Những căn cứ ngôn ngữ học của việc Phân tích Diễn ngôn Phê phán

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Đối chiếu đặc điểm diễn ngôn của khẩu hiệu tiếng anh và tiếng việt (full) (Trang 35)

8. Bố cục của luận án

1.2.2. Những căn cứ ngôn ngữ học của việc Phân tích Diễn ngôn Phê phán

1.2.2.1. Lý thuyết Ngữ pháp Chức năng Hệ thống (Systemic Functional Grammar- SFG)

Để có thể phân tích CDA, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nên áp dụng lý thuyết ngữ pháp chức năng hệ thống của M. A. K. Halliday. Nguyễn Hòa [19] và Diệp Quang Ban [3] xem SFG như là một căn cứ ngôn ngữ học quan trọng của phân tích diễn ngôn phê phán. Nguyễn Hòa [18], [19] giải thích rằng CDA chú trọng đến tính chất ký hiệu của diễn ngôn bởi vì chỉ có như vậy thì CDA mới đảm bảo tính ngôn ngữ học và khác với phê bình văn học [18:18]. Trước đó, ngôn ngữ học phê phán (Critical Linguistics) do Fowler khởi xuớng cũng được dựa trên lý luận của lý

thuyết ngữ pháp chức năng hệ thống. Giải thích về vấn đề này, Nguyễn Hòa [18] nói rằng lí do cơ bản là SFG có cách nhìn ngôn ngữ giống với CDA và khoa học xã hội phê phán. Tác giả còn nhận định “khả năng ứng dụng của lý thuyết SFG trong CDA được chấp nhận là do SFG về bản chất là ngữ pháp hệ hình, nhìn nhận ngôn ngữ như nguồn lực tạo nghĩa, và việc sử dụng ngôn ngữ là sự lựa chọn các nguồn lực.” [17:19] Theo M.A.K Halliday, phân tích ngữ pháp là một quan điểm 3 bình diện, là phân tích nghĩa theo 3 cấp độ. Nếu chúng ta nhìn từ bình diện Ngữ pháp từ vựng, chúng ta còn có thể phân tích theo hai cấp độ nữa, đó là “”trên” (ngữ nghĩa) và “dưới” (âm vị). Ngữ pháp kiểu này là ngữ pháp nhìn từ bên trên. Đối với Halliday, ngữ pháp được xem là hệ thống, chứ không phải là các quy tắc. Ông quan niệm rằng, ngôn ngữ là một tiềm lực về nghĩa. Ông đồng hóa nghĩa với chức năng và ông sử dụng cú như là một đơn vị cơ sở để giải thích chức năng ngôn ngữ. Halliday tranh luận rằng tổ chức chức năng của ngôn ngữ quyết định hình thức và quy tắc ngữ pháp. Ông khẳng định ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp, và phải thực hiện 03 chức năng (siêu chức năng). Ba chức năng này vốn không phải tự thân, mà là để phục vụ chức năng giao tiếp - nhiệm vụ chính của ngôn ngữ, đó là:

(a) Chức năng kinh nghiệm trả lời các câu hỏi Ai? Làm gì? Ở đâu? Là sự thể hiện kinh nghiệm của con người về thế giới xung quanh và trong bản thân người phát ngôn; là để thể hiện nội dung giao tiếp.

- M.A.K Halliday chia chức năng ý niệm này thành siêu chức năng lô-gic và kinh nghiệm. Siêu chức năng lô-gic là những nguồn lực cấu trúc để xây dựng các tiểu cú trở thành câu. Còn siêu chức năng kinh nghiệm là những nguồn lực cấu trúc liên quan đến phân tích dòng chảy của kinh nghiệm qua đơn vị cú trong câu.

