Tính chu kỳ và sự tái lặp của các motif

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 101)

6. Cấu trúc của luận án

3.2.2. Tính chu kỳ và sự tái lặp của các motif

Một phương thức khác để tạo nên sự kết nối của hai câu chuyện, các tuyến sự kiện và nhân vật trong cốt truyện chung chính là vòng quay của chu kỳ, của sự tái lặp. Tính chu kỳ của cốt truyện được thể hiện trước hết cấp độ tổ chức thời gian. Đặc trưng thời gian chu kỳ - thời gian huyền thoại đã được chúng tôi ít nhiều đề cập đến trong tiểu mục trước, khi nói đến yếu tố không-thời gian. Như chúng tôi đã phân tích, thời gian của mỗi lớp (hiện thực, huyễn tưởng và thần bí) tương ứng với

một phần trong chu kì ngày – đêm, và khi chúng kết hợp với nhau ta sẽ có hình dung về chu kỳ một ngày trọn vẹn và tương ứng với kiểu thời gian mạt thế. Ngoài ra, ta có thể thấy thời gian mỗi tuyến truyện là một chu kỳ, các chu kỳ đó xen lẫn với nhau, giao thoa nhau, tạo nên những vòng nối tiếp. Chẳng hạn tuyến truyện Nghệ nhân và Margarita diễn ra trong vòng tròn chu kỳ: tháng năm (cuộc gặp giữa Nghệ nhân và Margarita) – tháng tám (tiểu thuyết về Ponti Pilate hoàn thành) – tháng mười (tiểu thuyết bị đốt cháy) - tháng Giêng (Nghệ nhân ở bệnh viện của Stravinsky) – tháng năm (Nghệ nhân và Margarita gặp lại). Giữa các mốc thời gian nằm trong vòng chu kỳ đó độc giả được biết về câu chuyện của Pilate và Yeshua bởi Nghệ nhân chính là tác giả của cuốn tiểu thuyết về Pilate. Việc đặt các sự kiện quan trọng ở cả tuyến Moskva và tuyến Yershalaim vào các mốc thời gian nằm giữa cũng khiến ta có cảm giác về một chu kì thời gian vây bọc nhân vật và sự kiện: giữa tháng mười (середина октября) - tiểu thuyết về Ponti Pilate bị hủy bỏ, giữa trưa (полдень) - Yeshua từ giã Levi Matvey và đi đến Yershalaim, Pilate tuyên án Yeshua; thứ tư (среда) Voland và đoàn tùy tùng xuất hiện ở Moskva, chín rưỡi tối (полдесятого вечера) Margarita trở thành phù thủy.

Yếu tố quan trọng nhất làm nên tính chu kì, sự tái lặp bất tận của các sự kiện, biến cố trong cốt truyện chứa đến hai câu chuyện cách xa nhau này, thậm chí đem đến cả tính chu kỳ cho thời gian, theo chúng tôi, đó chính là các motif. Vũ Công Hảo trong bài báo Bàn thêm về motif và cấu trúc motif trong tiểu thuyết "Nghệ nhân và Margarita”của M.Bulgakov đưa ra các motif chính xác định kết cấu Nghệ nhân và Margarita: motif thiện – ác, motif “sự cám dỗ của Quỷ”... Chúng tôi cho rằng đây là những motif chủ đề quan trọng của tiểu thuyết và ít nhiều trong chương 2, luận án đã đề cập đến. Hình dung Nghệ nhân và Margarita là một tiểu thuyết huyền thoại, chứng minh tính chu kỳ của cốt truyện, chúng tôi tập trung phân tích một số motif huyền thoại – những motif đã trở thành cổ mẫu trong lịch sử văn học. Theo quan sát của E.M.Meletinsky trong

Về các cổ mẫu trong văn học, cổ mẫu như là “những sơ đồ hình ảnh và cốt truyện đầu tiên, tạo nên vốn xuất phát nào đó của ngôn ngữ văn học, hiểu theo nghĩa rộng nhất” [85, tr. 11].

