Năm 1964, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú trình làng truyện ngắn Huệ để rồi những khát vọng, hoài bão từ đứa con tinh thần chuyển hẳn vào tên gọi của người
con gái đầu lòng và duy nhất Nguyễn Thị Thu Huệ của bà sau đó hai năm (12/8/1966). Việc đặt tên con gái theo tên nhân vật yêu mến đã cho thấy sự kỳ vọng lớn lao của người mẹ đối với cô con gái yêu quí. Thu Huệ đã không phụ sự kỳ vọng đó, chị đã khẳng định được tài năng và bản lĩnh nghệ thuật trên con đường văn chương nhọc nhằn đầy chông gai, tiếp bước những ấp ủ từ người mẹ yêu dấu. Có lẽ dòng máu đam mê văn chương từ người mẹ đã chảy tràn trong huyết quản cô bé Thu Huệ ngay từ khi còn nhỏ bởi thế, chị sớm bộc lộ năng khiếu văn chương và hội họa. Con đường đến với văn chương của Thu Huệ thật tự nhiên, giản dị như chính lời tâm
sự của chị: "Mình không nghĩ sau này sẽ là nhà văn, thế hệ bọn mình lúc đó hồn nhiên lắm, không bao giờ có ước mơ phải trở thành người nổi tiếng, giàu sang gì đâu". Bởi vậy, vừa tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp, chị giấu bố mẹ đăng hai truyện ngắn Mưa trái mùa và Mùa hoa sấu rụng trên báo Văn Nghệ khiến văn đàn
xôn xao một thời. Nhưng con đường trở thành nhà văn của chị bị ngắt quãng bởi đám cưới sớm hơn dự định khi còn quá trẻ. Sau 2 năm ở nhà trông con, chị quyết
định vào làm tại tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật với chân biên tập viên sân khấu. Cuộc
sống nhàn hạ cứ thế trôi đi nếu không có một lần thấy mẹ buồn lắm. Cụ tủi thân vì thấy nhiều người bằng tuổi con mình đã có tiếng tăm, còn con mình dường như quên
hẳn văn chương. Vậy là chị viết, viết như điên, cứ mỗi chiều, sau khi cơm nước
xong, chị đạp xe lên cơ quan, mượn chiếc máy chữ và lạch cạch gõ đến tận khuya:
"Lúc đó tôi đã viết như lên đồng, ý tưởng tuôn trào như không kịp nghĩ". Năm truyện ngắn Hậu thiên đường, Cõi mê, Phù thuỷ, Cát đợi, Minu xinh đẹp đem đi
dự thi tạp chí Văn Nghệ khiến ban giám khảo không biết chọn truyện nào đạt giải nhất. Khi bước chân vào làng văn, ngay từ những truyện ngắn đầu tay in trên báo đầu thập niên 90, Nguyễn Thị Thu Huệ đã thu hút bạn đọc đến với tác phẩm của mình. Không đao to búa lớn, Thu Huệ thể hiện những vấn đề nhức nhối của cuộc sống nhân sinh một cách giản dị tự nhiên như chính đời sống hàng ngày. Tác phẩm của chị “hữu xạ tự nhiên hương”, cứ lây lan, thấm thía vào tâm hồn bạn đọc một
cách tự giác. Bởi thế, 45 tuổi đời và trên 20 năm tuổi nghề, gia tài văn chương của
Thu Huệ cũng kha khá, với nhiều tập truyện ngắn: Cát đợi (1992), Hậu thiên đường (1993), Phù thủy (1995), 21 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2001), Nào ta cùng lãng quên (2003), 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2006). Không chỉ
sung sức trong sáng tạo mà chất lượng nghệ thuật truyện ngắn của Thu Huệ đã không làm bạn đọc thất vọng. Truyện ngắn của chị đã thực sự thuyết phục được đông đảo bạn đọc và được đánh giá cao tại các hội đồng chấm giải với những giải thưởng là mơ ước với bất cứ người cầm bút nào: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn của
Hội văn học Nghệ thuật Hà Nội (1986), Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Tác phẩm xanh báo Tiền phong (1993), Cùng năm đó, chị còn vinh dự nhận giải A cuộc thi
viết về đề tài Hà Nội của Hội nhà văn. Năm 1994, chị đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cho chùm tác phẩm gồm 5 truyện ngắn
(Hậu thiên đường, Biển ấm, Minu xinh đẹp, Bảy ngày trong đời, Tình yêu ơi, ở đâu?) và nhận thưởng của Hội nhà văn cho tập truyện Hậu thiên đường của chị.
Chị trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996.
Không chỉ thành công trong văn học, với sức sáng tạo dẻo dai, bền bỉ, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và cả đam mê, chị vươn sang cả lĩnh vực truyền hình (làm tại hãng Phim Truyền hình Việt Nam). Liên tiếp các truyện ngắn của chị
được chuyển thể thành phim và gây tiếng vang lớn. Đầu tiên là Của để dành, sau đó là Nước mắt đàn ông cũng đến với khán giả và đoạt huy chương vàng liên hoan phim truyền hình. Chị trở thành Của để dành của các đạo diễn với nhiều truyện
ngắn rất đời thường bởi dường như ai đọc cũng cảm giác có mình trong đó. Sau 6 tháng làm việc ở đây, chị được đề bạt làm trưởng phòng phim, Xưởng trưởng xưởng II của hãng Phim Truyền hình. Sau đó, với năng lực của mình, chị đã vươn lên đứng ở vị trí Giám đốc của VTC9 Let’s Việt (2008), một kênh chuyên về phim truyền hình Việt Nam.
