Trên các bậc trần thuật

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 130)

6. Cấu trúc của luận án

4.1.1. Trên các bậc trần thuật

Trong một tự sự, ta có thể hình dung sự tồn tại và tương tác của các bậc trần thuật liên quan đến ba yếu tố chính: tác giả, người kể chuyện và nhân vật. Xu hướng đồng nhất chủ thể hay kéo gần các chủ thể lại với nhau hiện diện ở cả ba bậc trần thuật đó của Nghệ nhân và Margarita.

Trên văn bản của tiểu thuyết, trong dòng chảy của các sự kiện và lời trần thuật, độc giả có thể gặp đây đó lời của một người kể chuyện xưng “tôi” hướng đến độc giả, tranh luận với độc giả, thuyết phục họ bằng những trải nghiệm của mình. Giữa vô vàn những sự kiện diễn ra giữa hai mốc thời gian cách nhau đến “mười hai nghìn đêm trăng”, trong một bản tổng phổ xen kẽ nhịp điệu không giống nhau của hai thế giới, hai không gian – Moskva và Yershalaim, những lời kiểu như “Hãy theo tôi, hỡi bạn đọc!”, hay “Hỡi Chúa Trời, hỡi các vị thần linh! Mặt đất lúc xế chiều mới buồn bã biết bao nhiêu?” [7, tr. 1031]… như là một yếu tố kéo độc giả đi theo một mạch liên tục, một thứ lời có chức năng hiệu chỉnh, gắn kết những sự kiện bề bộn, ngổn ngang và “hỗn loạn”. Đó không hẳn là hình ảnh của một tác giả cụ thể hướng đến độc giả cụ thể, cũng không phải là một nhân vật trong truyện tự kể về cuộc đời mình và hướng lời nói của mình đến độc giả như là Holden Caufield trong Bắt trẻ đồng xanh mà M.Jahn đặc biệt nhấn

mạnh trong công trình nghiên cứu của mình: Trần thuật học: Dẫn nhập lí thuyết trần thuật. Đó cũng không hẳn là người kể chuyện của tác phẩm nhưng lại là người “giữ mạch”và giữ nhịp cho câu chuyện. Có thể gọi đây là “mặt nạ tác giả”, là sự tích hợp của tác giả-người kể chuyện-nhân vật, đóng vai trò như một “trung tâm gắn kết kiểu trần thuật bị đứt đoạn”, “bảo đảm cho tác phẩm văn học không bị “phá sản về giao tiếp” [24, tr. 405]. “Tác giả” xưng “tôi” này thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc: đồng cảm, đau xót, vui mừng, ngạc nhiên, tiếc nuối, phẫn nộ… Lời và những trạng thái cảm xúc đó đã khuếch tán và thấm sâu vào trong lời, cảm xúc, suy nghĩ, cách tri nhận thế giới của các nhân vật như Berlioz, Bezdomny, Margarita…, đồng thời đặt độc giả trước hai mô hình thế giới: bi kịch mang tính tôn giáo-triết học và hài hước, châm biếm. Như vậy, suy nghĩ của “tác giả” được kéo gần lại với suy nghĩ của nhân vật và cuốn “độc giả ẩn tàng” mà anh ta hướng đến theo dòng chảy đó. “Mặt nạ tác giả” với đại từ nhân xưng “tôi” làm xuất hiện trong tiểu thuyết tình huống trần thuật từ ngôi thứ nhất. Trong dòng chảy của tình huống trần thuật ngôi thứ ba, tình huống trần thuật ngôi thứ nhất thường xuất hiện, bất ngờ và dường như không có dấu hiệu báo trước. Quá trình chuyển tình huống trần thuật từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất không cần dùng đến lời trực tiếp là đặc trưng của văn bản folklore [123, tr. 103]. Nguyên nhân của sự chuyển đổi giới hạn các chủ thể dễ dàng như vậy, theo S.N.Broytman là tính chất phân chia không rõ ràng của tư duy cổ: “tôi” và “kẻ khác”, tác giả và nhân vật [45, tr. 28].

