Tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX: sự hình thành và những dấu hiệu

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 31)

6. Cấu trúc của luận án

1.3. Tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX: sự hình thành và những dấu hiệu

hiệu thi pháp thể loại

Huyền thoại đi vào văn học bằng theo con đường nào, bằng những cách nào? Câu hỏi đó tất yếu được đặt ra khi khẳng định rằng tư duy huyền thoại chi

phối văn học dân gian và rồi tiếp tục “gắn bó” với văn học viết. L.V.Yaroshenko trong Chủ nghĩa tân huyền thoại trong văn học thế kỉ XX [139] khái quát rằng con đường truyền dẫn huyền thoại đến với văn học viết vừa theo lối chủ quan vừa theo lối khách quan, vừa hữu thức vừa vô thức. Ba phương thức chính yếu có thể kể đến, chính là “kí ức thể loại” (thuật ngữ của M.Bakhtin), vô thức tập thể, và mối quan tâm của tác giả đối với cấu trúc, hình ảnh, cốt truyện cổ mẫu, định hướng tư duy theo những biến thể huyền thoại. Tuy nhiên, mỗi một giai đoạn, mỗi một thời đại “xử lí” mối quan hệ giữa văn học và huyền thoại theo một cách riêng, theo những định hướng thẩm mĩ khác nhau.

Nếu nhìn theo tiến trình lịch sử văn học Phương Tây từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XX ta sẽ thấy những giai đoạn khác nhau rõ ràng trong mối quan hệ giữa huyền thoại và văn học. E.M.Meletinsky cho rằng thế kỉ XVIII-XIX là thế kỉ văn học “giải huyền thoại” (демифологизация/ demythologization), bởi đó là thời điểm nghệ thuật nói chung chịu sự tác động của lối tư duy khoa học tự nhiên, kiểu nhận thức duy lí về thế giới và con người, bắt đầu cố gắng để giải phóng khỏi cái phi lí. Tiền đề của giải huyền thoại chính là chủ nghĩa duy lí, là ý thức khẳng định giá trị tự thân của thế giới vật thể, xu hướng mô phỏng tự nhiên, chuyển sự chú ý sang phạm vi hiện thực. Tuy nhiên, chính E.M.Meletinsky cũng thừa nhận “mâu thuẫn và nghịch lí hiển nhiên của chính quá trình giải huyền thoại”, bên cạnh sự từ chối có ý thức cốt truyện huyền thoại là “những cố gắng tự giác sử dụng huyền thoại… đôi khi những cố gắng này mang tính chất của sự sáng tạo thi pháp huyền thoại độc lập” [34, tr. 382]. Điều này lí giải cho sự xuất hiện của Robinson Crusoe hay Faust ở thế kỉ XVIII, sự hiện diện của huyền thoại trong tác phẩm của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng. Đến nửa cuối thế kỉ XIX, mối quan tâm đến huyền thoại bắt đầu xuất hiện và mở rộng, mà người tiên phong trong phạm vi lí thuyết là F.Nietzsche và trong âm nhạc là W.R.Wagner. E.M.Meletinsky chỉ ra rằng đó là khuynh hướng “tái huyền thoại” (ремифологизация/ remythologization). Chủ nghĩa tân huyền thoại (неомифологизм/ Neomythologism) xuất hiện vào đầu thế kỉ XX, theo Z.G.Mints [88] và V.Ivanov [62], được khởi nguồn từ chủ nghĩa tượng trưng

