8. Bố cục của luận án
4.4 Tiểu kết chương 4
Như vậy, thông qua quá trình so sánh - đối chiếu dựa trên các tiêu chí phân tích diễn ngôn theo đường hướng PTDNPP và với cơ sở lý thuyết của ngữ pháp chức năng hệ thống chương 4 đã chỉ ra các đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa diễn ngôn KHTV và diễn ngôn KHTA, đồng thời lý giải một số nguyên nhân của các hiện tượng tương đồng và khác biệt đó. Theo đó, các đặc điểm giống nhau chủ yếu giữa hai nghiệm thể chính là sử dụng trường từ vựng cùng chủ đề và các kiểu quá trình khác nhau để phản ánh các giá trị kinh nghiệm của đời sống văn hóa-xã hội ở mỗi quốc gia; sử dụng các chiến lược từ ngữ và cấu trúc ngữ pháp chủ chốt để thể hiện tư tưởng, quan hệ liên nhân giữa người phát ngôn và người tiếp nhận cũng như tạo tính mạch lạc trong diễn ngôn để đạt được mục đích giao tiếp của KH CT- XH. Bên cạnh đó có nhiều điểm khác biệt giữa chiến lược dùng từ ngữ và cấu trúc ngữ pháp để đạt các giá trị kinh nghiệm, quan hệ và biểu cảm giữa KHTA và KHTV. Hơn nữa, lối phát triển cấu trúc diễn ngôn ở hai nghiệm thể cũng có những khác biệt đáng kể thể hiện ở sự lựa chọn đặt tiêu điểm thông tin. Tất cả những khác biệt này được lý giải dựa trên sự khác biệt của hai nền văn hóa Đông – Tây mà cụ thể là điều kiện lịch sử, thể chế chính trị và đặc điểm văn hóa xã hội của hai quốc gia đại diện cho hai nền văn hóa này.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ Kết luận
Từ kết quả khảo sát, phân tích diễn ngôn và so sánh - đối chiếu khẩu hiệu chính trị - xã hội tiếng Anh và tiếng Việt trên cơ sở lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán và căn cứ ngôn ngữ học của lý thuyết ngữ pháp chức năng hệ thống, luận án đi đến các kết luận sau:
1. KH CT-XH tiếng Anh và tiếng Việt là thể loại diễn ngôn chính trị - xã hội đặc biệt với độ dài văn bản tương đối ngắn gọn và với lối diễn đạt súc tích, dễ nhớ được các tổ chức chính trị - xã hội thiết kế và sử dụng nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục người khác làm theo các đường hướng, chính sách của họ. Đối tượng của sự vận động, giáo dục này chủ yếu là công chúng với số lượng đông đảo hoặc một số tổ chức chính trị - xã hội chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của mỗi quốc gia. Tùy vào các điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa… và tùy vào từng thời điểm khác nhau mà các tổ chức này quyết định chọn các chủ đề cho khẩu hiệu và quyết định có bao nhiêu diễn ngôn khẩu hiệu trong cùng một chủ đề được ban hành ra với công chúng. KH CT-XH có thể được dùng dưới hình thức diễn ngôn nói thông qua cách hô khẩu hiệu, nhưng phần lớn KH CT-XH vẫn đến với công chúng qua con đường diễn ngôn viết (trên băng-rôn, biểu ngữ) và có thể tồn tại với công chúng trong một thời gian ngắn hoặc dài. Hai mục đích chính của KH CT-XH là giáo dục và thuyết phục, tuy nhiên lại được cụ thể hóa bằng các chức năng như thông tin -thông báo, vận động - thuyết phục, cảnh báo-khuyến cáo, hô hào - kêu gọi, động viên - khuyến khích, khẳng định các giá trị chân-thiện-mỹ … dưới dạng các hành động ngôn từ tại lời.
