Sự dịch chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật,

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (Trang 76)

các nhân vật trong tác phẩm

Trong văn xuôi tự sự truyền thống, cái nhìn của người kể chuyện thứ ba giấu mặt thường giữ vai trò tối thượng khiến điểm nhìn nhân vật luôn bị giới hạn, theo đó tất cả sinh mệnh của nhân vật, sự phát triển của câu chuyện, diễn biến của cốt truyện đều do một tay người kể chuyện kiểm soát, nắm giữ và phán xét. Bước sang thời kỳ đổi mới, như một đòi hỏi tất yếu của văn học, truyện ngắn từ sau 1986 đã dần loại bỏ quan điểm định chế bằng một cái nhìn duy nhất chi phối toàn tác phẩm mà thay vào đó là sự kết hợp của nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm khác nhau trên tinh thần đối thoại cởi mở. Để làm được điều đó thì việc dịch chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật kia tạo cơ hội cho mỗi nhân vật đều có thể bộc bạch quan điểm thái độ của mình là một nguyên tắc trong việc tổ chức điểm nhìn trần thuật. Đến văn học đổi mới, tác giả đã tin cậy trao cho nhân vật quyền phát ngôn và những phát ngôn ấy hàm chứa cái nhìn bình đẳng với chủ thể trần thuật. Khi ném nhân vật vào thế giới văn học, ít hay nhiều nhân vật đã có một đời sống riêng tương đối độc lập. Nhân vật nói năng, hành động không hoàn toàn lệ thuộc hay bị chi phối bởi cách nhìn, quan điểm tác giả, nói thế không có nghĩa là điểm nhìn nhân vật hoàn toàn tách biệt khỏi vị trí quan sát mà phần lớn các nhân vật đều nằm dưới con mắt theo dõi của tác giả và thông qua tác giả nhân vật nhận diện cuộc sống. Sự dịch chuyển điểm nhìn giữa người kể chuyện với nhân vật, giữa các nhân vật đã từng được khai thác thành công ở nhiều nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái…

Nguyễn Thị Thu Huệ thuộc thế hệ lớp sau, song chị được xem là cây bút khá điêu luyện trong cách thể hiện nhiều điểm nhìn. Luân phiên đẩy đưa điểm nhìn, người kể chuyện sẽ trao ngôn ngữ của mình cho nhân vật để nhân vật nói về mình hoặc về người. Do chuyển lời lại cho nhân vật nên nhân vật tự do sống với những suy nghĩ, ước mơ riêng. Nhờ tính linh hoạt của điểm nhìn nên nhà văn có điều kiện để thâm nhập một cách tế nhị vào mạch tâm trạng nhân vật, để cho nhân vật tự giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống, do đó độc giả có cảm giác như mình đang trực tiếp đối thoại với nhân vật, khoảng cách giữa người trần thuật và độc giả được rút ngắn. Ở đây, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật gần như không còn biên giới.

Việc trần thuật từ nhiều điểm nhìn nhất là điểm nhìn của các nhân vật đã tạo nên nhiều góc quét khác nhau, làm cho đối tượng miêu tả trở nên đa chiều. Đồng thời sự kết hợp điểm nhìn người kể chuyện và điểm nhìn nhân vật thực chất là sự phân tán, gấp bội điểm nhìn để mang lại nhiều góc nhìn hơn về đối tượng, tránh được sự phiến diện, một chiều của lối trần thuật từ một điểm nhìn duy nhất.

Sự dịch chuyển điểm nhìn diễn ra một cách linh hoạt trong truyện ngắn Tân cảng. Ở truyện ngắn này, tác giả lựa chọn điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ ba, kẻ ẩn

mình, giấu mặt để kể. Kể từ ngôi thứ ba, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tận dụng được ưu thế của nó trong việc tái hiện lại một cách khách quan khung cảnh ngôi biệt thự đồ sộ với những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền chứng minh cho cuộc sống giàu sang no đủ:

"Bộ sa lông anh mang từ Hy Lạp với những họa tiết vằn vện nâu vàng như thảm hoa cúc gấm bày bán dọc đường Nghi Tàm khi tết đến. Mỗi khi ngồi lên thảm hoa êm ái đó như có cảm giác dịu êm của nhiều bàn tay vô hình vuốt ve”. Tái hiện lại cuộc

sống giàu sang no đủ của một gia đình lý tưởng (giàu có, học thức, hai con trai ngoan ngoãn, thông minh….), phân tích nguyên nhân tan vỡ rồi lại đặt hạnh phúc của họ vào thử thách, chênh vênh trên bờ vực. Họ có thể sát cánh sẻ chia gian khổ trong suốt tám năm nghèo khó nhưng rồi lại không vượt qua những "sự cố" nho nhỏ

