e. Về các chức năng tố tụng
2.1.2.1. Tính chất của tố tụng hình sự
Lịch sử phát triển của TTHS thế giới đã ghi nhận những quan niệm không giống nhau xung quanh việc nhìn nhận tính chất của TTHS. Tựu chung
lại, có thể chia thành hai quan niệm chính:
Quan niệm thứ nhất, coi TTHS là quá trình giải quyết tranh chấp,
xung đột pháp lý giữa các bên. Do đó, địa vị pháp lý của các chủ thể cũng như cách thức, phương pháp tố tụng được đặt ra tương ứng để giải quyết các tranh chấp xung đột pháp lý đó. Với cách xác định về tính chất của TTHS như vậy, nên sự tranh cãi giữa các bên để chứng minh cho ý kiến của mình được xem là phương pháp tố tụng chủ yếu được sử dụng trong suốt quá trình tố tụng, các bên bình đẳng như nhau trong suốt quá trình chứng minh về vụ án.
Quan niệm thứ hai, cho rằng vụ án hình sự xảy ra là đã xâm hại đến
trật tự công cộng, lợi ích chung của xã hội, do vậy Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết. Nhà nước sẽ sử dụng mọi biện pháp, mọi nguồn lực, mọi cơ quan của Nhà nước để làm rõ về vụ án. Người bị hại không có quyền phát động tố tụng cũng như quyết định tiến trình tố tụng, bị loại bỏ khỏi vai trò chứng minh trong vụ án. Với cách xác định về tính chất của TTHS như vậy, nên phương pháp tố tụng chủ yếu được sử dụng là phương pháp điều tra, thẩm vấn do các cơ quan của nhà nước tiến hành. Phương pháp này được sử dụng tối đa trong tất cả các giai đoạn tố tụng (kể cả tại phiên tòa) nhằm thu thập các chứng cứ để xác định sự thật vụ án.