Mâu thuẫn của niềm tin và lí trí

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 71)

6. Cấu trúc của luận án

2.3.1. Mâu thuẫn của niềm tin và lí trí

Sự căng thẳng giữa tri thức dựa trên những chứng minh khoa học và khám phá dựa trên niềm tin thấm đẫm trong mỗi tác phẩm của P.A.Florensky, trong đó có cả cuốn sách nghiên cứu về toán học - Tính ảo trong hình học. Câu hỏi mà P.A.Florensky luôn đặt ra chính là: làm thế nào để tri thức dựa trên lí tính của con người tương hợp và hòa giải với thứ tri thức liên quan đến niềm tin dành cho thần thánh. Sự căng thẳng của niềm tin và lí tính được P.A.Florensky gọi là “mâu thuẫn của chân lý”. David Bethea nói đến khái niệm mâu thuẫn của P.A.Florensky: “Dù ông đang nói về các hình tượng, ngôn ngữ, giấc mơ, quá trình sáng tạo, hình học phi Euclide, thế giới bên trong của Thánh đường hay thậm chí về Sophia, phương pháp của ông là hình dung hai yếu tố tách rời, như là những phạm trù tự loại trừ và sau đó chứng minh, ngược logic, những phạm trù này có thể chiếm giữ cùng một không gian trong “vùng giao cắt” đặc biệt như thế nào” [148, tr. 115]. Điều đó có nghĩa là những phạm trù mâu thuẫn loại trừ nhau nhưng vẫn tồn tại cùng nhau trong “một không gian”.

Giống như P.A.Florensky, M.Bulgakov cũng đặt ra vấn đề mối quan hệ với niềm tin và lí trí. Trong thế giới tiểu thuyết của M.Bulgakov, niềm tin và lí trí đều đúng nhưng chúng mâu thuẫn với nhau. Do bản chất mong manh của thế giới hiện tượng, thế giới bị giới hạn bởi những quy luật nhất định của thế giới thần thánh, chỉ một phần gần tới lí trí, niềm tin phải luôn luôn đặt lên trên hết (“Tất cả đều sẽ đúng đắn, thế giới này được xếp đặt trên cơ sở đó” [7, tr. 1036], “Mỗi con người sẽ được hưởng theo đức tin của anh ta” [7, tr. 836]). G.Krugovoy khẳng định rằng tiểu thuyết của M.Bulgakov đã kết hợp trong nó những “mâu thuẫn siêu hình học”. Mâu thuẫn đó thể hiện rõ trong cuộc tranh

luận của Berlioz và Voland về sự tồn tại của Chúa và sức mạnh thần thánh của Thượng đế. Berlioz là người phát ngôn cho chủ nghĩa vô thần (nhân vật này được giới thiệu trong tác phẩm là chủ bút của tờ Bogoborets), kiên tâm với quan điểm phủ nhận sự tồn tại của Chúa và sức mạnh thần thánh. M.Bulgakov thông qua những lời tranh luận của Voland, những số phận trong tiểu thuyết để chỉ ra tính phù phiếm trong thế giới quan này.

Những băn khoăn của M.Bulgakov về sự tồn tại và bản chất của Chúa có thể thấy ở những trích đoạn trong cuốn sổ tay những năm thuộc giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông. Sổ tay M.Bulgakov có một vài cột thể hiện ý tưởng cốt truyện quan trọng đối với tiểu thuyết: một cột có tiêu đề “Về Chúa”, còn cột kia “Về Quỷ”. Yeshua xuất hiện dưới cột “Về Chúa”, chứng tỏ rằng M.Bulgakov nhìn nhận nhân vật này dưới ánh sáng tôn giáo mặc dù có sự “lạ hóa” đáng kể của tuyến truyện Yershalaim như chúng tôi đã trình bày ở trên. Trong bản thảo năm 1928-1929 (có những đoạn thuộc những trang bị rách, được M.Chudakova tái dựng lại) Voland ngắt lời của Berlioz và Antosha (nhà thơ trẻ, nguyên mẫu của Ivan sau này) để hỏi họ một cách cụ thể về niềm tin của họ vào Chúa: “Nếu tôi nghe không nhầm, các ngài nói rằng các ngài không tin vào Chúa?” [130, tr. 392]. Trong bản thảo cuối cùng, lời nói này bị đổi thành một câu hỏi liên quan đến sự tồn tại của Jesus: “Nếu tôi nghe không nhầm, thì ngài vừa nói rằng chưa bao giờ có Jesus ở trên đời này phải không ạ?” [7, tr. 352]. Bằng việc thay đổi câu hỏi, M.Bulgakov đã thay đổi hướng tranh luận phía sau từ câu chuyện liên quan đến thần thánh nói chung sang hệ thống trung tâm của Kito giáo: sự tồn tại của Jesus.