Tuy bận túi bụi với công việc quản lý nhưng không vì thế mà Thu Huệ giảm bớt niềm đam mê văn chương. Chị vẫn miệt mài viết và vẫn đều đều cho ra mắt những truyện ngắn, những tiểu thuyết và cả những tản văn… Song, nổi bật trên hết
vẫn là truyện ngắn bởi chị từng tâm sự: “Tôi in truyện ngắn rải rác trên báo đều đều, có thể tập hợp được một tập dày. Tiểu thuyết thì viết đi viết lại vì mắc bệnh nghề nghiệp là đọc lại văn mình bằng thái độ của người biên tập, sửa nhiều gần như
mới và luôn chưa hài lòng.” [38] Niềm đam mê ấy vẫn nuôi dưỡng những điều ấp ủ
được truyền từ người mẹ và không ngừng thôi thúc giúp Thu Huệ có động lực để sáng tạo được những truyện ngắn đặc sắc.
Quan sát hành trình sáng tác văn chương của Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng tôi nhận thấy: càng ngày, ngòi bút của chị càng trưởng thành hơn và nắm bắt được một cách đúng đắn bản chất cốt lõi của cuộc sống. Nếu như khi mới bước chân vào nghề viết, Thu Huệ thường tỏ ra sắc sảo trong việc phát hiện những thói tật xấu xa của cuộc đời và đôi khi nhìn đời không khỏi bi quan, u ám (nhất là với đàn ông) thì càng ngày, chị càng nhìn nhận cuộc đời một cách đúng đắn và khách quan hơn. Nếu
những truyện ngắn Hậu thiên đường, Tình yêu ơi, ở đâu?, Giai nhân, Người đàn bà ám khói, Ám ảnh, Thiếu phụ chưa chồng… mang lại dư vị đắng chát về đàn
ông và bức tranh về cuộc đời mù mịt thì những truyện ngắn sau này của Thu Huệ
như Rượu cúc, Nào ta cùng lãng quên, Rồi cũng tới nơi thôi, Cõi mê... đã hé mở
cảm xúc yêu đời, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Khi nói tới điểm khác biệt này,
chính Thu Huệ từng thừa nhận: “Không hẳn vì lúc tôi viết những truyện đó trong hạnh phúc mà là tôi nhìn cuộc sống này bằng con mắt khác. Tôi càng sống, càng đi lại giữa cuộc đời, càng thấy mình đã thay đổi. Những gì trước đây mình cho là đúng, giờ bớt đúng hơn. Những cái ngày trước mình rất ghét giờ bớt ghét hơn. Từ những cảm nhận hằng ngày đó, văn chương của tôi cũng vô thức mà thay đổi thôi. Và quan trọng nhất là giá trị đích thực của cuộc sống được tôi khám phá không ngừng mỗi ngày, cảm nhận rõ lắm sự vô cùng vô tận của đời sống này.” [47]. Sự
trưởng thành, già dặn trong ngòi bút của Nguyễn Thị Thu Huệ cho phép chúng ta có thể hy vọng và chờ đợi những tác phẩm hay.
Đến với văn chương, Thu Huệ đã xác định được những nhọc nhằn gai góc sẽ phải đối mặt nhưng chị vẫn dũng cảm dấn thân vào. Dũng cảm hơn nữa là chị đã luồn lách vào những ung nhọt của cuộc sống đương đại, những nguy cơ biến chất của con người, những vết rạn nứt đe dọa hạnh phúc gia đình hiện đại, những thói tật xấu xa của con người… và phơi bày ra để mọi người cùng biết và có cách ứng xử phù hợp. Việc làm ấy đã thực sự có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp con người hiện đại trong nhịp sống chóng mặt phải có những phút lắng đọng nhìn lại mình để điều chỉnh cho phù hợp. Tác phẩm của Thu Huệ vì thế đã thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Chương 2. ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ
Hệ thống điểm nhìn được coi là vấn đề rất quan trọng trong tác phẩm văn học. Điểm nhìn là vị trí đứng của người trần thuật khi quan sát, đánh giá các sự kiện tình tiết trong tác phẩm, bao gồm cả khoảng cách giữa chủ thể và khách thể cả phương diện tâm lý, vật lý, văn hóa, chính trị và xã hội. Thông qua điểm nhìn, người đọc có thể xác định hệ tư tưởng, thế giới quan của nhà văn. Điều đó giúp cho độc giả có cái nhìn đúng đắn và đánh giá khách quan chủ đề, tư tưởng tác phẩm. Điểm nhìn trần thuật bao giờ cũng là sự cụ thể hóa các quan niệm của nhà văn trong những tình huống nhất định.