Y án sơ thẩm Sửa bản án sơ thẩm Hủy bản án sơ thẩm
4.3.1. Xác định đúng mục tiêu, yêu cầu của tố tụng hình sự
Yêu cầu của mô hình TTHS tranh tụng là tạo sự bình đẳng tối đa của các bên trong quá trình chứng minh và mô hình này nhìn nhận TTHS như một quá trình tranh chấp hình sự và giải quyết tranh chấp hình sự bởi các chủ thể hoàn toàn bình đẳng và tự do trong quá trình đi đến kết cục của vụ tranh chấp. Vì vậy, yếu tố đầu tiên trong việc nghiên cứu, tiếp thu tố tụng tranh tụng là phân định rành mạch giữa mục tiêu và yêu cầu của TTHS, tiếp thu những "yêu cầu" phù hợp của mô hình này. Việc xác định rành mạch và đúng đắn mục tiêu, yêu cầu của TTHS sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cải tổ mô hình TTHS. Vì vậy, bàn về đổi mới và hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam cần bắt đầu từ vấn đề mục tiêu và yêu cầu của TTHS.
Mục tiêu của TTHS chỉ có một, đó là đi tìm sự thật của vụ án, tìm đến chân lý của vụ việc. Biểu hiện cụ thể của mục tiêu này là xác định có tội phạm xảy ra hay không, nếu có thì ai là người thực hiện tội phạm và trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với người phạm tội. Để đạt được mục tiêu này, TTHS phải tuân thủ các yêu cầu bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, không được làm oan, làm sai và một trong những quyền con người, quyền công dân rất quan trọng đó là bảo đảm sự công bằng trong quá trình chứng minh tội phạm. Xử lý mối quan hệ giữa mục tiêu và yêu cầu của TTHS cần quán triệt vấn đề có tính nguyên tắc là không thể vì mục tiêu phát hiện tội phạm, chống bỏ lọt tội phạm mà chấp nhận việc làm oan, làm sai, đi ngược lại các quyền con người, quyền công dân. Trên cơ sở vấn đề có tính nguyên tắc này, việc hoàn thiện mô hình TTHS, sửa đổi BLTTHS thời gian tới cần thể hiện đúng đắn mục tiêu, yêu cầu của TTHS. Theo đó, khẳng định rõ mục tiêu của TTHS là phát hiện tội phạm, chống bỏ lọt tội phạm và yêu cầu đặt ra đối với toàn bộ quá trình phát hiện tội phạm là phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chống làm oan, làm sai, bảo đảm sự công bằng trong hoạt động TTHS. Mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo phải được giải thích, xử lý theo hướng có lợi cho họ. Sửa đổi các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, chế định chứng cứ và chứng minh cũng như các thủ tục cụ thể để bảo đảm vấn đề có tính nguyên tắc nêu trên. Chỉ có như vậy, TTHS Việt Nam mới tạo những độ mở cần thiết cho các nguyên tắc tiến bộ của TTHS tranh tụng được thực thi; bên bị buộc tội mới có được những khả năng và vị thế bình đẳng với bên buộc tội trong quá trình xác định sự thật vụ án cũng như chống lại những gì phi sự thật, phản sự thật.