Có thể nói Nghệ nhân và Margarita là cuốn tiểu thuyết của những cuộc gặp gỡ. Ở cả không gian Moskva và không gian Yershalaim gặp gỡ chính là mấu chốt để tạo nên những biến cố trong cuộc đời các nhân vật, thậm chí gặp gỡ tạo ra thử thách với nhân vật. Motif gặp gỡ thường đi kèm với motif thử thách. Cốt truyện của Nghệ nhân và Margarita với sự kết hợp của hai motif đó mang bóng dáng của cốt truyện cổ mẫu: “gặp gỡ - biệt ly – tìm kiếm – tìm thấy”. Hành động của tiểu thuyết bắt đầu ở Moskva, ở hồ Patriarsh. Ở đó chủ bút của tạp chí Vô thần, chủ tịch MASSOLIT, M.A.Berlioz và nhà thơ Ivan Bezdomny đã gặp một người Đức đầy bí ẩn - Voland, giữa họ diễn ra cuộc đối thoại-tranh cãi về sự tồn tại của Chúa, cuộc đối thoại xuyên suốt tác phẩm. Trong cuộc tranh luận này Berlioz đã trình bày lập luận của chủ nghĩa vô thần vốn rất phổ biến ở Nga vào những năm 20-30 của thế kỉ XX. Theo hắn, không có Chúa, không có Quỷ, mà tồn tại một chân lý tuyệt đối có khả năng giải thích các hiện tượng phức tạp của cuộc sống, tách con người khỏi tiếng nói của lương tâm. Voland có ý kiến khác về vấn đề này “Jesus tồn tại…và không cần bằng chứng nào cả”. Voland chỉ mỉm cười khi Berlioz đặt câu hỏi rằng “Ai điều khiển cuộc sống của con người và toàn bộ trật tự trên trái đất?” và hắn trả lời “Tự con người điều khiển”. Toàn bộ sự phát triển về sau của cuốn tiểu thuyết dường như nhấn mạnh: Voland đã đúng. Cuộc gặp của Berlioz với Satan kết thúc đầy bi kịch với viên chủ bút này: hắn chết vì “lẽ phải” của chính mình, đầy bất ngờ. Sau cuộc gặp của Voland với Berlioz và Ivan Bezdomny là một loạt các cuộc gặp của Quỷ với nhiều nhân vật khác. Điều thú vị là tất cả các cuộc gặp gỡ với Voland được xây dựng theo hai sơ đồ chính: các nhân vật phụ khi va chạm với Quỷ đều có ý thức về tội lỗi của mình: dối trá (Varenukha), nghiện rượu (Stephan Likhodeev).., còn các nhân vật chính đứng trước tình huống lựa chọn, trong trường hợp lựa chọn cái đúng nhân vật có khả năng nhận được sự đền bù, ban thưởng. Bên cạnh đó cần lưu ý đến cuộc gặp gỡ Ponti Pilate và Yeshua Ha-Nostri ở thế giới Kinh Thánh và cuộc gặp gỡ của Nghệ nhân và Margarita ở Moskva. Pilate và Yeshua gặp nhau với tư cách là kẻ đại diện cho quyền lực và kẻ phạm tội. Tình yêu của Nghệ nhân và Margarita diễn ra chốc lát sau cuộc gặp đầu tiên.

Mỗi cuộc gặp gỡ trở thành sự kiện quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Cuộc gặp gỡ với nhà triết học lang thang làm thay đổi Pilate trong suy nghĩ về thiện – ác, chân lý, sự thật… Thời gian của tuyến truyện Yershalaim chỉ diễn ra trong một ngày, tất cả với rất nhiều những cuộc gặp (Pilate – Yeshua, Pilate – Kaiaphas, Pilate – Afranius, Pilate – Levi – Matvey) song đều liên quan đến cuộc gặp gỡ chính, “đầu mối” của mọi biến cố tiếp theo trong câu chuyện: Pilate - Yeshua, tất cả các sự kiện diễn ra trước đó trong cuộc đời Pilate hầu như bị bỏ qua. Dường như nhân vật “chờ đợi” quá lâu cho cuộc gặp định mệnh ấy, và còn tiếp tục chờ đợi hàng thế kỉ cho lần hội ngộ khác với Yeshua. Khi gặp Voland, số phận các nhân vật rẽ sang một con đường khác. Cuộc gặp với Nghệ nhân thay đổi cuộc đời của Margarita – làm hồi sinh cuộc sống của nàng, đem đến cho nàng sức mạnh mới. Với Nghệ nhân, đi xuống tầng hầm nghĩa là cách xa cuộc đời, cô lập chính mình với thế giới bên ngoài. Sự xuất hiện của Margarita là một dấu hiệu xóa bỏ sự cô lập đó.

