6. Cấu trúc của luận án
3.3. Nhân vật và kiểu “người chơi” đeo “mặt nạ”
Sở dĩ nhân vật của Nghệ nhân và Margarita được hình dung như những “người chơi” dù các nhân vật thuộc về ba thế giới cách xa nhau: hiện thực, huyễn tưởng và Kinh Thánh là bởi các nhân vật luôn luôn có sự tương tác với nhau theo hình thức “cặp đôi” song trùng. Họ đóng vai trò là “người chơi” trong một thế giới mê cung, “thế giới chơi” chằng chịt và phức tạp, kết nối các thế giới, và cũng là nhân tố tạo sự phá vỡ giới hạn của các thế giới đó.
Tạo cặp đôi song trùng là thủ pháp thường gặp trong các tác phẩm của M.Bulgakov, đặc biệt là các truyện vừa thuộc giai đoạn sáng tác đầu tiên, chẳng hạn: Trái tim chó (1925) với các cặp đôi giáo sư Preobrazhensky và bác sĩ trẻ Bormental, Darya Petrovna và Zina; Bão tuyết (1924) và cặp đôi hai bác sĩ trẻ;
Morphine (1922) với cặp đôi người yêu cũ của bác sĩ Polyakov, ca sĩ Amneris và người tình hiện tại của anh ta, nữ y tá Anna Kirillova… Trong Nghệ nhân và Margarita mô hình cặp đôi song trùng được mở rộng hơn nữa, không chỉ hai mà thậm chí ba, bốn… nhân vật tạo thành một cụm, nhóm nhân vật và nhà văn không chỉ nhấn mạnh ở các cặp đôi, bộ ba, nhóm nhân vật ấy tính chất giống nhau, sự tương tác của các nhân vật trong đó sẽ tạo ra đặc điểm riêng của “người chơi” trong thế giới nghệ thuật của M.Bulgakov.
Để chứng minh cho tính song trùng giữa các nhân vật B.Sokolov [105] hay E.Kanchukov [66], lần lượt đưa ra những nét tương đồng về ngoại hình, tính cách, vị trí, quyền lực. Chẳng hạn, B.Sokolov cho rằng có tám bộ ba tồn tại trong
Nghệ nhân và Margarita như sau:
1) Pontius Pilate –Woland – Giáo sư Stravinsky. Cả ba đều có quyền lực, điều khiển thế giới riêng của mình.Trong khi Pilate điều khiển toàn bộ cuộc sống ở Yershalaim,Voland thừa hành ý nguyện của Chúa thay đổi thế giới Moskva, và Stravinsky tạm thời điều khiển toàn bộ trạng thái tinh thần của những bệnh nhân. Pontius Pilate cố gắng cứu Yeshua nhưng không chống nổi tính hèn nhát, và chỉ nhận được sự cứu rỗi sau khi chết. Voland cứu Nghệ nhân và Margarita chỉ bằng cách giết chết họ. Stravinsky cứu những bệnh nhân của mình bằng cách cung cấp cho họ sự yên tĩnh giả dối trong bệnh viện tâm thần. Những đặc điểm bên ngoài của ba nhân vật cũng tương tự nhau: Cả ba đều khoảng 40 tuổi và có đôi mắt nhìn thấu tâm can người khác.
2) Afranius – Fagot–Koroviev – Bác sĩ Fedor Vasilievich, người được Stravinsky ủy quyền. Bên cạnh sự tương đồng mang tính chức năng, sự liên kết giữa những nhân vật này hầu hết là theo cặp đôi. Afranius và Fagot có đôi mắt xảo quyệt. Cả hai đều rải tiền nhân danh kẻ có quyền lực trên của họ (tương ứng là Pilate vàVoland ). Koroviev đeo kính không gọng và có ria mép, bác sĩ có bộ râu và đeo kính.
3) Đao phủ Mark Rat– Azazello – Archibald Archibaladovich. Cả Mark Rat và Azazello đều thực hiện vai trò của những đao phủ, phục vụ dưới quyền ông chủ. Arrchibald Archibadovich là kẻ cướp độc ác trong tưởng tượng của người kể chuyện.
