“Ảo hóa” không-thời gian và sự phá vỡ giới hạn của “thế giới chơi”

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 95)

6. Cấu trúc của luận án

3.1.3. “Ảo hóa” không-thời gian và sự phá vỡ giới hạn của “thế giới chơi”

Thế giới chơi không chỉ là thế giới của hiện thực mà còn là thế giới ảo. Tư duy huyền thoại xâm nhập vào tiểu thuyết đã tạo ra quá trình ảo hóa trong cấu trúc không - thời gian của tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita, chứng minh một thế giới phi lí tồn tại trong hiện thực, đồng thời vượt thoát khỏi hiện thực, mở ra những giới hạn không - thời gian mới, phá vỡ những giới hạn của mê cung.

M. Bulgakov trong những dòng miêu tả sự kiện thường đưa ra những mốc thời gian, những từ vị chỉ thời gian rất cụ thể, chính xác, chẳng hạn: Утром в п тницу/ sáng thứ sáu, hay око о по удн / gần trưa... Tuy nhiên, giữa dòng chảy của các mốc thời gian chính xác rõ ràng, kiểu thời gian phi lí, thời gian huyễn tưởng xuất hiện, làm cho mạch thời gian nối tiếp bị đứt gãy và đẩy tất cả vào trò chơi của thời gian. Gắn liền với sự biến mất của Likhodeev là kiểu thời gian bất thường, phi logic. Cả Varenukha và Rimsky đều băn khoăn về việc Likhodeev có mặt Yalta chỉ trong mười phút sau khi rời khỏi Moskva: “Nếu giả thử là tức thời sau khi treo ống nghe lên, Stephan phóng ra sân bay ngay và đến nơi cứ cho là mất năm phút (mặc dù điều đó là không thể tưởng tượng nổi) thì hóa ra máy bay cất cánh ngay tức khắc, trong năm phút bay hết hơn nghìn cây số” [7, tr. 529]. Thời gian trong vũ hội của Quỷ gần như không chuyển động dù mọi sự việc vẫn diễn tiến bình thường. Ngay khi vũ hội kết thúc, Margarita ngỡ ngàng nhận ra rằng “mãi vẫn cứ nửa đêm mà đúng ra trời phải sáng từ lâu rồi mới đúng” [7, tr. 873]. Voland lí giải cho hiện

tượng đó bằng lí do: kéo dài niềm vui của đêm hội. Rõ ràng Quỷ không chỉ vượt qua không gian mà còn điều khiển cả thời gian.

Nghệ nhân và Margarita có ba tuyến hành động: tuyến Pilate, tuyến Nghệ nhân và Margarita, tuyến quỷ, tương ứng với nó là ba tuyến thời gian hành động khác nhau. Câu chuyện của Pilate về cơ bản diễn ra trong một ngày thứ sáu, dù có những sự kiện liên quan diễn ra trước đó vào thứ tư – Yeshua bị bắt. Câu chuyện của Nghệ nhân và Margarita diễn ra trong khoảng một năm, nhưng sự kiện chính tập trung vào hai ngày thứ sáu và thứ bảy. Những gì diễn ra trước đó được nén lại trong lời thuật của Nghệ nhân với Ivan Bezdomny. Tuyến thời gian hành động của Quỷ diễn ra từ chiều tối thứ tư đến tối thứ bảy, và không có sự kiện diễn ra trước (Phụ lục 3.1, 3.2, 3.3). Như vậy có thể hình dung câu chuyện về Quỷ như một tấm vải mà trên đó câu chuyện về Pilate và câu chuyện về Nghệ nhân và Margarita được thêu lên.

Toàn bộ thời gian sự kiện của cuốn tiểu thuyết diễn ra tương ứng với các ngày thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy, nằm trong Tuần Thánh (tuần trước Lễ Phục sinh) theo quan niệm của Kito giáo (cao điểm của Tuần Thánh là “Tam nhật vượt qua” bao gồm thứ năm, thứ sáu và thứ bảy). Lễ Vượt qua - ngày lễ gắn chặt với tuyến truyện về Pilate, nằm trong khung thời gian đó. Tuần Thánh cũng bao chứa trong nó thời điểm trăng tròn nhất, thời điểm diễn ra đêm hội của Quỷ (Walpurgis night). Vũ hội do Voland tổ chức mang đầy đủ đặc điểm của đêm hội đó theo truyền thống Kito giáo… Như vậy từ khung thời gian M.Bulgakov đã tạo ra sợi dây gắn liền các sự kiện với truyền thống Kito giáo. Đó cũng là cách để nhà văn đưa ra bằng cứ trả lời cho câu hỏi mà Berlioz và Voland tranh cãi ngay từ đầu cuốn tiểu thuyết: Chúa có tồn tại hay không?

