Trong Dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử khẳng định: “Điểm nhìn là vị trí của chủ thể trong không gian, thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, khoảng cách nhìn, ở đặc điểm của khách thể được nhìn” [82]. Thật vậy, không gian, thời
gian là môi trường không thể thiếu cho sự tồn tại của thế giới nghệ thuật cũng như của nhân vật. Sự xuất hiện của nhân vật bao giờ cũng gắn liền với một không gian và thời gian cụ thể. Nét độc đáo trong nghệ thuật kể chuyện của Thu Huệ là chị không chỉ kiến tạo những không gian giàu sức gợi để làm nền cho sự xuất hiện của nhân vật mà còn liên tục di chuyển điểm nhìn của chủ thể giữa những không gian ấy để diễn tả những biến động của sự kiện, cuộc đời, con người hay những đổi thay của tâm lí, tính cách, số phận…
2.2.1.1. Sự dịch chuyển điểm nhìn trong không gian
Khảo sát các tác phẩm của Thu Huệ, chúng tôi nhận thấy, những không gian nghệ thuật thường được chị chủ tâm kiến tạo đó là không gian hiện thực đời thường trong phạm vi hẹp như không gian gia đình, khu phố, quán rượu... Đặt điểm nhìn vào không gian hẹp trong gia đình, Thu Huệ đã có điều kiện để soi thấu những vấn đề bức bối đã nảy sinh và làm băng hoại đạo đức con người ra sao, sự mỏng manh của hạnh phúc gia đình thời hiện đại như thế nào. Điểm nhìn đặt vào không gian gia
đình xuất hiện trong hầu hết tác phẩm của Thu Huệ (Tân cảng, Nước mắt đàn ông, Dĩ vãng, Thiếu phụ chưa chồng, Biển ấm, Hoa nở trên trời, Một trăm linh tám cây bằng lăng, Phù Thủy, Chị tôi, Của để dành, Người đi tìm giấc mơ, Ám ảnh,
Thành phố không mùa đông, Đôi giày đỏ, Minu xinh đẹp, Hình bóng cuộc đời, Giai nhân, Một nửa cuộc đời, Hậu thiên đường, Cõi mê…) đã nêu được những
vấn đề nhức nhối trong cuộc sống đương đại như: ly hôn, đổ vỡ, băng hoại đạo đức, ngoại tình, giả dối… Sự độc đáo được tạo nên từ chính không gian hẹp mà có khả năng vô tận trong việc chất chứa những suy tư, dồn nén tư tưởng, toan tính của con người và bởi vậy nó trở thành những không gian tâm lý. Không dừng điểm nhìn nghệ thuật ở không gian tâm lý, Thu Huệ còn đi sâu vào kiến tạo điểm nhìn từ không gian tâm linh, nhằm thâm nhập vào vỉa tầng vô thức của con người để khám phá tận cùng cái tôi bản thể. Sức hấp dẫn của truyện kể được tạo ra từ việc di chuyển điểm nhìn nghệ thuật liên tục giữa các kiểu không gian đó nhằm làm nổi bật sự tương phản, đối lập hoặc xoáy sâu vào những hiện tượng đời sống.
Trước hết, ta xét đến sự dịch chuyển điểm nhìn giữa không gian rộng với không gian hẹp, không gian xã hội với không gian gia đình. Phần lớn thế giới nghệ thuật truyện ngắn của Thu Huệ không đóng khung trong một không gian cố định mà liên tục diễn ra sự dịch chuyển điểm nhìn trong tương quan đối lập hoặc tương đồng.
Trong Tân cảng, điểm nhìn trần thuật liên tục dịch chuyển đối sánh giữa
không gian ngôi biệt thự sang trọng của “anh, chị”, nơi chuẩn bị diễn ra sự chia ly tan tác với không gian ở Tân Cảng – nơi những con tàu mải miết vào, ra để tìm những bến đỗ mới. Sự ra đi của chị khỏi ngôi nhà bình yên dường như đã trở thành máu thịt để tìm hạnh phúc mới có mối dây liên hệ ngầm với những con tàu mải miết trong hành trình tìm bến đỗ. Sự ra đi ấy kéo theo đổ vỡ đau thương trong lòng nhân vật có điểm tương đồng với cảnh chiến tranh bom đạn khiến người dân phải chạy loạn ở Kosovo để tìm đường sống. Và tất cả các không gian này hiển nhiên có mối liên hệ với không gian phi trường, nơi sự đau thương hiện hữu bằng hình hài (chia tay). Sự dịch chuyển liên tục của điểm nhìn không gian không chỉ cho thấy mối liên hệ ngầm tạo logic nội tại cho truyện kể mà còn tạo điều kiện để soi thấu những khoảnh khắc tâm trạng đầy giông bão trong tâm hồn con người.
