Ngôn ngữ đằm thắm, dịu dàng

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (Trang 89)

Ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ không chỉ đi sâu khám phá, phân tích những hiện thực trần trụi của cuộc đời mà còn có xu hướng đi tìm vẻ đẹp của thiên nhiên, con người qua những cảm nhận vừa trữ tình vừa sâu lắng. Thậm chí không ít tác phẩm chất trữ tình có phần át chất văn xuôi. Trong khi dùng loại

ngôn ngữ sắc sảo để chà xát làm nổi bật bản chất của con người trong cuộc sống đương đại, Nguyễn Thị Thu Huệ đã chọn những ngôn từ thật đằm thắm dịu dàng, giàu chất thơ để hướng vào thế giới nội tâm con người hoặc miêu tả những bức tranh thiên nhiên trữ tình thơ mộng. Đó là thứ ngôn ngữ giàu cảm giác khi nhà văn chọn lọc những từ ngữ diễn tả những cảm giác xúc của con người bất chợt dấy lên trước mọi biến thái tinh vi của vạn vật. Nếu so sánh trong bối cảnh chung của văn học đương đại, ta thấy chị gần gũi với Phan Thị Vàng Anh trong sự sắc sảo, nhạy bén, bạo liệt. Nhưng nếu ngôn ngữ của Phan Thị Vàng Anh sắc sảo như “dao cứa” chạm vào vấn đề của đời sống một cách trực diện bằng một cái nhìn tự tin nhiều khi đến mức tự kiêu tạo cảm giác căng thẳng nơi người đọc thì ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng bạo liệt không kém nhưng rất biết chọn điểm dừng. Bên cạnh đó, chị thường giảm bớt độ căng thẳng bằng những đoạn trữ tình ngoại đề, những đoạn miêu tả thiên nhiên bằng ngôn ngữ trữ tình, sâu lắng. Dưới ngòi bút đầy nữ tính của chị, tâm hồn con người như một cung đàn kỳ diệu sẵn sàng rung lên những thanh âm vừa mơ hồ, vừa lắng đọng trước những biến thái của cuộc đời.

Những cung bậc ấy được nảy lên trong tâm hồn nhân vật ở nhiều tác phẩm: Còn lại một vầng trăng, Biển ấm, Thành phố không mùa đông, Cát đợi, Hoàng hôn màu cỏ úa, Dĩ vãng… Trong Dĩ vãng, tâm hồn của nhân vật Linh đã có lúc rung lên xúc động trước cảnh đẹp khu vườn của ông Xung, thủ trưởng cũ: “Bốn góc vườn là bốn cái cột điện. Ánh sáng vàng vàng tỏa tràn lan trên các lối đi, vườn hoa, tán lá. Đúng là thần tiên. Tôi bỗng run lên vì xúc động”. Những rung động đầu đời của một cô gái trước một chàng trai được nhà văn tái hiện thật chính xác: “Mối tình đầu tiên. Thoáng va chạm, run rẩy đầu tiên. Tất cả tôi gửi gắm nơi anh”; “Người con gái đến tuổi dậy thì có những đụng chạm đầu tiên với một người đàn ông thường bị xúc động ghê gớm” (Biển ấm). Sự đằm thắm trong ngôn ngữ của chị còn diễn tả thật xúc động không khí đón tết ấm áp tuy đạm bạc trong một gia đình nghèo: “Trong không khí lạnh và thơm của mùi hương trầm, mùi bánh chưng nóng vừa được vớt ra, ép nước của hàng xóm, căn nhà của ba mẹ con ấm áp lên rất nhiều” (Lời thì thầm của mùa xuân). Miêu tả sự nuối tiếc của tâm hồn con người, Nguyễn Thị Thu Huệ rất tinh tế: “Biển vẫn êm đềm chan chứa ánh bình minh như ngày cô đến. Biển

chẳng bao giờ già. Biển vô tư táp sóng, ầm ào dàn trải trong khi Lan đang tiếc đứt ruột gan.”(Một nửa cuộc đời). Nhà văn cũng rất sâu sắc và dịu dàng khi chạm vào nỗi đau của con người: “Khi tỉnh dậy. biết anh đi rồi. Tôi thẫn thờ nhìn bà đang ngồi hướng đôi mắt kèm nhèm gần lòa ra xa lúc nào cũng như tâm niệm điều gì” (Cát đợi)…

