Y án sơ thẩm Sửa bản án sơ thẩm Hủy bản án sơ thẩm
4.1. NHỮNG TIỀN ĐỀ VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI ÁP DỤNG TỐ TỤNG TRANH TỤNG Ở VIỆT NAM
TRANH TỤNG Ở VIỆT NAM
Về nhận thức và thói quen: Cải cách tư pháp ở nước ta hơn 10 năm
qua đặt ra nhiều mục tiêu, yêu cầu quan trọng, trong đó có sự học hỏi, kế thừa kinh nghiệm của các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Các cơ quan tư pháp, người dân và xã hội đã nhận thức sự ưu việt của phiên tòa tranh tụng và thấy cần thiết phải tăng cường tranh tụng trong TTHS. Tranh tụng là mô hình TTHS có nhiều ưu việt, được áp dụng thành công ở những quốc gia có điều kiện kinh tế phát triển, có đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, đặc biệt đã hình thành thành văn hóa, thói quen sử dụng sự trợ giúp pháp lý của luật sư trong các quan hệ pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian cho thấy, nhận thức và thói quen của phần đông xã hội chưa quen sử dụng sự trợ giúp pháp lý của luật sư do vậy số vụ án hình sự có sự tham gia của luật sư còn chiếm tỷ lệ rất thấp (21,44%), trong đó khoảng 50% các trường hợp luật sư do cơ quan tố tụng mời (tất nhiên, tỷ lệ thấp này còn có nguyên nhân từ điều kiện phát triển kinh tế). Đồng thời, thực tiễn tư pháp hình sự nước ta cũng ghi nhận thái độ của một bộ phận cán bộ tư pháp chưa coi trọng sự hiện diện của luật sư, cá biệt còn gây khó khăn cho luật sư trong quá trình tiếp cận vụ án, ý kiến tranh tụng của luật sư ở một số phiên tòa chưa thực sự được xem xét, ghi nhận một cách thỏa đáng.
Về pháp luật: Quá trình hoàn thiện pháp luật TTHS thời gian qua đã
ghi nhận sự hoàn thiện của pháp luật nước ta, từng bước tiếp thu những yếu tố tích cực của TTHS tranh tụng. Trên bình diện pháp luật, quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền bào chữa của bên bị buộc tội đã được cân
nhắc bổ sung để họ thực hiện tốt hơn những quyền quan trọng này; trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, nhất là trách nhiệm của VKS trong việc chứng minh tội phạm đã được đề cao hơn; thủ tục tranh luận tại phiên tòa được bổ sung theo hướng bảo đảm dân chủ hơn, quy định trách nhiệm của VKS trong việc đối đáp lại ý kiến của người tham gia tố tụng và trách nhiệm của Hội đồng xét xử bảo đảm cho việc tranh luận giữa các bên được dân chủ. Tuy nhiên, nhiều quy định của pháp luật TTHS hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu dân chủ, công bằng của quá trình giải quyết vụ án; mâu thuẫn trong việc tổ chức vận hành các chức năng cơ bản của TTHS; chưa tạo điều kiện để đẩy mạnh tranh tụng. Đồng thời, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra ba thành tố quan trọng cần có của TTHS tranh tụng gồm: các quy định về thủ tục tố tụng (rules of procedures); các quy tắc, quy định về chứng cứ, loại trừ chứng cứ (rules of evidence); quy tắc về ứng xử của luật sư (rules of counsel) [113]. Các nghiên cứu cũng đánh giá rằng những thành tố này được xem là luật chơi của các bên tranh tụng, được xây dựng và phát triển từ
nhiều trăm năm nay và trở thành thành tựu của TTHS tranh tụng nhưng không dễ tiếp cận, phổ cập với nhiều người mà hầu như chỉ được hiểu và vận dụng bởi tầng lớp trí thức cao trong xã hội là luật sư, thẩm phán, công tố viên. Đặc điểm này sẽ càng khó hơn cho các quốc gia có ý định chuyển đổi hệ thống tố tụng theo mô hình TTHS tranh tụng [67].
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ thời gian qua
đã và đang tạo ra những tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đắc lực cho quá trình phát hiện xử lý tội phạm. Bên cạnh những thuận lợi đó, cũng xuất hiện không ít hiện tượng lợi dụng thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để thực hiện hành vi phạm tội. Tình hình này đặt ra những thách thức lớn với CQĐT, VKS trong việc phát hiện và chứng minh tội phạm của thời kỳ khoa học công nghệ hiện đại, đặt yêu cầu phải tăng cường lực lượng cán bộ tư pháp, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại cho các cơ quan tư pháp và giám định tư pháp trong điều kiện kinh tế xã hội chung của đất nước còn nhiều khó khăn.
