6. Kết cấu của luận văn
1.4.1. Lược sử pháp luật về quản trị công ty tại Việt Nam
Cũng như các yếu tố thuộc về kiến trúc thượng tầng khác, khuôn khổ pháp lý về quản trị công ty của Việt Nam có những nét đặc thù bắt nguồn từ chính lịch sử và quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam.
“Bộ Dân luật thi hành tại các toà Nam án Bắc Kỳ” là văn bản đầu tiên quy định về công ty tại Việt Nam. Tại văn bản này, hội buôn được chia thành hai loại là hội người và hội vốn (tiết thứ 5). Trong đó hội vốn gồm hội vô danh (CTCP) và hội hợp cổ (Công ty hợp vốn đơn giản). Nhìn chung, quy định của Pháp luật thời kỳ này về công ty và quản trị công ty còn rất sơ khai [42].
Dưới thời Pháp thuộc, các quy định của Bộ luật Thương mại Pháp năm 1807, trong đó có quy định về hình thức CTCP được áp dụng ở cả ba kỳ tại Việt Nam. Đến năm 1944, chính quyền Bảo Đại ban hành Bộ luật thương mại Trung phần có hiệu lực áp dụng tại Trung Kỳ, trong đó có quy định về CTCP (gọi là công ty vô danh) từ Điều 102 đến Điều 142 và từ Điều 159 đến Điều 171 [42].
Năm 1972, chính quyền Việt Nam Cộng hoà ban hành Bộ luật Thương mại, trong đó CTCP được gọi là hội nặc danh với đặc điểm “gồm có các hội viên mệnh danh cổ đông, chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn phần hùn của mình dưới hình
26
lên” (Điều 295). Các vấn đề pháp lý liên quan đến hình thức hội nặc danh như thành lập, góp vốn, cơ cấu quản lý … đã được quy định rất chi tiết trong Bộ luật này từ Điều 236 đến Điều 278 cũng như từ Điều 295 đến Điều 314 [42].
Bước sang thời kỳ lịch sử mới, trước năm 1987, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chỉ có các doanh nghiệp nhà nước mới được tồn tại với mô hình công ty, trong mô hình đó, chủ sở hữu- là nhà nước, cấp tiền, thành lập doanh nghiệp và đưa ra các mệnh lệnh để điều hành hoạt động của doanh nghiệp đó theo các mệnh lệnh chung của nền kinh tế. Trong giai đoạn đó, người ta không biết đến khái niệm quản trị công ty. Sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 lần đầu tiên đã đưa những vấn đề liên quan đến quản trị công ty vào Việt Nam, tuy nhiên, luật này chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cũng chỉ mới dừng lại ở việc thành lập HĐQT, thẩm quyền của HĐQT; sự phân chia quyền lực giữa “bên nước ngoài” và “bên Việt Nam” trong doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (năm 1990) đã đặt nền tảng pháp lý đầu tiên cho sự ra đời của hệ thống doanh nghiệp sở hữu tư nhân trong nước, đồng thời cũng đưa ra những mầm mống manh nha cho khuôn khổ quản trị đối với các doanh nghiệp trong nước. Với 10 điều trong tổng số 46 điều khoản, Luật Công ty đã định hình khung sơ lược của quản lý nội bộ doanh nghiệp gồm: ĐHĐCĐ, HĐQT, BKS và Giám đốc điều hành, song chưa có sự phân định rõ rệt về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan này. Các nội dung khác: quyền của cổ đông, thành viên tham gia vào việc quyết định các vấn đề cơ bản của công ty như chia, tách, hợp nhất, sáp nhập .v.v… chưa được quy định; các vấn đề về công khai thông tin, minh bạch quản lý hay cấm giao dịch nội gián và kiểm soát giao dịch của các bên liên quan cũng gần như chưa có trong ý niệm của các nhà hoạch định chính sách cũng như những người quản lý doanh nghiệp. Cơ chế quản trị công ty ở dạng manh nha, sơ sài ấy đã tồn tại gần 10 năm (từ 1991- 1999) với gần 1000 công ty; một phần bởi bối cảnh lịch sử giai đoạn này, khi mức độ phát triển của nền kinh tế cũng như mức độ thị trường hóa còn thấp; các doanh nghiệp chỉ được quyền làm những gì mà cơ quan nhà nước cho phép, việc kiểm soát
27
doanh nghiệp chủ yếu dựa vào cơ quan quản lý nhà nước hơn là thông qua các công cụ chỉ đạo điều hành và kiểm soát nội bộ của công ty [49].