2. KH CT-XH tiếng Anh và tiếng Việt đều có những điểm giống nhau trong một số lĩnh vực (theo quan điểm của ngữ pháp chức năng) như sau:
(1) Cách lựa chọn các chủ đề phù hợp với từng điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia cho từng đợt vận động;
(2) Việc phản ánh các giá trị kinh nghiệm, liên nhân và tạo văn bản của ngôn ngữ khẩu hiệu;
(3) Các chiến lược sử dụng từ ngữ để thể hiện những tư tưởng đối lập như sử dụng từ đồng nghĩa, trái nghĩa, dùng từ ngữ có giá trị thiết lập quan hệ giữa người
nói và người nghe, dùng các biểu thức mỹ từ hay các từ ngữ biểu cảm để thể hiện sự đánh giá của con người đối với các vấn đề chính trị - xã hội được phản ánh trong khẩu hiệu;
(4) Các chiến lược sử dụng cấu trúc ngữ pháp để diễn đạt thế giới xung quanh thông qua lăng kính diễn ngôn khẩu hiệu như quan hệ chuyển tác thông qua các kiểu cấu trúc câu chủ yếu của hai quá trình vật chất và quan hệ như “Ai làm gì?” và “Ai là gì?” hoặc “Ai thế nào?”; hiện tượng danh hóa; cấu trúc câu chủ động/ bị động; kiểu phát ngôn chủ yếu để thiết lập quan hệ giữa các bên tham gia giao tiếp; sử dụng đại từ xưng hô như tôi/chúng tôi/ chúng ta/ các bạn…, sử dụng cấu trúc
biền ngẫu hay các kiểu câu trích dẫn trong văn học, thi ca và các kiểu câu có vần có điệu nhằm tạo hiệu ứng biểu cảm;
(5) Sử dụng một số lượng vừa phải các phép liên kết để tạo văn bản hay nói cụ thể hơn là tạo sự mạch lạc cho văn bản diễn ngôn khẩu hiệu. Các từ nối chủ yếu được sử dụng để kết nối câu hoặc mệnh đề sử dụng ở cả hai nghiệm thể chủ yếu là “và”, “nhưng”, “hoặc”… là những từ nối để giúp thể hiện mối quan hệ đẳng lập và có ý nghĩa về mặt tư tưởng.
(6) Các đặc điểm cơ bản của cấu trúc diễn ngôn như độ dài văn bản, cách tạo mạch lạc chủ đề bằng yếu tố liên kết chủ đề; đưa tiêu điểm thông tin vào phần đề ngữ của diễn ngôn đơn hay câu đề của các diễn ngôn phức.
3. Tùy vào điều kiện lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội của mỗi nước mà KHTA và KHTV có những sự khác biệt trong chiến lược sử dụng từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp hay cấu trúc diễn ngôn thể hiện trên các giá trị kinh nghiệm, liên nhân và tạo văn bản. Một số khác biệt giữa diễn ngôn KHTA và KHTV được so sánh theo quan điểm ngữ pháp chức năng là:
(1) Phương thức sử dụng, điều kiện sử dụng và chủ thể phát ngôn khẩu hiệu; (2) Các chủ đề ưu tiên trong các cuộc vận động, do đặc thù phản ánh thế giới xung quanh, mà cụ thể là phản ánh đời sống chính trị, văn hóa xã hội của mỗi quốc gia; (3) Chiến lược sử dụng từ ngữ để thể hiện các giá trị kinh nghiệm, liên nhân và tạo văn bản, cụ thể là số lượng từ trái nghĩa/ đồng nghĩa để phản ánh tư tưởng, các biểu thức mỹ từ, số lượng từ ngữ để thiết lập mối quan hệ liên nhân, số lượng từ
ngữ ẩn dụ và số lượng từ ngữ thuộc về cách gieo vần, chơi chữ… ở mỗi nghiệm thể. Sự khác biệt này được giải thích trên cơ sở điều kiện khác nhau về chính trị, văn hóa, xã hội và các tập quán, thói quen của hai nền văn hóa Đông - Tây.
(4) Chiến lược sử dụng các cấu trúc ngữ pháp để đạt được các giá trị kinh nghiệm, liên nhân và tạo văn bản, thể hiện trong kết quả khảo sát các quan hệ chuyển tác, các kiểu phát ngôn và số lượng mỗi kiểu, cách dùng đại từ xưng hô và một số phụ từ khác để thiết lập quan hệ giữa chủ thể phát ngôn và chủ thể tiếp nhận, cách khai thác các kiểu cấu trúc đặc biệt để tạo giá trị biểu cảm. Sự khác biệt về chiến lược này được thể hiện không chỉ ở số lượng khác nhau của mỗi nghiệm thể trên mỗi lĩnh vực mà còn ở cách khai thác mỗi kiểu cấu trúc ngữ pháp ở mỗi diễn ngôn khẩu hiệu đều có những đặc trưng riêng, do các điều kiện văn hóa, xã hội quy định.
(5) Số lượng yếu tố tạo mạch lạc văn bản và liên kết chủ đề, cũng như số lượng diễn ngôn khẩu hiệu của từng thứ tiếng đưa nội dung thông tin phản ánh chủ đề khẩu hiệu vào phần đề ngữ của diễn ngôn đơn hay vào câu đề của diễn ngôn phức để tạo sự thu hút của người đọc.
