Sử dụng biện pháp ẩn dụ

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Đối chiếu đặc điểm diễn ngôn của khẩu hiệu tiếng anh và tiếng việt (full) (Trang 72)

8. Bố cục của luận án

2.3.4Sử dụng biện pháp ẩn dụ

Trong CDA, ẩn dụ là cách để diễn đạt một khía cạnh kinh nghiệm dưới dạng một khái niệm khác, chứ không nhất thiết phải là cách diễn ngôn theo nghĩa đen của nó; và mỗi kiểu ẩn dụ khác nhau đều tạo ra những hệ quả tư tưởng khác nhau tương ứng ([68], [98]). Mặc dù công nhận là CDA với nhiều nhấn mạnh về hệ tư tưởng, quyền lực và ngôn ngữ ([68], [145], [155]) cũng như những cấu trúc ý niệm đằng

sau diễn ngôn; và mặc dù những nhà phân tích CDA chú ý đến những thành tố nội diễn ngôn như từ ngữ, ngữ pháp, tình thái… thì các yếu tố tổng quát hơn về tính đồng nhất hay ẩn dụ trong diễn ngôn chính trị cũng được quan tâm không kém (ví dụ như nghiên cứu của Wilson [153] và Chilton-[57]).

Lakoff & Johnson [98] cho rằng ẩn dụ không những làm cho những suy nghĩ của con người càng thêm sâu sắc và thú vị mà chúng còn giúp định hình những nhận thức và hiểu biết của họ. Họ còn cho rằng ẩn dụ ý niệm là một phương thức của tư duy. Chính vì thế nghiên cứu khía cạnh sử dụng ẩn dụ trong diễn ngôn và cách sử dụng ẩn dụ để bộc lộ hệ tư tưởng và thái độ là hoàn toàn phù hợp với công tác CDA vì theo các tác giả này, ẩn dụ không chỉ đơn thuần là vấn đề của ngôn ngữ mà còn là vấn đề của tư duy. Ẩn dụ ý niệm được hiểu là một phương thức chuyển nghĩa trong cách tư duy, nơi mà các ý niệm trừu tượng được làm cho người khác hiểu thông qua các ý niệm ít trừu tượng và gắn với tư duy đời thường của họ hơn. KH CT-XH là một thể loại diễn ngôn thuyết phục công chúng. Khẩu hiệu hướng tới chức năng tác động trong khi ẩn dụ ý niệm, đặc biệt là các ẩn dụ cấu trúc (structural metaphors) có chức năng tác động rất lớn. Cho nên việc sử dụng các ẩn dụ ý niệm có tác dụng to lớn trong việc kêu gọi, vận động người khác.

Ví dụ trong khẩu hiệu vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1936 “Sunflowers die in November” (Hoa hướng dương tàn vào tháng 11), việc dùng hiện tượng ẩn dụ với các từ ngữ sunflower, die, November có ý nghĩa ẩn dụ rất sâu sắc. Theo ẩn dụ ý niệm thì ý niệm “die” (chết, tàn) là một hiện tượng tự nhiên. Hoa hướng dương (hay bất kì loại hoa nào khác và xa hơn là bất kỳ sinh vật nào khác) thường có chu kì, hết nở lại tàn; cũng như đời người được sinh ra, lớn lên và rồi cũng sẽ qua đời. Nhưng nếu xét về tình hình chính trị - xã hội của Hoa Kỳ lúc bấy giờ, có thể thấy những người ủng hộ ứng cử viên Franklin D. Roosevelt đang cố gắng vận động tranh cử cho người của mình bằng cách nói về đối thủ Alf Landon, người sinh ra và lớn lên ở bang Kansas, và bang này đang chọn hoa hướng dương làm biểu tượng hoa của bang. Tháng 11 năm đó lại là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử. Cho nên ý nghĩa ẩn dụ của khẩu hiệu này là ý niệm về cuộc đời - diễn tả một sự việc được cho là thuận theo lẽ tự nhiên là quy luật sinh - tử của cuộc đời. Qua ẩn dụ này,

người phát ngôn mong muốn thể hiện sự dự đoán cho kết quả bầu cử của đối thủ trong tương lai, đồng thời để vận động mọi người ủng hộ ứng cử viên của mình là Roosevelt. Ở đây, ý niệm “thất bại” được ẩn dụ bằng ý niệm “hoa tàn cuối độ” hay “sinh vật chết cuối đời” để người nghe hiểu được ngụ ý “ứng viên Alf Landon sẽ thất bại là lẽ đương nhiên”.