Luật Doanh nghiệp số 10/1999/QH11 năm 1999 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển của pháp luật về quản trị công ty ở Việt Nam. Vai trò, chức năng, thẩm quyền của các cơ quan trong cơ cấu quản trị công ty gồm ĐHĐCĐ, HĐQT, BKS và Giám đốc cũng như quyền của cổ đông đã được quy định tương đối rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, Luật này chỉ áp dụng đối với các công ty thuộc sở hữu tư nhân trong nước [49]. Trong 10 năm sau đó, các quy định pháp lý về quản trị công ty ở Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006, Quy chế Quản trị công ty đối với công ty niêm yết (ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC) và gần đây là Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng.
Nhìn lại lịch sử phát triển của các quy định pháp lý về quản trị công ty tại Việt Nam có thể khái quát một số đặc điểm về khuôn khổ pháp lý này như sau:
Thứ nhất, sự phân tán: Tiến trình lịch sử nói trên cho thấy sự phân tán là một
điểm nổi bật của hệ thống pháp luật về quản trị công ty của Việt Nam. Chẳng hạn, trước ngày 01/07/2006 (là ngày Luật Đầu tư có hiệu lực), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư nước ngoài, các công ty trong nước được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài, dù được thành lập với hình thức công ty liên doanh hay doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đều phải hoạt động dưới mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, không được chuyển đổi thành công ty cổ phần và phát hành cổ phiếu [11,tr27].
Thứ hai, khuôn khổ pháp lý về quản trị công ty của Việt Nam chịu sự ảnh hưởng
bởi những cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): Từ năm 2004-2006 Việt
Nam đã đẩy mạnh các nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình nhằm đáp ứng các yêu cầu để đáp ứng các yêu cầu gia nhập WTO; và sau khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2006, Việt Nam lại tiếp tục cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình để tuân thủ những cam kết của mình. Từ năm 2004 đến
28
nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều đạo luật mới để điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau trong đời sống, trong đó có những văn bản được đánh giá là “cột mốc hứa hẹn sẽ có những ảnh hưởng đáng kể tới các công ty và các cổ đông” [11, tr27] như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (thống nhất các quy định về đầu tư trong nước và nước ngoài) và Luật Chứng khoán. Không những thế, Quy chế quản trị công ty ban hành kèm theo Quyết định 12/2007/QĐ-BTC và Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty đối với công ty đại chúng (thay thế Quyết định 12/2007/QĐ-BTC) đã tiếp cận với các chuẩn mực quản trị trên thế giới thông qua vận dụng các nguyên tắc quản trị công ty OECD.
Thứ ba, tính riêng biệt của từng ngành: Trong hệ thống pháp luật Việt Nam,
ngoài những văn bản luật chung như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp hay Luật Thương mại, mỗi ngành nghề riêng biệt còn được điều chỉnh bởi những văn bản luật đặc thù của ngành nghề mình, đối với quản trị công ty cũng tương tự. Các ngân hàng thương mại ngoài việc phải tuân thủ các nguyên tắc chung của Luật Doanh nghiệp, còn chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng và khi ngân hàng đó thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoạt động của nó cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán. Chính bởi nhiều văn bản luật cùng điều chỉnh một đối tượng này dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về quản trị công ty tại Việt Nam. Ví dụ, quy định của Luật Doanh nghiệp cho phép ĐHĐCĐ được lựa chọn thành viên HĐQT và BKS; ĐHĐCĐ hoặc HĐQT lựa chọn Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, Thông tư 06/2010/TT-NHNN lại yêu cầu việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT và các thành viên BKS phải được sự phê chuẩn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù khoản 2 Điều 3 Luật Doanh nghiệp khẳng định: “Trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại Luật khác thì áp dụng theo quy định của Luật đó”, nhưng cũng phải thấy rằng sự chồng chéo về thẩm quyền này đã gây không ít khó khăn, cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, thực thi những biện pháp quản trị công ty hiệu quả, không những vậy, các cơ quan quản lý cũng rất khó khăn trong việc áp dụng luật khi trên thực tế có nhiều trường hợp, nhiều vấn đề không thể phân định một cách rạch ròi [11, tr28].
29