4) Con chó Banga của Pilate – Con mèo Behemoth – chó cảnh sát Tuz Buben (…). Cả ba đều là những con vật thông minh khác thường. Ba nhân vật nay theo thứ tự thể hiện sự thay đổi theo cấp độ từ cao sang đến bình thường: Banga quý tộc, Behemoth tinh quái và Tuz Buben giản đơn.
5) Niza– Gella, người hầu của Voland – Natasha, người hầu của Margarita. Niza và Gella quyến rũ Judas và Baron Maigel. Gella và Natasha đều là những người
hầu. Theo B.Sokolov, cả Niza và Gella đều không phải là kẻ dưới quyền của Pillate vàVoland. Niza phục tùng Afranius, và Gella dường như tuân theo lệnh của Fagot.
6) Tư tế Kaiaphas - Mikhail Berrlioz - người nước ngoài ở cửa hàng Torgsin. Kaiaphas và Berlioz đều chiếm giữ những vị trí quyền lực và cả hai đều cố gắng huỷ diệt Chúa hoặc hình ảnh của Chúa – Kaiaphas - muốn hành hình Yeshua, và Berlioz khẳng định rằng Jesus không tồn tại. Với cả ba người, tương lai thảm khốc đã được báo trước: Pilate nói với Kaiaphas rằng thánh đường và thuộc hạ của hắn sẽ bị phá huỷ; Voland tiên đoán trước cái chết của Berlioz dưới xe điện; người nước ngoài sẽ rơi vào thùng cá ướp muối.
7) Judas của Kiriath – Baron Maigel – Aloisy Mogarych. Đây là bộ ba những kẻ phản bội/ sẽ là kẻ phản bội (trong trường hợp Baron Maigel). Judas và Maigel bị những thuộc hạ của Pilate và Voland giết. Mogarych dễ dàng thoát khỏi hình phạt của mình và trở thành một viên chức có địa vị cao. Đó là cách để giễu nhại thế giới Moskva.
8) Levi Matvey - Ivan Bezdomny – Riukhin. Ba nhân vật đều cố gắng học hỏi thay đổi suy nghĩ, tư duy của mình nhưng đều thất bại.
Nhân vật trong các bộ ba được nêu lên có những điểm tương đồng nhau song B.Sokolov có lẽ đã cố gắng tìm kiếm sự song trùng quá chặt chẽ giữa ba thế giới và mới chỉ hướng đến những đặc điểm giống nhau giữa các nhân vật trong bộ ba, do đó chưa làm bật được tính phức tạp trong hệ thống nhân vật, trong sự tương tác giữa các nhân vật và trong bản thân mỗi nhân vật của Nghệ nhân và Margarita. Theo chúng tôi, mỗi một nhân vật của Nghệ nhân và Margarita song trùng với nhiều nhân vật, song trùng trong sự đối lập. Điều này thể hiện rõ qua hai nhân vật chính: Nghệ nhân và Margarita.
