TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 KHOA NGỮ VĂN ---***--- NGUYỄN THỊ THUẤN NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TÁC PHẨM NGỒI KHÓC TRÊN CÂY CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC Chuy
Trang 1TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN -*** -
NGUYỄN THỊ THUẤN
NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TÁC PHẨM NGỒI KHÓC TRÊN CÂY
CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Người hướng dẫn khoa học
TS NGUYỄN THỊ KIỀU ANH
Trang 2LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ, động viên của các thầy, cô giáo và các bạn sinh viên Sự nhiệt tình đó giúp tôi
hoàn thiện khoá luận tốt nghiệp với đề tài: “Nghệ thuật trần thuật trong Ngồi
khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh”
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy giáo, cô giáo Đặc biệt là TS.Nguyễn Thị Kiều Anh – người trực tiếp hướng dẫn đã chỉ bảo tận tình, giúp tôi hoàn thành khoá luận tốt nghiệp này
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 5 năm 2014 Tác giả khoá luận
Nguyễn Thị Thuấn
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan:
- Khoá luận là kết quả nghiên cứu của người viết dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Kiều Anh
- Khoá luận không sao chép từ các tài liệu có sẵn
- Kết quả nghiên cứu không trùng với kết quả nghiên cứu của bất cứ tác giả nào khác
Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm
Hà Nội, tháng 5 năm 2014 Tác giả khoá luận
Nguyễn Thị Thuấn
Trang 4MỤC LỤC
Mở đầu 1
1 Lý do chọn đề tài 1
2 Lịch sử vấn đề 2
3 Mục đích nghiên cứu 3
4 Nhiệm vụ nghiên cứu 4
5 Đối tượng và phạm vi đề tài nghiên cứu 4
6 Phương pháp nghiên cứu 4
7 Đóng góp của khoá luận 4
8 Bố cục của khoá luận 5
Nội dung 6
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về trần thuật và hành trình sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh 6
1.1 Khái niệm trần thuật 6
1.1.1 Thuật ngữ 6
1.1.2 Vai trò của trần thuật đối với loại tác phẩm tự sự 8
1.2 Những yếu tố cơ bản của trần thuật 9
1.2.1 Người trần thuật và ngôi kể 9
1.2.1.1 Người trần thuật 9
1.2.1.2 Ngôi kể 11
1.2.2 Điểm nhìn trần thuật 12
1.2.3 Ngôn ngữ trần thuật 14
1.2.4 Giọng điệu trần thuật 16
1.3 Nguyễn Nhật Ánh và hành trình sáng tác cho thiếu nhi 18
1.3.1 Con người 18
1.3.2 Hành trình sáng tác VHTN của Nguyễn Nhật Ánh 20
Chương 2: Điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm Ngồi khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh 26
Trang 52.1 Điểm nhìn gắn với ngôi kể 27
2.2 Sự dịch chuyển điểm nhìn 34
2.2.1 Sự dịch chuyển điểm nhìn giữa tác giả với nhân vật 35
2.2.2 Sự dịch chuyển điểm nhìn không gian, thời gian 37
Chương 3: Ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật trong tác phẩm Ngồi khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh 43
3.1 Ngôn ngữ trần thuật 43
3.1.1 Ngôn ngữ người kể chuyện 43
3.1.1.1 Ngôn ngữ giản dị, trong sáng 43
3.1.1.2 Ngôn ngữ trữ tình, đậm chất thơ 45
3.1.2 Ngôn ngữ nhân vật 46
3.1.2.1 Ngôn ngữ đối thoại 46
3.1.2.2 Ngôn ngữ độc thoại 48
3.2 Giọng điệu trần thuật 49
3.2.1 Giọng điệu trữ tình, ngọt ngào 49
3.2.2 Giọng điệu buồn bã, bi quan 52
3.2.3 Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh 55
Kết luận 57
Trang 6MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
Mỗi tác phẩm nghệ thuật được coi là một “đứa con tinh thần” của nhà văn Trong quá trình sáng tác, nhà văn đã dồn hết tài năng và tâm huyết của mình để gia công, trau chuốt cho từng chi tiết trong tác phẩm Trong đó, nghệ thuật trần thuật được coi là yếu tố quan trọng, là “sợi chỉ đỏ” dẫn đường để người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, giúp độc giả nắm bắt được quan niệm tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm mà tác giả gửi gắm
Tìm hiểu nghệ thuật trần thuật được coi là “chiếc chìa khoá vàng” mở
ra cánh cửa vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, thấy được sự sáng tạo tài tình của nhà văn Đây cũng là một trong những yêu cầu đặt ra đối với người nghiên cứu và những người yêu thích văn chương
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn được những độc giả nhỏ tuổi yêu thích bởi tác phẩm của ông mang đến cho người đọc những tình cảm trong sáng,
hồn nhiên của lứa tuổi mới lớn Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng “Văn học trẻ hạng A” Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh và báo tuổi trẻ, đồng thời được Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995) Năm
1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất
Khối lượng tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh sáng tác lớn, đến nay ông
đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết với bạn
đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam Ngồi khóc trên cây là tác phẩm mới nhất của
Nguyễn Nhật Ánh xuất bản ngày 27 tháng 6 năm 2013, được lọt vào danh sách bán chạy nhất của nhiều kênh đặt mua trực tuyến Truyện hấp dẫn người
