Ngôn ngữ người kể chuyện

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (Trang 86)

Ngôn ngữ người trần thuật chính là lời dẫn dắt của người kể. Đó thường là lời kể, lời tả, lời trữ tình ngoại đề… Trong tác phẩm tự sự, tác giả vừa là người dẫn dắt,

vừa là người có vai trò kể chuyện: “Trong truyện những con người được tác giả thể hiện đều hoạt động với sự giúp đỡ của tác giả, tác giả luôn bên cạnh họ, mách cho người đọc biết rõ cần phải hiểu họ như thế nào, giải thích cho người đọc hiểu những ý nghĩ thầm kín, những động cơ bí ẩn đằng sau hành động của các nhân vật, tô đậm thêm cho tâm trạng của họ bằng những đoạn miêu tả thiên nhiên, trình bày hoàn cảnh và nói chung là luôn luôn điều khiển họ theo mục đích của mình chỉ huy một cách tự do, khéo léo” (M.Gorki) [85]. Không chỉ có thế, trong truyện ngôn ngữ người kể còn có vai trò định hướng và dẫn dắt :“Trong tác phẩm tự sự, nhà văn dùng ngôn ngữ người kể chuyện để thuật lại cốt truyện, xây dựng người và cảnh, thể

hiện tư tưởng, tình cảm, phát biểu ý kiến khác nhau, đánh giá, chú giải những ngôn ngữ đó, tổ chức tất cả lại thành một chỉnh thể thống nhất là tác phẩm văn học”

[29,tr.184]. Như thế, ngôn ngữ người trần thuật là con đường mà nhà văn truyền tải ý tưởng, quan điểm, nhiệt hứng về các vấn đề của đời sống. Ngôn ngữ người trần thuật gắn với những nguyên tắc trong việc lựa và sử dụng các phương tiện tạo hình và sử dụng ngôn ngữ.

Ngôn ngữ người kể chuyện trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ một mặt thể hiện sự sắc sảo, bạo liệt nhưng mặt khác cũng rất đằm thắm, dịu dàng.

3.1.1.1. Ngôn ngữ sắc sảo, bạo liệt

Hồ Phương thật sâu sắc khi nhận xét về Nguyễn Thị Thu Huệ là một “mụ phù thủy lão luyện”, luôn “đi guốc trong bụng người khác”. Sự từng trải và vốn hiểu

biết dày dặn của chị bộc lộ qua việc xây dựng ngôn ngữ thật sắc sảo, bạo liệt. Thứ ngôn ngữ này hiện diện trong phần lớn các tác phẩm của chị, mang lại những lời

nhận xét chính xác đến “đáng sợ” (chữ dùng của Bùi Việt Thắng). Đây là thứ ngôn ngữ đã “điểm trúng huyệt” nhân vật: “Hoài có thể uống hàng lít rượu trắng không say, hút thuốc lào không biết mệt mỏi, nhảy đầm thâu đêm và đánh đu với những người đàn ông nào chịu được cô”, “Mặt Hoài như có sương phủ, mơ màng một vẻ đàng điếm đĩ thõa” (Xin hãy tin em). Với những lời nhận xét như thế, nhân vật đã

hiện ra với tất cả những đặc điểm của mình. Để miêu tả Hoài, một cô gái phóng túng buông thả thì có lẽ không còn lời lẽ nào có thể tối ưu hơn những dòng mà chị đã

viết. Trong Nước mắt đàn ông, người kể chuyện xưng “tôi” đã đưa ra những lời

nhận xét ngắn gọn nhưng mỉa mai đầy sức công phá để bóc trần bản chất nanh nọc

của nhân vật bà mợ nghiệt ngã: “Mợ tôi hiện ra ở đầu cầu thang lên tầng hai, mặc một cái áo hai dây, thắt ở eo và xòe ở mông. Khuôn mặt mợ xương xẩu, hai mắt to tròn do tác dụng của mỹ viện. Mũi mợ thẳng gồ lên, khuôn mặt láng bóng vì mới căng da mặt. Tổng công trình đại tu lại mặt của mợ đáng giá năm cây vàng” (Nước mắt đàn ông). Với những câu văn dung dị, đầy hàm ý mỉa mai nhưng không kém

phần sắc sảo, ngôn ngữ người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ mang lại những cảm xúc rất thật về sự tồn tại của con người như đang hiển hiện bằng xương, bằng thịt, bằng hành động, suy nghĩ. Hơn thế, qua ngôn ngữ người kể

chuyện, ta như thấy được chất liệu hiện thực đang ùa vào trong tác phẩm hết sức tự nhiên. Điều này khiến ngôn ngữ trong truyện của chị ngày càng bớt đi vẻ trang trọng mà tiến gần hơn với cuộc sống đời thường, chân thật trong giọng điệu, thô nhám trong từ ngữ, sắc sảo đến mức bạo liệt trong quan điểm. Ngôn ngữ sắc sảo của nhà văn còn thể hiện ở việc miêu tả những cảm xúc, tâm trạng và chiều sâu của thế giới nội tâm nhân vật. Qua ngôn ngữ, người đọc có thể hiểu được tính cách, cảnh ngộ, số phận, tâm lý cũng như những cuộc đời nhân vật. Đây là thứ ngôn ngữ vừa đáo để

