Giai đoạn từ 1954 đến 1986

Một phần của tài liệu Tập đoàn kinh tế nhà nước tại Việt Nam - Bản chất pháp lý và vấn đề xây dựng khung pháp luật điều chỉnh (Trang 44)

với vai trò độc tôn của DNNN; sự thất bại của quản lý, vận hành DNNN theo cơ

chế kế họach hoá tập trung dẫn đến chính sách cải cách đầu tiên.

Sau năm 1954 với việc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và hoà bình được tái lập, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà nỗ lực xây dựng nền kinh

tế mới, lấy kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể làm chủ đạo kết hợp với cải tạo theo hướng xoá bỏ hoàn toàn kinh tế tư nhân. Trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước đã hình thành theo mô hình Xôviết, chi phối toàn bộ các ngành nghề. Tính đến cuối năm 1960, 100% xí nghiệp công nghiệp, 99,4% cơ sở thương mại và 99% doanh nghiệp giao thông vận tải của tư bản và tiểu chủ tư nhân

đã được quốc hữu hoá trở thành kinh tế nhà nước. Đồng thời trong kế hoạch năm năm đầu tiên 1960-1965, 62% ngân sách của nhà nước đã được sử dụng cho việc xây dựng các xí nghiệp quốc doanh mới. Con số đầu tư từ nguồn ngân sách cho

mục tiêu này, sau đó tới năm 1965-1968 đã tăng lên tới 90%.

Kinh tế quốc doanh đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kỳ này, trong đó mức tăng cao nhất là lĩnh vực công nghiệp nặng, do đó đã che khuất đi hai nhược điểm quan trọng: đó là tính kém hiệu quả kinh tế và sự phụ thuộc vào viện trợ của nước

ngoài (chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc).

Sau giải phóng miền Nam năm 1975 và thống nhất đất nước năm 1976, các chính sách kinh tế tương tự như sau 1954 đã được áp dụng trên bình diện cả nước:

quốc doanh hoá và quốc hữu hoá trong đó lấy phát triển công nghiệp nặng làm trung tâm. Chẳng hạn, tỷ trọng đầu tư cho công nghiệp nặng năm 1976 là 21,4% đã tăng lên 29,7% vào năm 1980. Sự phá sản của chính sách phát triển kinh tế mất cân

đối này cùng với sự thiếu dần tiến tới mất hẳn các khoản viện trợ do Liên Xô và cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cung cấp trong thời kỳ chiến tranh

trước đó đã dẫn đến các khó khăn kinh tế từ 1978/1979, báo trước một cuộc khủng hoảng vào những năm sau.

Trong bối cảnh đó, tháng 7/1979, Hội nghị Trung ương 5 Khoá 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thảo luận và ra nghị quyết lần đầu tiên về cải cách đối với doanh nghiệp quốc doanh. Nghị quyết này được thể chế hoá bằng Nghị định 25/CP

năm 1980 của Chính phủ cho phép các doanh nghiệp này thực hiện cơ chế “ba kế họach” như sau: Kế hoạch 1 thực hiện sản xuất theo chỉ tiêu pháp lệnh, được cung ứng nguyên vật liệu đầy đủ từ trung ương và thực hiện nghĩa vụ giao nộp sản phẩm

đầy đủ; Kế hoạch 2 cho phép doanh nghiệp “tự kiếm” nguyên vật liệu để sản xuất mặt hàng theo Kế hoạch 1 và chỉ phải phân phối một phần sản phẩm thông qua hệ thống thương mại quốc doanh, còn lại được bán ra “thị trường tự do”; Kế hoạch 3 (có ý nghĩa nhạy cảm và đáng quan tâm nhất), cho doanh nghiệp toàn quyền tự chủ

trong việc tìm “đầu vào”, sản xuất mặt hàng do tự quyết định, tự thu xếp “đầu ra” trên thị trường và được quyền sử dụng và phân chia lợi ích thu được.

Chính sách mới đã phát huy tác dụng như một “đòn bẩy” kích thích sản xuất cho các doanh nghiệp, giải quyết nạn thiếu nguyên vật liệu triền miên, thiếu việc làm và ứ đọng sản phẩm làm ra. Tuy nhiên các hiệu quả đó chỉ mang tính ngắn hạn

bởi chỉ là hoạt động cải cách nửa vời trong một khuôn khổ chung không thay đổi của nền kinh tế kế hoạch tập trung. Các biến tướng của chính sách mới đã ngày càng lộ rõ qua hiện tượng các doanh nghiệp dân dần chỉ quan tâm đến “Kế hoạch 3”

và lơ là các nhiệm vụ sản xuất theo chức năng chính của mình. Sự tăng trường sản xuất đi xuống kéo theo thiếu hụt và các mất cân đối về ngân sách nhà nước, làm

giảm hiệu lực của các công cụ quản lý vĩ mô và tập trung của Chính phủ. Để bù đắp, Nhà nước đã phải in thêm tiền, điều này dẫn đến tăng giá và lạm phát. Năm

1984, giá cả đã tăng 70% so với năm 1981.

Sự ứng phó bằng các biện pháp “giá, lương, tiền” năm 1985 của Chính phủ cũng đã thất bại. Nhà nước không còn kiểm soát nổi giá cả và tín dụng, lạm phát

tiếp tục tăng cao, thúc đẩy tăng giá tới mức 800% riêng trong năm 1986. Trước nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế và khủng hoảng xã hội, Đại hội lần thứ 6 của Đảng

Cộng sản Việt Nam đã ra tuyên ngôn “Đổi Mới” toàn diện nền kinh tế, xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung và chuyển sang kinh tế thị trường cùng với việc mở cửa

cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tập đoàn kinh tế nhà nước tại Việt Nam - Bản chất pháp lý và vấn đề xây dựng khung pháp luật điều chỉnh (Trang 44)