Tương tự, hãy cùng xét các ẩn dụ ý niệm trong các khẩu hiệu:

- An ounce of prevention is worth a pound of cure. [A260] (khẩu hiệu an toàn)

- When you gamble with safety you bet your life. [A320] (khẩu hiệu an toàn)

- A hamburger stops a beating heart. (khẩu hiệu quyền động vật) [A44]

- Think globally, act locally. [A382] (khẩu hiệu môi trường)

Trong ví dụ [A260], ý niệm trừu tượng về số lượng (ít / nhiều) đã được miêu tả bằng một ý niệm ít trừu tượng hơn và là đại lượng ước đoán chính xác hơn. Đó là “ao- xơ” và “pao” (hai đơn vị đo lường khối lượng của Mỹ). Một ao-xơ tương đương khoảng 28g và một pao tương đương khoảng 453g (gấp khoảng 16 lần một ao-xơ). Khi sử dụng ước lượng với hai đại lượng chính xác và đã được quy định như thế này, người nghe có thể hình dung được sự đối lập trong giá trị của việc phòng và chống ở khẩu hiệu an toàn này. Ẩn dụ ý niệm ở đây nhằm tập trung sự chú ý của người nghe vào giá trị cao hơn gấp nhiều lần của việc phòng chống bệnh tật hoặc tai nạn nghề nghiệp so với việc khắc phục hậu quả của các tai nạn hoặc bệnh tật nói trên. Hay trong ví dụ [A320], giá trị của sự an toàn đối với cuộc sống là một ý niệm trừu tượng, đã được ẩn dụ bằng một ý niệm ít trừu tượng hơn là sự cá cược trong đánh bạc. Đa số những người trưởng thành đều hiểu được việc đánh bạc bao hàm những cá cược mà người chơi (người đi tìm thú vui trong đánh bạc) thường không có nhiều cơ hội thắng, thậm chí có khi họ còn mất tất cả. Người ta dùng từ gamble (đánh bạc) vốn dĩ trong nghĩa gốc cũng đã hàm ý một sự ẩn dụ rồi, bởi hành vi này có thể bao gồm các hành vi tiêu khiển bình thường khác như chơi bài, chơi xúc xắc, chơi quay số… Nhưng khi dùng từ đánh bạc, bản thân người nói đã hàm ý một sự may rủi hay dựa vào vận may để tìm kiếm lợi ích cho bản thân chứ không đơn thuần là các trò tiêu khiển giải trí bình thường khác. Khi đem so sánh

việc vi phạm các quy tắc an toàn với hành vi đánh bạc, dẫn đến hậu quả có thể là mất đi mạng sống so sánh với việc thua một khoản tiền lớn trong đánh bạc, hình thức ẩn dụ này ngụ ý rằng nếu chúng ta không tôn trọng các quy tắc an toàn hoặc xem đó là những thú vui (như đánh bạc), thì có khi chúng ta sẽ có thể cá cược cả mạng sống của mình (một việc rất thường xuyên xảy ra trong đánh bạc). Từ việc phân tích các ví dụ trên, có thể thấy rằng người phát ngôn có thể phát huy các ẩn dụ ý niệm để làm tăng chức năng tác động của KH CT-XH - một nhiệm vụ rất quan trọng trong tuyên truyền.

Bên cạnh các hiện tượng ẩn dụ ý niệm, KH CT-XH tiếng Anh vẫn phát huy các kiểu hiện tượng ẩn dụ truyền thống, như được phân tích trong một số ví dụ sau:

- Protest against the spectacular exterior and inner emptiness.

Trong khẩu hiệu chống khủng bố này, có hai khái niệm vừa là từ trái nghĩa vừa mang ý niệm ẩn dụ đó là spectacular exterior (bên ngoài hào nhoáng) và inner

emptiness (bên trong rỗng tuếch). Sự đối lập về nghĩa của hai từ ngữ này trước hết