Với Margarita, một nhân vật được B.Sokolov coi là một “đơn tử”, một điểm hội tụ những giá trị nhân văn, tình yêu và lòng nhân từ, ta vẫn có thể tìm thấy những điểm song trùng với một nhân vật của thế giới Yershalaim – Afranius. Margarita và Afranius tương đồng về chức năng hành động: họ là những người thực hiện mong muốn của những thế lực đại diện cho quyền lực và sức mạnh,Voland hoặc Pilate; họ phục vụ và cuối cùng được ban thưởng. Họ
cùng tham gia và đóng vai trò quan trọng trong hai sự kiện của ngày thứ sáu: đại vũ hội của Voland và buổi lễ hành hình Yeshua do Pilate thực hiện. Cảnh Margarita tấn công vào căn hộ của Latunsky và cảnh Afranius thực hiện âm mưu giết Judas được miêu tả với những chi tiết rất tương đồng. Margarita tấn công căn hộ của Latunsky vào khoảng 10-11 giờ đêm thứ sáu: cô nhận điện thoại từ Azazello vào lúc 10 giờ và đến nhà hát kịch sau một chuyến bay ngắn qua Moskva. Judas đến rừng Oliu sau khi trời đã tối, mặt trăng đã lên cao. Thuật lại cho Pilate sau nửa đêm, Afranius khẳng định rằng Judas bị giết vài tiếng trước đó – nghĩa là sự kiện diễn ra vào khoảng 10-11 giờ đêm. Như vậy hai cảnh này diễn ra cùng một khoảng thời gian của ngày thứ sáu. Ngoài ra diễn tiến hành động của hai nhân vật còn có một số chi tiết giống nhau: khi Margarita vào căn hộ của Latunsky qua cửa sổ, căn hộ được chiếu sáng bởi ánh trăng dát bạc, con đường Afranius đi cũng đầy ánh trăng. Tuy nhiên, về bản chất hành động báo thù của Margarita và Afranius khác nhau, đối lập nhau ở phương diện đạo đức. Sự đối lập giữa Margarita và Afranius giống với sự đối lập giữa Yeshua và Ponti Pilate ở phương diện: sự vượt lên của đạo đức cá nhân với quyền lực chính trị. M.Bulgakov “trao” cho Margarita những “cơ hội” để thay đổi quyết định của mình trong việc tham gia vũ hội của quỷ: cô vẫn đi theo Azazello mặc dù trước đó cô biết rõ nhiệm vụ của mình (cuối chương 19); trong lần gặp đầu tiên tại căn hộ số 50, Koroviev một lần nữa cho Margarita cơ hội được quay trở lại, nhưng cô từ chối “Nói tóm lại! Koroviev hét to – Nói thật ngắn gọn: bà chị có đồng ý nhận về mình cái trách nhiệm đó không? - Tôi đồng ý, - Margarita cứng cỏi đáp” [7, tr. 796]. Margarita tiếp tục phục vụ Voland vì một lí do: hành động đó sẽ cứu sống Nghệ nhân và Nghệ nhân sẽ trở về với nàng (như gợi ý của Azazello). Nàng phục vụ Voland không phải vì đó là kẻ có quyền lực mà bởi điều này phù hợp và hướng đến với lí tưởng cao hơn: tình yêu thanh khiết của cô dành cho Nghệ nhân và tác phẩm nghệ thuật của anh. Trong khi đó, hành động phục vụ của Afranius được thúc đẩy bởi quyền lực. Anh ta hành động theo mệnh lệnh và vị trí của mình. Sự khác nhau và đối lập nhau trong hành động của họ xuất phát từ chỗ “địa vị bắt buộc phải thế” – như lời giải thích của Beghemot.
