Về khẩu hiệu chính trị xã hội

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Đối chiếu đặc điểm diễn ngôn của khẩu hiệu tiếng anh và tiếng việt (full) (Trang 48)

8. Bố cục của luận án

1.3.2. Về khẩu hiệu chính trị xã hội

Nghiên cứu về khẩu hiệu chính trị có từ rất sớm trong lịch sử của xã hội văn minh. Từ những năm 30 của thế kỷ XX đã có các bài viết đề cập mục đích và các đặc trưng nổi bật của khẩu hiệu, trong môi trường văn hóa - xã hội Hoa Kỳ. Bernstein [52] đã khảo sát rất nhiều bài diễn văn của các chính trị gia và đi đến kết luận KH CT-XH cần được xác định mục đích kêu gọi và thuyết phục công chúng bằng ngôn ngữ đặc biệt.

Lu [106] đã sử dụng mô hình mối quan hệ giữa hệ tư tưởng và biểu tượng chữ viết để nghiên cứu cách sử dụng các khẩu hiệu chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ những năm 60 đến những năm 80. Tác giả mô tả những tác động của các khẩu hiệu này đến việc thay đổi hệ tư tưởng của người Trung quốc từ học thuyết Khổng tử và Nho giáo. Việc thiết kế khẩu hiệu cũng được thay đổi để đáp ứng nhu cầu xã hội và nhu cầu của nhà cầm quyền trong thiết chế quyền lực. Ngoài ra việc sử dụng rộng khắp các khẩu hiệu này cũng đã thay đổi phần nào nét văn hóa Trung Quốc cũng như ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của người Trung Quốc.

Vaes và cộng sự [141] đã nghiên cứu tác động của yếu tố xúc cảm con người đến những thông điệp trong khẩu hiệu chính trị, thể hiện rõ nét nhất trong các chiến dịch vận động tranh cử. Những yếu tố xúc cảm này được các nhà vận động tranh cử phát huy trong cách dùng từ và vận dụng từ ngữ vào đúng trường hợp hoàn cảnh ban hành các khẩu hiệu vận động.

Phân tích cách quân đội Hoa Kỳ sử dụng KH CT-XH kêu gọi tuyển quân, Miller và cộng sự [112] đã làm rõ mối quan hệ giữa động cơ, nhu cầu cũng như các yếu tố liên quan của một cá nhân và sự đáp lại tinh thần tuyển quân. Các tác giả này cho rằng nếu quân đội muốn tuyển những người có động cơ xuất phát từ lý tưởng, lòng trung thành hay danh dự, thì khẩu hiệu của họ phải đạt những phẩm chất kêu gọi tương tự mới có thể động viên được đông đảo quần chúng tham gia. KH CT-XH sử dụng trong quân đội cũng đã được các tác giả khác như Garfield (2001a, 2001b);

Rosenberg (2001), Peckenpaugh (2001) (trích trong Miller và cộng sự [112]) nghiên cứu trước đó, và sử dụng các đường hướng kêu gọi tương tự.

Young [157] đã nghiên cứu sự phát triển của các khẩu hiệu bầu cử ở Úc trong vòng năm thập kỷ (1949 - 2004) và kết luận rằng khẩu hiệu đã từ việc xuất hiện tự phát, nhỏ lẻ, mang tính địa phương (ở thập kỷ 40 - 50) đã không ngừng phát triển và trở nên chuyên nghiệp hóa. Đến thập kỷ 70 - 80, các tổ chức chính trị đã thiết chế các dạng vừa nghiêm túc vừa tập trung. Và thập kỷ 90 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của khẩu hiệu thông qua một công cuộc thăm dò thị trường trên quy mô lớn, giúp khẩu hiệu trở thành một phương tiện mới của truyền thông và công nghệ.

Bên cạnh các nghiên cứu về khẩu hiệu chính trị, còn có các nghiên cứu về khẩu hiệu xã hội. Barton [50] đã khảo sát yếu tố “lặp” trong diễn ngôn bằng cách miêu tả các chức năng đa dạng của cách dùng lặp đi lặp lại các khẩu hiệu trong nhóm cha mẹ và trẻ khuyết tật tham gia nghiên cứu. Biện pháp này tỏ ra là đã thực hiện tốt chức năng truyền đạt thông tin và chức năng tương tác giữa các thành viên trong nhóm. Cũng chính tác giả này tìm ra hai chức năng chính của khẩu hiệu đó là chức năng thông tin và chức năng tương tác. Ngoài việc cung cấp các thông tin cần thiết, khẩu hiệu còn giúp tác động quan điểm, cách nhìn của mọi người đối với thông tin đó, và chúng còn thực thi chức năng tương tác để thiết lập sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên tham gia trong cuộc giao tiếp đó.

