8. Bố cục của luận án
1.1.2. Diễn ngôn và phân tích diễn ngôn
Khái niệm diễn ngôn được các nhà ngôn ngữ học định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Nếu các nhà cấu trúc luận quy diễn ngôn cho một loại đơn vị nào đó như câu, đoạn văn, chương sách… thì các nhà chức năng luận lại xem xét khái niệm này một cách tổng thể hơn như ngôn ngữ hành chức hay tương tác xã hội. Diễn ngôn (discourse) trong thực tế thường đi kèm với một khái niệm song hành khác là văn bản (text). Foucault quy khái niệm diễn ngôn cho cách kiến tạo tri thức, cùng với thực tiễn xã hội, những hình thái khách quan và quan hệ quyền lực gắn với các tri
thức và quan hệ giữa chúng [73]. Widdowson [156] đồng nghĩa hóa diễn ngôn với cách dùng chuỗi các câu để tạo nên các hành vi giao tiếp nối kết thành các đơn vị giao tiếp lớn hơn. Brown & Yule [54] coi diễn ngôn hay văn bản là sự thể hiện ngôn từ của một hành động giao tiếp. Trong khi đó, Crystal [56] cũng nhấn mạnh yếu tố chuối ngôn ngữ liên tục lớn hơn câu trong diễn ngôn. Halliday & Hasan [84:10] chỉ đơn giản định nghĩa diễn ngôn gắn với chức năng giao tiếp của nó, đó là “văn bản (hay diễn ngôn) là đơn vị ngôn ngữ chức năng giao tiếp”. Cho dù bằng cách này hay cách khác, các định nghĩa về diễn ngôn cũng tập trung vào các khía cạnh chuỗi nhiều câu liên tục và chức năng giao tiếp của ngôn ngữ của văn bản đó. Cũng từ khái niệm này, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các hướng dẫn cho công tác phân tích diễn ngôn (PTDN). Theo đó, những đặc điểm chung nhất của phân tích diễn ngôn, theo Nunan [115], Brown & Yule [54], Paltridge [116] là
- PTDN là miêu tả cách khám phá các cơ chế cấu trúc mà người viết/người nói xử lý khi phát ngôn; tập trung vào kiến thức về ngôn ngữ vượt ra khỏi phạm vi từ, ngữ, cú và câu cần thiết cho cuộc giao tiếp thành công.
- PTDN là làm rõ những gì chúng ta đọc được trong các văn bản, hiểu được những gì người phát ngôn nói, nhận biết được những chuỗi câu liên kết và mạch lạc, cũng như có thể tham gia vào các cuộc hội thoại một cách thành công.
- PTDN là phân tích chức năng ngôn ngữ và cách nó chi phối các quan niệm và nhận thức, cách nó phân phối quyền lực cho những người có ít quyền hơn.
- PTDN là nghiên cứu những biểu thức ngôn ngữ và quan tâm đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và bối cảnh văn hóa - xã hội; là tìm hiểu cách mà ngôn ngữ thể hiện những cách nhìn và cách hiểu khác nhau về thế giới. PTDN còn xem xét phương thức mà ngôn ngữ bị chi phối bởi mối quan hệ giữa các thành viên cũng như xem xét tác động của việc sử dụng ngôn ngữ lên các mối quan hệ xã hội.
Có nhiều lĩnh vực thuộc nội hàm của diễn ngôn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận án, chúng tôi chỉ đề cập đến khái niệm diễn ngôn nói chung và diễn ngôn với tư cách là một tập quán xã hội cũng như diễn ngôn phản ánh tập quán xã hội mà nó là một bộ phận. Trên cơ sở đó, luận án xem xét KH CT-XH với tư cách là một
thể loại diễn ngôn đặc biệt và chọn phân tích diễn ngôn KH CT-XH thông qua áp dụng các phương pháp và nguyên lý của phân tích diễn ngôn để tiến hành phân tích diễn ngôn KH CT-XH chính trị - xã hội tiếng Anh và tiếng Việt. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của công việc phân tích diễn ngôn, luận án còn áp dụng đường hướng phân tích diễn ngôn phê phán để nhận diện rõ cơ chế quyền lực trong diễn ngôn mà các chi tiết về phương thức tiếp cận cũng như phương pháp luận sẽ được đề cập trong mục 1.2 dưới đây.