6. Cấu trúc của luận án
3.4. Các hình thức “chơi” và sự hiện diện của trò chơi qua các trường đoạn
Qua cấu trúc không -thời gian, cốt truyện và hệ thống nhân vật ta có thể nhận ra hai hình thức “chơi”chủ đạo tồn tại trong Nghệ nhân và Margarita là liên văn bản và carnaval - nghịch dị. J. Kristeva đã từng đặt ra vấn đề trò chơi giữa một văn bản và những văn bản tồn tại trước đó bởi văn bản là “sự hấp thu và trả lời các văn bản khác một sự thách thức không ngừng của những tác phẩm trong quá khứ”, văn bản “như một bản khảm những trích dẫn” [164, tr. 65-66]. Với Nghệ nhân và Margarita trò chơi liên văn bản hiện diện rõ nét bởi nếu xét cấp độ nội văn bản chúng ta thấy sự tương tác, sự “chơi” giữa hai văn bản – Moskva và Yershalaim qua phương thức giễu nhại cốt truyện, sự tương tác của các lớp không - thời gian, nhân vật của cả ba lớp hiện thực, huyễn tưởng và Kinh Thánh; nếu xét văn bản trong mối liên hệ với những văn bản bên ngoài, không thể không đề cập đến sự tương tác của văn bản Nghệ nhân và Margarita với văn bản Kinh Thánh,
Faust, với truyền thống huyền thoại folklore … Chính trong sự tương tác của các văn bản trong trò chơi liên văn bản đó, hình thức chơi carnaval - nghịch dị nảy sinh và bộc lộ. Trò chơi carnaval - nghịch dị hiện diện qua hình tượng các nhân vật “đeo mặt nạ”, qua các lớp không - thời gian phi lí tồn tại trong không -thời gian hiện thực, qua khả năng phá vỡ các giới hạn rõ ràng đi vào thế giới ảo, phi hiện thực, tạo nên “tính chất nhòe mờ và không rõ ràng của những ranh giới giữa
thế giới bao quanh và giữa các bộ phận của thế giới đó” [36, tr. 172], hay nói như Wolfgang Kayser: “nghịch dị là một trò chơi phi lý, dường như nghệ sĩ nghịch dị diễn trò nửa như vui đùa, nửa như kinh khiếp, bằng những điều thậm phi lý của sự tồn tại” [36, tr. 12]. Như vậy liên văn bản hay carnaval nghịch dị ở đây đều hướng đến “giải trung tâm” tạo nên “trường chơi tự do” trong tác phẩm.
Để làm rõ hơn sự hiện diện của các hình thức chơi này trong tác phẩm chúng tôi chọn hai chương – hai trường đoạn để phân tích: trường đoạn về buổi hắc ảo thuật của Voland, trường đoạn vũ hội của Quỷ. Như Vulis nói, đó là hai đỉnh điểm của cốt truyện [51, tr. 94]. Và hơn nữa, đây là hai trường đoạn thể hiện rõ hiệu ứng chủ đạo của trò chơi - giễu nhại (parody). Giễu nhại với Nghệ nhân và Margarita không chỉ đơn thuần là phương thức kết nối các sự kiện của cốt truyện mà còn là một hiệu ứng được tạo ra từ những tương tác của trò chơi.