trong cuộc sống khi đã giàu sang để rồi: "Ba năm sau ngày họ có căn nhà này (biệt thự). Họ còn lại một ngày? Một ngày cuối cùng của họ nặng như đá đeo, dài như thế kỷ” nhất là qua cảm nhận (cái nhìn) của người trong cuộc (chị): "Không có một điều gì làm chị xúc động hơn chính bản thân bão tố trong lòng chị lúc này. Chiến tranh đã nổ ra. Bom đã rơi vào chính chị. Và chị cũng phải chạy đi. Đến một cảng

mới để làm lại từ đầu”. Cảm nhận tái tê trong lòng nhân vật người vợ được đối sánh với điểm nhìn của người chồng: "Mặt anh nhòe nước. Tai anh như có luồng khí đặc quánh phủ lấp. Sao lại như thế này nhỉ? Bao năm nay. Từ lúc linh cảm mách bảo về sự ra đi của chị. Ban đầu là thể xác. Rồi đến tinh thần. Lúc nào anh cũng ám ảnh về chuyện này, để rồi bây giờ anh chẳng hiểu tại sao". Sự tan vỡ đến quá nhanh, quá

bàng hoàng khiến anh (người chồng) cũng không tin nổi đó là sự thật. Anh mãi hoài

nghi, tự vấn để rồi khi đối mặt với hiện thực không khỏi day dứt, ân hận: "Tại sao? Tại sao hôm qua anh không vứt bỏ lòng tự ái, sự ghen tuông và tha thứ cho chị thậm chí van xin chị nghĩ lại? Tại sao anh luôn lường ra những rủi ro cho những hợp đồng ký với đối tác của ta lẫn Tây mà lại không lường được cái rủi ro ngày hôm nay? Tại sao đến hôm qua anh vẫn nghĩ sự chia tay sẽ không có thật? Chỉ là một câu chuyện đùa? Tại sao cơ chứ"?.

Chuyện đổ vỡ, li hôn bao giờ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến con cái nên Nguyễn Thị Thu Huệ đã khéo léo điều khiển dịch chuyển điểm nhìn sang những đứa trẻ vô tội để nói lên cảm nhận về nỗi đau của chúng. Đây là cảm nhận, ước vọng của

thằng anh: "Bao lần ngồi một mình uống nước đợi mẹ, nó đều ước giá có em ngồi cùng". Ước vọng nhỏ nhoi ấy đã bị vụt tắt bằng hiện thực phũ phàng của cuộc chia ly khiến nó đau đớn: "Giọng thằng anh run run. Nghẹn tắc. Lấy tay nắm lấy bàn tay bé xíu của thằng em, đặt vào một chấm trắng trên thân máy bay, tượng trưng cho ô cửa sổ. Nói "Anh sẽ ngồi ở đây. Coi như anh là ô số năm này. Mỗi lần muốn nói chuyện với anh, em nhìn vào sẽ thấy”. Chính vì ước vọng được ở bên em nên khi

phải chia tay, nó đau đớn đến nghẹn ngào. Nỗi đau của thằng anh (lớp 7) hiện hình

rõ ràng trong sự đối sánh với khát vọng của thằng em (5 tuổi): "Em chỉ thích chơi với anh thôi". Sự khéo léo của Nguyễn Thị Thu Huệ là đã dịch chuyển điểm nhìn

nghệ thuật từ người kể chuyện đến nhân vật, từ nhân vật này đến nhân vật kia để mang vấn đề ra cùng soi thấu, cùng đánh giá một cách khách quan và dân chủ. Nỗi

đau tan vỡ trong Tân cảng không chỉ được tái hiện qua lời của người kể chuyện mà

nó còn được soi sáng bởi cái nhìn của người trong cuộc như từ cái nhìn của người chồng, người vợ và nhất là dưới cái nhìn của những đứa con - những người phải gánh chịu những đau khổ mất mát nhất mà văn học trước kia có viết về vấn đề này cũng vô tình xao lãng đi.