Trang 7đọc bởi những rắc rối nho nhỏ và hài hước trong cuộc sống tuổi teen, những rung động đầu đời, những tình cảm thiêng liêng, những kí ức tuổi thơ tươi đẹp nơi làng quê chân chất
Xuất phát từ những lí do trên, người viết chọn đề tài : “Nghệ thuật trần
thuật trong tác phẩm Ngồi khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh” Thực hiện
đề tài này, người viết hi vọng sẽ có những đóng góp nhất định trong việc khẳng định giá trị trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
2 Lịch sử vấn đề
Những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là thành tựu không nhỏ đối với nền văn học thiếu nhi Việt Nam Từ hai mươi năm trở lại đây, Nguyễn Nhật Ánh đã chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên, tuy nhiên những nghiên cứu về truyện của ông còn rải rác ở một số công trình như lời giới thiệu, lời nhận xét trên tạp chí và các luận văn tốt nghiệp đại học Trong các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài, phần lịch sử vấn đề này, người viết xin trích dẫn một số tài liệu tiêu biểu:
Nhận xét về tác phẩm này, Hồng Loan trên trang
Hongloan1103.blogspot.com đánh giá: “Khi đọc tác phẩm mới Ngồi khóc
trên cây của anh, ta lại như ngược chuyến tàu thời gian trở về tuổi thơ gần thêm một chút, vẫn hồn nhiên trong trẻo như bao truyện khác của Nguyễn Nhật Ánh Dường như truyện này có vẻ nhiều kịch tính hơn Có những chỗ lúc đâù làm cho người đọc bi quan, tiếc nuối nhưng rồi lại được giải quyết một cách có hậu như một sự hoang đường trong cổ tích, có Bụt, có tiên hoá giải tất cả Nó đem đến cho ta niềm tin khi mà hi vọng tưởng sắp lụi tàn”.Nhận
xét này khẳng định phong cách văn chương của Nguyễn Nhật Ánh với lối viết hồn nhiên trong trẻo đã đưa người đọc về gần sân ga tuổi thơ Đồng thời
khẳng định sự mới mẻ của Ngồi khóc trên cây, tác phẩm mang nhiều éo le,
kịch tính hơn các tác phẩm trước đó của nhà văn
Trang 8Trong lời giới thiệu sách trên trang web www.lazada.vn nhận định:
“Có thể không ngoa khi nói rằng Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn của tuổi mới lớn và là nhà văn thành công nhất khi khai thác đề tài hết sức thú vị này Nhiều thế hệ độc giả Việt Nam đã lớn lên cùng những trang sách đầy mộng
mơ, hồn nhiên, tươi vui của Nguyễn Nhật Ánh Người đọc luôn yêu quý và thán phục ở ông chính là tâm hồn-một tâm hồn luôn tràn đầy năng lượng, hi vọng và không ngừng yêu thương cuộc đời, con người và tạo vật xung quanh mình Tái ngộ độc giả với Ngồi khóc trên cây, Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục làm say mê không biết bao nhiêu độc giả mới lớn bằng một câu chuyện vừa quen vừa lạ và như thường lệ, luôn đong đầy cảm xúc trong sáng cùng với những nét vẽ minh hoạ ngộ nghĩnh, đáng yêu của Đỗ Hoàng Tường, nhà văn một lần nữa tặng đến người đọc một món quà quý giá, giúp người đọc tin tưởng rằng: điều tốt có thật và luôn tồn tại!” Lời nhận xét này đã khẳng định giá trị của
tác phẩm là đem lại niềm tin và hi vọng cho con người
Qua những ý kiến trên, chúng tôi nhận thấy dù đứng dưới góc độ nào, các nhà nghiên cứu cũng đi đến khẳng định tài năng, sự độc đáo của nhà văn
qua tác phẩm Ngồi khóc trên cây Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đi
trước, tác giả khoá luận mong muốn ở một mức độ nhất định sẽ lí giải cụ thể,
hệ thống vấn đề “Nghệ thuật trần thuật trong Ngồi khóc trên cây của Nguyễn
Nhật Ánh” Qua đó người viết phần nào hiểu sâu hơn giá trị tác phẩm
3 Mục đích nghiên cứu
Khóa luận hướng tới khám phá cách thức trần thuật trong tác phẩm
Ngồi khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh Từ đó khẳng định thành công của
nhà văn trong lối viết, trong cách dẫn chuyện và những đóng góp riêng của anh cho nền văn học thiếu nhi(VHTN) Việt Nam đương đại
Trang 94 Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tìm hiểu hành trình sáng tác VHTN của Nguyễn Nhật Ánh
- Tìm hiểu nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm Ngồi khóc trên cây của
Nguyễn Nhật Ánh
5 Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu
“Nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm Ngồi khóc trên cây của Nguyễn
Nhật Ánh”
- Phạm vi nghiên cứu
Tác phẩm Ngồi khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh
6 Phương pháp nghiên cứu
7 Đóng góp của khoá luận
- Về mặt lí luận: Với khoá luận này, người viết sẽ làm rõ các vấn đề về
nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm Ngồi khóc trên cây của Nguyễn Nhật
Ánh Đồng thời khoá luận sẽ khẳng định thêm sự đúng đắn, tin cậy của con đường nghiên VHTN hiện đại
- Về mặt thực tiễn: với đề tài này, người viết mong muốn tìm hiểu những đóng góp của Nguyễn Nhật Ánh trong sự tìm tòi, khám phá, cách tân của VHTN Việt Nam hiện nay Thông qua đó, góp phần khẳng định tài năng,
vị trí của nhà văn trong nền văn học mới Khoá luận cũng sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc, chân thực về nhà văn tài năng này
Trang 10Chương 3 Ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật trong tác phẩm Ngồi
khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh
