8. Bố cục của luận án
2.4.3. Giá trị biểu cảm của ngữ pháp
Thông thường giá trị biểu cảm của các hiện tượng ngữ pháp được thể hiện thông qua sự cảm nhận vấn đề và hiện thực hóa vấn đề vào trong cách đánh giá của người sử dụng ngôn ngữ. Với Fairclough, giá trị biểu cảm của ngữ pháp thường tập trung vào tính tình thái biểu cảm (expressive modality), và trong một số trường hợp cũng cần phân biệt rõ với tình thái quan hệ (relational modality) [68:128], ví dụ như động từ “may” vừa có nghĩa tình thái quan hệ là đánh giá khả năng xảy ra của vấn đề (như trong “The bridge may collapse” - Cây cầu có thể gãy), hoặc có nghĩa tình thái biểu cảm là biểu thị sự cho phép (như trong “you may go out with Jones now” - Con có thể ra ngoài cùng Jones). Fairclough [68] cho rằng muốn thể hiện quan điểm tư tưởng trong cấu trúc ngữ pháp, thông thường chúng ta hay dùng các biểu hiện tình thái, thông qua phương tiện các động từ, trợ động từ hay trạng từ tình thái như:
may / might, must / have to, can / could…. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc
biệt, ví dụ như trong diễn ngôn tin (news discourse) thì yếu tố tình thái dường như là “bằng 0” và các động từ đều thường ở thì hiện tại để tường thuật sự thật, sự kiện, dữ liệu… Đối với các trường hợp này, việc thiếu vắng các yếu tố tình thái là để chứng tỏ quan điểm nhìn thế giới với cái nhìn khách quan, minh bạch. Việc sử dụng các tình thái từ để chỉ những mức độ chắc chắn khác nhau trong nhận thức của người phát ngôn về thế giới giúp bộc lộ tư tưởng và tri thức của họ về những gì đang diễn ra chung quanh mình. Fairclough còn cho rằng không phải chỉ có các trợ động từ tình thái mới giúp chuyển tải thông điệp tình thái biểu cảm này mà ngay cả trong động từ thường hay trạng từ tình thái đều có thể được phát huy.Tuy nhiên, việc tìm hiểu các hệ tư tưởng và thái độ người phát ngôn tiềm ẩn bên trong cần phải được chính người tiếp nhận diễn ngôn khám phá. Trong trường hợp của KH CT-XH, có 12,8% lượt sử dụng các từ tình thái (đa số là các động từ tình thái) để thể hiện quan điểm về các vấn đề chính trị - xã hội đang được quan tâm. Ví dụ:
- If today you will burn fossil fuel tomorrow you might be fossil under the sea
[A191]
- Don’t leave private information on a public computer screen. That information is
private and should not be seen. [A270]
Tiếp đến, bên cạnh sử dụng yếu tố tình thái, các hiện tượng ngữ pháp trong KH CT-XH tiếng Anh còn trực tiếp hay gián tiếp thể hiện các chức năng giao tiếp của ngôn ngữ như đã được Jakobson [88] đề xuất bao gồm quy chiếu (nhận thức,
biểu nghĩa), biểu cảm, yêu cầu (hướng tới người nhận), duy trì (giữ hoặc cho thôi
giao tiếp), siêu ngôn ngữ (ngôn ngữ nói về ngôn ngữ) và chức năng thơ (hướng về chính bản thân thông điệp, chức năng này thống trị trong ngôn ngữ văn học). Ngôn ngữ của KH CT-XH cũng hướng đến thuyết phục người đọc bằng các giá trị biểu cảm thông qua chức năng thơ, thể hiện trong một số khẩu hiệu có lối diễn đạt có vần, có điệu như (khẩu hiệu dạng này chiếm 5% tổng số diễn ngôn KH CT-XH):
- Do not neglect, protect! Slowly see the affect, as the animals reconnect! [A24]
- Allow life to thrive, don’t drink and drive. [A75]
- Be alert! Accidents hurt. [A77]
- Drinking isn’t cool. It makes you act like a fool. [A88]
- Don’t throw it away, it can be used in some other way. [A183]
- Trees on, carbon dioxide gone! [A236]
- Turn off the light. Don’t let the energy bill give you a fright. [A239]
- Washington Wouldn't, Grant Couldn't, Roosevelt Shouldn't. [A385]
- Champions train, endure pain, and never complain. [A415]
Một số khẩu hiệu còn sử dụng các con số và công thức toán học để làm tăng tính biểu cảm và dễ tác động cũng như thành công trong thông tin như:
- Water = Life, Conservation = Future! [A244]
- You are 60% water. Save 60% of YOURSELF. [A254]
- FAMILY = Father And Mother I Love You. [A450]
Một số khẩu hiệu khác còn trích dẫn các tục ngữ, danh ngôn để đạt giá trị biểu cảm như “Blood’s thicker than water”. [A458]
Cuối cùng, cấu trúc biền ngẫu (paralellism) cũng đã được sử dụng thường xuyên để nâng cao giá trị biểu cảm của các cấu trúc câu trong diễn ngôn KH CT- XH. Torresi [139:123] định nghĩa cấu trúc biền ngẫu như là một sự tương thích về mặt cấu trúc câu mà ở đó, các bộ phận của câu hoặc các câu khác nhau được trình bày theo một cách giống nhau để chỉ ra rằng các ý tưởng trong mỗi phần hay mỗi câu đó đều có sự tương đương về mức độ quan trọng. Corbette & Connors [61:381] thì cho rằng “cấu trúc biền ngẫu là sự tương tự trong cấu trúc của một cặp câu hay mệnh đề” và rằng “cấu trúc này là một trong các nguyên tắc cơ bản nhất của ngữ pháp và tu từ học”. Jakobson [89: 600] cũng phát biểu rằng hệ thống nghệ thuật ngôn từ kiểu biền ngẫu như thế cho phép người phân tích hiểu tường tận nhận thức của người nói về những giá trị tương đương trong ngữ pháp. Thật vậy, cấu trúc biền ngẫu cho phép người sử dụng ngôn ngữ nhấn mạnh thêm về nghĩa thông qua việc lặp lại các mẫu câu hoặc các mẫu câu đối ngẫu. KH CT-XH tiếng Anh sử dụng khoảng 12% cấu trúc thuộc dạng này. Ví dụ:
- God loved the birds and created trees, humans loved the birds and created cages. [A16]
- No compassion, No peace. Know Compassion, Know Peace. [A28]
- Say yes to life. Say no to tobacco. [A151]
- Winners never quit and quitters never win. [A409]
Tóm lại, chức năng biểu cảm của từ ngữ hay các quan hệ ngữ pháp đều giúp phản ánh thực tiễn xã hội mà thực tiễn này chứa đựng một mạng lưới các kinh nghiệm về thế giới vật chất, tinh thần hay những quan hệ liên nhân giữa những cá nhân tham gia giao tiếp. Trong KH CT-XH tiếng Anh, những thực tiễn kinh nghiệm cuộc sống cũng như những giá trị văn hóa, giao tiếp của những nước nói tiếng Anh đã được phản ánh trong việc sử dụng từ ngữ và cấu trúc ngữ pháp có tính biểu cảm, thuyết phục cao như đã được phân tích ở trên.