6. Cấu trúc của luận án
4.2. Đa dạng hóa chủ thể trần thuật từ điểm nhìn và giọng điệu
Vấn đề điểm nhìn, giọng điệu và sự hình thành cấu trúc chủ thể của tác phẩm đã từng được M.Bakhtin, Yu. Lotman.. và nhiều nhà trần thuật học Phương Tây như F.Stanzel, M.Bal… đề cập đến. V.E.Khalizev trong Lí luận văn học [122]đưa ra nhận định tổng kết “Mối liên hệ giữa những người mang lời nói và sự tri nhận của anh tạo nên tổ chức chủ thể của tác phẩm” [122, tr. 274]. Ông
coi điểm nhìn là yếu tố trung tâm, cơ bản, định hình cấu trúc chủ thể. Đi kèm với điểm nhìn bao giờ cũng là yếu tố giọng điệu. W.Schmid, vì vậy, luôn đặt “lời” (“речь”) và giọng (“голос”) trong mối liên hệ chặt chẽ khi xác định tính chủ thể của một văn bản. Điểm nhìn và giọng điệu cho phép nhận diện sự vận động bên trong của tự sự “khi xuất hiện khả năng thay đổi của nó trong phạm vi sự trần thuật” [32, tr. 451]. Với Nghệ nhân và Margarita, nếu xuất phát từ yếu tố điểm nhìn, giọng điệu trong mối liên hệ với người kể chuyện ta sẽ thấy xu hướng phá vỡ những đường biên giới hạn trong các phương thức trần thuật.
Nghiên cứu hệ thống điểm nhìn của Nghệ nhân và Margarita, Vulis nhận xét rằng “Một vài người kể chuyện “Nghệ nhân”- hệ thống miêu tả phức tạp. Một vài điểm nhìn. Một vài tấm gương phản chiếu, giao cắt những hình ảnh phản chiếu của mình. Và một vài triết lí” [51, tr. 46]. Nhận xét đó gợi ý rằng vấn đề điểm nhìn trong tiểu thuyết này cần xuất phát và gắn liền với phương diện triết học và tư duy.
Ở Nghệ nhân và Margarita, E.A.Yablokov nhận ra hai vấn đề triết học lớn: “thứ nhất, đó là vấn đề chân lí, tương ứng với ý thức tồn tại […]; thứ hai, đó là vấn đề thực tiễn, tương ứng với “sự thể hiện” tư tưởng” [137, tr. 6]. Một trong những xung đột quan trọng trong tiểu thuyết – theo thuật ngữ của E.A.Yablokov chính là “cuộc đối thoại vĩnh cửu của lịch sử và văn hóa” [137, tr. 6], hay nói theo E.A.Ivanyshina là xung đột giữa “thế giới tồn tại trực tiếp và thế giới của ý nghĩa được thụ cảm (thực tại của kí hiệu)” [63, tr.232], nghĩa là giữa thế giới và ngôn từ về thế giới, hiện thực và những “kí hiệu” về hiện thực đó.
Hiện thực hấp dẫn M.Bulgakov, theo lời của V.V.Khimich, nằm trong “sự chuyển động cố hữu và sự vận động không ngừng của không - thời gian, hiện thực nằm ngoài tính trọn vẹn và nằm ngoài tính hoàn kết, trong quá trình hình thành có sự thay đổi về hình thức. Cách thụ cảm thế giới như thế là nguồn gốc đặc biệt tạo ra tính tích cực của tác giả, được xác định trước hết bằng việc chối từ hoàn toàn tính độc thoại mô phạm. Từ đó đưa đến nguyên tắc không thể rút gọn việc miêu tả về một giọng, một motif, một mặt phẳng, một điểm nhìn duy nhất. Từ đó dẫn đến việc sắp xếp ban đầu dựa trên nhiều giọng, vừa trong bức
tranh thế giới chung vừa trong giới hạn của ngôn ngữ tác giả” [124, tr. 149]. Thế giới vì vậy hiện ra trong tác phẩm của M.Bulgakov như một hiện thực được tổ chức bởi ý thức của những người tham gia quá trình sáng tạo và đối thoại. Người kể chuyện trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita thường hướng đến ngôn ngữ “của người khác” trong mặt phẳng tư duy của anh ta, đó là lí do dẫn đến sự phong phú của điểm nhìn.