Tiếp tục xem xét tác phẩm của Thu Huệ, ta sẽ thấy được sự dịch chuyển điểm nhìn trong không gian luôn được thực hiện một cách đều đặn. Đó là sự xuất hiện luân phiên giữa không gian thảm khốc của chiến tranh với không gian bình yên của
hiện tại trong sự cảm nhận của những người đã bước ra từ chiến tranh ở Dĩ Vãng. Đây là điểm nhìn được đặt trong không gian rùng rợn của cuộc chiến: “Hôm ấy. Buổi chiều. Trời bỗng khô một cách kỳ lạ. Chúng tôi đào bốn cái huyệt cạnh nhau, vừa đào vừa khóc lặng lẽ… Sáu giờ. Tất cả tiến hành lễ hạ huyệt. Im lìm. Trầm mặc và đau đớn”. Những hậu quả khủng khiếp của chiến tranh vẫn hằn in trong tâm trí người lính khiến họ không thể thanh thản trở về với cuộc sống bình yên : “Còn chú. Cuộc sống bây giờ không phải là những ngày đang trôi, mà là những gì trong trí nhớ” (Dĩ vãng). Đặt điểm nhìn trong sự tàn khốc của chiến tranh, ông Xung luôn
day dứt và muốn tìm kiếm sự bình yên ở thời bình. Nhưng sống trong thời bình ông lại không thể quên nổi dĩ vãng đau thương từ cuộc chiến. Soi rọi nhân vật từ những điểm nhìn đối sánh, tác giả đã khắc sâu được những hậu quả của chiến tranh vẫn đeo đẳng, ám ảnh tâm hồn người lính, không ngừng chà xát vào nỗi đau của họ dù trong thực tại chiến tranh đã qua lâu.
Với Thiếu phụ chưa chồng, điểm nhìn không gian lại được dịch chuyển từ
vùng quê yên bình của My sang không gian thành phố Hà Nội hoa lệ hào nhoáng. Sự đối sánh cuộc sống giữa hai không gian đối lập đã trở thành động cơ để My sẵn sàng bằng mọi giá, thậm chí dẫm lên cả luân lý và tình máu mủ ruột rà, chủ động loạn luân với anh rể nhằm thoát khỏi cuộc sống nhàm chán ở quê, bước chân vào cuộc sống phồn hoa đô hội. Khi còn ở nông thôn, My nhìn cuộc đời đầy bi quan:
“Cuộc sống cứ thế trôi đi, ảm đạm và buồn tẻ. Những người nông dân quanh cô có một cuộc sống thật phung phí và vô nghĩa”. Đối sánh với điểm nhìn không gian đô thị hào nhoáng đã làm bật được tham vọng đến mù quáng của nhân vật: “Cuộc sống ở Hà Nội là lý tưởng. Người nhà quê bây giờ leo lên Hà Nội như điên” (Thiếu phụ chưa chồng). Điểm nhìn liên tục di chuyển trong không gian đã tạo điều kiện cho nhà
văn có thể soi chiếu cuộc đời, con người từ nhiều góc độ để có cái nhìn toàn diện nhất về nhân vật.
Thứ hai, điểm nhìn nghệ thuật dịch chuyển từ không gian hiện thực xã hội sang không gian tâm lý, không gian tâm linh. Nguyễn Thị Thu Huệ trong khi tổ chức điểm nhìn trần thuật thường gắn kết những mảng không gian tương đồng hoặc đối lập với nhau dựa trên hạt nhân cốt lõi là điểm nhìn của nhân vật hoặc người kể.
Sự di chuyển liên tục điểm nhìn trần thuật đã tạo cơ sở cho việc hình thành những kiểu không gian tâm lý. Trong không gian ấy, cái nhìn của chủ thể thường bao trùm bởi những cảm xúc, những tâm trạng, những dằn vặt, hối tiếc… Sự luân chuyển điểm nhìn từ không gian hiện thực xã hội vào không gian tâm lý tinh thần cũng là hành trình nhân vật tìm về với chiều sâu bản thể. Ta thấy sự dịch chuyển này diễn ra từ một thành phố Sài Gòn nhộn nhịp hoa lệ trong đời thực thành một không gian tràn ngập những hơi ấm, những kỷ niệm về mối tình mang màu sắc huyền thoại của
cô gái trong Huyền thoại. Với Còn lại một vầng trăng, sự dịch chuyển điểm nhìn
của nhân vật kể chuyện giữa hai không gian đối lập: Đó là không gian của đêm trăng
rằm tuyệt đẹp qua cái nhìn háo hức của nhân vật: “Tôi muốn cùng anh thức trọn đêm nay. Ôm trọn không gian mát rượi, trong veo này vào lòng. Giữ chặt không tuột mất”. Và một không gian u tối ảm đạm, bẩn thỉu trong góc bệnh viện, nơi người cha
vừa tắt thở khi cô ra ngoài hẹn hò với người yêu lại hiện lên đầy não nề ám ảnh
trong sự hối hận ghê gớm: “Tôi đứng ra một góc, lặng lẽ nhìn anh Tài – y sĩ của khoa đang lau rửa người bố. Anh vuốt mắt cho bố. Mặc bộ com lê nâu mới may để bố đi công tác. Đi tất vào chân để khỏi mất xương đốt”. Cái không gian lạnh lẽo thê
lương nơi nhà xác bố nằm, không gian vằng vặc của ánh trăng rằm đã đeo đẳng suốt cuộc đời nhân vật, với gánh nặng về nỗi đau đớn, mất mát và sự dằn vặt khôn nguôi:
“Chẳng ai biết rằng trăng sáng là tôi ân hận. Tôi thương bố như thể tôi là người làm bố chết”,“Tất cả còn hết. Chỉ có tôi. Tôi có sống hết cuộc đời. Có hưởng ngàn lần trăng tròn cũng chẳng một lần được nhìn thấy bố” (Còn lại một vầng trăng).
