8. Bố cục của luận án
1.2. Những cơ sở lý luận chủ yếu và liên quan được áp dụng để phân tích diễn
ngôn khẩu hiệu
Nghiên cứu về khẩu hiệu đã được một số nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam quan tâm từ lâu. Nếu không xét đến tính chất chuyên biệt của mỗi loại khẩu hiệu, thì cả khẩu hiệu quảng cáo và khẩu hiệu chính trị - xã hội đều được quan tâm nghiên cứu bằng cách sử dụng các lý thuyết khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là theo cách tiếp cận cấu trúc luận. Xuất phát từ những luận điểm của học thuyết Saussure coi ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu võ đoán và đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ là hệ thống ngôn ngữ; hay quan điểm của Chomsky coi đối tượng của ngôn ngữ là tri năng (competence) chứ không phải là dụng năng (performance), chủ nghĩa cấu trúc luận tồn tại trong nhiều thập kỷ và kết quả là hầu hết các nghiên cứu trên đối tượng khẩu hiệu cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Các khung lý thuyết được sử dụng để phân tích các đối tượng như khẩu hiệu và những thể loại tương đương… trong những năm trước thập kỷ 70 ở các nước khác trên thế giới và trong khoảng những năm đầu của thế kỷ 21 khi trào lưu phân tích các đối tượng nói trên trở nên nở rộ ở Việt Nam vẫn chủ yếu đi theo trường phái cấu trúc luận. Không thể phủ nhận rằng các khung lý thuyết này đã một thời gian “thống trị” công việc nghiên cứu và phân tích các đặc điểm ngôn ngữ và đã để lại nhiều kết quả quan trọng trong phân tích ngôn ngữ, nhưng Firth, Halliday và một số học giả khác vẫn cho đây là cách nhìn phiến diện đối với bản chất ngôn ngữ. Những đổi thay biện chứng của xã hội loại người đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận ngôn ngữ như một nguồn lực và hành động. Các nguồn lực ngôn ngữ này được sử dụng trong các tình huống xã hội nhất định, và ngôn ngữ phải là một công cụ giao tiếp, thực hiện các siêu chức năng như kinh
nghiệm, liên nhân và tạo văn bản. Ngoài các phê bình đến từ Bakhtin, Firth, Halliday và Hymes, Brown & Yule [54] còn khẳng định tính chất “chức năng” của ngôn ngữ bằng nhận xét “Phân tích diễn ngôn nhất thiết là sự phân tích ngôn ngữ hành chức”. Từ thách thức này, hệ cấu trúc luận buộc phải nhường chỗ cho một cách tiếp cận mới, đó là hệ chức năng luận với các hướng tiếp cận ngôn ngữ như xã hội học, dụng học, ngôn ngữ học xã hội… Tuy nhiều nhà nghiên cứu đã đối lập hai hệ và chỉ ra những ưu thế vượt trội của hệ chức năng luận, song Nguyễn Hòa [19] lại đề xuất sự kết hợp của hai hệ hình nghiên cứu này, vì “khó có thể tách bạch giữa cấu trúc và chức năng” [16:275]. Từ đây, chúng tôi chọn lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán (CDA) làm khung lý thuyết cho nghiên cứu KH CT-XH trong luận án của mình, bởi lẽ CDA là một đại diện tiêu biểu cho trường phái nghiên cứu theo hệ chức năng luận. Hơn thế, CDA không phải chỉ là những phê bình theo cảm tính mà nó được dựa trên căn cứ ngôn ngữ học và nó quan tâm đến mối quan hệ quyền lực xã hội và vai trò của diễn ngôn trong đời sống xã hội.