M.Bulgakov trong các tác phẩm của mình thường chỉ ra tính phụ thuộc của bức tranh thế giới vào đặc tính ý thức tri nhận. Một trong những chủ đề chính trong sáng tác của ông chính là phủ nhận phán đoán “tiền đề”, hoài nghi bất cứ loại “lí thuyết” nào [137, tr. 86], “nghi ngờ tất cả các điểm nhìn trước diện mạo Chân lí” [137, tr. 86]. Voland thể hiện tư tưởng phủ nhận “quan điểm” áp chế: Chẳng cần quan điểm nào cả! [7, tr. 364] và “mọi học thuyết đều có giá trị của mình” [7, tr.836]. Điều này hoàn toàn không mâu thuẫn với luận điểm trong tiểu mục trước của luận án. Chúng tôi cho rằng tư duy Voland có sức hút mạnh với rất nhiều nhân vật song để khẳng định chân lí mà Voland nói “Jesus tồn tại”, phủ nhận phán đoán tiền đề mà chủ nghĩa vô thần nêu ra, các quan điểm các lí thuyết và cách nhìn lần lượt được đặt bên cạnh nhau, va chạm nhau. Dù khẳng định rằng Jesus tồn tại, thực hiện vai trò của Chúa trong hiện thực, Voland vẫn đối lập với Chúa trong quan điểm về thiện – ác, bóng tối – ánh sáng, cho đến cuối cùng vẫn không có một đáp án rõ ràng về sự “thống trị” duy nhất của quan điểm của Voland (thiện và ác cùng tồn tại, bóng tối là điều kiện cần thiết cho ánh sáng hiện diện và cần thiết cho sự tồn tại của vũ trụ này) hay quan điểm của Chúa (“mọi con người đều nhân từ”). Logic nghệ thuật của tác phẩm không tạo ra một lí thuyết, một điểm nhìn chiếm ưu thế, duy nhất đúng đắn. Tác giả tạo ra các hình ảnh nhưng không hoàn tất chúng mà phân chia khả năng hoàn thiện cho bản thân các hình ảnh (hình ảnh Jesus có mặt trong nhân vật Yeshua nhưng Yeshua không hoàn toàn là Jesus, Nghệ nhân cũng như nhiều nhân vật khác là một nhân vật hỗn hợp). Việc xây dựng tiểu thuyết trên các bằng chứng, tin đồn, cách giải thích khác nhau về các hiện tượng khác thường diễn ra ở Moskva, và cấu trúc “văn bản trong văn bản” cũng là cách để xác nhận rằng cần có nhiều
điểm nhìn khác nhau thậm chí xung đột nhau, tạo nên một thế giới với nhiều cách tri nhận.
Các nhà nghiên cứu từ trước tới nay không hẳn đã có sự thống nhất trong quan điểm phân chia các lớp trần thuật của Nghệ nhân và Margarita. Xem xét mối quan hệ giữa người kể chuyện và nhân vật chính, B.V. Sokolov, V.I.Nemtsev chỉ ra ở tác phẩm của M.Bulgakov “ba người kể chuyện: người kể chuyện châm biếm - đả kích trong các chương “hiện đại”, nơi Voland ngự trị, người kể chuyện khách quan, hay “lịch sử”, trong các chương cổ đại ở tiểu thuyết của Nghệ nhân, nơi Yeshua là nhân vật trung tâm, và người kể chuyện của tiểu thuyết, đại diện cho hai người kể chuyện trước. Nhân vật chính ở đây là Nghệ nhân” [91].