Cũng như nhiều nhân vật khác, Nghệ nhân không chỉ tồn tại trong sự song trùng cặp đôi hay bộ ba mà tồn tại như một “phương trình tổ hợp”, song trùng với rất nhiều nhân vật, dù giữa anh ta và các nhân vật có sự đối lập rõ nét. Yeshua và Nghệ nhân có nhiều điểm tương đồng (cùng hướng đến sự thật, là những nạn nhân của xã hội cực quyền) nhưng lại đối lập ở điểm: Yeshua không bao giờ từ bỏ quan điểm của mình về sự thật, cả đời tâm niệm đi theo nó, trong khi đó Nghệ nhân đốt cháy cuốn tiểu thuyết của mình và cố tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, một người được hưởng ánh sáng còn người kia thì không. Pilate và Nghệ nhân – hai kẻ tưởng như đối lập nhau (kẻ đại diện cho quyền lực, kẻ bị đè nén, giẫm đạp) nhưng giống nhau ở nỗi sợ hãi, sự hèn nhát, đều dằn vặt dưới ánh trăng. Bởi hèn nhát là điều tồi tệ nhất trong các tội lỗi nên cả hai đều không xứng đáng được hưởng ánh sáng (Pilate phải trải qua “mười hai nghìn đêm trăng” thao thức mới nhận được sự tha thứ). Hình ảnh Nghệ nhân giống với Levi Matvey ở một số điểm như: một người ba mươi tám tuổi, một người khoảng bốn mươi tuổi, họ đều là những người bình thường nhỏ bé, cả hai đều coi viết lách là nghiệp của mình. Song nếu Levi Matvey sẵn sàng từ chối mọi cám dỗ để tiếp tục được viết và xứng đáng được hưởng ánh sáng thì Nghệ nhân từ bỏ công việc của mình và không được hưởng ánh sáng. Như vậy rõ ràng Nghệ nhân là một nhân vật “hỗn hợp” (Phụ lục 4), chứa trong mình hình ảnh của nhiều nhân vật, một nhân vật mang “mặt nạ”, và ít nhiều có chức năng “đóng thế”. Từ mô hình “Nghệ nhân” như một nhân vật hỗn hợp có thể hình dung ra tính “hỗn hợp”của nhiều nhân vật khác nhau, về sự “hiện diện” trong nhau của các nhân vật, chúng vừa có nét tương đồng vừa đối lập. Cách hình dung về bản chất của con người ở M.Bulgakov vì thế rất phức tạp, thiện và ác không tồn tại tách riêng ở mỗi con người mà trộn lẫn vào nhau, thiện và ác không thực hiện chức năng riêng rẽ mà cùng nhau tồn tại, thậm chí cái thiện tồn tại đằng sau “mặt nạ” cái ác. Cần nhấn mạnh một hiệu ứng khác được tạo ra từ cách tạo sự song trùng xếp lớp liên tục trong tiểu thuyết: ranh giới, giới hạn giữa các nhân vật bị xóa nhòa. Nhân vật của các lớp không - thời gian “tràn” vào nhau, tồn tại trong nhau. Đó cũng là đặc điểm nổi bật của nhân vật trong tiểu thuyết thế kỉ XX.
Mỗi nhân vật của Nghệ nhân và Margarita còn chứa trong mình những “trầm tích” huyền thoại. Bản thân hệ thống tên gọi nhân vật trong tiểu thuyết cũng đã phủ lên các nhân vật không khí của huyền thoại. Ở tuyến truyện Yershailaim và tuyến truyện huyễn tưởng ta bắt gặp một loạt các nhân vật có tên gọi, dung mạo tương đồng với các nhân vật trong Kinh Thánh và Faust
(Azazello, Beghemoth, Koroviev- Fagot, Frida …). Một số tên gọi có sự biến âm, biến đổi kí tự so với tên gọi trong Kinh Thánh song nếu truy nguyên nguồn gốc ta vẫn có thể nhận ra dấu ấn của Kinh Thánh trong đó. Chẳng hạn, trong tên gọi Yeshua Ha-Nostri, Yeshua là tên gọi của Chúa theo ngôn ngữ Aramaic, là cách mà Đức mẹ Maria gọi con trai của mình. Jesus (Иисус) là cách gọi Chúa theo tiếng Hi Lạp, ngôn ngữ dùng để viết Phúc âm. Còn Ha-Nostri có thể được lí giải theo hai cách: thứ nhất, theo cách giải thích của Lesskis, Nostri (ноцри) có nguồn gốc từ tên gọi thành phố Nazaret (Назарет), một thành phố ở Galilee, nơi thánh Joseph sống và cũng là nơi diễn ra lễ truyền tin về sự ra đời của Chúa con, toàn bộ tuổi thơ và thời niên thiếu của Jesus cũng gắn liền với địa điểm này; thứ hai, Nostri là từ xuất phát từ “Назорей” hoặc “Назореянин” với nghĩa là trong sạch, thần thánh.
Tên gọi Berlioz không có trong Kinh Thánh hay huyền thoại, song ngay từ đầu đã gợi ra sự gắn kết giữa Nghệ nhân và Margarita và Faust hay Kinh Thánh.