Trang 11NỘI DUNG Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TRẦN THUẬT VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH
1.1 Khái niệm trần thuật
1.1.1 Thuật ngữ
Trần thuật là phương thức đặc trưng quan trọng không thể thiếu đối với các tác phẩm tự sự Ngay từ đầu thế kỉ XX, trần thuật đã trở thành một trong những vấn đề lý thuyết tự sự học thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới Song, cho tới nay, ở Việt Nam và trên thế giới xuất hiện nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm trần thuật Điều này nói lên tính thống nhất chưa cao trong quan điểm của các nhà nghiên cứu Trong phạm vi của khoá luận tốt nghiệp, người viết xin trích dẫn một số định nghĩa được coi
là tiêu biểu và được nhiều người quan tâm hơn cả
Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, trần thuật được định nghĩa: “Là
phương diện cơ bản của phương thức tự sự , là giới thiệu, khái quát, thuyết minh miêu tả đối với sự vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự việc theo cách nhìn của người trần thuật nhất định” [4,364]
Trong 150 thuật ngữ văn học: “Trần thuật bao gồm việc kể và miêu tả
các hành động và biến cố trong thời gian; mô tả chân dung, hoàn cảnh hành động, tả ngoại cảnh, tả nội tâm, v.v…; bàn luận, lời nói bán trực tiếp của các nhân vật Do vậy, trần thuật là phương thức chủ yếu để cấu tạo tác phẩm tự
sự [2,337]
Trong giáo trình Lý luận văn học do Trần Đình Sử (Chủ biên): “Trần
thuật là kể, thuyết minh, giới thiệu về nhân vật, sự kiện, bối cảnh trong truyện Trần thuật là hành vi ngôn ngữ kể, thuật, miêu tả sự kiện, nhân vật theo một thứ tự nhất định” [8,59]
Trang 12Có thể nói, khái niệm trần thuật được sử dụng không phân biệt với khái niệm kể chuyện Chúng đều là những cách dịch khác nhau của từ “narrative” trong tiếng Anh Trên thế giới, trong các sách lý luận văn học hiện đại rất ít thấy xuất hiện khái niệm này với đối tượng cần được xác định nội hàm Thay vào đó các thuật ngữ mang tính cụ thể hơn như: người kể chuyện, điểm nhìn…
Giống như các khái niệm lý luận khác, khái niệm trần thuật hay kể chuyện cũng có tính ổn định tương đối Nó ngày càng được mở rộng hơn và
đi sâu vào các vấn đề thuộc bình diện ngôn ngữ và văn hoá Qua xem xét và tìm hiểu những định nghĩa trên chúng tôi nhận thấy: khái niệm trần thuật và khái niệm người kể chuyện có thể thay thế cho nhau và chúng được diễn đạt bằng các thuật ngữ cụ thể hơn như: người kể chuyện, điểm nhìn, ngôi kể… Các quan niệm trên đều khẳng định trần thuật là một khái niệm luôn gắn liền với bố cục và kết cấu của tác phẩm văn học Trần thuật chính là cách thức, là nghệ thuật dẫn dắt, tổ chức kết nối các chi tiết, sự kiện trong tác phẩm Và khi
ấy nhà văn đã hình thành sợi dây vô hình xâu chuỗi các sự kiện xảy ra trong tác phẩm Mặt khác cũng thông qua trần thuật mà tài năng và cá tính sáng tạo của nghệ sĩ được bộc lộ rõ nhất, bởi một tác phẩm văn học dù được kể như thế nào: theo trật tự tuyến tính hay phi tuyến tính, theo quá khứ hay hiện tại, nhanh hay chậm, đứt quãng hay dàn trải liên hồi…thì trần thuật luôn là một
hệ thống, một tổ chức nhất định trong mỗi tác phẩm tự sự
Lý luận văn học trước đây không quan tâm tới trần thuật, thậm chí còn xem nó không đặc trưng như miêu tả nhưng thực tế cho thấy vị trí của nó còn quan trọng hơn miêu tả rất nhiều Miêu tả chỉ phục vụ cho trần thuật dù miêu
tả trong văn nhiều đến đâu thì xét trong chỉnh thể trần thuật nó mới chỉ là cái khung của sự kiện G.Genette – chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật kể chuyện, ông tổ nghiên cứu chức năng trần thuật của miêu tả, của các thuật ngữ liên
quan đến trần thuật cho rằng: “Nghiên cứu miêu tả thực chất là nghiên cứu
Trang 13chức năng trần thuật của miêu tả, các chức năng của miêu tả giúp cho trần thuật được dựng lại, nghỉ ngơi hoặc chuẩn bị thúc đẩy trần thuật”[10,49]
Như vậy, nội hàm của khái niệm này bao quát một diện rất rộng Do đó, các yếu tố của nó cũng khá phong phú và phức tạp
1.1.2 Vai trò của trần thuật đối với loại tác phẩm tự sự
Trong tác phẩm tự sự, trần thuật giữ một vai trò quan trọng tạo nên thế giới nghệ thuật của tác phẩm, tạo nên phong cách cá tính sáng tạo của người
nghệ sĩ Chính vì vậy mà Pospelov trong Dẫn luận nghiên cứu văn học đã nhấn mạnh: “Với sự trợ giúp của trần thuật miêu tả, bình luận tác giả, lời nói
nhân vật trong tác phẩm tự sự cuộc sống được nắm bắt tự do và sâu rộng”
[7,56] Như vậy, ông đã đề cập đến vai trò của trần thuật đối với loại tác phẩm tự sự - một loại văn có khả năng phản ánh hiện thực sâu sắc, phong phú
và đa dạng hơn cả Trong đó trần thuật là một yếu tố quan trọng không thể thiếu Có thể thấy vai trò của trần thuật trong tác phẩm tự sự được thể hiện cụ thể: trần thuật là yếu tố tạo nên diện mạo của một tác phẩm tự sự ở cả hai phương diện nội dung và hình thức
Theo tác giả Trần Đăng Suyền: “Trần thuật là một phương thức cơ bản
của tự sự, một yếu tố quan trọng tạo nên hình thức của một tác phẩm văn học” [10,204] Vai trò đậm nhạt của trần thuật còn phụ thuộc vào đặc điểm