Cải cách kinh tế với những kết quả quan trọng đạt được thời gian qua
đã và đang tạo những tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các cuộc cải cách khác, trong đó có cải cách tư pháp. Công cuộc cải cách kinh tế đã tạo ra những lực đẩy quan trọng giải phóng sức sản xuất, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tình hình tội phạm cũng có những diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều những hành vi nguy hiểm cho xã hội trong quá trình phát triển kinh tế đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, môi trường v.v… đặt ra những thách thức rất lớn đối với quá trình chứng minh tội phạm, giám định tư pháp liên quan đến việc xác định quy mô của hành vi phạm tội và mức độ thiệt hại (giám định tài chính, kế toán, mức độ ô nhiễm môi trường…). Đặc biệt, sự phát triển kinh tế trong những năm qua còn ở một mức độ nhất định và chưa đồng đều, tập trung ở một số thành phố lớn. Tỷ lệ bị can, bị cáo có điều kiện kinh tế khó khăn còn lớn do vậy không có tiền để mời luật sư bào chữa đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến phần lớn các vụ án không có sự tham gia của người bào chữa (sấp xỉ 80%), là thách thức rất lớn đối với yêu cầu đẩy mạnh tranh tụng trong thời gian tới.
Sự phát triển văn hóa, giáo dục thời gian qua đang từng bước tạo lập
nền tảng tri thức, các giá trị tinh thần, nguồn lực cho quá trình phát triển đất nước. Trình độ văn hóa và tính tích cực xã hội của các tầng lớp dân cư ngày một nâng cao, tạo động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh đã góp phần tạo ra những tác động tích cực tới công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta. Những tiền đề này cũng đang đặt ra những đòi hỏi với hệ thống các cơ quan tư pháp phải có những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế tố tụng, trình độ cán bộ để đáp ứng ngày càng cao đòi hỏi của người dân và xã hội đối với một nền tư pháp hiệu quả trong đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người. Bên cạnh đó, thực tiễn tư pháp hình sự nước ta thời gian qua cũng phản ánh thực trạng trình độ của bị can, bị cáo thấp còn chiếm tỷ lệ khá cao. Thực trạng này cùng với điều kiện kinh tế
khó khăn và việc không có thói quen sử dụng sự trợ giúp pháp lý của người bào chữa thực sự là thách thức rất lớn đối với yêu cầu đẩy mạnh tranh tụng.
Sự phát triển của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp thời gian qua
cả về số lượng, năng lực trình độ, ý thức trách nhiệm một mặt góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, đồng thời cũng là tiền đề quan trọng để đón nhận những yếu tố tích cực mới trong quá trình cải cách tư pháp thời gian tới. Bên cạnh những thuận lợi đó, một bộ phận cán bộ tư pháp không được đào tạo lại, bồi dưỡng những kiến thức mới nên trình độ, năng lực còn hạn chế; một bộ phận có tâm lý ngại đổi mới, không sẵn sàng với những chủ trương cải cách tư pháp; cá biệt có những cán bộ tư pháp phẩm chất đạo đức kém, không coi trọng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, không đề cao trách nhiệm trong quá trình xử lý vụ án đang tạo ra những lực cản nhất định đổi với quá trình đổi mới, cải cách mô hình TTHS thời gian tới.
Sự phát triển của đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng thời
gian qua đã góp phần tạo những bước chuyển nhất định đối với chất lượng của hệ thống tư pháp, góp phần tạo không khí dân chủ hơn, bảo vệ quyền con người, quyền công dân tốt hơn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bên cạnh đó, những hạn chế, tồn tại của đội ngũ luật sư nước nhà được chỉ ra trong chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 như: số lượng luật sư so với số dân rất thấp; chất lượng đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội và trong hoạt động tố tụng tư pháp chưa được nhìn nhận đúng và đầy đủ; hoạt động hành nghề của tổ chức luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp… đang là trở lực rất lớn đối với việc học hỏi, tiếp thu các yếu tố của mô hình tố tụng tranh tụng trong hoàn thiện mô hình TTHS nước ta.