Trong cuộc nói chuyện của Berlioz và Ivan Bezdomny với Voland, M.Bulgakov giới thiệu với người đọc cơ sở để các nhà duy vật vô thần phủ nhận sự tồn tại của Chúa và Thượng đế là quan điểm chủ nghĩa thực chứng. Đến cuối tiểu thuyết, nhà văn làm sụp đổ dòng lí trí này bằng việc miêu tả những số phận tồn tại trong vũ trụ của Nghệ nhân, Margarita, Pilate. Những số phận đó thể hiện rằng thế giới đạo đức giả, “khoa học vô thần” của Moskva và những người nghĩ giống như Berlioz là hão huyền. Con người được ban thưởng và bị trừng phạt ở kiếp sau của họ, các nhân vật vượt khỏi các chiều kích không gian và thời gian

của Moskva và Yershalaim, thay đổi diện mạo của họ, và Yeshua mặc dù rất con người trong những chương Yershalaim đầu tiên, đến cuối cùng hiện ra như một vị Chúa ở kiếp sau, can thiệp vào những số phận trong vũ trụ của những nhân vật khác. Ngược lại, số phận cuối cùng trong vũ trụ của Berlioz là sự lãng quên, không tồn tại hay nói cách khác, hình phạt cho việc chối bỏ niềm tin vào kiếp sau trong thế giới tiểu thuyết của M.Bulgakov chính là: số phận này bị loại bỏ.

Mâu thuẫn đó cũng được thể hiện trong những chương về Yershalaim. Kaiaphas không tin vào sự bất tử của linh hồn cũng như sự phục sinh sau cái chết [165, tr. 51]. Những lý lẽ ban đầu của Pilate suốt cuộc thẩm vấn Yeshua cũng xác nhận một thế giới quan như thế. Vì thế sự phục sinh của Yeshua (sự xuất hiện trở lại có màu sắc siêu nhiên của nhân vật này sau khi bị tử hình) và vai trò mới của anh ta như là biểu tượng của ánh sáng, người đã gửi học trò Matvey của mình (hàng thế kỉ sau cái chết của họ) đến để đàm phán với Voland đã ngầm phá vỡ thế giới quan ấy. Hình phạt kéo dài của Pilate và sự đền bù cuối cùng (cũng ở kiếp sau) đối lập với những lập luận và sự mong chờ của chính Quan tổng trấn thể hiện trong cuộc thẩm vấn.

Ở chương đầu Berlioz không chỉ nhấn mạnh sự tồn tại của Chúa là điều không thể có mà còn khẳng định thêm rằng con người điều khiển số phận của chính họ và không phụ thuộc vào bất cứ kế hoạch nào của thần thánh. Berlioz đưa ra lập luận của chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa thực chứng: khước từ tuyệt đối sự tồn tại của thần thánh và dũng cảm khẳng định rằng con người tự quyết định số phận của họ. Tư duy sắc sảo của Voland nhanh chóng phá đổ bất cứ lập luận nào mà Berlioz tập hợp lại và cái chết không mong đợi của viên công chức này xác nhận “sự thực” mà “người nước ngoài” đang nói. Sự thực này sau đó được nhấn mạnh trong tiểu thuyết ở vũ hội của Satan, khi Voland nhắc lại chuyện cái đầu Berlioz bị cắt rời do những tư tưởng sai lầm của anh ta. Thêm nữa, một Yeshua rất đỗi con người ở vẻ bề ngoài lại mang sức mạnh siêu nhiên có thể cứu vớt và ban thưởng. Yeshua ban cho Pilate sự nhẹ nhõm về mặt tinh thần bằng việc thoát ra khỏi trạng thái bị lãng quên để bước vào một mối quan hệ mới ở kiếp sau. Voland thừa nhận vai trò của Yeshua như một vị Chúa khi đáp lại mối quan tâm của