Tác giả Marlow [107] với bài viết “Phân tích khẩu hiệu để trợ giúp học sinh

thành công” đã phân tích cách tạo ra các khẩu hiệu có ý nghĩa về mặt ngôn từ để

không chỉ hô hào “suông”, mà có thể hiểu được bản chất vấn đề nỗ lực học tập trong các trường trung học để từ đó, viết được những khẩu hiệu thực sự giúp kích hoạt sự tự thân vận động và khám phá bản thân của học sinh trong trường học.

Gonzales và cộng sự [79] khảo sát cách dùng khẩu hiệu để tạo ra các thay đổi chiến lược trong một cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã vạch ra được các khẩu hiệu mà lãnh đạo trường Đại học Border - tọa lạc ở biên giới Mexico và Hoa Kỳ - đã dùng để giải thích và biện luận cho việc dịch chuyển trường đại học từ một trường đại học vùng chỉ chuyên giảng dạy sang một trường đại học quốc gia danh tiếng. Nhóm nghiên cứu còn chỉ ra rằng các khẩu hiệu mà lãnh đạo nhà trường

sử dụng trong chiến lược quản lý được xây dựng trên các nguyên tắc về lô-gic nhưng hết sức mềm dẻo về ngôn từ, từ đó kích thích được những người tham gia đưa ra các câu hỏi cũng như ý kiến phê bình đóng góp về sự thay đổi có lợi cho nhà tổ chức.

Trong nước, luận văn thạc sĩ của Trương Thành Khải [140] về đặc điểm ngôn ngữ của khẩu hiệu tiếng Anh và tiếng Việt cũng đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn khá tổng quan về các đặc điểm ngôn ngữ (ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng) của khẩu hiệu cũng như so sánh đối chiếu các đặc điểm này của khẩu hiệu trên tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt. Luận văn đã chỉ ra các đặc trưng ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng của 500 mẫu khẩu hiệu thu thập được ở cả hai thứ tiếng.

Từ lịch sử vấn đề nghiên cứu về khẩu hiệu nói trên, có thể thấy rằng hầu hết các nghiên cứu về khẩu hiệu đều thuộc về lĩnh vực khẩu hiệu quảng cáo; các nghiên cứu về khẩu hiệu chính trị - xã hội thì thiên về phân tích đặc điểm ngôn ngữ theo khung lý thuyết của hệ cấu trúc luận vốn đã bộc lộ nhiều hạn chế trong cách nhìn nhận ngôn ngữ và vai trò của ngôn ngữ trong đời sống xã hội. Một số nghiên cứu khác thì phân tích khẩu hiệu theo hướng ngôn ngữ truyền thông. Qua đó, bản thân tác giả nhận thấy vẫn còn vấn đề bỏ ngỏ liên quan đến khẩu hiệu, đặc biệt là KH CT-XH, tạo điều kiện cho chúng tôi đi sâu nghiên cứu đó là: Phân tích diễn ngôn khẩu hiệu chính trị - xã hội tiếng Anh và tiếng Việt theo đường hướng Phân tích diễn ngôn phê phán để nhận diện cơ chế sử dụng quyền lực trong diễn ngôn và việc thể hiện tư tưởng, thái độ của những người soạn thảo và ban hành KH CT- XH cũng như những vấn đề chính trị - xã hội phản ánh thông qua diễn ngôn, từ đó giúp người phát ngôn kiến tạo những khẩu hiệu đảm bảo các chức năng và độ thuyết phục về mặt ngôn ngữ, đồng thời phát huy được các chức năng của ngôn ngữ để làm thông điệp tuyên truyền hiệu quả trong đời sống chính trị - xã hội của mỗi quốc gia.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Đối chiếu đặc điểm diễn ngôn của khẩu hiệu tiếng anh và tiếng việt (full) (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)