- Cú được xem là một sự trình bày về các sự tình mà ta đã trải nghiệm trong thế giới, những hành động, biến cố, những quá trình tâm lý và những mối quan hệ. Mỗi sự tình gồm có Quá trình (*) + Tham thể+ Chu cảnh

(b) Chức năng liên nhân, là thứ nghĩa có hình thức như một sự tác động để xác lập quan hệ giữa người nói và người nghe. Chức năng liên nhân của câu là luân phiên thay đổi vai trò trong những cách tác động lẫn nhau bằng ngôn từ: những nhận định, những câu hỏi, những đề nghị, những mệnh lệnh, kèm theo những tình thái nhất định.

- Chức năng này xét xem người nói hoặc người viết có thái độ trung lập hay không, thể hiện qua việc dùng ngôn ngữ tích cực hay tiêu cực. Những khoảng cách, giai tầng, cấp bậc xã hội sẽ buộc người nói dùng một mức độ “thân mật” đúng mực. - Cú được xem như là một sự trao đổi giữa người cho (giver) và người nhận (receiver). Trao đổi có thể là trao đổi thông tin (Vd: Hôm nay trời đẹp), trao đổi đề nghị (Vd: Mời anh uống nước) và trao đổi thao tác (Vd: Anh mở cửa giúp tôi)

- Mỗi sự tình gồm có Phần thức + Phần dư

(c) Chức năng tạo văn bản: là tính liên quan đối với văn cảnh, sự kết nối phần văn bản đi trước, phần văn bản đi sau và đối với tình huống bên ngoài. Chức năng văn bản của câu là để xây dựng một thông điệp. Trong mỗi sự tình, cần xác lập văn cảnh xem cái nào là đề, cái nào là thuyết.

- Cú được xem là sự kết hợp giữa Phần đề + Phần thuyết. Phần đề chỉ ra cái được nói đến trong câu. Cái được nói đến thường là cái đã biết trong quá trình diễn ra hoạt động giao tiếp giữa hai người. Đề là cơ sở, là điểm xuất phát cho hoạt động thông báo ở trong câu. Phần Thuyết chứa đựng nội dung nói về phần đề. Nó chứa đựng phần thông tin mới, là trọng tâm thông báo của câu. Ranh giới để phân biệt phần đề và phần thuyết được dựa trên nhiều tiêu chí như phương tiện, ý nghĩa chức năng, vị trí, từ loại ... mà điển hình nhất vẫn là tiêu chí về phương tiện.

- Việc chọn đề phụ thuộc vào yếu tố đứng trước, đứng sau quy định. Điều này làm cho văn bản có tính mạch lạc về chủ đề.

M.A.K Halliday [83] còn bàn đến khái niệm “tiêu điểm thông tin” (information focus) trong số những đơn vị thông tin độc lập xuất hiện trong ngữ pháp cú (clause grammar) và đại diện cho phần thành phần nổi bật của một đơn vị thông tin bất kỳ trong cú. Việc xác định các thông tin cũ hay thông tin mới cũng hàm ý sự liên hệ mật thiết giữa cấu trúc thông tin và cấu trúc Đề - Thuyết. Tuy nhiên, hai cấu trúc này không thật sự giống nhau. Trong khi cấu trúc Đề - Thuyết là sự lựa chọn từ cái Tôi của người nói, thì cấu trúc thông tin Cũ - Mới lại hướng đến người nghe.

Như vậy, nói tóm lại cả ba bình diện trong mô hình ngữ pháp chức năng của M.A.K Halliday đều nhấn mạnh mặt nghĩa. Halliday đồng hóa nghĩa (meaning) với

chức năng (function). Ngữ pháp chức năng của Halliday dùng Cú (clause) như là đơn vị cơ sở để giải thích chức năng ngôn ngữ - một cú phải thực hiện đủ cả 3 chức năng khác nhau này. Quan niệm này của Halliday khác với phần lớn các trường phái ngữ pháp khác khi đề cập cấu trúc câu chỉ cho rằng câu chỉ có một cấu trúc mà thôi.