của thể loại, những khuynh hướng phát triển thể loại ấy Trong địa hạt tác phẩm tự sự nói chung và tiểu thuyết nói riêng, nghệ thuật trần thuật đóng vai trò rất quan trọng Nó không chỉ là yếu tố liên kết, dẫn dắt câu chuyện mà còn
là bản thân của câu chuyện Khi mà cốt truyện không còn đóng vai trò nòng cốt, nhân vật bị xoá mờ đường viền cụ thể thì yếu tố trần thuật là chìa khoá
mở ra những cánh cửa của tác phẩm
Hơn nữa, qua thực tiễn của công việc sáng tạo nghệ thuật cho thấy:
“nghệ thuật trần thuật” là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá bản lĩnh sáng tạo và phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ Ở những nghệ sĩ tài
Trang 14năng, độc giả sẽ tìm thấy trong tác phẩm của họ “nghệ thuật trần thuật” luôn
có sự tìm tòi sáng tạo, kết hợp linh hoạt và độc đáo các yếu tố của nó
1.2 Những yếu tố cơ bản của trần thuật
Trần thuật là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên thế giới, là một khái niệm “động” Theo đó, các yếu tố cấu trúc của
nó không ngừng được nâng cao và đi sâu tìm hiểu khám phá Trong tác phẩm
Bàn về văn học nhà văn M.Gorki đã chỉ ra rằng: “Thành phần của trần thuật không chỉ gồm lời thuật, chức năng của nó không phải là kể lại mà bao hàm
cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời trữ tình ngoại đề, lời ghi chú của tác giả”
Còn trong cuốn giáo trình Lí luận văn học, Trần Đình Sử lại cho rằng, trần thuật gồm 6 yếu tố cơ bản: “người kể chuyện; người trần thuật-vai trần
thuật; điểm nhìn trần thuật; lược thuật; miêu tả chân dung và dựng cảnh; phân tích, bình luận; giọng điệu” [9,60]
Tìm hiểu các yếu tố của trần thuật trong tác phẩm tự sự nói chung và tiểu thuyết nói riêng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về phương diện cơ bản của thi pháp thể loại trong giới hạn của khoá luận, người viết chỉ tập trung bàn về một vài yếu tố cơ bản của vấn đề trần thuật đó là:
- Người trần thuật và ngôi kể
sử dụng những hình thức kể chuyện khác nhau Có khi đó là người đứng hoàn toàn bên ngoài tác phẩm nhưng cũng có khi là nhân vật xưng tôi Nhà nghiên
Trang 15cứu T.Z.Todozov khẳng định: “Người kể chuyện là yếu tố tích cực trong việc
tạo ra thế giới tưởng tượng….không thể có trần thuật mà thiếu người kể chuyện” [7,116]
Còn M.Bakhtin đã đưa ra quan điểm của mình trên cơ sở lý thuyết giao tiếp, lý thuyết “giọng” và “lời người khác”, ông đưa ra vấn đề người kể chuyện được đặt trong quan hệ với người đọc giả định, với vấn đề “điểm nhìn”, các loại hình, cấp độ và tình huống trần thuật
Vấn đề người kể chuyện là một trong những vấn đề trung tâm của thi pháp văn xuôi hiện đại, cũng là vấn đề xuất hiện ngay từ đầu thế kỉ XX ở Nga
và được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm Sau đó, vấn đề người kể chuyện nhận được sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nhà nghiên cứu ở Việt Nam Ở Việt Nam, khái niệm “người kể chuyện” là một khái niệm thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, người viết chỉ tập hợp một số ý kiến đánh giá, nhận xét tiêu biểu về “nghệ thuật kể chuyện”
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “người kể chuyện” chỉ xuất hiện khi
nào câu chuyện được kể với một nhân vật cụ thể trong tác phẩm Đó có thể là hình tượng của chính tác giả, có thể là một nhân vật do tác giả tạo ra Một tác phẩm có thể có một hay nhiều người kể chuyện Hình tượng người kể đem lại cho tác phẩm một cái nhìn và một sự đánh giá bổ sung về mặt tâm lý, nghề nghiệp hay lập trường xã hội, cho cái nhìn tác giả làm cho sự trình bày, tái tạo con người và đời sống con người trong tác phẩm thêm phong phú, nhiều bối cảnh Đồng thời, với việc lựa chọn người trần thuật, tác giả đã gửi gắm một dụng ý nghệ thuật nhất định nhằm dẫn dắt một cách thuyết phục nhất để người đọc tin vào câu chuyện mà mình kể
Tác giả Nguyễn Thái Hoà cho rằng: “Cần có sự phân biệt giữa người
đọc hàm ẩn với tác giả và con người tác giả người ngoài đời”[ 5,159] Ở đây,
tác giả quan niệm: “người kể chuyện hàm ẩn” là người kể chuyện toàn năng,
Trang 16là người biết tuốt Do đó, “người kể chuyện hàm ẩn” một mặt sống với nhân vật, mặt khác lại có mối quan hệ hàm ẩn với người đọc ngoài đời
Thực ra, “người kể chuyện hàm ẩn” là tên gọi khác của “người kể chuyện ẩn tàng” như G.S Trần Đình Sử từng gọi tên Từ quan niệm trên cho thấy “người kể chuyện” là yếu tố không thể thiếu trong thế giới nghệ thuật của nhà văn Bằng hình thức “người kể chuyện” nhà văn đã kể lại những gì mình biết và tự do liên tưởng, tưởng tượng để cốt truyện hấp dẫn và bạn đọc đón nhận “Người kể chuyện” chính là hình tượng ước lệ về “người trần thuật” Người trần thuật là nhân vật có thật hoặc không có thật, nhà văn đã bằng hành vi ngôn ngữ để tạo nên văn bản tự sự
Như vậy, có thể khẳng định, người trần thuật là do nhà văn tạo ra để thực hiện hành vi trần thuật Qua trần thuật, tác giả tạo ra một người gần gũi nhất với mình để kể nhưng không bao giờ đồng nhất với tác giả tiểu sử
1.2.1.2 Ngôi kể
Khái niệm người trần thuật luôn gắn liền với khái niệm ngôi kể Chúng gắn bó và tồn tại không tách rời nhau Một tác phẩm văn học có thể được kể theo ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ ba