Bởi Berlioz cũng là tên của một nhà soạn nhạc, tác giả của nhạc kịch Bản giao hưởng ảo tưởng. Hai phần sau của tác phẩm này nói về buổi lễ hành hình và buổi dạ hội khủng khiếp của Quỷ, nơi mà linh hồn tìm đến sau khi bị hành hình. Như vậy,6 cái tên Berlioz tạo ra mối liên hệ giữa cuốn tiểu thuyết với chủ đề phổ biến trong
Kinh Thánh hành hình, chuộc tội, ngày xét xử… Tất cả đó về sau đều được hiện thực hóa trong vũ hội của Quỷ, ở đó bản án cuối cùng dành cho Berlioz đã được tuyên đọc: “Mỗi con người sẽ được hưởng theo đức tin của anh ta” [7, tr. 836].
Mỗi nhân vật, đặc biệt là những nhân vật thuộc về thế giới hiện thực Moskva chứa đựng nhiều motif huyền thoại, tạo nên sợi dây liên văn bản liên tục, nhiều móc xích và lớp ý nghĩa xếp chồng lên nhau. Số phận của Nghệ nhân diễn ra theo “diễn trình” vốn rất quen thuộc trong Kinh Thánh: chết và rồi thức
giấc – nghĩa là phục sinh để có được sự yên tĩnh. Hình ảnh của Nghệ nhân ở bệnh viện tâm thần và trong giấc mơ của Nghệ nhân (không cạo râu, tóc rối bù, mắt nhìn lơ láo) là kiểu motif người bị ám ảnh bởi Quỷ vốn hiện diện trong Lũ người quỷ ám của F.Dostoevsky. Điều này cũng lí giải vì sao Nghệ nhân có mối liên hệ với Quỷ, và chuyến bay cuối cùng để giải thoát cho số phận đau khổ ấy cũng được đặt trong “bầu không khí” của Quỷ, do Quỷ tạo ra. Quỷ ám ảnh số phận Nghệ nhân nhưng cũng giải thoát cho số phận ấy. Tư duy “nước đôi” của M. Bulgakov luôn hiện diện trong cách tạo dựng nhân vật của ông.
Rất nhiều chi tiết liên quan đến nhân vật Berlioz gợi liên tưởng đến những lớp nghĩa huyền thoại sâu xa. Berlioz sống trong ngôi nhà số 302-bis. Tổng các chữ số trong đó bằng 5. Tương tự như vậy với con số 50 – căn hộ số 50 (ngay từ đầu được giới thiệu là căn hộ có ma) – nơi diễn ra những sự kiện đầy bí ẩn. Con số 5 liên tục xuất hiện trong tác phẩm: trong cảnh đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, ta biết đến năm bằng chứng để chứng minh sự tồn tại của Chúa, các sự kiện ở Moskva bị đảo lộn trong tháng năm, ngày trước lễ Vượt qua được gọi là ngày 14 tháng Nisan (tổng các chữ số bằng năm), Pilate – “con trai của nhà chiêm tinh học” là quan tổng trấn thứ 5…. Con số năm đó gợi đến motif “ngôi sao năm cánh” trong Faust của Goethe. Mephistopheles với “ngôi sao năm cánh” đã đi vào thế giới con người. Vì vậy, con số này báo hiệu sự xâm nhập và có mặt của Quỷ. Trong truyền thống văn hóa Phương Tây, số 5 mang ý nghĩa sự hòa hợp và thăng bằng, sự hài hòa của trật tự vũ trụ. Do đó con số năm liên quan đến Berlioz và những số 5 trong tiểu thuyết ngoài ý nghĩa gắn liền với nỗi ám ảnh về sự tồn tại của Quỷ, đồng thời gợi đến cả vai trò của Quỷ trong việc tạo lập lại sự sự hài hòa, trật tự của thế giới.
Liên quan đến nhân vật Berlioz còn là hình ảnh chiếc đầu bị cắt rời. Hình ảnh đó trở lại vào đêm vũ hội của Quỷ nhưng lại là một sự phục sinh trái ngược với phục sinh trong Kinh Thánh - phục sinh để chứng minh điều mà Voland nói