Cốt truyện lũy tiến và phương thức song trùn g giễu nhại

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 98)

6. Cấu trúc của luận án

3.2.1. Cốt truyện lũy tiến và phương thức song trùn g giễu nhại

Cốt truyện Nghệ nhân và Margarita được hình thành từ hai câu chuyện cách xa nhau về thời gian, không gian: Câu chuyện của Moskva thời hiện đại (câu chuyện về Voland được xen vào ở đây) và câu chuyện của Yershalaim thời cổ đại. Sự tồn tại và đan xen của các sự kiện thuộc hai câu chuyện trong cùng một cốt truyện cho ta hình dung về kiểu cốt truyện lũy tiến, lắp ghép, đầy tính ngẫu nhiên, phá vỡ trật tự nhân quả tuyến tính. Theo chúng tôi, phương thức bên trong kết nối hai câu chuyện chính là song trùng và giễu nhại.

Tính song trùng, song chiếu của hai văn bản Moskva và Yershalaim được thể hiện qua sự tương ứng của các sự kiện thuộc tuyến truyện Pilate với sự kiện thuộc tuyến Quỷ và tuyến Nghệ nhân và Margarita:

Buổi thẩm vấn Cuộc gặp giữa Ivan và Stravinsky Hành hình Ivan trong trạng thái kiệt sức Việc chôn cất Lời chào tạm biệt của Nghệ nhân Cái chết của Judas Cái chết của Maigel ở vũ hội Pilate và Levi Matvey Voland và Levi Matvey

Pilate được tự do Số phận Nghệ nhân và Margarita được định đoạt – tự do

Các sự kiện mặc dù cách xa nhau về thời gian và không gian, có mức độ quan trọng khác nhau trong diễn tiến cốt truyện song chúng đều có những yếu tố chung. Tất cả đều hướng đến làm nổi bật tiến trình từ xét xử (thử thách) qua

đau khổ, chịu đựng, cái chết và chuyển đến một thế giới khác. Đó là mô hình thể hiện quan niệm của Chính thống giáo về cuộc đời con người, mô hình về một hành trình đi từ thời gian đến phi thời gian, đến cái vô tận và vĩnh cửu (Phụ lục 3.1, 3.2, 3.3).

Trong dòng chảy của các sự kiện song trùng, giễu nhại xuất hiện, như một phương thức, một yếu tố tạo sự kết nối chặt chẽ hơn các tuyến sự kiện vốn cách xa nhau, vốn mang tính “cắt dán” và ngẫu nhiên. Khái niệm giễu nhại (parody) được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Chúng tôi đồng ý với quan niệm của Linda Hucheon khi bà cho rằng giễu nhại là “sự bắt chước theo một hướng phê bình khác không phải lúc nào cũng hạ thấp giá trị của văn bản bị giễu nhại” [162, tr. 50]. Giễu nhại không có nghĩa là “bông đùa”, là nghi ngờ văn bản bị giễu nhại, không chỉ có cái hài mà còn có cả sự “nghiêm túc”, hai văn bản dẫu đi theo hai hướng khác nhau nhưng cùng thắt buộc và gắn chặt ở một số yếu tố.

Để làm rõ phương thức giễu nhại giữa câu chuyện thuộc thế giới Moskva và câu chuyện thuộc thế giới Yershalaim chúng tôi chọn và phân tích hai sự kiện: cuộc gặp đầu tiên của Ivan với Stravinsky tại bệnh viện tâm thần và sự lặp lại của Nghệ nhân và người kể chuyện lời kêu than do Pilate thốt lên: “Ôi hỡi các vị thần linh”.

Chương 8 của tiểu thuyết có tên gọi Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ, ở đó diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Ivan và bác sĩ Stravinsky ở bệnh viện tâm thần. Trước đó vài chương người đọc được chứng kiến “cuộc đấu” giữa Yeshua Ha-Nostri và Pilate. Đó là cuộc gặp gỡ giữa bị cáo và người xét xử, theo đúng nghĩa một cuộc đấu bởi Ha-Nostri đã vượt quá giới hạn quy tắc cho phép, anh ta gọi Pilate là “con người nhân từ của tôi” thay vì “Ighemon”, phá vỡ những quy ước pháp lý. Ha-Nostri từ chối đấu tranh cho cuộc sống của mình và cư xử như một “kẻ điên”. Cuộc đấu của Ivan - cuộc đấu giữa một “kẻ điên” với quan tòa của anh ta và sự thất bại trong cuộc đấu đó đã được báo trước bởi chương đầu tiên trong câu chuyện của Pilate, từ đó định hình một cấu trúc giễu nhại. Chi tiết bác sĩ Stravinsky cùng đồng nghiệp đi vào phòng của Ivan đã là một sự ám gợi