Tác phẩm Nước mắt đàn ông cũng tiêu biểu cho nghệ thuật dịch chuyển

điểm nhìn một cách linh hoạt giữa người kể với nhân vật, giữa nhân vật này với

nhân vật kia trong bút pháp trần thuật của Nguyễn Thị Thu Huệ. Nếu trong Tân Cảng, tác giả trao quyền kể chuyện cho người thứ ba giấu mặt thì ở Nước mắt đàn ông, tác giả lại tin cậy trao quyền dẫn chuyện cho nhân vật. Tác giả tỏ ra rất thông

minh trong việc không để cho nhân vật tự kể về chuyện của mình dưới dạng gần gũi với hình thức tự truyện. Với một nỗi lòng khó bộc bạch, một nghịch lí không dễ giải thích, cuộc đời của nhân vật cậu hiện lên dưới cái nhìn và kể lại của đứa cháu có lẽ là hình thức lựa chọn tối ưu nhất. Nhà văn cũng rất tế nhị khi đặt điểm nhìn vào đứa cháu là một chàng trai cùng là đàn ông với nhau, chắc chắn đứa cháu sẽ dễ dàng sẻ chia những nỗi niềm, những tâm trạng với cậu. Tuy nhiên, chị đã tận dụng tối ưu lợi thế của hình thức kể này để tạo ra tính thuyết phục cho lời kể. Người kể ở đây cũng là một con người với một số phận cụ thể và gắn với những giới hạn của nó. Bởi vậy, chính người kể cũng nhiều lần không tin vào mắt mình, vào những điều mắt thấy tai

nghe về cậu: "Một người như cậu mà cũng bị lừa ư"? "Thế mà giờ đây, mẹ viết thư báo là cậu bị lừa? Đứa nào to gan và khốn kiếp đã lừa cậu”. Thậm chí, chính người kể cũng từng có những ước mơ, suy nghĩ không phải là chân lí: "Cháu chỉ cần tiền thôi. Nó sẽ mở tất cả các cửa cho cháu. Và ao ước có một mái nhà như cậu. Thế là đủ".

Lời người kể chuyện như một hình thức phản tỉnh. Không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Thị Thu Huệ còn mượn điểm nhìn của bạn cậu để tiếp tục nhận xét về tài

năng của ông cậu: "Mày có một ông cậu tuyệt vời, ông ấy bao giờ cũng đi trước lịch sử". "Càng lớn càng hiểu thêm, nhóc ạ. Rồi sẽ đến lúc mày thấy một người như cậu mày là hiếm lắm. Cậu mày là hình tượng mơ ước của tao". Để cho nhân vật kể

chuyện và người bạn nhận xét về tài năng, khâm phục người cậu rồi tác giả dùng thủ pháp đối lập khéo léo dịch chuyển điểm nhìn sang vợ, con - những người thân nhất trong gia đình để thấy được thái độ lạnh nhạt, sự coi thường của họ đối với cậu và hiển nhiên tác giả không quên để cho người cậu tự nhìn nhận về gia cảnh, nỗi bất hạnh của mình để càng xoáy sâu hơn vào nỗi đắng chát khó bề chia sẻ. Đây là cái nhìn của đứa con gái 17 tuổi chưa tự tay kiếm ra một xu mà nói tiền triệu trơn đầu

lưỡi: “Sáng nay cho mấy thằng bạn mượn, nó din ba cầu, sợ công an đuổi chúng phóng nhanh nên đâm nhau què rồi. Chốc em xin tiền mẹ đi thay mấy thứ, mông má lại. Em hỏi rồi , mất hơn hai triệu thôi”. Cách ăn mặc, nói năng, tiêu pha của đứa

con gái liên quan chặt chẽ đến việc nó đối xử với cha mẹ ra sao, thờ ơ thế nào với đấng sinh thành của mình. Để làm rõ điều này, tác giả chuyển camera quan sát sang

trường nhìn của chính người cậu, người trong cuộc: "Bởi cậu cô độc. Con cái không ai theo nghề và hiểu cậu. Chúng không có nổi mười lăm phút tâm sự với cậu ngoài chuyện tiền bạc.” Bổ sung thêm cho điểm nhìn của con gái là điểm nhìn của người vợ chua ngoa, nghiệt ngã khi nhận xét về chồng: "Điên rồi. Đi đú đởn mãi rồi về rửng mỡ. Nhạc nghe như chó điên. Điếc hết cả tai”. Không chỉ khinh bỉ chồng, người vợ còn tỏ ra nghiệt ngã: "Ra đến sân, thấy bọn trẻ con đang đốt rơm thui chó, ngoảnh lại thấy cái rọ không lăn lóc dưới đất, ông ấy nghiến răng ném cái đĩa thịt quay vào người tao. Tao tránh được, chửi ngay cho một bài. May mà cái đĩa không trúng chứ mà vô phúc cho ông ấy, nó mà trúng vào mặt tao, tao cầm dao chém ngay chứ chẳng tha". Sự thờ ơ, vô tình, nghiệt ngã của vợ con khiến người cậu giàu có