4. Kết quả phân tích diễn ngôn KH CT-XH đã cho phép chúng tôi đi đến kết luận về vai trò của ngôn ngữ trong đời sống vật chất và xã hội của con người. Diễn
ngôn không những là một tập quán xã hội mà còn là sự thể hiện các mặt của xã hội đó, của nền văn hóa gắn liền với xã hội đó. Sự quan hệ hỗ tương giữa chức năng của ngôn ngữ trong mối tương tác với xã hội với sự tác động trở lại của ngôn ngữ lên các mối quan hệ này đã chứng tỏ rằng ngôn ngữ không thể tách rời và là một bộ phận của thực tại xã hội, cũng như các tập quán xã hội ngày càng có xu hướng dựa vào ngôn ngữ. Nhờ vào phân tích diễn ngôn phê phán (là hệ phương pháp có khả năng giúp bộc lộ các mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và xã hội) mà các đặc điểm ngôn ngữ và các nét đặc trưng của diễn ngôn khẩu hiệu chính trị - xã hội tiếng Anh và tiếng Việt đã được làm rõ trên các phương diện kinh nghiệm, liên nhân và tạo văn bản. Qua đó, nét đặc trưng cơ bản nhất của diễn ngôn đã được minh chứng rõ ràng: “ngôn ngữ không chỉ thể hiện quyền lực xã hội, mà còn là công cụ thực thi quyền lực”.
Đề nghị
Từ kết quả nghiên cứu trên đây, một số hàm ý và đề xuất có thể rút ra là: 1. Công tác xác định các chủ đề cần thiết của KH CT-XH và người phát ngôn là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa đối với việc duy trì mục đích giao tiếp của khẩu hiệu. Cho nên ở mỗi đợt vận động, các cơ quan quyền lực, các tổ chức hay cá nhân có chức năng ban hành khẩu hiệu cần nghiên cứu kỹ các chủ đề cần vận động và xác định người phát ngôn rõ ràng. Bởi vì việc xác định này sẽ giúp cho việc hoạch định chiến lược ngôn ngữ sau đó với các yếu tố định hướng của tư tưởng, thái độ, các điều kiện chính trị xã hội liên quan.
2. Người thiết kế KH CT-XH cần khéo léo thể hiện tư tưởng, thái độ của mình để đạt các mục tiêu giao tiếp thông qua việc lựa chọn từ ngữ trong khẩu hiệu. Các nguyên tắc cần nắm là:
-Dùng từ ngữ đồng nghĩa/ trái nghĩa trong cùng một chủ đề để làm nổi bật tính tư tưởng. Đặc biệt dùng lặp lại các từ ngữ trong trường từ vựng thuộc mỗi chủ đề để càng có cơ hội thiết lập sự hiểu biết về vấn đề cần thuyết phục, giáo dục trong KH CT-XH. Việc dùng nhiều từ đồng nghĩa và gần nghĩa sẽ giúp thiết lập sự nhấn mạnh về chủ đề và làm tăng giá trị giáo dục, thuyết phục.
-Lựa chọn các từ ngữ có tính đại diện cao cho các giá trị kinh nghiệm, phản ánh thế giới thực tại ở mỗi thời điểm sống dựa trên cơ sở kết quả khảo sát các hoàn cảnh thực tế của đời sống chính trị - xã hội. Những chính sách, chủ trương mới cần được đưa vào khẩu hiệu tuyên truyền vận động với những khái niệm liên quan thông qua cách dùng từ ngữ phản ánh giá trị kinh nghiệm
-Để duy trì mối quan hệ xã hội giữa các thành viên tham gia giao tiếp, KH CT-XH cần được khéo léo lồng ghép các giá trị liên nhân. Phương thức có thể khác nhau giữa các ngôn ngữ nhưng cần lưu ý đến yếu tố thiết lập quan hệ giữa các bên tham gia giao tiếp là một yếu tố mang tính văn hóa-xã hội cao. Một số giá trị văn hóa của ngôn ngữ này có thể không phù hợp hoặc phản tác dụng khi áp dụng vào nền văn hóa của ngôn ngữ khác nên cần cẩn trọng lựa chọn những giá trị liên nhân trong văn hóa giao tiếp của mỗi nền văn hóa để áp dụng vào sử dụng từ ngữ.