Tương tác với kiểu trần thuật “mặt nạ tác giả” là sự xuất hiện của người kể chuyện toàn tri, hiệu ứng về sự đồng nhất, kéo gần “tôi” và “kẻ khác” vì thế càng trở nên rõ rệt. Chẳng hạn trong chương 1, người kể chuyện biết được những suy nghĩ của nhân vật chính (nỗi sợ hãi của Berlioz trước sự xuất hiện của những ảo ảnh ma quỷ và thái độ tự trấn tĩnh an ủi của chính anh ta), biết được cả kết quả của câu chuyện “Về sau, thực thà mà nói, khi sự việc đã quá muộn, nhiều cơ quan khác nhau đã đưa ra những thông báo mô tả lại hình dạng của người này” [7, tr. 349]. Trong các chương về Ponti Pilate, trong cảnh bỏ thuốc độc Nghệ nhân và Margarita, kiểu người kể chuyện này cũng có mặt. Thông thường, “mặt

nạ tác giả” xuất hiện trước khi có sự xuất hiện của người kể chuyện toàn tri, do đó cảm giác về một “tác giả” xưng tôi đồng nhất với người kể chuyện toàn tri hiện diện trong dòng chảy trần thuật của M.Bulgakov. Giữa những bề bộn của các sự kiện, giữa mê cung của trần thuật luôn có một “kẻ biết tuốt” dẫn dắt độc giả, gợi đến mô thức tự sự và tư duy huyền thoại cổ xưa.

Ở cấp độ nhân vật, quá trình đồng nhất chủ thể biểu hiện rõ qua Voland. Tư duy và quan điểm của Voland như một thứ nam châm, có “sức hút” mạnh đối với các nhân vật khác. Vấn đề mà Voland đặt ra, tranh cãi với Berlioz và Ivan Bezdomny về sự tồn tại của Chúa, về kẻ điều khiển số phận con người và thế giới này trở đi trở lại trong tất cả các chương của tiểu thuyết. Hành động và diễn tiến số phận của tất cả các nhân vật, các sự kiện xảy ra ở Moskva suy cho cùng đều là những “bằng cứ” để chứng minh cho lời mà Voland nói. Voland là kẻ xuất hiện với sứ mệnh chứng minh sự tồn tại của cái thiện và vai trò của cái ác đối với sự tồn tại của cái thiện. Tất cả các sự kiện phi lí, huyễn tưởng mà Voland tạo ra ở Moskva, cuốn theo đó rất nhiều số phận, rất nhiều biến đổi khủng khiếp, cuối cùng cũng trở nên hợp lí, bởi từ đó con người thấy sự sai lầm trong quan điểm vô thần, bởi Quỷ dẫu là hiện thân cho cái ác nhưng lại là kẻ sắp xếp lại trật tự thế giới. Không phải ngẫu nhiên khi lời than “Ôi hỡi các vị thần linh” xuất hiện liên tục (10 lần) trong lời nói cũng như suy nghĩ của người kể chuyện, Ponti Pilate, Ivan Bezdomny, Nghệ nhân, Margarita. Đó không chỉ là một dấu hiệu của phương thức giễu nhại như chúng tôi đã phân tích trong chương 2 mà đó còn là nỗi ám ảnh về sự tồn tại của lực lượng thần linh, của Chúa trong tư duy cũng như trong cuộc sống của con người - điều mà ngay từ đầu Voland đã cố gắng nhấn mạnh. Trong vũ hội của Quỷ, bao quanh các nhân vật là màn đêm, Koroviev đã giải thích cho Margarita rằng “chúng tôi sẽ chỉ bật đèn lên trong thời khắc cuối cùng” [7, tr. 793]. Điều đó có nghĩa rằng Voland dẫu sao cũng dọi một thứ ánh sáng cần thiết và đúng lúc để mọi “kết quả” hợp lí, hợp quy luật hiện ra sau những hỗn loạn, những biến ảo. Cũng cần phải nhấn mạnh, Voland là nhân vật của thế giới huyền thoại, sự chi phối và sức hút của tư duy Voland đối với toàn bộ tiểu thuyết cũng là một yếu tố tạo nên màu sắc huyền thoại cho cả tác phẩm.

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 130)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)