1.2.2.2. Ngữ nghĩa học tri nhận (cognitive semantics)

Một trong những xu hướng chính của ngữ nghĩa học nhận thức là cách tiếp cận kinh nghiệm, thông qua việc miêu tả nghĩa theo hướng thực tế và kinh nghiệm để tái hiện những gì xảy ra trong đầu người phát ngôn và người tiếp nhận, gắn với kinh nghiệm của họ về thế giới bên ngoài. Điều này khá giống với cách mô tả thế giới kinh nghiệm trong lý thuyết SFG của Halliday. Tuy nhiên, việc nhận thức về thế giới kinh nghiệm có khi còn mang nhiều yếu tố chủ quan. Nhờ thế, cách tiếp cận này được vận dụng để phân tích sự thể hiện tư tưởng, thái độ hay chính kiến của người tạo diễn ngôn.

1.2.2.3. Cách tiếp cận dụng học (pragmatics)

Cách tiếp cận dụng học là một trong những đường hướng phân tích diễn ngôn có liên quan nhiều đến CDA bởi CDA coi trọng tính ngữ cảnh và quan tâm đến tác động của diễn ngôn đối với thực tại xã hội, trong khi dụng học nhìn nhận ngôn ngữ như là sự thực hiện các hành động. Cách tiếp cận dụng học này có thể xảy ra theo hai cách: hành động ngôn từ (của Austin) và dụng học theo nguyên tắc cộng tác (của Grice).

Lý thuyết hành động ngôn từ (Speech acts theory)

Từ khi ngữ dụng học ra đời, giao tiếp ngôn ngữ được nghiên cứu với tư cách là công cụ để thực thi hành vi ngôn ngữ - hay hành động ngôn từ. Hành động ngôn từ là những hành động được thực hiện thông qua các phát ngôn. Lyons [105] đã định nghĩa rằng những phát ngôn khi được hiểu theo cách nhấn mạnh vào quá trình

phát ngôn ra câu nói (hơn là để chỉ các thành phẩm phát ngôn) thì đó chính là hành

động ngôn từ. Còn Đỗ Hữu Châu [6] thì nhận định: “Khi chúng ta nói năng là chúng ta hành động, chúng ta thực hiện một loại hành động đặc biệt mà phương tiện

là ngôn ngữ. Người nói có thể dùng các phát ngôn của mình để thực hiện một hành động như xin lỗi, khen chê, mời mọc, tuyên bố... Xuất phát từ quan điểm “phát ngôn là hành động” hay “hành động là sản phẩm của phát ngôn”, nhà triết học J. L. Austin đã có những nhận định đặt cơ sở cho thuyết hành động ngôn từ trong tập bài giảng của mình sau này được xuất bản dưới cái tên How to do things with words

[46]. Tuy các công trình của ông để lại chưa cho thấy rõ rằng ông đã xác định được một lý thuyết hoàn hảo về vấn đề ông đã khởi xướng thì ông cũng đã làm rõ hai khái niệm mà hiện nay mọi người vẫn rất quan tâm đó là phát ngôn tường thuật (constative)- là phát ngôn nêu nhận định và phát ngôn ngôn hành (performative) - là phát ngôn mà khi nói chúng, người nói đã làm được một điều gì đấy (hơn là chỉ nói) (thuật ngữ của Nguyễn Văn Hiệp [14]). Sau này, Searle [135] đã từng bước làm rõ và hệ thống hóa các khái niệm của Austin và đồng thời đã đưa ra các tác động của thuyết hành động ngôn từ trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Dik, Van Valin và một số tác giả khác cũng đã tiếp tục kế thừa và phát triển thuyết hành động ngôn từ, làm cho nó trở thành một lí thuyết nổi tiếng trong ngôn ngữ học Chức năng luận.