Trong trường hợp nhân vật đóng vai trò người trần thuật thì tác phẩm được kể ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”- đây chính là hình thức ngôi kể lộ diện
Hình thức người kể chuyện xưng “tôi”, là một nhân vật trong chuyện chứng kiến các sự kiện, đứng ra kể Hình thức kể chuyện theo ngôi thứ nhất chỉ cho phép nhân vật kể những gì mà khả năng của một người cụ thể có thể biết được Vì vậy hình thức này có ưu điểm là tạo ra được sự khách quan trong lời kể, do đó có thể gây được những niềm tin chân thực nơi bạn đọc, kể chuyện theo ngôi thứ nhất là hình thức nghệ thuật xuất hiện muộn, mãi đến đầu thế kỉ XX mới có ở Châu Âu và thịnh hành cho tới ngày nay
Hình thức kể chuyện theo ngôi thứ ba là hình thức kể truyện truyền thống Người kể giấu mặt, coi như đứng ở một vị trí nào đó trong không gian,
Trang 17thời gian bao quát hết mọi diễn biến câu chuyện đã xảy ra trọn vẹn và kể lại với chúng ta ở ngôi thứ ba cho phép người kể có thể kể ra tất cả những gì họ biết, lời trần thuật ở đây mang tính khách quan hoá và trung tính Đây là hình thức kể được coi là “thượng đế toàn thông”
Có một hình thức trung gian giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba là hình thức kể theo ngôi thứ hai, người kể chuyện xưng “anh” Hình thức này tạo ra một không gian gián cách: có một cái tôi khác, một cái tôi được kể ra chứ không phải tự kể như ngôi thứ nhất
Như vậy, người trần thuật và ngôi kể là hai khái niệm gắn bó hữu cơ với nhau trong đó người kể chuyện có ảnh hưởng rất lớn đến ngôi kể, người trần thuật vừa đem lại tác phẩm một cái nhìn và một sự đánh giá về mặt tư tưởng, lập trường, thái độ, tình cảm cho cái nhìn tác giả và làm cho sự trình bày, thể hiện con người và cuộc sống thêm phong phú Còn ngôi kể góp phần tạo nên giọng điệu của một tác phẩm
1.2.2 Điểm nhìn trần thuật
Từ đầu thế kỉ XX, vấn đề điểm nhìn được nghiên cứu tập trung, đặc biệt là từ những năm 40 trở đi, vấn đề điểm nhìn đã trở thành một tiêu điểm trong nghiên cứu văn học Giống như một hoạ sĩ khi vẽ tranh thường lựa chọn một điểm nhìn nào đó để triển khai bức tranh , nhà văn khi kể lại câu chuyện phải lựa chọn vị trí thích hợp nào đấy để từ đó quan sát, miêu tả, có thể tham gia trực tiếp vào sự kiện cốt truyện hoặc đứng ngoài sự kiện Vị trí mà nhà văn lựa chọn ấy sẽ xác lập cho người kể chuyện một điểm nhìn trần thuật để
từ đó câu chuyện được bắt đầu Bàn về vai trò của yếu tố này trong cấu trúc
của loại tác phẩm tự sự, V.E.Khalidev nhận xét: “Trong tác phẩm tự sự, điều
quan trọng là tương quan giữa các sự vật với chủ thể trần thật, hay nói cách khác điểm nhìn của người trần thuật đối với những gì mà anh ta miêu tả”
[10,205] Trước nay có rất nhiều quan niệm khác nhau xung quanh vấn đề điểm nhìn nghệ thuật Đầu tiên phải kể đến định nghĩa của các tác giả trong
Trang 18Từ điển thuật ngữ văn học: “Điểm nhìn nghệ thuật là vị trí từ đó người kể chuyện nhìn và kể, miêu tả các sự kiện, hiện tượng hành vi của đời sống”
[4,112]
Thứ hai là, quan niệm của các nhà nghiên cứu trong sách Dẫn luận thi
pháp học: “Điểm nhìn mang tính ẩn dụ bao gồm mọi nhận thức, đánh giá, quan sát, cảm thụ của chủ thể đối với thế giới Nó là các vị trí để quan sát, cảm nhận, đánh giá bao gồm cả khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, cả phương diện vật lý, tâm lý, văn hoá” [7,149] Như vậy, việc gắn kết điểm
nhìn với người kể chuyện là rất cần thiết Điểm nhìn nghệ thuật là yếu tố quan trọng trong sáng tác văn học và nghệ thuật Xác định “điểm nhìn” nhằm tái hiện cuộc sống của nhà văn giống như mở con đường đi vào rừng rậm Xác định đúng tạo cho người đọc cái thế nhìn sâu trông xa, đưa họ đến nhận thức
và cảm thụ mà nhà văn muốn đạt được Các yếu tố khác của tự sự như giọng điệu, ngôn ngữ đều chịu sự chi phối của điểm nhìn G.S.Trần Đình Sử cũng
cho rằng: “Điểm nhìn thể hiện vị trí người kể dựa vào để quan sát trần thuật
các nhân vật và sự kiện”[9,61] Theo đó, khái niệm “điểm nhìn trần thuật”
được xác lập: điểm nhìn văn bản là phương thức phát ngôn, trình bày miêu tả phù hợp với cái nhìn, cách cảm thụ thế giới của tác giả
Cao Kim Lan đã đưa ra tổng thuật về điểm nhìn: “Hiểu một cách đơn
giản nhất điểm nhìn chính là một “mánh khoé” thuộc về kĩ thuật, một phương tiện để chúng ta có thể tiến đến cái đích tham vọng nhất: sức quyến rũ của truyện kể Và dù có sử dụng phương thức nào, phương pháp hay kĩ thuật nào thì mục đích cuối cùng của người sáng tạo cũng chỉ là mê hoặc độc giả, buộc anh ta phải đọc Và “điểm nhìn là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ thuật chứ không phải bản thân cấu trúc đó”[9,135] Chính quan điểm này đã khẳng
định: điểm nhìn nghệ thuật được coi là một nhân tố bộc lộ kĩ thuật sáng tác của nhà văn, một mắt xích khách quan nội tại duy nhất mà theo đó chúng ta
có thể định giá được “tay nghề” của nhà văn
Trang 19Với những nhà văn tài năng việc vận dụng linh hoạt các điểm nhìn trần thuật sẽ góp phần tạo nên tính sinh động, sự lôi cuốn và sự hấp dẫn đặc biệt trong tác phẩm đồng thời giúp nhà văn thể hiện rõ nhất phẩm chất và cá tính sáng tạo của mình