(Символизм/ Symbolism), bởi họ quan niệm rằng: có một con đường rõ ràng “từ biểu tượng đến huyền thoại”. Phát triển ý tưởng đó, V.A.Markov đưa ra ba “làn sóng” của tư duy huyền thoại xuất hiện liên tục trong tiến trình lịch sử văn học: làn sóng thứ nhất thuộc về giai đoạn văn học cổ đại, được hình thành do việc sử dụng trực tiếp ẩn dụ huyền thoại; làn sóng thứ hai là chủ nghĩa lãng mạn trong văn học thế kỉ XVIII đến đầu XIX, trong đó có cả chủ nghĩa tượng trưng; làn sóng thứ ba xuất hiện vào đầu thế kỉ XX - chủ nghĩa tân huyền thoại. Nền tảng triết học của chủ nghĩa tân huyền thoại theo L.V.Yaroshenko là hiện tượng luận của Edmund Husserl, siêu hình học của Hartmann von Aue, lí thuyết về giá trị của Max Scheler, bản thể luận của Martin Heidegger, triết học Karl Theodor Jaspers, phân tâm học của Freud và Jung.

Xem xét mối quan hệ giữa văn học và huyền thoại, đặc biệt là sự xuất hiện của tiểu thuyết tân huyền thoại, theo chúng tôi, trước hết phải xuất phát từ bản chất quy luật vận động của văn học và thể loại.

Trong nghiên cứu lịch sử văn học, có lẽ người nghiên cứu không thể bỏ qua nguyên tắc đặc biệt quan trọng về tiến trình phát triển của văn học đã được Yu.M.Lotman lưu ý: “sự phát triển đa dạng và phong phú ở một cực cần phải được bù lại bằng sự phát triển ổn định ở cực khác” [77, tr. 123]. Tiểu thuyết là thể loại luôn tiếp cận với “cái hiện tại chưa hoàn thành”, để cân bằng và tránh khỏi sự phá vỡ cấu trúc tự sự của mình tiểu thuyết tìm đến với các cổ mẫu. Do đó, tiểu thuyết dẫu sống với cái hiện tại vẫn luôn “hoài nhớ quá khứ và điểm khởi đầu của mình” [3, tr. 101]. Một trong những con đường chủ đạo dẫn đến sự hiện diện của huyền thoại trong các tác phẩm văn học viết chính là “kí ức thể loại”. Theo con đường hoài nhớ thể loại, cổ mẫu carnaval trở thành một trong những yếu tố chủ đạo của tiểu thuyết cổ điển Phương Tây, nó chi phối cách xây dựng cốt truyện, nhân vật và motif. Nghiên cứu các mô hình đa dạng và phức tạp của cốt truyện, Yu.Lotman đã chỉ ra hình thức cổ mẫu chính yếu, tương đối ổn định trong tiểu thuyết thế kỉ XIX: cái chết – địa ngục – sự phục sinh. Mô hình này có thể biến đổi thành: phạm tội – lưu đày ở Sibir - trở về. Ta có thể nhận ra kiểu cốt truyện đó trong Những linh hồn chết của N.VGogol, trong Anh em nhà

Karamazov, Tội ác và trừng phạt của F.Dostoevsky, trong Phục sinh của L.Tolstoy. Khi nghiên cứu lí thuyết cốt truyện cổ mẫu, trên tư liệu tác phẩm của A.Pushkin, N.Gogol, F.Dostoevsky, E.M.Meletinsky trong Về các cổ mẫu văn học [85] khẳng định rằng các mô hình trần thuật muôn màu muôn vẻ của tác phẩm văn học về thực chất là sự biến đổi các cốt truyện cổ mẫu. Các nhà nghiên cứu I. Simonov (Từ truyện cổ tích đến tiểu thuyết), J.White (Huyền thoại trong tiểu thuyết hiện đại)… cũng chứng minh sự hiện diện của các mô hình trần thuật cổ mẫu trong cấu trúc của các tiểu thuyết truyền thống là sự vang vọng của “kí ức thể loại” (chẳng hạn dấu vết của cấu trúc truyện cổ tích về lễ thành đinh trong

