Phần lớn truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ diễn ra sự dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật từ bên ngoài vào điểm nhìn bên trong. Điều này đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật to lớn trong việc tái hiện, miêu tả đối tượng.
Điểm nhìn bên ngoài là sự quan sát hướng ra thế giới khách quan. Điểm rơi của cái nhìn là thế giới bên ngoài. Điểm nhìn này thường đặt ở người kể chuyện từ ngôi thứ ba khi anh ta quan sát và kể lại. Với điểm nhìn này, cuộc sống diễn ra như thế nào thường được tái hiện như thế ấy, ít có sự can thiệp của người kể, người quan sát.
Điểm nhìn bên trong là hình thức điểm rơi của cái nhìn chính là thế giới tâm hồn của chủ thể. Đây là hình thức tự quan sát của nhân vật để bộc bạch giãi bày. Điểm nhìn này phần lớn gắn với sự tự bộc bạch của nhân vật xưng “tôi” hoặc hình thức người trần thuật tựa vào giác quan, cảm xúc của nhân vật để biểu hiện, cảm nhận về thế giới. Điểm nhìn bên trong xuất hiện khi người kể thâm nhập vào đời sống nội tâm nhân vật, phân tích, mổ xẻ hoặc để nhân vật tự bộc lộ suy nghĩ cảm xúc của mình. Điểm nhìn bên trong giúp người kể thông qua một lăng kính cụ thể, tái hiện đời sống nội bộ của nhân vật một cách sâu sắc.
Trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà văn không chỉ quan sát tái hiện cuộc sống từ điểm nhìn bên ngoài, mà còn tận dụng để miêu tả, tái hiện nhân vật. Điều đáng nói là nhà văn đã di chuyển điểm nhìn một cách linh hoạt từ bên ngoài vào bên trong để tận dụng ưu thế của cả hai loại điểm nhìn nghệ thuật.
Ở nhóm tác phẩm kể từ ngôi thứ nhất, điểm nhìn chủ đạo được đặt vào bên trong tâm hồn nhân vật. Họ tự quan sát, lắng nghe những cung bậc tâm trạng, cảm xúc của mình, tự bộc bạch những nỗi niềm, những đau thương, ân hận, giày vò. Đó là nỗi đau đến mức không rơi được nước mắt của cô gái trước cái chết của người cha. Nỗi đau đó càng được nhân lên gấp bội khi giờ phút hấp hối của cha mà cô lại
đi hẹn hò với người yêu: "Tôi nhìn mẹ. Tóc rũ rượi, mặt nhăn nhúm và già sọm. Đau khổ, tuyệt vọng. Đôi mắt bố vẫn mở, chỉ có điều nó không sáng long lanh mà mờ đục đi. Bố chết thật rồi” (Còn lại một vầng trăng). Đó là nỗi đau tự trải nghiệm của cô gái thiệt thòi bất hạnh trong Người đi tìm giấc mơ. Đó cũng là những nỗi xót xa
chua chát mà nhân vật "tôi" – một thiếu tá quân đội về hưu phải nếm trải khi nuôi chó Nhật để cải thiện cuộc sống gia đình.
Trong nhóm tác phẩm được kể từ ngôi thứ ba, điểm nhìn chủ đạo thường được đặt từ sự quan sát bên ngoài. Đó là sự quan sát rồi kể lại chuyện đổ vỡ, hợp tan
của một gia đình khá giả trong Tân Cảng. Sự quan sát từ điểm nhìn bên ngoài đã góp
Cũng là sự quan sát từ điểm nhìn bên ngoài rồi kể lại, Xin hãy tin em kể về cuộc đời của Hoài - Thớt trơ, một sinh viên thành Vinh sống phóng túng, buông thả
rồi cuối cùng tự mình đánh mất tất cả. Tuy nhiên, không bằng lòng với việc khai thác điểm nhìn từ một phía (bên ngoài hoặc bên trong) mà Nguyễn Thị Thu Huệ liên tục dịch chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong để không chỉ bao quát được khung cảnh đời sống xã hội mà còn tái hiện được cả bức tranh tâm hồn của nhân vật để nói lên những nỗi niềm sâu kín nhất của nó.
Trong Tân Cảng, tác giả mở đầu bằng sự quan sát của người kể chuyện giấu mặt từ điểm nhìn bên ngoài: "Căn nhà của họ một tầng. Rộng hai trăm năm mươi mét vuông, với năm phòng, nằm trên con đường gần phi trường, bên cạnh vài chục biệt thự của những thương gia đang giàu lên thời cơ chế thị trường. Mặt tiền của căn nhà rộng mười bốn mét chia hai phần lệch nhau. Bên nhỏ dành cho đường ôtô vào gara. Bên to là hàng rào thưa và cao, màu xanh lá cây thẫm” (Tân cảng). Với
sự quan sát từ điểm nhìn bên ngoài, ngôi nhà đồ sộ với những đồ đạc, tiện nghi sang trọng chứng minh cho sự giàu có hiện lên một cách khách quan. Để cho những cảm xúc của nhân vật hiện lên chân thực nhất, chị đã dịch chuyển từ điểm nhìn bên ngoài
vào điểm nhìn bên trong nhằm quan sát tâm trạng của người vợ: "Chị đỡ cốc nước và nhìn vào mắt anh. Khẽ thở dài khi anh quay đi ra. Anh không nghe tiếng thở dài tức ngực của người đàn bà chưa đến bốn mươi, da thịt mát lạnh, thơm tho của sự đầy đủ, nhàn hạ dần dần đang cần sự yêu chiều ve vuốt…". Rồi từ những chi tiết thở
dài trở thành sự thiếu thốn, nỗi cô đơn để cuối cùng chị ra đi tìm hạnh phúc mới nhưng trái tim lại rỉ máu.
Trong Xin hãy tin em, sự dịch chuyển từ điểm nhìn bên ngoài vào điểm nhìn
bên trong càng trở nên rõ nét hơn. Điểm nhìn bên ngoài giúp tác giả tái hiện lại một cách khách quan những thói quen thuộc về nếp sống phóng túng của Hoài. Nhưng
tác giả lại để cho nhân vật tự quan sát nội tâm của mình tự dằn dặt: "Nước mắt Hoài trào ra. Bố mẹ ơi, sao bố mẹ không dạy con rằng mọi chuyện xảy ra có một lần trong đời. Cái gì đi qua không lấy lại được. Sao bố mẹ chỉ nhăm nhăm gửi tiền cho con mà không ở bên con mỗi sáng mỗi chiều cho con bớt cô đơn? Học mà làm gì khi cái đầu con rỗng tuếch, chẳng có tí kiến thức nào ngoài sự lo toan cho cuộc sống sắp tới" (Xin hãy tin em).
Sự dịch chuyển từ điểm nhìn bên ngoài vào điểm nhìn bên trong đã tạo điều kiện để nhà văn không chỉ tái hiện hoàn cảnh một cách chân thực mà còn đi sâu vào tâm hồn nhân vật. Với lối kể này, khách thể “xâm nhập” vào thế giới nội tâm, hòa âm với tiếng nói bên trong của nhân vật, khiến người kể chuyện vừa là người kể toàn tri, đứng ngoài mà thông hiểu mọi chuyện vừa như chính nhân vật tự “thổ lộ” nỗi lòng mình. Đặc điểm này của lời kể có được do người kể chuyện đổi vai kể (khách thể → chủ thể), di chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào điểm nhìn bên trong. Mối quan hệ giữa người kể chuyện và nhân vật tiệm cận, khoảng cách được rút ngắn, tính tự sự của cấu trúc lời nói bị phá vỡ.