đã cho thấy một sự không hài lòng của người dân đối với thực trạng chống khủng bố ở Hoa Kỳ. Thêm vào đó ý nghĩa ẩn dụ của sự đối lập này được nhấn mạnh bởi người phát ngôn đã cố tình đưa ra hai hình ảnh bên ngoài hào nhoáng và bên trong

rỗng tuếch (với nghĩa đen là sự trái ngược vẻ bề ngoài và thực chất bên trong) để hàm ý về sự đối lập của những cái nhìn thấy được từ bên ngoài và thực chất của vấn đề. Với hai yếu tố từ ngữ ẩn dụ (bên ngoài/ bên trong) và hai tính từ bổ trợ nghĩa (hào nhoáng/rỗng tuếch), tác giả khẩu hiệu muốn người ta liên tưởng đến một sự bất ngờ khi thấy được những gì rất tốt đẹp bên ngoài nhưng lại hiểu được sự trống vắng bên trong - đó là bản chất của việc chống khủng bố ở thời điểm đó. Thành công của việc đưa ra yếu tố ẩn dụ này là nếu liên tưởng đến vẻ đẹp ngoại thất (khi mới quan sát) và vẻ trống trải về nội thất của một ngôi nhà (khi bước vào bên trong), chắc chắn nhiều người sẽ hiểu được thực chất của công tác chống khủng bố là chỉ mang tính chất hô hào, chư chưa thực sự mang lại các kết quả hữu hiệu, hoặc thậm chí là còn không đi đến kết quả (rỗng tuếch). Và từ kết quả của ẩn dụ tư tưởng này, khẩu hiệu trên muốn bày tỏ thái độ phản đối với cách hành động của chính phủ-hoặc một nhóm người có chức năng đối với công tác chống khủng bố. Qua đó, họ mong muốn

công tác này không cần phải phô trương hào nhoáng với vẻ bề ngoài mà chỉ cần tập trung vào thực chất và chú trọng để đạt được kết quả mong đợi.

Tương tự như vậy, trong khẩu hiệu “laundry is the only thing that should be

separated by color” (chỉ có công việc giặt giũ mới cần phân biệt màu sắc), yếu tố ẩn dụ

nằm ở từ ngữ “color”, nhưng toàn bộ ý nghĩa của ẩn dụ này phải đặt trong tương quan của cả khẩu hiệu. Nếu nói về nghĩa đen (literary meaning) thì khẩu hiệu này diễn đạt một sự tình mà ai cũng công nhận từ thế giới kinh nghiệm của họ. Khi cho tất cả đồ cần giặt giũ vào máy giặt, người giặt cần lưu ý phân loại các vật phẩm có thể bị hoen màu vì có khả năng nó sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của các vật phẩm khác. Và đây là nguyên tắc cơ bản nhất trong khi giặt giũ. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, đặc biệt là ở xã hội Mỹ nơi mà sự kì thị, phân biệt chủng tộc vẫn còn là vấn đề nóng bỏng qua nhiều thập kỉ, thì ý nghĩa ẩn dụ ở đây lại có nghĩa là ngoài công việc giặt giũ là đáng phân loại màu sắc ra, chẳng có điều gì cần phân biệt màu sắc cả. Điều này hàm ý vấn đề phân biệt sắc tộc là không đáng có, là bất bình thường, bất bình đẳng… và vấn đề mang tính quốc gia như vậy lại được đem ra so sánh với một công việc rất bình thường là “giặt giũ”, để hàm ý rằng công việc của những người theo đuổi chính sách phân biệt chủng tộc là không đáng trân trọng, chỉ đáng như là một công việc nhà.

Một số ví dụ khác về hiện tượng ẩn dụ là: - Killing for recreation is obscene. [A45]

- Everyone should be colorblind to see the beauty of people. (mù màu) [A55]

- Some people need to accept that the world is colorful.(đầy màu sắc) [A57]

- Discrimination is a disease. (bệnh tật) [A70]

- White America has a Black history. (quá khứ đen - đen tối) [A59]

- A tree never hits an automobile except in self defense. (tự vệ) [A73] - Human Trafficking is modern day slavery. (nô lệ thời hiện đại) [A425] - Plant your seeds now, reap your rewards later. (gieo - gặt) [A208]

Tần suất của các kiểu ẩn dụ này chiếm khoảng 8% của 500 mẫu diễn ngôn KH CT-XH tiếng Anh. Việc dùng các kiểu ẩn dụ này trong diễn ngôn đã ít nhiều giúp người phát ngôn thể hiện “quyền lực” để một mặt bày tỏ thái độ, tư tưởng của mình;

mặt khác các kiểu ẩn dụ này còn đạt giá trị biểu cảm và giá trị quan hệ (liên nhân) rất cao, giúp cho họ đạt được các mục tiêu giao tiếp trong tuyên truyền của khẩu hiệu.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Đối chiếu đặc điểm diễn ngôn của khẩu hiệu tiếng anh và tiếng việt (full) (Trang 72)