Sự khai thác triệt để ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (Trang 93)

Truyện ngắn sau 1975 đã vận động và phát triển theo quy luật tất yếu của văn học, đáp ứng kịp thời sự chuyển đổi của xã hội và con người sau chiến tranh. Truyện ngắn đã có những cách tân và thu được những thành tựu đáng kể không chỉ ở phương diện nội dung mà còn ở phương diện hình thức biểu hiện. Các nhà văn chuyển từ hứng thú miêu tả nhân vật với những biểu hiện và hành động bên ngoài có tính chất xã hội sang hứng thú khám phá lý giải nhân vật với những hành động bên trong, những biểu hiện của đời sống nội tâm có tính chất cá nhân, cá thể. Miêu tả tâm lý trở thành phương thức hiệu quả trong xây dựng nhân vật với những đoạn độc thoại nội tâm, đối thoại được cá thể hóa sâu sắc, sự tái hiện dòng ý thức, sự khám phá con người ở mặt bản năng, vô thức, tâm linh. Bởi vậy cuộc sống hiện thực ít được mô tả trực tiếp, khách quan mà nó được biểu cảm qua thế giới tâm hồn và dòng ý thức của nhân vật. Thế giới nội tâm đầy phức tạp và bí ẩn mới là đối tượng chính để tác giả đi sâu, khám phá và biểu hiện. Đó là một số thủ pháp chung để thể hiện con người, nhưng ở mỗi tác giả các thủ pháp này được đổi mới và bổ sung nhau tạo nên sự phong phú của thể loại.

Tiếp thu những thành tựu của người đi trước, Nguyễn Thị Thu Huệ nhanh chóng tìm cho mình một hướng đi riêng trong việc khắc họa ngôn ngữ nhân vật. Từ quan niệm đi sâu vào con người tự ý thức, Nguyễn Thị Thu Huệ không đứng tách biệt, nói giọng quyền uy để kể về nhân vật mà thường hòa vào ngôn ngữ nhân vật, kể theo điểm nhìn của nhân vật, ít chú ý miêu tả ngoại hình, cử chỉ hay hành động mà đi sâu khám phá trực tiếp thế giới tâm hồn. Bởi thế, nhân vật của chị thường nghĩ nhiều hơn nói. Họ luôn đối diện với chính mình trong những khoảng suy tư bất chợt. Vì vậy, ngôn ngữ của họ được tái hiện chủ yếu là ngôn ngữ độc thoại. Loại ngôn

ngữ này giữ vai trò thống lĩnh trong nhiều truyện như: Tân cảng, Hậu thiên đường, Giai nhân, Phù thủy, Cát đợi, Biển ấm, Thành phố không mùa đông, Người đi tìm giấc mơ…

Như chính Nguyễn Thị Thu Huệ tâm sự, chị thường đi sâu vào những khoảnh khắc tâm lý của con người để tìm ra phần “người” của họ thể hiện với mọi cung bậc,

sắc thái của nó. Xuất phát từ suy nghĩ “Không có người nào xấu đến tận cùng”,

Nguyễn Thị Thu Huệ khai thác ở họ cả những cái tốt và xấu, thiên thần và ác quỉ… Với mục đích ấy, không gì thể hiện tốt hơn là để chính nhân vật tự bộc bạch, giãi

bày. Thấm nhuần điều đó, trong Tân cảng, Thu Huệ đã để cho nhân vật “người vợ”

đấu tranh giữa phần ý thức về bản thân, bổn phận với phần vô thức. Hai yếu tố đó len lỏi, đấu tranh để rồi cuối cùng, sự kìm nén bản năng của một người đàn bà thiếu thốn tình cảm bấy lâu đã bùng dậy khi gặp người đàn ông ngoại quốc lịch lãm, cháy

bỏng. Trong Tân cảng, những dòng độc thoại nội tâm đã thực sự làm sáng tỏ những

day dứt, những giông bão trong lòng người phụ nữ chuẩn bị từ bỏ mái nhà gắn bó mười năm cùng chồng con, và đứa con trai bé bỏng để đi tìm hạnh phúc ở một

khung trời mới, xa lạ: “Những người dân Nam Tư đó. Với những cuộc di tản khốc liệt dưới bầu trời đầy bom đó không quan trọng với chị bằng việc chỉ còn một giờ đồng hồ nữa. Chị phải đi khỏi căn nhà này. Xa những gì lâu nay là máu thịt của chị. Xa đứa con trai bé bỏng thơm như một chiếc bánh ga tô mới ra lò. Không có điều gì làm chị xúc động hơn chính bão tố trong lòng chị lúc này. Chiến tranh đã nổ ra. Bom đã rơi vào chính chị. Và chị cũng phải chạy đi. Đến một cảng mới để làm lại từ đầu.” (Tân cảng). Đi sâu vào suy nghĩ, nội tâm nhân vật, nhà văn đã tìm được cội

