- Tất cả các thông tin thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng, Tờ khai lệ phí trước bạ, Tờ khai thuế thu nhập cá nhân phải đúng như trong Giấy
2.5.2. Các quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, chặt chẽ
Theo quy định của Luật đất đai, hộ gia đình là một chủ thể được giao quyền sử dụng đất và khi thực hiện đủ các nghĩa vụ, hộ gia đình sẽ có đủ các quyền được Nhà nước trao. Tuy nhiên, hiện nay cả Luật đất đai và Bộ luật
dân sự đều không định nghĩa cụ thể hộ gia đình là gì. Điều này dẫn đến việc các cơ quan nhà nước không có căn cứ chính xác để xác định số thành viên có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hộ gia đình khi họ thực hiện các quyền của người sử dụng đất nói chung và quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng. Nếu việc mua bán chuyển nhượng không diễn ra suôn sẻ, các bên không thực hiện đầy đủ các cam kết về quyền và nghĩa vụ của mình thì ngay cả Tòa án cũng khó khăn trong việc xét xử.
Một dẫn chứng nữa về sự thiếu chặt chẽ, rõ ràng trong quy định của pháp luật là quy định về trách nhiệm của Công chứng viên. Theo quy định của Luật công chứng, công chứng viên chỉ có trách nhiệm kiểm tra năng lực hành vi của các bên khi chứng nhận Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn các nội dung khác như sự đầy đủ của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến thửa đất chuyển nhượng, sự chính xác, chân thực về quan hệ giữa họ, sự hợp pháp của các loại giấy tờ do các bên cung cấp như bản chính giấy chứng nhận, chứng minh thư, hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…sẽ do bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng tự chịu trách nhiệm, Công chứng viên không liên can. Quy định này đã làm cho các Công chứng viên có điều kiện để không phải chịu trách nhiệm về hoạt động công chứng của mình và khiến cơ quan công an không có cơ sở để truy tố các Công chứng viên cố tình chứng nhận những Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có yếu tố lừa đảo. Hậu quả là trong thời gian gần đây các vụ lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng đất với sự tiếp tay của cơ quan công chứng diễn ra ngày càng nhiều.
Hiện nay, ngay trong thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân do pháp luật đất đai quy định cũng chưa thực sự đầy đủ do mới chỉ nêu chung chung về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân mà chưa nêu cụ thể thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chia tách thửa đất và thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất không chia tách thửa đất. Điều này khiến cơ quan trực tiếp thụ lý, giải quyết hồ sơ gặp khó khăn bởi vì hai loại thủ tục này có những yêu cầu cụ thể khác nhau.
Theo thực tế áp dụng, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển nhượng một phần thửa đất thì phải thực hiện thủ tục trích đo địa chính để chia tách thửa trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng. Thủ tục này gồm những bước đo đạc, kiểm tra hiện trạng, xác định vị trí, kích thước, diện tích phần đất chuyển nhượng, tính hợp pháp của diện tích đất chuyển nhượng và việc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ra văn bản gửi các bên xác định các nội dung đã nêu làm căn cứ ký kết hợp đồng chuyển nhượng. Việc thực hiện các bước nêu trên đã góp phần hạn chế tranh chấp do nhiều trường hợp khi xuống kiểm tra hiện trạng đã phát hiện phần đất chuyển quyền lại không thuộc giấy chứng nhận đã cấp hoặc biên bản kiểm tra hiện trạng có sự chứng kiến của hai bên là căn cứ để phân định ranh giới sử dụng. Còn với thủ tục chuyển nhượng quyền sử đất không chia tách thửa đất, các bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ ký hợp đồng tại cơ quan công chứng trước khi liên hệ với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để nộp hồ sơ chuyển nhượng còn với thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chia tách thửa đất, các bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục tách thửa trước khi liên hệ với cơ quan công chứng để ký hợp đồng chuyển nhượng.
Qua ví dụ trên ta có thể thấy việc không chia thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất thành hai loại đã dẫn đến việc bỏ qua một trình tự trong thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chia tách thửa đất.