Thử thách được tạo ra sau mỗi cuộc gặp gỡ. Ý nghĩa của thử thách là để kiểm tra lòng trung thành, chung thủy, sự bền bỉ của nhân vật. Nghệ nhân bị thử thách để kiểm định tính kiên định với hành động sáng tạo của mình. Margarita trải qua thử thách, không run sợ khi bán linh hồn cho Quỷ, chứng minh quyền được tìm lại Nghệ nhân. Yeshua cho đến cuối cùng vẫn chung thủy với lý tưởng “tất cả mọi người đều thiện”, “bất kể thứ quyền lực nào cũng là bạo lực đối với con người và sẽ đến lúc không còn quyền lực của các hoàng đế lẫn bất kỳ thứ quyền lực nào khác. Con người sẽ đến được vương quốc của sự thật và công lý, nơi nói chung sẽ không cần một thứ quyền lực nào cả” [7, tr. 385]. Không có gì phá vỡ được niềm tin ấy, kể cả bạo lực, sự trừng phạt, đám đông, nỗi sợ hãi, bản án tử hình…, nhà triết học lang thang đến những phút cuối cùng vẫn kiên trì rằng: “nói sự thật bao giờ cũng nhẹ nhõm và dễ chịu” [7, tr. 384]. Ponti Pilate không chịu nổi thử thách trong cuộc gặp gỡ với nhà triết học lang thang Yeshua. Cuộc gặp gỡ này tạo ra những xung đột bên trongPilate. Mặc cảm tội lỗi không cho phép ông có được cảm giác yên bình, mà phải dằn vặt, đau khổ suốt mười hai nghìn đêm trăng. Pilate muốn tiếp tục nói chuyện với Yeshua để thừa nhận

rằng hèn nhát là tội lỗi nặng nề nhất. “Trong đầu hắn lướt qua những ý nghĩ ngắn ngủi, rời rạc, khác thường: “Hắn ta chết rồi” rồi tiếp đó “Tất cả chết rồi!...” và cùng với chúng là một ý nghĩa kỳ quái nào đó về sự bất tử nhất thiết cần phải xảy ra - với ai? – nhưng không hiểu sao sự bất tử đó lại gợi nên một nỗi buồn không thể chịu đựng nổi” [7, tr. 383]. Cái chết Pilate nói đến không chỉ là cái chết của Yeshua mà còn là cái chết của chính mình. “Sự bất tử” trong suy nghĩ của quan tổng trấn gắn liền với nỗi sợ hãi, dằn vặt vì tội lỗi đã gây ra. Như vậy mỗi cá nhân vượt qua hoặc thất bại trong những thử thách về niềm tin và đạo đức, và họ được ban thưởng/ đền bù hoặc trừng phạt “theo đức tin của mình”.

Mỗi cuộc gặp gỡ cũng chính là phần thưởng hoặc sự trừng phạt với những kẻ thực hiện cái ác, cái sai. Đối với Ponti Pilate, cuộc gặp với Yeshua trên con đường đầy ánh trăng đó là điều mà ông mong đợi và cầu xin, là sự đền bù cho những đau đớn giày vò đằng đẵng vì tội lỗi. Margarita gặp lại Nghệ nhân vào cuối cuốn tiểu thuyết (trở lại tầng hầm, và sau đó bay vào chốn vĩnh hằng), đó chính là phần thưởng cho tình yêu và lòng chung thủy của nàng. Với Nghệ nhân, cuộc gặp với Voland đem đến sự yên tĩnh. Trong cuộc gặp gỡ với hoàng tử bóng tối, Berlioz xuất hiện trong hình dạng bị mất đầu. Cuộc gặp với Voland, sau đó là Margarita trong bệnh viện tâm thần đã quyết định số phận của Ivan. Anh ta từ bỏ việc sáng tác thơ, thay đổi “chuyên môn” của mình và trở thành viên chức của Viện lịch sử và triết học. Trải qua những khủng hoảng, những cơn mê sảng Ivan có được sự phục sinh.