Trên cơ sở sự tồn tại của các nhân vật và phong cách trần thuật, L.Kiseleva đưa ra một cách xác định khác. Nghệ nhân và Margarita bao gồm “tác phẩm của Nghệ nhân với các nhân vật chính: Ponti Pilate, Yeshua, Levi Matvey; “tiểu thuyết” về các nhân vật, Nghệ nhân và Margarita; số phận của nhà thơ Ivan Bezdomny. Tiểu thuyết thứ tư đi qua […] các tiểu thuyết nhỏ này, có mối quan hệ xuyên suốt với các phần còn lại […] “tiểu thuyết” về Voland và đoàn tùy tùng […] Các cảnh, vạch trần bản chất của “những kẻ làm việc ở Griboedov” được viết theo dòng châm biếm. […] Tiểu thuyết về Ivan Bezdomny nổi bật bởi cách diễn đạt chính xác của tư liệu - thời sự. […] Phong cách lãng mạn được thể hiện trong các chương về Nghệ nhân và Margarita. […]. Sáng tác của Nghệ nhân về Ponti Pilate và Yeshua được thể hiện trong phong cách hiện thực” [67, tr. 230-234].
E.N.Khrusheva nhìn thấy trong Nghệ nhân và Margarita ba cuốn tiểu thuyết nhỏ, và trong mỗi cuốn có “người kể chuyện của mình (hoặc tổng hòa các giọng điệu trần thuật) […] người kể chuyện của “Moskva”, “tiểu thuyết lãng mạn”, “Kinh Thánh”: […] các chương 2, 16, 25, 26 thuộc về lớp Kinh Thánh - chiếm 17% văn bản; lớp lãng mạn - gần như toàn bộ phần hai tiểu thuyết, gồm các chương 19, 20, 21, 22,23, 24, 29, 30, 31, 32 - khoảng 28% văn bản, lớp Moskva - chiếm hơn 55% văn bản, gồm các chương 27, 28 và phần kết [126, tr. 186].
Để làm rõ sự thay đổi của điểm nhìn liên tục trong toàn bộ tiểu thuyết, chúng tôi phân chia các phần của tiểu thuyết trên cơ sở sự khác biệt trong cách tổ chức văn bản trần thuật (cụ thể là trong nguyên tắc trần thuật và các định hướng của người kể chuyện) và thuộc tính của các đoạn văn bản trên các cấp độ trần thuật khác nhau.
Cấu trúc tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita gồm hai văn bản liên quan đến các cấp độ trần thuật khác nhau – Moskva và Yershalaim. Chúng tôi đồng ý với ý kiến của E.G.Trubetskovoy rằng “các chương Moskva tạo thành […] một lớp trần thuật, bởi vì tuyến “trữ tình” và tuyến “châm biếm” được thống hợp […] bởi điểm nhìn duy nhất của tác giả” [115, tr. 119]. Tuy nhiên, trong khuôn khổ văn bản Moskva, dựa trên nguyên tắc trần thuật (mối quan hệ giữa người kể chuyện và văn bản của nhân vật, định hướng của người kể chuyện) chúng tôi phân biệt trong văn bản Moskva các chương châm biếm (phần một, chương 27, 28 và phần kết) và các chương lãng mạn (19, 20, 21, 22, 23, 24, 29, 30, 31, 32) (sự phân chia này dựa trên sự đối lập giữa các chương “Moskva” và các chương “lãng mạn” mà E. N. Khrusheva nêu ra). Văn bản Yershalaim được “trích dẫn” trong văn bản Moskva, các nhân vật của thế giới Moskva (Nghệ nhân, Voland, Ivan Bezdomny) là người kể chuyện của văn bản Yershalaim nhưng đó là những người kể chuyện mang tính hình thức, đó là văn bản “trích dẫn” song đã chuyển sang cấp độ trần thuật khác, giọng điệu khác. Sự khác nhau giữa văn bản Moskva và văn bản Yershalaim là ở chỗ: văn bản Moskva hướng đến lối trần thuật chủ quan còn văn bản Yershalaim định hướng theo trần thuật khách quan. Làm rõ sự thay đổi điểm nhìn ở hai văn bản, mối quan hệ (đối lập, tương đồng - nối kết) giữa hai văn bản này chúng tôi xuất phát từ việc xác định vị trí của người kể chuyện trong mối quan hệ với thế giới trần thuật và các phương pháp thể hiện cách tri nhận thế giới của anh ta.