Như thế, trong khi kể chuyện, Nguyễn Thị Thu Huệ thường tổ chức không gian gắn với điểm nhìn một cách linh hoạt. Sự thay đổi vị trí nhìn của nhân vật, của người kể chuyện có thể làm mở rộng nhiều mảng không gian trong tương quan đối sánh: Từ không gian một ngôi làng bình yên muôn thuở di chuyển đến không gian
của Hà Nội phồn hoa bụi bặm (Thiếu phụ chưa chồng), từ không gian Hà Nội với
hiện thực đã sắp đặt chuyện hôn nhân tới không gian Sài Gòn mang một tình yêu
huyền thoại (Huyền thoại), từ không gian trong phòng làm việc nghiêm trang đến
không gian cầu thang, nơi con người có thể lột vẻ đạo mạo để hiện lên với mọi thói
gian biển bao la rộng lớn, không gian bãi rác nơi diễn ra cuộc tình vụng trộm mê
đắm của Lan với Thắng (Một nửa cuộc đời), từ không gian của mặt hồ trong cơn
bão dữ dội với không gian ngột ngạt trong căn nhà thừa mứa của cải nhưng thiếu
tình người trong Nước mắt đàn ông. Sự di chuyển điểm nhìn trong không gian ở
đây tạo ra hiệu quả nghệ thuật không nhỏ. Nó tạo điều kiện cho chúng ta đi sâu vào thế giới tâm hồn con người, cái tiểu vũ trụ thu nhỏ đầy mâu thuẫn nội tại đó. Chỉ trong không gian cầu thang Trân mới tìm được cảm giác là chính mình, không phải
gánh nặng trên vai những trọng trách nặng nề trong giao tiếp (Cầu thang). Không
gian biển trữ tình lãng mạn trong tương quan với bãi rác nơi Lan – Thắng hẹn gặp nhau đắm say trong tình cảm ngoài chồng ngoài vợ lột tả rõ sự lố bịch của con người
(giả vờ cầm cái xô đi đổ rác để lén lút gặp người tình) (Một nửa cuộc đời). Cảm
nhận của người đàn ông về việc lênh đênh trên hồ Tây đang cuồng quay trong cơn gió bão còn thoải mái hơn ở mái nhà có đầy đủ tiện nghi sang trọng, vợ con đề huề mà vô tình vô nghĩa đã xoáy sâu vào nỗi bất hạnh ghê gớm trong lòng nhân vật đồng thời cũng xoáy vào những vết rạn nứt luôn đe dọa cuộc sống gia đình thời hiện đại
(Nước mắt đàn ông).
Không chỉ dịch chuyển điểm nhìn trong giới hạn của không gian vật lý, từ nơi này đến nơi khác mà sự dịch chuyển ở đây còn diễn ra ở không gian tâm lý đặc biệt là điểm nhìn nghệ thuật còn dấn sâu vào không gian tâm linh sâu thẳm, chạm đến tầng vô thức lâu nay vẫn ẩn náu trong tâm hồn con người mà chưa được khám phá.