Những từ ngữ dịu dàng lắng sâu chỉ cảm giác con người thường được Nguyễn Thị Thu Huệ đúc kết như: thoáng thấy, thoáng nghe, thoáng nhìn, thoáng nghĩ,

bỗng nhiên, bỗng dưng, bất chợt… Chẳng hạn: “Tôi có cảm giác như mình bỗng tan thành nước” (Hậu thiên đường), “Chị thảng thốt như tưởng gió đùa ngoài cửa… Tim chị đập rộn ràng một cảm giác xa xưa, ngày anh còn sống” (Lời thì thầm của mùa xuân), “Và anh nhoài người. Rồi ngượng nghịu, bẽn lẽn ngồi xuống”,“Chị chợt lặng đi, hai mắt hình như có nước, vai xuôi xuôi cam chịu” (Rượu cúc),“Tim nàng chợt đập rộn ràng” (Tình yêu ơi, ở đâu?),“Trông thấy sự tất tả của anh. Nàng bỗng trào dâng trong lòng một tình cảm thương yêu mà từ trước đến giờ nàng chưa có với ai”(Tình yêu ơi, ở đâu?),“Sóng ầm oạp và gió từ sông đưa lên làm tôi ớn lạnh. Tôi bỗng thấy mình bé tí tẹo, lơ lửng như một khoảng không thăm thẳm cao và mịt mùng sóng” (Biển ấm)… Dưới những từ ngữ dịu dàng,

lắng sâu, những diễn biến tinh vi và phức tạp trong tâm hồn con người được biểu hiện ra thật tinh tế, sâu sắc.

Những từ ngữ mượt mà, sâu lắng cũng được Nguyễn Thị Thu Huệ dành để miêu tả thiên nhiên. Thiên nhiên vốn gần gũi giản dị hàng ngày dưới ng̣òi bút của

chị bỗng trở nên tha thiết, mến thương đến lạ lùng: “Nắng cuối thu ong vàng. Những cây điệp bông vàng dài rũ xuống như những sợi dây vàng ròng ngả nghiêng trong gió. Mặt hồ xanh. Mênh mông sâu hiền hòa. Phía xa, bên kia hồ là những dãy núi, mây trắng viền xung quanh.” (Mùa thu vàng rực rỡ). Không chỉ yên tĩnh, mà thiên nhiên như khoác một sắc màu lung linh huyền diệu: “Trăng lên cao và vàng rực góc trời. Ánh sáng vàng chảy như lụa từ trên trời cao mênh mông gió trải xuống mặt hồ”(Mùa thu vàng rực rỡ). Không chỉ mặt hồ đẹp bình yên mà khung cảnh

biển êm đềm thơ mộng cũng được Nguyễn Thị Thu Huệ miêu tả bằng những từ ngữ

phòng nghỉ sát bên bờ biển, dưới tán xanh mát rượi của một rừng dừa và phi lao. Làng xóm yên bình. Con người hiền hậu.” (Một nửa cuộc đời), “Như một hạt thóc khổng lồ, được tưới bởi một dòng suối trăng bất tận” (Rượu cúc). Phong cảnh

thành phố Hà Nội ẩn hiện trong sương hiện lên thật lãng mạn trong truyện của chị:

“Hà Nội cuối đông. Đêm xuống mù sương. Tất cả như lấp ló sau một tấm voan mỏng che khuôn mặt hồi hộp xinh đẹp đã hóa trang kỹ của cô dâu chuẩn bị về nhà chồng” (Rượu cúc). Dường như trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người Việt Nam

đều gắn bó với phong cảnh đồng quê nên trở về với phong cảnh đồng quê bao giờ cũng mang lại cảm giác êm đềm dịu ngọt. Cảm giác được trút bỏ mọi gánh nặng mưu sinh, nỗi nhọc nhằn cực nhục để tắm mình trong không gian trong trẻo yên tĩnh ngập tràn ánh trăng để thu nhận những sắc màu nguyên sơ và âm thanh yên bình ấy

được thể hiện một cách đầy cảm xúc trong Thiếu phụ chưa chồng: “Buổi tối ở nông thôn thật là tuyệt. Mọi vật im lìm trong một không gian trong vắt. Trăng mười ba xanh vời vợi…Cánh đồng trơ gốc rạ về đêm thanh vắng bí ẩn. Vài cây rơm đứng lù lù trầm mặc nổi lên phía trước. Xa xa là làng quê. Im lìm như trong truyện cổ tích” .

Có thể nói, nhịp sống đô thị bon chen, ồn ã hôm nay đã nhanh chóng “giết chết” phần duy cảm, cảm xúc của không ít người. Vòng xoáy tất bật, những vất vả nhọc nhằn trong công cuộc mưu sinh, những toan tính không ngớt để bám trụ chốn đô thành đã khiến họ trở nên chai lì cảm xúc. Không ít người thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại, thậm chí dẫm đạp lên đồng loại để mưu lợi cho riêng mình. Hình như ở họ, phần tình cảm ngày càng ngậm ngùi lùi bước trước lý trí lạnh lùng, toan tính sắc lạnh. Trước sự thiếu hụt về tình người ấy, chất thơ trong truyện ngắn như một dòng nước trong mát kéo họ bừng tỉnh trở về với những giá trị vĩnh hằng vô tận. Nó trở thành điểm tựa giúp con người lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống xô bồ bụi bặm hôm nay.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)