-Cuối cùng để nâng cao giá trị thuyết phục của khẩu hiệu, từ ngữ biểu cảm cũng cần được chú ý sử dụng trong KH CT-XH. Khi biên soạn khẩu hiệu, người viết cần lưu ý các hình thức dùng từ có giá trị biểu cảm nhằm mục đích thuyết phục cao như dùng từ trái nghĩa để thể hiện hệ tư tưởng trái ngược hoặc các biện pháp chơi chữ… Những biện pháp này một mặt dễ thu hút người nghe/ người đọc khi mới tiếp cận, và về lâu về dài càng có tình thuyết phục vì chúng làm cho họ nhớ lâu các khẩu hiệu cần tuyên truyền.
-Sử dụng những biện pháp ẩn dụ trong diễn ngôn thuộc về tài năng của người phát ngôn. Trong các diễn ngôn có tính chính trị - xã hội như bài phát biểu, diễn ngôn tin, diễn ngôn khẩu hiệu, người phát ngôn cần chú ý khéo léo sử dụng các biện pháp ẩn dụ tư tưởng và ẩn dụ liên nhân để thể hiện được chính kiến và hệ tư tưởng của mình. Cách so sánh ví von thường có giá trị rất lớn khi chúng ta muốn đề cao mặt tốt hay phê bình, “ám chỉ” mặt chưa tốt của vấn đề. Chính vì thế, trong các khẩu hiệu có tính phê bình các hành vi chưa tốt, chưa phù hợp với các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, người phát ngôn cần phát huy dùng nhiều từ ngữ ẩn dụ.
3. Để đạt được các giá trị vận động và thuyết phục cao trong KH CT-XH, người biên soạn khẩu hiệu cần chú ý sử dụng các cấu trúc ngữ pháp phù hợp để đạt được mục tiêu. Một số gợi ý cần thiết về sử dụng cấu trúc ngữ pháp là:
Như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét, thế giới xung quanh chúng ta là thế giới của vật chất và các mối quan hệ. Trường hợp nghiên cứu của KH CT-XH cũng đã minh chứng điều đó. Các kiểu quá trình được sử dụng trong khẩu hiệu để mô tả thế giới kinh nghiệm của các tham thể cũng chủ yếu là vật chất và quan hệ. Các nhà biên soạn và thiết kế khẩu hiệu cần tập trung mô tả thế giới kinh nghiệm của mình bằng các quá trình này. Thông qua sử dụng hai kiểu quá trình chủ yếu này, các giá trị kinh nghiệm của thế giới vật chất (và cũng chính là hệ tư tưởng) cũng như các quan hệ giữa các tham thể sẽ được chuyển tải vào bên trong diễn ngôn. Đối với diễn ngôn chính trị xã hội như khẩu hiệu, vấn đề thể hiện hệ tư tưởng là cực kì quan trọng. Cho nên các kiểu quá trình cần được cân nhắc để đạt hiệu quả tối ưu trong giáo dục tư tưởng và tuyên truyền vận động. Ngoài ra, việc chứng minh rằng quan điểm của M.A.K Halliday về các kiểu quá trình trong quan hệ chuyển tác có thể
chưa hoàn toàn trùng khớp với trường hợp khảo sát giá trị kinh nghiệm các hiện tượng ngữ pháp trong khẩu hiệu CT-XH cũng được hy vọng đóng góp một phần nhỏ về mặt thực tiễn hóa các lý luận liên quan đến lý thuyết Ngữ pháp chức năng hệ thống. Theo đó, không phải lúc nào thì ba quá trình tinh thần, vật chất và quan hệ cũng đóng vai trò là ba quá trình chủ yếu. Quá trình tinh thần có vẻ không phù hợp trong trường hợp các phát ngôn khẩu hiệu là các phát ngôn của công chúng, đại diện cho tập thể phát ngôn, nên việc thể hiện chính kiến cá nhân như kiểu quá trình tinh thần là không phù hợp. Và đây cũng chính là một trong những vấn đề cần cân nhắc của người biên soạn hay phát ngôn khẩu hiệu.
-Để đạt được giá trị quan hệ cho việc sử dụng các cấu trúc ngữ pháp, cần thiết phải chú ý đến việc lựa chọn kiểu phát ngôn trong KH CT-XH. Với hai nhiệm vụ chủ yếu của khẩu hiệu là giáo dục và thuyết phục, tùy vào từng mục tiêu cụ thể của từng đợt vận động mà những nhà tuyên truyền cần chú ý lựa chọn kiểu phát ngôn phù hợp: câu cầu khiến hay câu trần thuật. Thông thường câu cầu khiến có tác dụng vận động thuyết phục nhiều hơn; trong khi câu trần thuật lại có tác dụng giáo dục