Qua tìm hiểu một số quan niệm trên, chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu coi điểm nhìn nghệ thuật là một yếu tố đặc biệt quan trọng, giữ vai trò then chốt trong sáng tạo nghệ thuật Điều này rất có cơ sở bởi trong tác phẩm tự sự, người nghệ sĩ không thể miêu tả trần thuật các sự kiện nếu không xác định được cho mình một điểm nhìn đối với chúng từ những góc độ và vị trí khác nhau Có được điểm nhìn, người kể chuyện dễ dàng giao tiếp với bạn đọc và người tiếp nhận, có thể xác định được những tầng nghĩa hàm ẩn trong tác phẩm Nếu vận dụng linh hoạt các điểm nhìn trần thuật sẽ tạo nên tính sinh động hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm
1.2.3 Ngôn ngữ trần thuật
Ngôn ngữ từ lâu đã là một biện pháp giao tiếp quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày Trong văn học, ngôn ngữ cũng chiếm một vị trí quan trọng: “văn học là nghệ thuật của ngôn từ”, M.Gorki đã từng khẳng
định: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó cùng
với các sự kiện, các hình tượng của của sống là chất liệu của văn học”
Ngôn ngữ trần thuật là phương diện quan trọng thể hiện sự tham gia của nhà văn trong tác phẩm văn học Nhà văn có vai trò quan trọng trong việc
tổ chức kết cấu, dẫn dắt mạch truyện, khơi gợi liên tưởng cho người đọc Nhà văn không chỉ lựa chọn, phản ánh một mảng hiện thực nào đó mà còn thể hiện thái độ của mình với hiện thực đó Ngôn ngữ trần thuật bao gồm: ngôn ngữ của người trần thuật, ngôn ngữ của nhân vật và lời nói nước đôi trong đó ngôn
ngữ người trần thuật giữ vai trò quyết định Theo Từ điển thuật ngữ văn học
ngôn ngữ trần thuật chính là “phần lời văn độc thoại thể hiện quan điểm của
Trang 20tác giả hay người kể chuyện (sản phẩm sáng tạo của tác giả) đối với cuộc sống được miêu tả”[4,18]
Trong tác phẩm tự sự, tác giả vừa là người dẫn dắt vừa là người có vai trò kể chuyện Ngôn ngữ trần thuật (hay còn gọi là ngôn ngữ người kể
chuyện) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tác phẩm tự sự: “Trong tiểu
thuyết, trong truyện những con người được tác giả thể hiện đều hành động với sự giúp đỡ của tác giả, tác giả luôn bên cạnh họ, mách cho người đọc biết
rõ cần phải hiểu họ như thế nào, giải thích cho người đọc hiểu những ý nghĩ thầm kín, những động cơ bí ẩn đằng sau hành động của các nhân vật tô đậm thêm cho tâm trạng của họ bằng đoạn miêu tả thiên nhiên, trình bày hoàn cảnh và nói chung luôn điều khiển họ theo mục đích của mình chỉ một cách tự
do khéo léo”[4,38]
Ngôn ngữ trần thuật không những có vai trò then chốt trong phương thức trần thuật mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn truyền đạt cái nhìn, cá tính, giọng điệu tác giả
Ngôn ngữ trần thuật có thể có một giọng “chỉ nhằm gọi ra sự vật” hoặc
có thể có hai giọng “như lời mỉa mai, nhại…” thể hiện sự đối thoại với ý thức khác về cùng một đối tượng miêu tả
Ngôn ngữ nhân vật, theo Từ điển thuật ngữ văn học là “lời nói của
nhân vật trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự và kịch” [4,214]
Ngôn ngữ nhân vật là một trong những phương diện quan trọng mà nhà văn thể hiện cuộc sống và tính cách nhân vật Trước đây, trong văn học trung đại, do ý thức cá nhân chưa được đề cao, ngôn ngữ nhân vật chưa được cụ thể hoá sâu sắc và chưa được phân biệt với ngôn ngữ tác giả Nhưng về sau, với
sự trỗi dậy của ý thức cá nhân, ngôn ngữ của nhân vật được coi là đối tượng của sự miêu tả, và cá tính hoá trở thành một yêu cầu thẩm mĩ Nhà văn có thể
cá tính hoá ngôn ngữ nhân vật bằng nhiều cách: nhấn mạnh cách đặt câu, ghép từ, lời phát âm đặc biệt của nhân vật, cho nhân vật lặp lại những từ,
Trang 21những câu mà nhân vật thích nói, hoặc trực tiếp miêu tả phong cách ngôn ngữ nhân vật…
Dù tồn tại dưới hình thức nào hoặc được thể hiện bằng cách nào thì ngôn ngữ nhân vật cũng phải kết hợp hài hoà tính cá thể hoá và tính khái quát hoá Nghĩa là một mặt, mỗi nhân vật có một ngôn ngữ, một đặc điểm riêng; mặt khác, ngôn ngữ ấy lại phản ánh được ngôn ngữ của một tầng lớp người nhất định
Ngoài hai ngôn ngữ trên, ngôn ngữ trần thuật bao gồm cả ngôn ngữ nước đôi Đó vừa là lời nói của tác giả, vừa là lời nói của nhân vật, bộc lộ cả thế giới bên trong và bên ngoài nhân vật
Như vậy, ngôn ngữ trần thuật mang tính chính xác, tính cá thể hoá do đặc trưng của ngôn ngữ người kể chuyện (người trần thuật) và ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm văn học quy định Ở tác phẩm tự sự, ngôn ngữ người trần thuật giữ vai trò quyết định Khi ngôn ngữ đa thanh thì lời văn trần thuật sẽ đa giọng và điều này sẽ làm nên tính đối thoại của tác phẩm tự sự
1.2.4 Giọng điệu trần thuật
Trong cuộc sống hàng ngày, giọng điệu được hiểu như lời nói, giọng nói của mỗi cá nhân con người, phản ánh thái độ, tư tưởng, tình cảm, cách đánh giá nhất định và nó thường mang tính nhất thời Còn trong văn học, giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn Đồng thời được tổ chức công phu và là kết quả của một quá trình sáng tạo thực sự giúp cho nhà văn khi sáng tác có thể liên kết các yếu tố hình thức lẫn nhau làm cho chúng cùng mang một âm hưởng nào đó, cùng chung một khuynh hướng nhất định
