Trong độc thoại nội tâm thì đối thoại trong độc thoại là một dạng đối thoại độc đáo, kiểu đối thoại ngầm vừa như một sự tự vấn, vừa như tự mổ xẻ bản thân mình giúp tác giả thể hiện quan niệm về con người sâu sắc hơn. Những câu đối thoại ngầm xuất hiện rất nhiều. Những câu hỏi, có khi không cần trả lời cứ ngổn ngang trong lòng nhân vật, hiện hình qua những suy tư trăn trở. Đó là nhận thức về nỗi cô
đơn, là chờ đợi vô vọng của cô gái khi hết quyền lựa chọn người yêu: “Sao người mỗi ngày một đông như kiến mà tôi thì cô đơn thế này? Ai đến với tôi bây giờ... Bên ngoài cánh cửa kia. Có thể là thiên thần. Có khi là quỷ dữ. Cái thời mà mình được quyền lựa chọn qua rồi sao?”. Có khi là tâm trạng trống vắng, đau khổ của cô gái khi nhận được tin bố mẹ chia tay nhau “Liệu, những cái đó, có làm bố mẹ mệt không”, “ Thế đấy. Bố mẹ bây giờ đang tự sống cho mình. Thế nào là sống cho mình và sống cho mình thì khác sống cho người nhỉ? Bao năm nay, cứ cho là bố mẹ sống cho tôi, bố mẹ cũng có mất gì đâu? Tại sao lại sinh ra tôi trên đời, rồi lại phải sống vì tôi cơ chứ. Hay là bố mẹ vin vào tôi như một thứ an ủi, một cứu cánh là họ cùng ghê lắm, giỏi giang lắm, họ phải như vậy là vì tôi”. Lại có khi là tâm trạng của cô gái đi kiếm tìm chỗ neo đậu cho tình yêu mà không được: “Nàng nghe. Chợt thẫn người tự hỏi: nàng đi tìm cái gì nhỉ. Người ta. Chuyện lấy vợ lấy chồng dễ thế. Sao nàng lại khó?”...Những câu đối thoại ngầm, những câu hỏi chất vấn cứ ngổn ngang
càng khơi sâu thêm nỗi đau của con người, qua đó tác giả mong một sự đồng cảm,
một sự trả lời từ phía người đọc. Trong Hậu Thiên Đường có nhiều đoạn nhân vật đối thoại với chính mình: “Tôi lặng người nhìn nó. Thôi, xong rồi. Con gái tôi thành đàn bà mất rồi.”, “đứa nào nhỉ, đứa nào mang khuôn mặt đợi chờ của con gái tôi đi mất và trả cho nó khuôn mặt đàn bà, vừa đằm thắm vừa non nớt của cô bé 16 tuổi”.
Đằng sau những câu đối thoại ngầm ấy, người đọc cảm nhận nỗi đau đớn như đứt từng khúc ruột, sự day dứt xót xa và cả nỗi bất lực của người mẹ trước bất hạnh của con. Đó còn là tâm trạng của người vợ với nỗi ân hận xót xa theo suốt cả cuộc đời:
“Sai lầm bắt đầu từ đâu? Anh hỏng từ lúc nào”. Sao tôi không có hai lần sống, hai cuộc đời để rút kinh nghiệm. Để làm lại?” (Hình bóng cuộc đời)…Và đây là lời tự vấn của một cô gái:“Không có anh. Ai dám phủi bụi ở quần tôi. Ai sẽ đưa đón tôi
trên những con đường hoa sấu rụng trắng li ti sau cơn mưa mùa hạ ướt đẫm? … Có anh. Trăng trở nên thần thánh, thiêng liêng. Tôi cười. Thì thầm với mình “Ôi tôi yêu cuộc sống này. Yêu đêm nay và yêu anh quá.” ( Còn lại một vầng trăng).
Như vậy với việc xuất hiện nhiều câu đối thoại ngầm trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng ta nhận thấy con người trong truyện của chị luôn suy ngẫm, nhìn nhận, tự ý thức về chính mình. Đồng thời, nó còn giúp cho nhà văn có thể khơi sâu thêm nỗi đau câm lặng của con người để mà hiểu họ, mặt khác mong một sự đồng cảm, sự trả lời từ phía người đọc. Truyện ngắn vì thế luôn luôn đối thoại và yêu cầu đồng sáng tạo. Đó cũng chính là tính nhân văn trong quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn sau 1975.