Trong cả ba tuyến truyện, thứ sáu là ngày diễn ra nhiều sự kiện nằm ở cao trào cốt truyện. Cả Pilate và Margariata đều đứng trước những thử thách trong ngày thứ sáu (Pilate giằng co, đấu tranh khi quyết định tử hình hay không tử hình nhà triết học lang thang Yeshua, Margarita chấp nhận bán linh hồn cho Quỷ để có cơ hội gặp lại Nghệ nhân). Đêm thứ sáu, kẻ phản bội Judas và Maigel bị trừng phạt. Ở Moskva, đó cũng là ngày sức mạnh của Quỷ trào lên

dữ dội với sự kiện đại vũ hội của Quỷ. Theo Stenbock – Fermor [180], lí do M.Bulgakov chọn ngày thứ sáu là ngày các sự kiện đạt đến đỉnh điểm và đặt ra mốc “khủng hoảng” cho cốt truyện bởi vào thứ sáu cái chết của Chúa đã đem đến cho Quỷ cơ hội điều khiển thế giới – hay nói cách khác đó là “chiến thắng” tạm thời của Quỷ. Theo đó, vào ngày thứ sáu trước lễ Phục sinh, những linh hồn chết được ra khỏi hầm mộ, xuất hiện trước con người và Satan biết rằng hắn có rất ít thời gian (đêm thứ bảy, Quỷ phải rời khỏi trái đất và quay về địa ngục) nên phải nỗ lực thể hiện sức mạnh.

Yếu tố tác động mạnh đến quá trình ảo hóa không gian của tiểu thuyết, tạo nên sự “sai trệch” thời gian chính là giấc mơ. Nếu giấc mơ trong tác phẩm của F.Dostoevsky nghiêng về tâm lí, liên quan đến yếu tố lương tâm và nỗi sợ hãi, thì giấc mơ xuất hiện trong các tác phẩm của M.Bulgakov như là yếu tố để thoát khỏi hiện thực, thoát khỏi khủng hoảng, đi vào cái vĩnh viễn, vĩnh hằng. Trong

Nghệ nhân và Margarita giấc mơ tồn tại theo cơ chế khuếch tán: giấc mơ của Ivan Bezdomny trong bệnh viện là một phần nội dung cuốn tiểu thuyết của Nghệ nhân, hướng về Yeshua, Pilate và Yershalaim, nghĩa là hướng về không - thời gian quá khứ; giấc mơ của Margarita là những tin tức thuộc về tương lai, đẩy không gian về phía tương lai. Bầu không khí ẩm mốc trong giấc mơ của Margarita nói lên rằng Nghệ nhân đã bị “bật ra” khỏi thế giới sống bình thường. Con sông, những hàng cây “buồn bã”, cây cầu nhỏ, tòa nhà bỏ không… gợi đến quá trình chuyển dịch sang thế giới bên kia. Giấc mơ của Ivan vừa như một giấc mộng, đồng thời là một phần trong diễn tiến của câu chuyện, nối tiếp câu chuyện. Do đó nó tạo ra khoảng cách không gian, đồng thời cũng là khu vực chuyển tiếp từ thực sang ảo, nhân vật vừa như là một người tham dự trong hiện thực giấc mơ, vừa là người quan sát.

Với ba luận điểm phân tích cấu trúc không - thời gian của Nghệ nhân và Margarita như trên chúng tôi đã tạo dựng lại hình ảnh một thế giới chơi, một mê cung tồn tại trong tiểu thuyết từ các nhân tố cấu thành đến những đặc điểm của quá trình vận động (đối lập và ảo hóa). Trong quá trình đó, thế giới chơi luôn luôn hướng đến khả năng “giải trung tâm”, hướng đến cái nhìn “lưỡng trị” về sự

tồn tại của con người: cái phi lí được phép tồn tại trong dòng chảy tưởng như hợp lí, thiện và ác chuyển hóa lẫn nhau, cái ảo và cái thực luôn đồng hành… Đó cũng là “môi trường” tồn tại của hai hình thức “chơi” quan trọng trong tiểu thuyết này: “liên văn bản” và carnaval-nghịch dị.

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)