho Khoa Địa chất về số lượng nhóm nghiên cứu mà công ty có khả năng tham gia hướng dẫn, tối thiểu là 01 nhóm SV/năm
Trên thực tế, hoạt động này gần như không có kết quả. Lý do được cả hai bên nhận định là do tính chất nghiên cứu khoa học và đối tượng nghiên cứu của 2 bên là khác nhau. Nếu như với SV nghiên cứu khoa học, thì đối tượng nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc quan sát, mô tả, đánh giá khái quát
hoạt động liên quan đến chuyên môn, còn với Công ty FECON, hoạt động nghiên cứu tập trung vào một vấn đề thực tế nhu cầu của công ty, hoặc ở một vấn đề mang tính giải pháp chuyên sâu. Hoạt động liên kết, hướng dẫn SV mới chỉ dừng ở mức công ty FECON cung cấp các tài liệu về chuyên ngành, trả lời các vấn đề mang tính lý luận về các mảng đề tài khác nhau của SV, còn thực tế tại công trường thì hầu như không có do đặc thù công việc và vấn đề an ninh an toàn nơi công trường chưa có quy định với việc SV đến quan sát, học tập và tim hiểu.
b) Hợp tác tổ chức Hội thảo khoa học
Tổ chức hội thảo cho SV: Công ty FECON phối hợp với Khoa Địa chất đứng ra tổ chức một số buổi hội thảo chuyên đề cho SV do các kỹ sư của công ty FECON và cán bộ của Khoa Địa chất thuyết trình nhằm nâng cao kiến thức cho SV về lý thuyết cũng như thực tế trong lĩnh vực thi công xây dựng. Nội dung các hội thảo chủ yếu tập trung vào các chủ đề như: phương pháp xử lý nền đất yếu; sử dụng cọc Dự ứng lực trong thiết kế, thi công các công trình; hoặc một số chuyên đề khác mà công ty FECON và các cán bộ Khoa Địa chất đang triển khai nghiên cứu ứng dụng. Hội thảo SV được tổ chức thường niên 1năm/1lần (thường vào tháng 11). Nội dung chương trình hội thảo sẽ được thông báo cho Khoa Địa chất trước 01 tháng để cùng FECON lên kế hoạch chuẩn bị và thông báo cho SV tham dự.
Tổ chức Hội thảo khoa học Ngành Địa kỹ thuật: Công ty FECON và Khoa Địa chất, TĐH Mỏ Địa chất thống nhất cùng tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề trong nước và quốc tế. Hai bên thành lập Ban Truyền thông Hội thảo chung để phụ trách việc lập kế hoạch, xác định nội dung, chương trình và điều hành triển khai các hoạt động liên quan đến công tác tổ chức thực hiện hội thảo khoa học. Thành phần Ban Truyền thông Hội thảo bao gồm
ít nhất 02 đại diện của Công ty FECON thuộc phòng Truyền thông và phòng Nghiên cứu phát triển và 02 đại diện của Khoa Địa chất.
Hai bên đồng tổ chức các Hội thảo Quốc tế về lĩnh vực Kỹ thuật Địa chất và Môi trường theo định kỳ 2 năm/1lần. Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất được tiến hành năm 2011 tại khách sạn Fortuna tổ chức vào tháng 10. Hội nghị đã thành công vang dội với gần 450 đại biểu tham dự đến từ 24 quốc gia trên thế giới. Hội nghị vinh dự đón nhận các bài giảng chuyên sâu trong lĩnh vực Địa kỹ thuật của sáu giáo sư /chuyên gia hàng đầu trên thế giới: GS. Sven Hansbo (Thụy Điển), GS. Kenji Ishihara và TS. Hiroshi Yoshida (Nhật Bản), GS. Harry Poulos (Úc), GS. Pieter A. Vermeer (Hà Lan) và GS. Alain Guilloux (Pháp). Tuyển tập hội nghị với 110 bài viết đã được biên tập và xuất bản bằng tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế. Nối tiếp thành công của hội nghị lần thứ nhất, hội nghị quốc tế "Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững" - Hội nghị GEOTEC HANOI 2013 được tổ chức vào ngày 28-29 tháng 11 năm 2013 tại khách sạn Melia, Hà Nội cũng thu hút hơn 500 đại biểu tham dự đến từ 25 quốc gia trên thế giới.
2.3.2. Liên kết đào tạo
Trong lĩnh vực hợp tác đào tạo, Công ty FECON và Khoa Địa chất cùng phối hợp hợp tác theo những nội dung dưới đây:
Hàng năm, Công ty FECON tiếp nhận SV Khoa Địa chất đến thực tập tốt nghiệp tại Công ty hoặc các công ty thành viên của FECON. Số lượng SV của Khoa thực tập tại FECON sẽ được xác định tại từng thời điểm theo đề nghị của Khoa Địa chất và được hai bên thống nhất trước thời điểm bắt đầu chương trình thực tập của SV ít nhất 1 tháng.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ sư lành nghề của FECON cùng tham gia hướng dẫn một số SV, học viên cao học của Khoa Địa chất làm đồ án, luận văn tốt nghiệp. Căn cứ vào danh sách SV đề nghị FECON hướng dẫn tốt
nghiệp của Khoa Địa chất, Phòng Tổ chức nhân sự FECON sẽ xác nhận lại bằng văn bản số lượng SV mà công ty có khả năng hướng dẫn để Khoa sắp xếp và thông báo cho SV. Theo số liệu theo dõi của bộ phận tuyển dụng của FECON, hàng năm số lượng SV trường Mỏ đến thực tập khoảng 3 người, và đều được công ty bố trí thực tập tại các công trường mà công ty đang thi công, dưới sự giám sát của Chỉ huy trưởng công trường. Do hình thức liên hệ thực tập của SV là tự liên hệ, trong trường hợp bản thân SV không tìm được nơi thực tập, lúc đó, Khoa mới tác động vào việc giới thiệu SV đến nơi thực tập. Đối với các SV đến thực tập tại Công ty FECON, do đa số các trường hợp là tự liên hệ, do đó, hoạt động đánh giá về việc liên kết phối hợp giữa công ty và trường Mỏ là không có. Công ty FECON tiếp nhận SV thực tập, sau thời gian thực tập, đại diện Công ty ghi nhận xét về thái độ, tác phong, công việc mà SV đã thực hiện trong thời gian thực tập trong biểu mẫu của trường. Mọi thông tin được phản ánh một chiều, không có đại diện của Khoa liên hệ hỗ trợ để cùng Công ty FECON đánh giá mức độ thực tập của SV trong cả quá trình thực tập. Dẫn tới tính liên kết trong hoạt động này trở nên mờ nhạt, mang nặng tính hình thức.