Như ta đã biết, khi Einstein tìm ra thuyết Tương đối, khi Freud lập thuyết về cái vô thức, khi Bergson đưa ra lí luận trực giác, con người hiện đại như bừng tỉnh
sau một giấc ngủ dài. Chân lí nằm lòng được tôn sùng như Thánh kinh của nhân loại
Tôi tư duy tức là tôi tồn tại (Descarter) chưa bao giờ lại mất thiêng đến thế. Người
ta kinh ngạc khám phá thấy một thế giới vẫn âm thầm xao động giữa ranh giới của bản năng và lý trí. Đó là cõi vô thức còn mù mịt trong bóng tối. Và cái thế giới bí mật dường như không có giới hạn ấy hóa ra là căn nguyên, động cơ huyền nhiệm bấy lâu chi phối đời người nhưng lại bị con người vô tình xao lãng. Văn học hiện đại ngay lập tức đã tự bổ khuyết điều đó bằng tinh thần hứng khởi tiến sâu vào lãnh địa vô thức. Cuộc đổ bộ ấy đã trở thành niềm cảm hứng mãnh liệt của thời đại những
mong chạm tới tất cả khía cạnh của bản chất nhân loại: ánh sáng và bóng tối, ý thức
và vô thức. Ngô Tự Lập đặc biệt chú ý đến điều này khi khẳng định : “không phải vô cớ mà giấc mơ xuất hiện nhiều đến thế”,“văn chương của William Faulkner và Borges…Các nhà văn siêu thực Pháp cũng thường xuyên tìm đến giấc mơ, cho dù họ không mấy thành công. Hơn thế nữa, ngay cả hiện thực cũng chỉ là giấc mơ, một giấc mơ hỗn loạn, vô tận, giấc mơ với những đường bay của mê lộ” [60, tr.156].
Nằm trong mạch ngầm chung của văn học đương đại, truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ hấp dẫn người đọc ở việc khéo léo dẫn dắt người đọc từ điểm nhìn trong không gian hiện thực dấn vào điểm nhìn của những giấc mơ hoặc đặt điểm nhìn chênh vênh
giữa ranh giới mong manh của hữu thức và vô thức. Tân cảng là một minh chứng
sắc nét cho điều này. Từ điểm nhìn của người vợ bị hẫng hụt khi chồng thiếu quan tâm trong đời thực, tác giả khéo léo dẫn dắt đến một điểm nhìn lẫn lộn giữa ý thức và vô thức trong cơn say rượu ngồi cùng một người đàn ông Pháp lịch lãm trong xe:
“Chị lâng lâng tỉnh và thấy mình đang ngồi ghế sau của một chiếc ô tô sang trọng. Bên cạnh một người Pháp đẹp trai, lịch lãm. Vô thức nói. Vô thức cười. Vô thức thấy lòng chộn rộn. Vô thức thấy rạo rực đôi môi. Và tim vô thức đập nhanh. Mọi thứ đều vô thức.”(Tân cảng). Con người khi ở trạng thái vô thức đều hành động
theo bản năng của mình, là chính mình, không bị sự kìm nén của lí trí. Những khát khao tình cảm bị kìm nén bấy lâu không được chồng thỏa mãn đã vỡ òa ra khi bị rơi vào trạng thái vô thức. Và điều gì đến đã đến, chị và người đàn ông người Pháp lịch lãm đó đã quấn quýt không thể xa dời sau một lần “gặp gỡ” do vô thức. Dịch chuyển điểm nhìn từ hiện thực, từ lí trí sang bình diện của vô thức, Thu Huệ đã lí giải một cách đầy đủ nhất những đổi thay trong tâm hồn con người cũng như nhìn nhận việc ra đi của người vợ để tìm những tình cảm thiếu thốn nơi người đàn ông khác một cách nhân văn.
Không chỉ đặt điểm nhìn chênh vênh giữa lằn ranh của ý thức – vô thức mà Thu Huệ còn dấn sâu hơn vào không gian của vô thức, tâm linh biểu hiện bằng những giấc mơ. Giấc mơ là một loại tâm trạng đặc biệt, ở đó bao chứa những hình ảnh kỳ ảo về đời sống hiện thực. Ở đó không còn sự ngăn cách không gian, thời gian, không còn sự ràng buộc về sự hợp lý của các chi tiết. Vì thế, giấc mơ có khả
năng nối liền những chi tiết không hợp lý, liên kết những cảm xúc rời rạc... Không gian trong giấc mơ trở nên nhoè mờ, mọi ranh giới đều bị phá vỡ.
Phù thủy, Người đi tìm giấc mơ, Ám ảnh, Đôi giày đỏ....là những tác phẩm
luôn có sự đối sánh điểm nhìn từ hai loại không gian tương ứng với hai thế giới. Thế giới thực tại và thế giới trong mơ, hai thế giới đan vào nhau. Nếu nói giấc mơ là những hình ảnh kỳ ảo về đời sống thì cái ảo trong truyện ngắn của Thu Huệ bắt
nguồn từ những ám ảnh trong đời sống thực của con người, Ám ảnh là một truyện
về giấc mơ. Trong truyện ngắn này, yếu tố ảo như là một cái nền để dệt nên những chi tiết có thực. Thạnh đã trải qua một giấc mơ dài, giấc mơ bị đem đi hành quyết vì