Trong chu kỳ vận động đó của cốt truyện, tính đối lập, tính “nước đôi” của diễn tiến trò chơi cũng như tư duy huyền thoại hiện diện rõ nét. Điều đó thể hiện qua các cặp motif huyền thoại mang tính đối lập, đặc biệt là motif bóng tối – ánh sáng. Ánh sáng – bóng tối vốn là motif quen thuộc của Kinh Thánh, ánh sáng tương ứng với Chúa, cái thiện, bóng tối tương ứng với cái ác, Quỷ. M.Bulgakov tiếp tục ý tưởng về sự đối lập ánh sáng và bóng tối như trong Kinh Thánh, tuy nhiên trong suốt tiến trình cốt truyện, M.Bulgakov hướng đến chứng minh sự tồn tại không thể tách rời nhau của ánh sáng và bóng tối. Bóng tối trong

Nghệ nhân và Margarita giữ nguyên nghĩa: cái chết, sự cám dỗ, những nguy hiểm rình rập: Đêm tối đến với Yershalaim sau cái chết của Yeshua, trong đêm

tối Ivan lang thang đi tìm Quỷ, xuất hiện trước mọi người như một kẻ điên… Tuy nhiên những motif thuộc về ánh sáng trong tác phẩm của M.Bulgakov không đơn thuần chỉ mang nghĩa là cái thiện, trong ánh sáng có chứa cả bóng tối, bóng tối và ánh sáng cùng tồn tại. Ý nghĩa đó hiện diện qua hai motif: mặt trăng và mặt trời. L.Menglinova trong bài báo Nghịch dị trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita” [86] nhận định rằng Chúa có trong ánh sáng mặt trời còn Quỷ có trong ánh sáng của mặt trăng [86, tr. 60]. Suy nghĩ của chúng tôi về hai motif này có phần khác với ý kiến đó. Mặt trăng và mặt trời, theo chúng tôi, là hai motif mang nghĩa “nước đôi” và không hẳn là hai motif đối lập nhau hoàn toàn về ý nghĩa như L.Menglinova nói.

Về vai trò của motif “mặt trăng” trong Nghệ nhân và Margarita, S.Kulyus và I. Belobrovtseva cho rằng “Motif mặt trăng xuyên suốt toàn bộ cấu trúc tiểu thuyết, còn sự phân chia các chức năng riêng biệt của ánh sáng ban đêm này chứng minh rằng M.Bulgakov hướng đến việc sáng tạo huyền thoại ánh trăng của riêng mình” [43, tr. 222-223]. Ánh sáng mặt trăng hiện diện trong các chương Yershalaim là thứ ánh sáng của cái thiện, cao hơn mọi thứ ánh sáng khác, khiến tất cả đều phải hướng tới: “Đêm lễ đã bắt đầu trong thành phố. Xung quanh Judas, trong các cửa sổ [… ] sáng rực ánh đèn […] phía trên thành phố Yershalaim tỏa sáng mười ngọn đèn lớn chưa từng thấy, ánh sáng của chúng như muốn ganh đua cùng với ánh sáng của ngọn đèn duy nhất mỗi lúc một cao trên thành phố Iershalaim - ngọn đèn mặt trăng” [7, tr. 912-913]. Ánh trăng là yếu tố kết nối Ivan với Nghệ nhân, khiến Nghệ nhân dần hồi tưởng về cuốn tiểu thuyết đã bị đốt cháy của mình, nó như một “mediator” của quá trình sáng tạo. Con đường chứa đầy ánh trăng xuất hiện trong giấc mơ của Pilate và cuối cuốn tiểu thuyết là mơ ước được chuộc lỗi, giải thoát khỏi tội lỗi của Pilate cũng là sự đền bù cho sự thao thức và dằn vặt của quan tổng trấn trong hàng nghìn đêm trăng. Ánh trăng gắn liền với thời khắc phục sinh thần diệu của Ivan “vầng trăng như nổi cơn cuồng hứng, nó trút từng dòng ánh sáng lên người Ivan, nó vung vãi ánh trăng ra khắp mọi hướng, và trong phòng bắt đầu ngập lụt ánh trăng; sóng trăng chao đảo, dâng lên cao, nhấn ngập giường. Và lúc đó Ivan Nikolaievich ngủ yên với nét mặt hạnh phúc” [7, tr. 1064].