nguồn của những bất hạnh, đắng cay trong cuộc đời họ. Đây là một khoảnh khắc suy

tư của một cô gái quê nhiều tham vọng: “Thời gian này My hay nghĩ về mình. Buổi sáng làm việc nhà. Chiều cơm nước gà qué, tưới ruộng rau, ăn và ngủ. Cuộc sống cứ thế trôi đi, ảm đạm và buồn tẻ. Những người nông dân quanh năm có một cuộc sống thật phung phí và vô nghĩa. Mười bốn mười lăm tuổi lấy chồng. Thoắt cái đã con bồng con bế…” (Thiếu phụ chưa chồng). Bởi những suy tư và tham vọng ấy

mà My đã dấn thân vào cuộc sống thị thành bằng mọi thủ đoạn để rồi cuối cùng tự chuốc lấy đắng cay. Trong nhiều trường hợp, những dòng suy nghĩ miên man

thường đẩy nhân vật sống lại với quá khứ: “Tất cả. Trong tôi. Ngày ấy…Tất tật. Hiện về chẳng thiếu chút gì. Tôi bỗng nhớ chúng quá chừng. Tôi nhìn lịch. Quá ngày hẹn mười bốn hôm rồi. Lại quá. Năm nào cũng thế.” (Hoàng hôn màu cỏ úa). Những

Không chỉ dừng lại ở những khoảnh khắc suy tư bất chợt, mà ngôn ngữ độc thoại trong nhiều tác phẩm của chị đã được chuyển hóa thành những dòng chảy của

ý thức. Đó là dòng suy nghĩ của Sao trong Giai nhân, của cô bé trong Phù thủy, của Thảo trong Người đi tìm giấc mơ, của Linh trong Dĩ vãng, của Trúc trong Biển ấm, của người mẹ trong Hậu thiên đường, của cô gái trong Tình yêu ơi, ở đâu?…

Sao trong Giai nhân chìm đắm trong nỗi cô đơn đến tuyệt vọng. Cô tự truy tìm

căn nguyên cho sự cô đơn ấy bằng dòng hồi tưởng. Quá khứ vàng son của thời trẻ, đẹp hiện về với hình bóng của bao chàng trai xoắn xuýt bên cô nhưng vì kiêu ngạo mà cô không dừng lại với ai. Cái thời cô được lựa chọn đã qua. Khi cô nhận ra hiện thực phũ phàng thì đã quá muộn. Cô đã luống tuổi, nhan sắc phai dần, cơ hội lựa chọn không còn. Cô hối hả đi tìm tình yêu, khát khao mái ấm thì lúc đó tất cả trở

nên xa vời, mong manh :“Tôi thề sẽ yêu người gõ cửa này. Sẽ lấy người đó làm chồng. Tôi cô đơn quá rồi”.

Nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Thị Thu Huệ thường triền miên với những suy nghĩ không biết khi nào dừng lại, thường khi dòng nội tâm nhân vật dừng lại

cũng là lúc khép lại truyện. Chẳng hạn, khép lại Cát đợi là suy tính của nhân vật “tôi”:“Đêm nay. Tôi sẽ sửa lại ban thờ. Một ban thờ không có bản liên khúc đánh số. Một ban thờ mới. Thờ anh”. Thành phố không mùa đông cũng kết thúc bằng dòng suy nghĩ của nhân vật “tôi”:“Tôi bỗng nhớ mùi ngô rang. Hạt ngô vàng đều và mềm, lại dẻo nữa, trong những ngày đông gió rét Hà Nội. Chắc tôi chọn Sài Gòn làm đất sống thôi dù nó không phải là quê hương. Tôi sẽ ở lại. Một mình trong cái thành phố không bao giờ có mùa đông. Lúc đó, liệu tôi có quên được những hạt ngô rang vàng suộm ngày ấy không?”

Con người trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ luôn suy tư và tự phán xét, nhận thức về chính mình. Họ không chỉ nhận thức về sự thực đời mình mà còn nhận thức về nỗi cô đơn. Ý thức về cõi cô đơn là biểu hiện tận cùng của nỗi đau nhưng trong những khoảnh khắc cô đơn lại lấp lánh ý nghĩ hướng thiện. Độc thoại là

phương thức thể hiện nội tâm rõ nhất: “ Độc thoại nội tâm cũng là hình thức đối thoại của nhân vật trong đó người đối thoại cũng chính là mình, nói cách khác đó là sự phân thân: mình nói chuyện với mình, một mình đóng cả hai vai người nói và

người nghe...” [40, tr.77]. Ngôn ngữ độc thoại được thể hiện ở nhiều dạng như tự

bạch, đối thoại với người vắng mặt, viết nhật ký, đối thoại trong độc thoại... có khả năng khơi sâu hơn nỗi đau câm lặng của con người.