giễu nhại đến cuộc gặp gữa Pilate và Yeshua. Vị bác sĩ với áo choàng trắng cùng thái độ “quan tâm và kính trọng” [7, tr. 493] gợi cho Ivan nhớ đến Ponti Pilate. Hơn nữa Ivan còn nhận ra rằng “ông ta nói bằng tiếng Latin, hệt như Pilate” [7, tr. 494]. Rõ ràng cảnh gặp gỡ giữa Ivan và bác sĩ Stravinsky bắt chước lại cảnh gặp gỡ của Pilate và Yeshua trong giọng điệu hài hước. Tính hài hước ở đây nói lên nỗ lực bất thành trong việc tầm thường hóa bi kịch của cuộc gặp gỡ giữa Pilate và Yeshua Ha-Nostri. Người đọc cũng có thể nhận ra phương thức giễu nhại kép trong chi tiết này. Lời miêu tả Stravinsky và đoàn tùy tùng (свита) không chỉ gợi đến Pilate mà còn gợi đến Voland và những kẻ dưới quyền - “đoàn tùy tùng”. Từ “sizophrenia” khiến Ivan nghĩ về Voland. Cấu trúc giễu nhại kép đó khẳng định lời tuyên bố nổi tiếng của Quỷ rằng hắn đã ngồi nói chuyện với Pilate ở vườn. Bởi thế, Quỷ có mặt khắp mọi nơi, có sức mạnh ám ảnh cuộc sống của con người.

Pilate trong cuộc đối thoại với Yeshua, khi bàn thảo về vấn đề “Chân lí là gì” đã phải thốt lên “Ôi hỡi các vị thần linh” và “Thuốc độc, thuốc độc cho ta…” [7, tr. 375]. Lời kêu than đó của Pilate có thể hiểu theo hai nghĩa đối lập: xung đột mang tính bi kịch giữa tà giáo và chính thống giáo và ý thức về tội lỗi. Với Pilate, lời kêu than đó mang nghĩa nhấn mạnh ý thức về tội lỗi nhiều hơn. Khi người kể chuyện và Nghệ nhân lặp lại những lời đó của Pilate, họ đã đưa cả hai nghĩa đó vào trong toàn bộ tác phẩm. Người kể chuyện trong chương Chuyện xảy ra ở Griboedov, trước cảnh tiệc tùng ở trụ sở của MASSOLIT đã thốt lên “Ôi hỡi các vị thần linh, các vị thần linh của tôi, thuốc độc đâu, hãy cho tôi thuốc độc” [7, tr. 442]. Ở bối cảnh đó, lời nói này như là biểu hiện của sự xung đột giữa chính thống giáo và tà giáo vốn được gợi ra từ lời của Pilate. Bữa tiệc bắt đầu bằng tiếng hét: “Alliluia!”(nghĩa là: ca tụng Chúa) nhưng nhạc Jazz và điệu nhảy lại gợi đến bầu không khí phóng đãng, không thuộc về Chính thống giáo. Trong cái phóng đãng, cái phi lí người ta lại chờ đợi sự “trở lại” của Chúa, thần linh. Một không gian đầy tính nghịch dị.

Nghệ nhân lặp lại lời của Pilate khi bản thảo cuốn tiểu thuyết được Voland đưa trở lại “Những đêm có trăng ta vẫn chẳng được yên, sao các ngươi lại làm ta kinh động? Ôi, hỡi các vị thần linh” [7, tr. 862]. Nghệ nhân, cũng

giống như Pilate đã phạm sai lầm bởi tính hèn nhát, và gọi đến Chúa và thần thánh khi nhận ra rằng đã quá muộn để sửa chữa những gì đã làm.

Đến phần kết của cuốn tiểu thuyết khi quá khứ và hiện tại đặt bên cạnh nhau, phương thức giễu nhại lại hiện diện. Đó là cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa câu chuyện của Pilate và câu chuyện của Moskva. Khi người kể chuyện kể về những nỗ lực của người Moskva trong việc lí giải các sự kiện xảy ra trong suốt cuộc viếng thăm của Voland, toàn bộ cuốn tiểu thuyết được nhắc lại dưới dạng tóm tắt. Quan trọng hơn, người đọc phát hiện ra rằng mỗi năm đến đêm hội rằm mùa xuân Ivan hồi tưởng lại con đường anh ta đã đi quanh hồ Patriarsh, mơ thấy cuộc hành hình và cuộc đối thoại giữa Pilate và Yeshua, lời chào tạm biệt với Nghệ nhân và Margarita. Cuối cùng, giáo sư Ivan là nhân vật tự giễu nhại bản thân mình trước đây, hình dung lại sự thật mỗi năm một lần. Giờ đây anh “biết và hiểu mọi thứ”. Ivan là một nhà sử học giống như Nghệ nhân và anh ta lặp lại những lời của Pilate (“Ôi hỡi các vị thần linh” [7, tr. 1061]) giống như người kể chuyện và Pilate. Bi kịch của Ivan trở nên sâu sắc hơn, nặng nề hơn và anh ta chỉ có thể tìm đến đấng tối cao thần linh như một cách trút bỏ bớt những ám ảnh về bi kịch đó.

Như vậy nếu hình dung cốt truyện như một diễn ngôn có cú pháp với sự nối liền của các thành phần khác nhau ở các cấp độ/ hệ: paradigmatic/ chọn lựa (hệ dọc/ hệ hình) và syntagmatic/ kết hợp (hệ ngang/ ngữ đoạn) thì rõ ràng với phương thức song trùng và giễu nhại cấu trúc cốt truyện của Nghệ nhân và Margarita hướng đến kiểu liên kết chọn lựa, nới lỏng mọi trật tự nhân quả, hướng người đọc đến sự lựa chọn, “thay thế”, lưu chuyển các lớp nghĩa.

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)