Mặt trăng – “chiếc đèn dầu bí ẩn của vũ trụ” theo cách gọi của Kulyus và Y. Belobrovtseva, còn xuất hiện trong Nghệ nhân Margarita như là dấu hiệu “đánh dấu sự tồn tại của thế lực cái ác” [87, tr. 20], “như là dấu hiệu bước ngoặt bí ẩn của số phận” [97, tr. 138] đặc biệt là số phận của Ivan Bezdomny. Hay nói như Kulyus và Y. Belobrovtseva đó là “người truyền dẫn và chứng minh cái chết (của Judas, Berlioz) và dự báo sự di chuyển vào không gian tồn tại khác (Nghệ nhân, Margarita, Ponti Pilate)” [43, tr. 223]. Mặt trăng vỡ vụn gắn liền với cái chết bi thảm của Berlioz: “Thêm một lần nữa, và là lần cuối cùng, mặt trăng thoáng lướt qua trước mặt ông, nhưng nó đã bị vỡ tung ra từng mảnh, rồi tất cả trở nên tối đen” [7, tr. 415]. Con đường dẫn Judas đến gặp Niza, con đường Judas tiến dần đến với cái chết cũng tràn ngập ánh trăng: “Chạy theo con đường đầy bụi lênh láng ánh trăng, Judas rảo bước về phía con suối Kedron để lội qua đó” [7, tr. 914], “Con đường chạy ngược dốc, Judas vừa đi lên vừa thở nặng nhọc, chốc chốc lại từ trong bóng tối dày đặc bước ra những tấm thảm hoa dệt bằng ánh trăng lốm đốm” [7, tr. 914]. Trong thời khắc Quỷ xuất hiện ở phòng làm việc, Rimsky nhìn thấy “mặt trăng trôi trong một đám mây trong suốt” [7, tr. 613]. Mặt trăng cũng là kẻ chứng kiến quá trình Margarita biến hình, từ thời khắc đầu tiên, nàng bôi kem của Azazello: “Mặt trăng tròn vành vạnh treo cao trên bầu trời đêm quang đãng thấp thoáng giữa những cành phong” [7, tr. 755], mặt trăng đồng hành với Margarita trong chuyến bay: “cây bàn chải cọ sàn giờ không còn bay phía trên ngọn thông nữa, mà đang len lỏi giữa những thân cây được mặt trăng dát bạc lên một bên” [7, tr. 783]. Tất cả không gian nàng qua trong đêm biến hình, trước khi nàng đến với vũ hội của Quỷ, trước khi nàng “bán linh hồn cho Quỷ” đều tràn ngập ánh trăng – “toàn bộ dải bờ nằm trong ánh trăng sáng lóa” [7, tr. 786]. Thời điểm Nghệ nhân và Margarita bước sang một thế giới khác, nghĩa là thời điểm chấm dứt cuộc sống trần thế, cũng là thời điểm “con đường trăng sôi sục, từ đó một con sông trăng bắt đầu nổi cồm lên và chảy trào ra bốn phía” [7, tr. 1063]. Con đường trăng dành cho Pilate là một sự đền bù, song trong cách giải thích của Voland đó vẫn là “dấu vết của cái đã kết thúc” [7, tr. 1038], nghĩa là dấu vết của những đau khổ, dằn vặt, những bấn loạn trong sự

sám hối tội lỗi. Con đường trăng không dành cho Nghệ nhân bởi anh ta với cuốn tiểu thuyết về Pilate đã bước ra khỏi thực tại hỗn loạn phi lí, hướng đến một vũ trụ riêng, hài hòa và ở đó người nghệ sĩ được đánh giá ngang với thượng đế. Một lần nữa ta có thể khẳng định rằng nếu theo logic của nhân vật, sự yên tĩnh với

Một phần của tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)