Trở về với văn xuôi truyền thống, ta thấy khi kể, người kể chuyện chưa quan tâm thích đáng đến việc tổ chức điểm nhìn trần thuật. Bởi vậy, mô hình tự sự truyền thống thường qui tụ vào điểm nhìn duy nhất, điểm nhìn của người kể chuyện. Hiển nhiên, người kể chuyện ở đây không chỉ giữ vai trò dẫn dắt, tái hiện, mô tả đời sống mà nó cũng định hướng luôn những cảm xúc cho bạn đọc bằng những giọng điệu nổi bật, duy nhất: ngợi ca hay phê phán.
Bước sang văn học hiện đại, nhà văn bắt đầu chú ý đến việc khai thác điểm nhìn trần thuật để thâu tóm được diện mạo đa chiều của cuộc sống. Đặc biệt văn học thời kỳ đổi mới trong nỗ lực cách tân đã soi rọi cuộc sống từ nhiều điểm nhìn khác nhau để thấy được tính phức tạp của xã hội và con người đương đại. Điều đó kéo theo văn bản văn học lúc này đã trở thành một cấu trúc đa tầng, một “kết cấu vẫy gọi” ẩn chứa đằng sau những nội dung tư tưởng sâu sắc. Nằm trong dòng hướng chung đó, Nguyễn Thị Thu Huệ cũng khai thác triệt để điểm nhìn từ nhiều nhân vật và liên tục dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật để tạo nên tính đa chiều trong kết cấu, ý nghĩa của tác phẩm.
Dịch chuyển điểm nhìn là trạng thái điểm nhìn không cố định mà liên tục có sự thay đổi một cách luân phiên. Sự dịch chuyển này thường diễn ra theo các cơ chế như: dịch chuyển điểm nhìn theo không gian, thời gian, dịch chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong; dịch chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật; dịch chuyển điểm nhìn giữa các nhân vật khác nhau trong tác phẩm… Với sự thông minh, sắc sảo, nhạy bén, Nguyễn Thị Thu Huệ đã thực hiện hầu hết các cơ chế dịch chuyển điểm nhìn nêu trên và tạo ra những hiệu quả nghệ thuật rất đáng ghi nhận. Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi khai thác những cơ chế dịch chuyển điểm nhìn chính mang lại hiệu quả nghệ thuật nổi bật.