Margarita dành cho Pilate: “Nàng không cần phải cầu xin cho ông ta, Margarita ạ, vì cái người mà ông ta vẫn khao khát được gặp để nói chuyện đã xin cho ông ta rồi” [7, tr. 1036]. Yeshua cũng là người đề xuất ban thưởng cho Nghệ nhân vì đã đoán đúng được sự thật trong tiểu thuyết về Pilate “Thầy ta [Yeshua] đã đọc cuốn sách của Nghệ nhân – Levi Matvey nói – và muốn xin nhà ngươi mang anh ta theo và ban thưởng cho anh ta sự yên tĩnh” [7, tr. 996].

“Cuộc đối đầu” của Berlioz và Voland là nơi diễn ra sự va chạm giữa những bằng chứng lập luận của hai nhân vật. Cơ sở của những lập luận mà Voland đưa ra để tranh luận với Berlioz chính là niềm tin, yếu tố mà P.A.Florensky luôn đề cao trong khi xem xét mâu thuẫn của chân lý.

Phản ứng lại chủ nghĩa vô thần của Berlioz, Voland ban đầu đi theo lối tư duy Kito giáo truyền thống. “Người nước ngoài” đó đãviện đến năm bằng chứng về sự tồn tại của Chúa: “thế phải làm sao đây với những bằng cứ về sự tồn tại của Chúa, mà như chúng ta biết, có cả thảy đến năm bằng cứ như vậy” [7, tr. 354]. Một dãy lí lẽ như vậy không thuyết phục được một người theo chủ nghĩa vô thần như Berlioz. Berlioz viện đến lí trí, thành quả của thời đại khai sáng để trả lời thế giới quan triết học kinh viện. Ở đây khái niệm niềm tin và lí trí tồn tại như một mâu thuẫn.

Tranh luận với thế giới quan Kito giáo của triết học kinh viện, Berlioz nói đến Kant. Sử dụng logic từng phần của Kant, Berlioz nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho sự tồn tại của Chúa. Voland phản đối bằng lập luận rằng mặc dù Kant nhấn mạnh điều đó, nhà triết học đã nói đến sự cần thiết của Chúa đối với tư duy của con người, tự mâu thuẫn với chính mình bằng việc đưa ra bằng chứng thứ sáu.

Dựa trên bằng chứng thứ năm của Thomas Aquinas về việc toàn bộ vũ trụ được sắp đặt dưới trí tuệ của Chúa, Voland không thừa nhận tiền đề của Berlioz rằng con người tự thiết lập trật tự và nguyên tắc của chính họ. Quỷ khẳng định để có thể điều khiển một người, người điều khiển phải có một kế hoạch chính xác và một khái niệm về giai đoạn trong đó kế hoạch này được hiện thực hóa. Vì con người ta ai cũng chết, và cái chết hoàn toàn không thể dự đoán được, con người không thể

điều khiển được cuộc đời của anh ta. Khi chứng minh cho điều này Voland nói với Berlioz rằng cái chết của anh ta sắp đến mặc cho mọi việc của viên công chức này được đặt trong kế hoạch hoàn hảo. Chủ đề này tái diễn trong những chương về Yershalaim trong suốt cuộc trao đổi giữa Pilate và Yeshua. Yeshua có đưa ra một ẩn dụ rằng: cuộc đời là một sợi dây chuyển động phía sau người treo nó lên, người đó chính là Chúa: “Thưa Ighemon, ngài không nghĩ ngài treo nó lên đấy chứ? - người bị bắt hỏi [Yeshua] - Nếu ngài nghĩ thế thì ngài rất lầm đấy” [7, tr. 379].