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Giọng điệu là sự thể hiện thái độ,
tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với đối tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi
Trang 22ca hay châm biếm…giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm, thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [4,134]
Giọng điệu không đơn giản chỉ là tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù
để ta nhận ra người nói mà là một giọng điệu mang tính nội dung, tình cảm, thái độ, ứng xử của người nói trước các hiện tượng đời sống Qua giọng điệu, người đọc có thể thấy được chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ…
Cần phải phân biệt giọng điệu với ngữ điệu – phương tiện biểu hiện của lời nói thông qua cách lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh, nhịp điệu…giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ Giọng điệu trong mỗi tác phẩm gắn liền với giọng tác giả ngoài đời, mà nó cùng một nội dung khái quát phù hợp với đối tượng được thể hiện Trong một văn bản nghệ thuật, không phải chỉ có một giọng điệu duy nhất mà là sự phức hợp của các giọng Điều này, một mặt tạo nên sự hấp dẫn cho văn bản, mặt khác nó làm cho văn bản không tẻ nhạt, đơn điệu mà có sự biến đổi linh hoạt Sự “phức hợp” của các giọng này là tổng hợp của giọng nhân vật, của người kể chuyện hay của tác giả Theo đó, trong khi trần thuật, tác giả sử dụng nhiều giọng điệu với những sắc thái khác nhau nhưng thường bao giờ cũng sử dụng một giọng chủ âm nào đó Nhìn chung, tất cả các cách hiểu trên đều đi đến một kết luận: giọng điệu là yếu tố cơ bản tạo nên phong cách của nhà văn và đó cũng là một yêu cầu nghệ thuật luôn đòi hỏi cái mới lạ, độc đáo, hấp dẫn từ sức sáng tạo của các nghệ sĩ lớn
Như vậy, tìm hiểu về “nghệ thuật trần thuật”, người viết đã tìm hiểu những vấn đề lí luận chung từ khái niệm, vai trò của trần thuật đến các yếu tố
cơ bản của trần thuật như: người trần thuật và ngôi kể, điểm nhìn trần thuật, ngôn ngữ trần thuật, giọng điệu trần thuật Đó là những tiền đề cơ bản để
Trang 23người viết tiến hành nghiên cứu cụ thể tác phẩm Ngồi khóc trên cây của
những trang văn, trang thơ của mình: “Tôi viết về Bình Quế trong Mắt Biếc,
Bình Tú trong Đi qua hoa cúc, Bình Trung trong Hạ Đỏ và Tam Kỳ trong Hoa hồng xứ khác” [3,25] Những kỉ niệm có ở quê hương của một cậu học
trò tinh ý, giàu tình cảm đã trở thành nguồn cảm hứng, là chất xúc tác bất tận tạo nên cái “tạng” hợp trẻ con và một cây bút gắn bó với trẻ con ở Nguyễn Nhật Ánh Ông từng chia sẻ: khi đi vào con đường văn chương, ông viết đủ thứ nhưng chủ yếu là viết cho thiếu nhi, ông nhận thấy đây là mảng đề tài hợp với tạng chất của mình Ông luôn bị “ám ảnh bởi kí ức tuổi thơ” và nó trở thành mãnh lực lôi cuốn nhà văn trong sự nghiệp sáng tác của mình
Năm 13 tuổi, Nguyễn Nhật Ánh đã có bài thơ đăng báo đầu tiên Thành
phố tháng tư, trong thời gian học trung học ông đã có các tác phẩm thơ truyện
in trên các báo Tuổi Ngọc, Phổ Thông, Hoa tình thương và tạp chí Văn nghệ(Sài Gòn)…Ngay từ nhỏ, Nguyễn Nhật Ánh đã đam mê đọc sách và tập
tành viết lách: “Thuở bé, tôi rất mê đọc sách Tôi bị quyến rũ bởi các tác
phẩm của Thạch Lam, Khái Hưng, Tô Hoài, Thế Lữ, đắm chìm trong những trang sách của Edmond de Amicis (Tâm hồn cao thượng), Victor Hugo (Những người khốn khổ), Hector Malot (Không gia đình), và tôi mơ ước sau
Trang 24này mình sẽ trở thành nhà văn Lớn lên, qua nhiều khúc quanh của cuộc đời, cuối cùng tôi cũng trở thành nhà văn và sống được bằng chính cái nghề mình yêu thích từ thuở ấu thơ, đó là hạnh phúc lớn lao đối với tôi Nếu bây giờ tôi kiếm được rất nhiều tiền mà không phải bằng nghề mình yêu thích, có lẽ tôi không cảm thấy hạnh phúc thực sự” [3,14]
Niềm đam mê văn chương cùng với vốn sống phong phú đã tạo nên phong cách và giá trị trong những tác phẩm của ông Những năm tháng tình nguyện tham gia phong trào Thanh niên xung phong, trải qua những vất vả thiếu thốn về vật chất nhưng lại đầy ắp tình người, tình đồng đội đã giúp ông viết nên những vần thơ cháy bỏng, đầy khát vọng và niềm tin vào cuộc sống:
“Môi trường Thanh niên xung phong đã rèn luyện tôi thành một con người biết vượt khó, có nghị lực, luôn yêu đời Nó giúp cho con người sáng tác của tôi có một niềm tin và cái nhìn trong trẻo với cuộc sống Nếu không có thời gian đi Thanh niên xung phong thì không hẳn tôi đã có những trang viết tươi tắn như bây giờ” [6,18] Năm 1973, ông vào Sài Gòn theo học ngành sư
phạm, những năm tháng dạy học, sống lại trong môi trường trong sáng và thánh thiện của tuổi học trò những trang viết của ông đậm chất thơ trong trẻo, nhẹ nhàng, mang tính hướng thiện và giáo dục cao Không những thế, Nguyễn Nhật Ánh cũng từng hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi Công việc viết báo phụ trách trang thiếu nhi giúp nhà văn nắm bắt những vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống hiện tại của thanh thiếu niên