vừa bạo liệt của người kể chuyện trong Cát đợi: “Trong tình yêu, có lúc phải giành lấy cái gọi như chơi bạc ấy, được thì phất, hỏng thì thôi nhưng phải cướp cái” (cát đợi). Cũng với sự sắc sảo và độ mẫn cảm của người phụ nữ, sự táo bạo đầy dũng

khí, nhà văn đã dám nói những điều mà nhiều người nghĩ nhưng ít ai dám phát biểu

thành lời: “Đa tình chẳng phải lỗi tại đàn bà. Lỗi tại đàn ông nên chị cứ đắm say ai một thời gian thì chính chị lại chạy mất. Hóa ra, cố không chịu đựng những người đàn ông không ra gì thì thành đàn bà đa tình” (Hoàng hôn màu cỏ úa). Cũng với

sự sắc sảo đến mức đáo để, Nguyễn Thị Thu Huệ đưa vào lời người dẫn chuyện

cũng là nhân vật chính những phát biểu đầy chất đời thường: “Có những kẻ yêu tôi thật thì tôi không ngửi được họ. Còn một vài người tôi yêu họ thì họ chỉ xuê xoa chơi với tôi thôi” (Hậu thiên đường). Sự đáo để trong miêu tả hình ảnh đám đông hám tiền chỉ trực nuốt sống người khác: “Họ ào ào qua mặt mẹ con, xông vào phòng cậu nằm như thể phải lôi ngay cậu ra để nhai thịt.” (Một chuyến đi). Sự từng trải thể hiện qua việc xây dựng ngôn ngữ thể hiện quan điểm sống của Hoàng: “Hoàng biết nhưng anh luôn đặt việc làm ăn lên trên hết. Tiền là tất cả, tình cảm chỉ dành cho lúc rỗi” (Thiếu phụ chưa chồng). Còn đây là sự thay đổi đến chóng mặt của con người: “My như người được lột xác. Từ một cô gái thôn quê chính hiệu bỗng thoắt thành một người đàn bà sừng sỏi trong yêu đương.” (Thiếu phụ chưa chồng). Để miêu tả vẻ đẹp trai nhưng giả dối của nhân vật, người kể chuyện khẳng định: “Khuôn mặt của Khánh là khuôn mặt giết đàn bà. Em là người số bao nhiêu trong số những người bị khuôn mặt đó ám sát?” (Sơ ri đắng). Còn đây là dáng vẻ hớn hở của kẻ vừa tìm được cách ăn cắp điện: “Lút cút chạy xuống đầy vẻ hớn hở, sung sướng như cả thế giới thu lại trong chiếc biến thế dùng để ăn cắp điện.” (Cầu

thang). Ngôn ngữ sắc lẹm khi miêu tả thói khoe khoang của những kẻ trịch thượng: “Họ dọn về đây, hôm trước hôm sau như lột xác. Mỗi người một cái xích vàng ta hai cây ở tay. Dây chuyền vàng hai cây ở cổ. Đồng hồ trị giá nửa cây ở tay, kính của Mỹ, ngang lưng một bao đeo…Họ sắp rũ bỏ cái mác người Việt Nam, để trở thành người ngoại quốc.”(Giai nhân). Ngay đến sự thờ ơ vô cảm của con người khi đi viếng người thân cũng lọt vào camera của nhà văn: “Mọi người. Kẻ thì tò mò. Kẻ thì miễn cưỡng ngó vào khuôn mặt trong cái ô kính bằng hai bàn tay đó một cái” (Giai nhân).

Bức tranh thô nhám của đời sống hiện đại đã được lột tả qua ngôn ngữ sắc sảo của Nguyễn Thị Thu Huệ. Truyện của chị bám riết vào miêu tả cuộc sống mưu sinh

nhọc nhằn chốn thị thành (Minu xinh đẹp, Người đàn bà ám khói, Thiếu phụ chưa chồng, Tình yêu ơi, ở đâu?, Cầu thang…). Ngôn ngữ của chị thấm đẫm chất đời

thường. Nhờ cách sử dụng ngôn từ giàu sức công phá mà những sự giả dối, bịp bợm, thói xu nịnh, sự băng hoại đạo đức, những cục cằn thô lỗ, sự nhẫn tâm của con người hiện đại đã được đưa ra nhìn nhận một cách thẳng thắn. Tất cả mọi việc diễn ra dường như không cách nào che mắt được nhà văn. Bằng sự tinh nhạy, nhà văn đã “tóm” lấy và mô tả đời sống thô nhám bằng những ngôn từ đắt giá. Trong ngôn từ của chị, người ta có thể thấy âm thanh xoe xóe của một người đàn bà ác nghiệt, cũng có thể thấy sự bỉ ổi của một tên hại đời con gái người khác mà vẫn khoác bộ mặt thản nhiên, cũng thấy sự đắng chát của một người đàn ông lạc lõng trong gia đình dư thừa vật chất, cái thói hợm hĩnh khoe của của bọn trưởng giả, cái bộ mặt hớn hở của kẻ ăn cắp điện, cái tự mãn của người đàn ông dùng phong bì đưa vợ bảo vừa đi họp về để che lấp việc ngoại tình… Những ngôn ngữ đó đều có khả năng phát ra những năng lượng thẩm mĩ. Nó chứa đựng trong mình những thanh âm khốc liệt, cay đắng, tàn nhẫn, xô bồ của đời sống hiện đại.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (Trang 86)