Chương 3 có tên gọi Bằng chứng thứ bảy ngay sau chương đầu tiên về Yershalaim và tiếp tục cuộc thảo luận của chương một về bằng chứng thứ năm và bằng chứng của Kant. Bằng chứng thứ bảy về sự tồn tại của Chúa hóa ra lại là sự tồn tại của Quỷ và như Voland lưu ý rằng đó là bằng chứng đáng tin cậy nhất. Quỷ, với M.Bulgakov là hình ảnh một đấng sáng tạo điều khiển thế giới vật chất, phản ánh sức mạnh lớn hơn ở phía xa – Chúa. Cách tiếp cận với cái ác như thế đưa đến cách giải thích cho lời đề từ của M.Bulgakov từ Faust của Goethe: “Thế rốt cuộc, ngươi là ai? Ta là một phần của cái sức mạnh vốn muôn đời muốn điều ác nhưng muôn đời làm điều ích lợi”. Bằng chứng này rõ ràng đòi hỏi con người phải viện đến niềm tin nhiều hơn lí trí.

Dù bị coi là kẻ thù địch đối với vương quốc của ánh sáng, là “ác thần”, “chúa tể của bóng tối”, trong cuộc đối thoại với Levi Matvey trên hàng hiên sân thượng của một trong những ngôi nhà đẹp nhất Moskva, Voland vẫn thể hiện niềm kính trọng đối với mong muốn của Yeshua dành cho Nghệ nhân và Margarita. Quỷ cũng tự chứng minh bằng cứ thứ bảy qua lời nói với Levi Matvey: “Bởi vì bóng đen được sinh ra bởi mọi vật và mọi người. Đây là bóng thanh kiếm của ta. Nhưng còn có bóng của cây cối và các sinh vật sống. Phải chăng nhà ngươi muốn lột trần cả quả địa cầu, mang đi khỏi bề mặt của nó tất cả cây cối và toàn bộ sinh vật sống chỉ vì cái mơ tưởng của nhà ngươi muốn được thưởng thức cái thế giới chỉ có ánh sáng trần trụi” [7, tr. 996]. Voland nhận ra rằng thế giới của bóng tối hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới của ánh sáng, nhưng đồng thời nếu bóng tối không tồn tại thì theo đó vạn vật và con người trong thế giới vật chất cũng sẽ không tồn tại. Ngầm ẩn trong lời tuyên bố đó ta có thể suy

luận về sự hiện diện của sự vật từ sự tồn tại của bóng tối. Voland đã đề xuất một vấn đề thú vị rằng các hình thức có thể được suy diễn từ những cái bóng của nó (gợi nhớ ẩn dụ của Platon về hang động), sự tồn tại của Quỷ có thể được suy diễn từ sự tồn tại của Chúa.

Trong tất cả các lập luận của Voland, cũng như các sự kiện diễn ra trong tiểu thuyết có thể thấy niềm tin được đặt lên trên hết. Các lập luận về sự tồn tại của Chúa do Voland nêu ra như trên rõ ràng mở rộng dần đến vấn đề niềm tin. Cũng lặp lại lập luận như của Voland, Yeshua nhẹ nhàng nhắc nhở Pilate rằng Chúa chính là người nắm giữ quyền lực đối với cuộc sống của con người chứ không phải bất cứ quyền lực trần tục nào. Lời khẳng định của Voland “Mỗi con người được hưởng theo đức tin của anh ta” [7, tr. 836] gợi ý rằng không có một hệ thống đức tin thượng cấp, chỉ là vô số hệ thống khác nhau. Những sự kiện trong tiểu thuyết đặc biệt là phần kết thúc nói lên rằng mặc cho rất nhiều thất bại, sự tự nguyện của Nghệ nhân đặt niềm tin vào “sự thật” (“cái mà ông đoán”) của tuyến truyện Yershalaim, sự chấp nhận của anh ta với cái siêu nhiên, và cuộc đấu tranh của Pilate hướng về niềm tin (mặc cho anh ta không giữ được hoàn toàn niềm tin vào đoạn cuối) vượt cao hơn tính không khoan nhượng của chủ nghĩa vô thần Berlioz. Berlioz không bao giờ từ bỏ lời khẳng định của anh ta về chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần. Cả Nghệ nhân và Pilate nhận được sự đền bù trong khi Berlioz bị trừng phạt.

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)