6. Kết cấu của luận văn
3.1.4. Làm rõ vai trò của thành viên HĐQTđộc lập
Hiện nay, một thực tế khá phổ biến ở các doanh nghiệp nói chung và công ty niêm yết là chưa có sự tách biệt giữa chức năng quản trị và chức năng điều hành (governance và management), tại nhiều công ty, Chủ tịch HĐQT cũng đồng thời là Tổng Giám đốc điều hành hoạt động hàng ngày của công ty. Chính sự không tách bạch này đã gây ra nhiều xung độ, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Cần phải nhận thức được rằng, vai trò và giá trị của HĐQT là quản trị, định hướng và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của công ty; cung cấp các hướng dẫn mang tính chiến lược cho công ty và Ban Giám đốc; giám sát hoạt động của công ty, của Tổng giám đốc và bộ máy quản lý; giá trị của HĐQT là nhìn ra cơ hội đem lại tiền cho doanh nghiệp và giám sát để quá trình làm ra tiền theo cách nhìn đó chứ không phải là làm ra tiền.
Thông tư 121/2012/TT-BTC đã có quy định về thành viên HĐQT không điều hành và thành viên HĐQT độc lập. Theo đó, thành viên HĐQT không điều hành là “thành viên HĐQT không phải là Giám đốc (Tổng giám đốc), Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được HĐQT bổ nhiệm”; còn thành viên HĐQT độc lập là thành viên đáp ứng các điều kiện sau:
- Là thành viên HĐQT không điều hành và không phải là người có liên quan với Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó giám đốc (Phó tổng giám đốc), Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được HĐQT bổ nhiệm;
- Không phải là thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó giám đốc (Phó tổng giám đốc) của các công ty con, công ty liên kết, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát;
- Không phải là cổ đông lớn hoặc người đại diện của cổ đông lớn hoặc người có liên quan của cổ đông lớn của công ty;
- Không làm việc tại các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, kiểm toán cho công ty trong 02 năm gần nhất;
99
- Không phải là đối tác hoặc người liên quan của đối tác có giá trị giao dịch hàng năm với công ty chiếm từ 30% trở lên tổng doanh thu hoặc tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào của công ty trong 02 năm gần nhất.
Thông tư quy định tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT phải là thành viên HĐQT độc lập. Ngoài ra, khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp (nay là khoản 1 Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2014) lại quy định “Chủ tịch HĐQT có thể kiêm nhiệm là Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty”. Chính quy định này đã là cái cớ để một phần không nhỏ các Chủ tịch HĐQT hiện nay thường kiêm Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của công ty, cộng thêm cơ chế làm việc tập thể, quyết định theo đa số, nếu số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch HĐQT (khoản 8 Điều 112 Luật Doanh nghiệp, nay là khoản 9, Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2014) đã ảnh hưởng tới tính “độc lập” của HĐQT cũng như hạn chế vai trò của thành viên HĐQT độc lập. Theo người viết, cần phải chỉnh sửa quy định liên quan đến thành viên HĐQT theo hướng, Chủ tịch HĐQT phải là thành viên độc lập; đồng thời cần có quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn cũng như vai trò, chức năng, nhiệm vụ của thành viên HĐQT độc lập.