Người con gái viên Đại úy). Nhưng nếu huyền thoại hiện diện trong tiểu thuyết truyền thống như là “kí ức thể loại” thì đến thế kỉ XX chức năng của huyền thoại không bị hạn định trong việc níu giữ “kí ức thể loại” nữa mà rõ ràng nó tồn tại như một yếu tố căn bản kiến tạo nên thể loại mới – tiểu thuyết huyền thoại (roman-mif). Sự tham dự của huyền thoại vào cấu trúc tiểu thuyết thế kỉ XIX chỉ hạn định ở phương diện cấu trúc văn bản: motif, hình ảnh, mà chưa mở rộng đến toàn bộ tiểu thuyết và chưa lan sang địa hạt ý thức và tư duy thẩm mĩ. Tiểu thuyết thế kỉ XX khiến cho người đọc có cảm thức họ được tồn tại bất biến trong huyền thoại và thể hiện huyền thoại như là một đặc điểm tư duy hoàn toàn mới. Huyền thoại với thế kỉ XX hoàn toàn không đơn thuần chỉ là một phạm trù của thi pháp mà là yếu tố của bản thể luận. Đem đến một cách tri nhận thế giới mới, kiểu tư duy thẩm mĩ mới, huyền thoại làm xuất hiện những đặc trưng thể loại mới, biến đổi tất cả các cấp độ của cấu trúc thể loại: hệ thống nhân vật, kết cấu – cốt truyện, không – thời gian, cấp độ ngôn từ và cấu trúc chủ thể trần thuật.

Sự phá vỡ cấu trúc thể loại truyền thống và sự xuất hiện của thể loại mới (tiểu thuyết huyền thoại) thực chất là tuân theo quy luật thẩm mĩ “trong thời đại chuyển giao, khi các truyền thống mĩ học được xem xét lại, sự phụ thuộc giữa nguyên tắc thẩm mĩ mới được tìm kiếm và nguyên tắc phản ánh hiện thực được bộc lộ một cách tối đa bằng trạng thái của tiểu thuyết, tư duy tiểu thuyết” [90, tr. 5]. Tiểu thuyết như M.Bakhtin nói là thể loại “tiếp xúc tối đa với cái hiện tại” nên quá trình tìm kiếm và thay đổi tư duy đó diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng.

Trong thế kỉ XX, đời sống nhân loại diễn ra rất nhiều những thay đổi, đặc biệt là những thay đổi trong thế giới quan của con người, khiến cho các hình thức và truyền thống mĩ học thay đổi, kéo theo đó là sự biến đổi trong bản thân thể loại tiểu thuyết, mở đường cho sự xâm nhập của tư duy huyền thoại vào tư duy tiểu thuyết. Ba sự thay đổi lớn cần phải kể đến chính là: quan niệm mới về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ trong triết học, quan niệm mới về không gian- thời gian và bước ngoặt trong ngôn ngữ học.

Việc khám phá quan niệm về con người và thế giới đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành thể loại: cá nhân không được hiểu như một hiện tượng tự trị, giới hạn giữa con người và xã hội, tự nhiên và văn hóa bị xóa bỏ, đời sống riêng tư bị cào bằng. Người nghệ sĩ hướng đến phạm vi tổng hợp, toàn nhân loại, hướng đến miêu tả con người tổng hợp trong bối cảnh tổng hợp. N.T.Rymar trong Tư duy tiểu thuyết và văn hóa thế kỉ XX [99] đã khát quát điều này: “Nếu văn hóa thế kỉ XIX cố gắng đi tìm sự thỏa hiệp giữa những định hướng giá trị đối nghịch nhau của những cá nhân trong thời đại mới, cố tìm tính toàn vẹn của “cuộc sống sinh động” trong đó tính cá nhân và tính toàn thể khả dĩ thống nhất được với nhau, thì thực tiễn xã hội của thế kỉ XX nói chung và kinh nghiệm cuộc sống trong các chế độ cực quyền nói riêng đưa đến kết luận về sự suy yếu và sụp đổ của loại hình cá nhân, bộc lộ tính chất không tưởng của tư tưởng toàn vẹn” [99, tr. 94]. N.T.Rymar cũng giải thích thêm rằng đặc trưng của văn hóa thế kỉ XX không chỉ là sự khẳng định cá nhân mà còn là khát khao muốn chối bỏ cuộc sống cá nhân, muốn hòa tan bản thân mình vào trong tập thể, muốn hòa trộn một cách phi lý vào trong tập thể [99, tr. 94]. Xu hướng này dễ dàng tìm được sự tương hợp với đặc điểm đầu tiên của tư duy huyền thoại mà chúng tôi đã nói đến ở trên.