Có thể thấy hiện nay các tác giả truyện ngắn rất chú trọng đến khía cạnh truyền đạt giọng điệu cái tôi của mình trong tác phẩm khiến hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất ngày càng nhiều. Trong truyện ngắn của Thu Huệ, dạng truyện tự vấn tự bạch và ngôi kể thứ nhất chiếm khá nhiều trong toàn bộ tác phẩm của chị. Cả những chuyện viết theo ngôi kể thứ ba thì cũng có những truyện được viết dưới dạng tự

bạch như: Tình yêu ơi, ở đâu? Hình bóng cuộc đời, Một chiều mưa, Một nửa cuộc đời... Biểu hiện của tự bạch là nhân vật xưng “tôi”, “điểm quy tâm là ở nhân vật tôi”

[101,tr.7]. Nhân vật “tôi” thường hiện ra với những dòng tâm trạng ngổn ngang, bề bộn. Bên cạnh nhân vật “tôi”, các nhân vật khác cũng thường được tái hiện với những suy nghĩ, ngôn ngữ tự vấn.

Bên cạnh độc thoại nội tâm dưới dạng tự bạch, truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng chọn dạng ngôn ngữ độc thoại nội tâm dưới dạng nhật ký để khám phá con người với mọi ý nghĩ, cảm xúc chân thực nhất. Cùng với việc diễn tả tâm

trạng người mẹ (Hậu thiên đường), Thu Huệ bộc lộ tâm lý của đứa con gái qua

những trang nhật ký. Đó là những ý nghĩ trong trẻo, thơ ngây đến khờ khạo của một đứa trẻ thiếu vắng người cha mà không có sự chăm sóc của người mẹ bên cạnh. Những trang nhật ký là những trang độc thoại nội tâm thành thực nhất mà đứa trẻ gửi gắm tất

cả ý nghĩ cảm xúc của mình: “ Ngày! hôm nay đang ngồi trong lớp đợi mưa tạnh, chợt thấy cuối đường một chị che cái ô đỏ. Đẹp thế không biết...”. “Ngày. Sao mẹ hay về khuya thế. Mình mà như mẹ, mình sẽ lấy chồng”, “ Mình thích anh ấy vì mắt anh ấy đẹp”, “Ngày. Mình nhớ anh ấy quá. Hai ngày không thấy anh ấy đâu. Hay anh ấy ốm rồi. Đi học về mình cứ thấy ngơ ngác thế nào ấy. Bỗng anh ấy hiện ra ở đầu đường: bé con, mấy ngày vừa rồi anh phải có phi vụ làm ăn. Nhớ em quá, phải đón em đây. Ôi giời ơi, sao mình sung sướng thế. Mình yêu anh ấy mất rồi. Mẹ bảo cái bọn đàn ông rặt một loại đểu cả, đừng nên tin ai. Mình thì thấy ai cũng đáng tin hết, nhất là anh”.

Những tâm sự thầm kín của con gái tuổi mới lớn khiến người mẹ hốt hoảng nhận ra con gái đang lao vào một tình yêu mù quáng với một người đàn ông đã có vợ và hai con,

một gã sở khanh vừa lợi dụng thân xác, vừa bòn rút của con gái từng đồng một. Người

mẹ như sụp xuống với tâm trạng “ tôi thẫn người”, “ tôi lặng người”, “ tôi có cảm giác như mình bỗng hóa thành đá”, “tôi lặng lẽ ra sân”, “ tôi trở thành một người khác” rồi “ giống như một người điên”, “cuồng điên, tiếc nuối và bất lực”... Độc thoại

nội tâm qua những dòng nhật ký là cách thể hiện nội tâm của con người một cách chân thực nhất. Đồng thời cách viết nhật ký cũng tạo khả năng biểu hiện con người trong nhiều khoảng thời gian của đời người. Từ những tâm sự của con, người mẹ ý thức được

sự thiếu trách nhiệm của mình:“Hóa ra lâu nay, tôi đi đường tôi, còn con gái thì tự tìm một đường mà đi...”. Người mẹ nhận ra lỗi lầm của mình, chị lao đi tìm con trong đêm

tối nhưng đã bị chết vì tai nạn. Linh hồn của chị biến thành gió đi tìm con, cố giằng con gái ra khỏi tên sở khanh.