cảm thấy mình cô đơn ngay trong chính ngôi nhà tiện nghi dư thừa vật chất của

mình: "Ai nhìn cậu cũng thấy cậu sung sướng. Còn bản thân, cậu thấy cô độc. Thế có đáng buồn không?”. Soi chiếu cuộc đời ông cậu từ nhiều cách nhìn nhận đánh giá

khác nhau, thậm chí đối lập nhau, tác giả đã không chỉ phản ánh được những nghịch lý của cuộc đời, sự tương phản giữa hình thức bên ngoài với thực chất bên trong mà còn thấy được sự đa dạng trong sắc thái thẩm mĩ của nhân vật cậu. Bên cạnh đó đã làm rõ nỗi cô đơn bất hạnh của người đàn ông được cho là thành đạt. Nỗi đau đó càng trở nên đắng chát hơn khi nhân vật tự cảm nhận và đau đớn lặng lẽ rơi nước mắt, những giọt nước mắt đàn ông. Việc khai thác từ nhiều điểm nhìn và liên tục có sự dịch chuyển giữa người kể với nhân vật, giữa nhân vật với nhân vật một mặt phát huy tính dân chủ cho văn học, mặt khác giúp nhà văn khám phá được bản chất của những vấn đề mà nếu chỉ nhìn xuôi chiều ta không dễ dàng đánh giá đúng về nó. Việc lật ngược vấn đề từ cái nhìn của người khác đã giúp ta khai thác được mặt khuất lấp của cuộc sống luôn bị lấn át bởi cái vẻ "lộ thiên" của hình thức bên ngoài!

Với truyện ngắn Của để dành, một lần nữa ta lại được chứng kiến sự khéo

léo trong việc dịch chuyển điểm nhìn giữa người kể chuyện với nhân vật, giữa các nhân vật với nhau trong tác phẩm. Mở đầu tác phẩm tác giả đặt điểm nhìn vào người

kể chuyện ở ngôi thứ ba một cách khách quan: "Nhà bà Vy có ba con, hai trai và một gái. Đều học hành đến nơi đến chốn, sáng sủa, xinh đẹp cả. Thằng cả làm giám đốc một công ty may Thằng hai làm kế toán trong một nhà máy. Còn cô út làm diễn viên trong một đoàn kịch". Dưới sự tái hiện một cách khách quan của người kể như

thế người đọc những tưởng đó là một gia đình khá giả, thành đạt, những đứa con sẽ

phụng dưỡng mẹ già chu đáo, nhưng không công việc của Bà Vy vẫn là: "Hàng ngày, Bà Vy làm lụng từ năm giờ sáng đến mười giờ đêm". Sự chu đáo của bà Vy được anh cả đánh giá: "Một mẹ già bằng ba mẫu ruộng". Anh hai lại cho rằng: " Gớm ở thành phố biết ruộng vườn mồm ngang mũi dọc thế nào. Cứ nói thẳng ra: Một mẹ già bằng ba con ở cho xong”. Sự kiện bà Vy bị ngã đã làm đảo lộn hết cuộc sống gia đình. Việc phải chăm sóc bà Vy khiến cô Út cảm thấy kinh khủng: "Nhưng rồi. Cô út không vui vẻ được sau ngày đầu tiên phải đổ bô cho bà tám lần. Thật là khủng khiếp vì từ bé đến giờ, nó chưa phải nhặt đến 1 mớ rau muống". Anh cả đưa ra giải pháp để chăm sóc mẹ ốm: "Đây là người giúp việc của mẹ. Mẹ cần gì đã có bà… Dào. Thế bây giờ mẹ để chúng con nghỉ hưu non trông mẹ nhé". Việc bà Vy chết đã được đánh giá một cách khách quan từ điểm nhìn của ông bác sĩ: "Nạng sắt đâu có đỡ được mãi. Mẹ cháu chỉ có thể dựa vào các cháu thôi. Các cháu không cho dựa thì mới ra nông nỗi này". Phân tích nguyên nhân cái chết của bà Vy từ nhiều

góc nhìn, tác giả đã cho thấy những vấn đề nhức nhối của cuộc sống đương đại. Trong những tác phẩm khác của mình, Nguyễn Thị Thu Huệ cũng khéo léo dẫn dắt để phân tán điểm nhìn và dịch chuyển điểm nhìn giữa người kể chuyện với nhân vật. Đó là sự dịch chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật Hoài

Thớt - trơ về lối sống buông thả của mình: "Em uống rượu hay hút thuốc lá, thuốc lào thì bận đến ai?”. Mượn điểm nhìn của thầy giáo để đưa ra lời đánh giá: "Không chạm đến ai nhưng nó chướng lắm. Những trò đó là của đàn ông. Em là con gái, phải giữ bản tính của mình chứ!". Lối sống phóng túng của Hoài dưới con mắt của

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)