Cách hình dung về mối quan hệ thời gian-không gian của con người thế kỉ XX cũng có những thay đổi. Mô hình của Newton đem đến cho con người thế kỉ XIX cách hình dung về không gian thời gian như những mô hình tồn tại thuần nhất toàn năng và tuyệt đối. Con người của thế kỉ XX tìm đến với hình ảnh tọa độ tổ chức thế giới đa chiều, dòng thời gian phi tuyến tính. Bên cạnh đó, cần phải thấy

rằng thế kỉ XX là thời đại “tăng tốc của những bi kịch” (các cuộc chiến tranh thế giới), những thảm họa lịch sử liên tục giáng xuống khiến cho niềm tin vào tính hợp lí lịch sử bị phá vỡ. Trong cảm thức của con người thế kỉ XX thời gian lịch sử trở nên phi lí. Lâu đài tri thức duy lí giờ đây giống như “cái tháp Babel chứa đầy hỗn độn mông lung” [2, tr. 12]. Lịch sử không còn được nhìn theo sự vận động tuyến tính, về phía trước, không thể đảo ngược trong thời gian mà như là sự tái diễn thường xuyên một số tình huống. Tiến trình lịch sử được hình dung như là một biểu đồ mang tính chu kì và biến hóa. Vì thế người ta bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề thời gian. Đặc điểm tuyến tính, không thể đảo ngược và một chiều bị xóa bỏ, thời gian mang tính đa chiều, có thể quay ngược và có tính chu kì. Đó có lẽ là cơ sở khiến cho lí thuyết của K.Jung, M.Eliade về cổ mẫu xuất hiện trong thế kỉ XX.

Liên quan đến vấn đề tư duy về cá nhân con người, đến lối “diễn dịch” về thời gian là tư duy về ngôn ngữ. Ngôn ngữ học trong thế kỉ XX từ chối nghiên cứu theo hướng tâm lý học hay phê bình chủ thể, hướng vào nghiên cứu vấn đề nghĩa và ý nghĩa của từ, coi ngôn ngữ như là cơ sở bản thể luận cao nhất của tư duy và hành động. Ngôn ngữ được coi như là yếu tố quy định tư duy và sự tri nhận, hiện thực được hình thành chỉ trong ngôn ngữ, và nó chính là ngôn ngữ. Từ không phải là kí hiệu quy ước về đối tượng mà là một phần của đối tượng. Chính bởi vậy ngôn ngữ học thế kỉ XX nói đến sự đồng nhất của kí hiệu và cái được biểu hiện, từ và đối tượng, tên gọi và bản chất. Ngôn ngữ chấm dứt vai trò chỉ là phương tiện miêu tả, nó khẳng định giá trị tự thân của mình. Chính điều này cho phép đặt ra vấn đề sáng tạo ngôn ngữ và ngôn ngữ huyền thoại tìm được sự dung hòa với bước chuyển về ngôn ngữ này.

Ngoài ra cũng cần thấy rằng vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX trong bản thân thể loại tiểu thuyết đã diễn ra một cuộc khủng hoảng. Nhiều nhà nghiên cứu nói đến “cái chết”, “điểm dừng”, sự đứt gãy trong hành trình của tiểu thuyết (V.Ivanov, K.Spassk). Để vượt qua cơn khủng hoảng này, bản thân thể loại phải chứng minh khả năng đổi mới, cải biến của mình. Và lần lượt những tác phẩm mới xuất hiện, vượt ra khỏi khung khổ tư duy thẩm mĩ và hình thức truyền thống. Ulysses của Joyce ngay sau khi xuất bản đã tạo ra sự hoài nghi về bản

chất của tiểu thuyết. T.Mann nói rằng đọc Núi thần của ông sẽ không giống với việc đọc “các tiểu thuyết theo nghĩa mà ai cũng thừa nhận”, ông coi tiểu thuyết