Trong khi độc thoại nội tâm, nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ rất ưa thích cách nói hình ảnh, ví von, cấu trúc so sánh tạo nên sự uyển chuyển, nhịp nhàng về giọng điệu, cân đối về cú pháp và có sức gợi cảm lớn. Đặc biệt, nhân vật thường dùng cách nói dân gian, tiếp nối và phát triển ý nghĩa của các thành ngữ, quán ngữ tạo sự gần gũi, sinh động và giàu sức biểu cảm cho ngôn ngữ độc thoại.

Chẳng hạn: Trồng cây gì thì ăn quả nấy, gieo gì thì gặt đấy, đâm lao thì phải theo lao, ba đầu sáu tay, đàn bà chửa là cửa mả, đông như kiến, dịu dàng như thỏ, vết sẹo như con giun… Nhờ thế mà những suy tư, day dứt của nhân vật cũng dễ dàng thấm sâu

vào tâm hồn bạn đọc hơn, bạn đọc thấu hiểu và xẻ chia với nhân vật một cách tự giác chính từ sự rung cảm thực sự bên trong.

Khai thác triệt để ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật từ nhiều mặt. Một mặt, chính loại ngôn ngữ này đã vén “bức màn bí mật” để tác giả cũng như độc giả bước vào thế giới tâm hồn hun hút của nhân vật, không ngừng khai phá. Mặt khác, từ loại ngôn ngữ này, không những đặc điểm về giới tính, nghề nghiệp, lứa tuổi… của nhân vật được bộc lộ mà ngay đến cả tính cách, bản chất của nhân vật cũng bị lột trần. Đặc biệt, ngôn ngữ độc thoại nội tâm có vai trò không nhỏ trong việc liên kết mạch tự sự của tác phẩm. Độc thoại nội tâm chỉ xuất hiện khi trước đó đã có sự tồn tại của sự kiện khác, gắn liền với sự thay đổi của ngữ cảnh, môi trường xung quanh của nhân vật. Xét trên

phương diện này, rõ ràng, lời độc thoại nội tâm thể hiện tính kế tiếp tất yếu của hệ

thống sự kiện hoặc mạch tâm lí trong tác phẩm. Chẳng hạn, trong Hậu thiên đường,

việc đọc được nhật kí của con gái khiến người mẹ “ngã ngửa người” trước sự đổi thay đến chóng mặt của con mình. Đó là điểm nút để bà ta tìm về với quá khứ của mình trong mười sáu năm qua, tự kiểm điểm, dằn vặt lối sống buông thả khiến đứa con gái hôm nay vô tình đã sa vào chính vết xe đổ của chị ngày ấy. Độc thoại ở đây không chỉ kế thừa hành động trước đó, mà còn đóng vai trò thúc đẩy sự vận hành các sự kiện mới tạo sự vận động cho cốt truyện. Thông thường, mục đích chủ yếu của nhân vật khi độc thoại là để soi sét hoàn cảnh thực tế, từ đó định hướng cho nhận thức và hành động của bản thân. Sau khi độc thoại nội tâm, nhân vật thường dẫn tới làm một việc gì đó, hoặc phải có những nhận thức, tình cảm khác trước. Những sự thay đổi này sẽ dẫn chủ thể độc thoại đến những hành động nhất định tạo nên tình huống mới và từ đó các sự kiện tiếp theo của truyện ngắn sẽ xuất hiện một

cách hợp lí. Chẳng hạn, dòng suy tưởng, dằn vặt khiến người mẹ trong Hậu thiên đường biến đổi tâm lí, đau đớn, xót xa, hờn giận, sợ hãi… và cuối cùng hốt hoảng

cuống cuồng lao ra đường tìm con để rồi bị tai nạn chết thương tâm. Nhân vật “tôi”

trong Ám ảnh từ chuyện nghĩ thầm về ông bố tệ bạc: “Đến thế này thì không thể tha

thứ được” đã lập tức đi tìm cách trả thù ông bố bạc tình, bạc nghĩa. Điều đó đã kéo theo các sự kiện mang tính tất yếu sau đó của “tôi” như: đe dọa, vạch mặt bố, mơ bắn chết người tình của bố… Lời độc thoại nội tâm tồn tại ngầm ẩn bên trong nhân vật nhưng không tách rời, biệt lập với các sự kiện khác mà vẫn có mối liên hệ bên trong rất mật thiết. Nó là nguyên nhân bên trong, giải thích động lực hành động của nhân vật.

Như vậy, với quan điểm giản lược đến mức tối đa sự xuất hiện của sự kiện, truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ đã tìm đến ngôn ngữ độc thoại như một điều tất yếu. Triển khai loại ngôn ngữ này, nhà văn đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc liên kết văn bản và tạo tính logic cho mạch tự sự. Bên cạnh đó, khi khép mình vào những suy nghĩ bên trong, ngôn ngữ nhân vật thể hiện trạng thái tâm lý của con

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (Trang 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)