Hành động ngôn từ còn được xem là các hành vi giao tiếp. Trong giao tiếp, một hành động ngôn từ được xem là thành công khi người nghe hiểu được ý định và thái độ của người nói. Bach [47] cho rằng Hành động ngôn từ cũng có thể không nhất thiết phải bắt nguồn từ ý định giao tiếp, mà có khi chỉ thực hiện các chức năng do tình huống giao tiếp quy định.

Austin phân loại và thảo luận ba lĩnh vực chính của hành động ngôn từ, đó là hành động tạo lời (locutionary act), hành động tại lời (illocutionary) và hành động mượn lời (perlocutionary). Trên bình diện ngữ dụng học, như Đỗ Hữu Châu [6:96] đã kết luận, việc biểu đạt sự tình của hành động tại lời là biểu hiện rõ nét nhất, vì nó thay đổi tư cách pháp nhân của người giao tiếp.

Searle [136] đưa ra các điều kiện sử dụng các hành động tại lời (quy định mối quan hệ giữa người phát ngôn và người nghe) gồm: (1) điều kiện nội dung mệnh đề, (2) điều kiện chuẩn bị, (3) điều kiện chân thành, và (4) điều kiện căn bản. Theo Austin, hành động ngôn từ được chia thành năm nhóm: (1) phán xử; (2) hành xử; (3) cam kết;

(4) trình bày và (5) ứng xử. Searle lại chia hành động ngôn từ (hành vi tại lời) thành năm loại: (1) trình bày; (2) điều khiển; (3) cam kết; (4) biểu cảm; và (5) tuyên bố.

Cách tiếp cận CDA theo đường hướng dụng học này cũng là cơ sở để giải thích quan niệm rằng: trong quá trình giao tiếp, con người không chỉ phát ngôn để miêu tả sự tình, mà còn thực hiện một số hành động nhất định. Đây là một cơ sở quan trọng cho việc tiếp cận tư liệu nghiên cứu của luận án về sau.

Nguyên tắc cộng tác của Paul Grice

Dụng học theo Grice đặt căn cứ trên ý nghĩa của người nói và các quy tắc cộng tác trong giao tiếp. Trong mỗi môi trường ngữ cảnh tình huống nhất định, ý định của người phát ngôn có thể giúp chuyển tải các ý nghĩa khác nhau vào trong diễn ngôn mà anh ta sử dụng. Trong công trình Logic and Conversation [80]), Grice đã bày tỏ quan tâm của mình đến yếu tố lô-gic và cho rằng hội thoại được đặt nền tảng trên các nguyên lý hợp tác được chia sẻ. Nguyên lý này được cụ thể hóa theo bốn phương châm giao tiếp:

 Phương châm về lượng: người nói được yêu cầu chia sẻ cho đủ thông tin đúng như được đòi hỏi; và đừng chia sẻ nhiều hoặc ít hơn cần thiết.

 Phương châm về chất: đảm bảo tính trung thực, nghĩa là đừng nói những gì mình cho là sai; và đừng nói những gì thiếu chứng cứ.

 Phương châm liên quan: chỉ nói những gì liên quan, không vô cớ lạc đề.

 Phương châm cách thức: nói rõ ràng, minh bạch; tránh mơ hồ; nói ngắn gọn; có trình tự.

Tuy nhiên, Nguyễn Hòa [19] cho rằng từ góc độ lý luận phê phán, dụng học vẫn có những điểm yếu là do tính chất cá nhân của hành động. Các hành động ngôn từ cũng được cho là bắt nguồn thuần túy từ các cá nhân, và cho dù các nguyên tắc cộng tác của Grice có được yêu cầu đảm bảo trong giao tiếp, thì trong thực tế người tham gia giao tiếp không phải khi nào cũng tuân theo các nguyên tắc này. Cho nên dụng học chưa thực sự quan tâm đến tác động của phía người nghe đối với việc sản sinh diễn ngôn ở phía người nói.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Đối chiếu đặc điểm diễn ngôn của khẩu hiệu tiếng anh và tiếng việt (full) (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)