Anh em nhà Joseph như một tác phẩm “đoạn tuyệt mạnh mẽ với quan niệm phổ biến về tiểu thuyết”... T.Eliot kết luận rằng “phương pháp huyền thoại đã thay đổi phương pháp trần thuật” [134, tr. 253]. Tiểu thuyết huyền thoại ra đời được xem như một bước ngoặt trong số phận của tiểu thuyết, ở đó phản ánh những đặc tính mới của tư duy tiểu thuyết. Huyền thoại xâm nhập vào toàn bộ hệ thống văn hóa, các trào lưu, trường phái (chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa vị lai, khuynh hướng suy đồi). Huyền thoại xâm nhập vào các thể loại: thơ, kịch, tiểu thuyết, nhưng với tiểu thuyết huyền thoại hiện diện như một yếu tố cấu thành, một kiểu tư duy hòa trộn với tư duy tiểu thuyết, không phải đơn thuần là chất liệu, là một hình thức nghệ thuật nữa. Huyền thoại hóa chạm đến tất cả các biến thể của thể loại tiểu thuyết: nó biến đổi căn bản tiểu thuyết lịch sử (Chúa và kẻ phản Chúa

của D.Merezhkovsky), tiểu thuyết tự thuật (Những đôi mắt bị cắt bỏ của A.Remizov), tiểu thuyết xã hội (Con quỷ nhỏ của F.Sologub), tiểu thuyết triết học (Peterburg của A.Bely)... E.M.Meletinsky trong Thi pháp của huyền thoại

nhận xét rằng: “Chủ nghĩa huyền thoại biểu hiện rõ rệt cả trong kịch, trong thơ ca, trong tiểu thuyết; ở tiểu thuyết đặc trưng của huyền thoại hiện đại thể hiện rõ hơn cả, lí do là ở thế kỉ XIX tiểu thuyết khác với kịch và thơ trữ tình hầu như chưa bao giờ là mảnh đất cho việc sáng tác huyền thoại” [34, tr. 403]. Nhưng như chúng tôi đã nhấn mạnh ở luận điểm trên, huyền thoại đã xâm nhập vào tiểu thuyết thế kỉ XIX, như là “kí ức thể loại” hoặc như một kiểu tư liệu, không làm thay đổi cấu trúc thể loại. Chỉ đến thế kỉ XX, tư duy và nguyên lý của huyền thoại lan rộng và xâm lấn vào trong các cấp độ cấu trúc thể loại, hình thành nên một thể loại mới. Rõ ràng sự có mặt của ẩn dụ hay việc trích dẫn trực tiếp các huyền thoại cổ, hay sự xuất hiện của cốt truyện có chu kì chưa phải là tiêu chí đầy đủ để xác định tiểu thuyết huyền thoại. Ta có thể hình dung được hai khuynh hướng cơ bản trong mối quan hệ văn học và huyền thoại trong tiến trình văn học sử: sử dụng và tái tạo huyền thoại [157, tr. 160]. Trong trường hợp thứ nhất, F.Fergusson nhận xét, chúng ta tiếp xúc với tác phẩm văn học mà ở đó tư liệu

huyền thoại được sử dụng như một thứ để “trang trí”. Với trường hợp thứ hai, huyền thoại hiện diện trước chúng ta là tính chất, trạng thái tư duy tạo ra văn bản hiện đại. Trường hợp thứ nhất tồn tại ở tiểu thuyết thế kỉ XIX và trường hợp thứ hai xảy ra với tiểu thuyết thế kỉ XX. Huyền thoại giống như di sản cổ xưa, như là tư liệu, được sử dụng theo mục đích tạo hình-miêu tả, hiện diện trong tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)