và đi vào những trang viết của ông như một yếu tố kích thích trí tò mò và lôi cuốn người đọc
Khi cầm bút, nhà văn ý thức về trách nhiệm của mình Để có vốn hiểu biết phong phú về thế giới học trò, ông đã sưu tầm các loại SGK từ lớp 1 đến lớp 12 về đọc để nắm sát chương trình học phổ thông hiện nay, đăng ký lớp học tiếng Anh buổi tối để có cơ hội quan sát, nắm bắt những “sự kiện” trong
Trang 25lớp học hay tâm tình, trò chuyện với chính con gái cũng như các bạn của con gái mình
Nhận xét về Nguyễn Nhật Ánh, tác giả Vân Thanh trong Tác giả văn
học thiếu nhi Việt Nam (2006) viết: “Nếu trong thời kì chống Mỹ ở miền Bắc hiện tượng Trần Đăng Khoa đã gây nên sự phấn chấn cho nhiều giới người đọc, cả người lớn lẫn trẻ con, cả trong nước lẫn cả thế giới, thì trong công cuộc Đổi mới hôm nay Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn được lớp trẻ vô cùng gần gũi và yêu mến” [11,57]
Như vậy, với tính cách, tâm hồn, trải nghiệm nghề nghiệp và tấm lòng, tâm huyết của một nhà văn chân chính, chuyên tâm viết cho thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh xứng đáng là một tên tuổi để lại dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả VHTN đương đại
1.3.2 Hành trình sáng tác VHTN của Nguyễn Nhật Ánh
Có thể nói, cho đến thời điểm này, Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn viết cho thiếu nhi có nhiều đầu sách nhất Việt Nam, đến nay ông đã có gần 100 tác phẩm được xuất bản Không chỉ nhiều về số lượng, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý và đặc biệt là sự đón đọc của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước
Nguyễn Nhật Ánh đã đóng góp cho nền VHTN Việt Nam một khối lượng tác phẩm đồ sộ ở nhiều thể loại, trong khoảng 15 năm, ông đã có trên
40 tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi
Trong đó có 2 bộ truyện nhiều tập:Kính vạn hoa, dài 45 tập do Nhà xuất bản Kim Đồng in từ năm 1995 đến 2002; Chuyện xứ Lang Biang, dài 4
tập do Nhà xuất bản Kim Đồng in từ năm 2004 đến năm 2005 Đặc biệt, bộ
Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh
trao huy chương “Vì thế hệ trẻ” và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng
Trang 26Đến với các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, người đọc luôn thấy được
sự dí dỏm, nhẹ nhàng của nhà văn như trong: Buổi chiều Window, Trại hoa
vàng, Cô gái đến từ hôm qua, Phòng trọ ba người, Bồ câu không đưa thư…những nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh đều nghịch ngợm nhưng hồn
nhiên, vô tư với tình bạn trong sáng và cả những rung cảm rất chân thật theo kiểu “tình học trò” những nhân vật ấy không hề xa lạ hay đến từ một xứ sở nào khác mà đích thực là họ bước ra từ cuộc sống của mỗi chúng ta
Bằng những thấu hiểu về những chuyển biến tâm lý của lứa tuổi mới lớn với những rung động bất thường đến khó hiểu, nhà văn viết về tình yêu của thanh thiếu niên một cách chân thực nhưng không kém hấp dẫn như trong
Thằng quỷ nhỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc…Nguyễn Nhật Ánh cũng đi
sâu vào khai thác những chủ đề về chuyện trường lớp, bài vở, mối quan hệ
với thầy cô, gia đình và đặc biệt là tình bạn như trong 45 tập Kính vạn hoa,
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ…
Trong các tác phẩm của mình, nhân vật chính thường xưng “tôi”, nó trở thành một lối kể chuyện quen thuộc nhưng không gây cảm giác nhàm chán cho người đọc Ngược lại, nó tạo cho người đọc những trải nghiệm thú vị “trở
về tuổi thơ qua từng trang sách” bởi nhà văn viết văn không phải dành cho trẻ
em mà “viết cho những ai đã từng là trẻ em” Nhà văn bằng ngòi bút của mình
đã đưa đọc giả trở về sân ga tuổi thơ của mình
Ngày 27 tháng6 năm 2013, độc giả cả nước lại tiếp tục được thưởng
thức tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh: Ngồi khóc trên cây Tác phẩm tiếp
tục đưa đến cho bạn đọc về tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng, về với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, đẹp đẽ - những chủ đề quen thuộc trong các tác phẩm
của ông Ông từng nói: “Khi tôi nhận ra mình đã ở quá sân ga của tuổi nhỏ
Và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng gần lại”, Ngồi khóc trên cây như
chuyến tàu đưa ta ngược gần về tuổi thơ Vẫn hồn nhiên trong sáng như bao truyện khác của Nguyễn Nhật Ánh, song tác phẩm mang nhiều kịch tính hơn
Trang 27Có chỗ làm người đọc bi quan, nuối tiếc tưởng chừng như thất vọng nhưng rồi lại được giải quyết một cách có hậu như trong các câu truyện cổ tích Nó đem đến cho người đọc niềm vui và hi vọng tưởng chừng như sắp lụi tàn
Ngôi làng Đo Đo – làng quê cũ của nhà văn như một nỗi ám ảnh, đi về trong tâm thức của nhà văn nên cái tên làng lạ lạ xuất hiện rất nhiều trong
truyện của Nguyễn Nhật Ánh Ngồi khóc trên cây lấy bối cảnh ở làng Đo Đo,
qua câu chuyện tình của những cô, cậu bé mới lớn, nhà văn gửi đến độc giả nhiều thông điệp có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống Đông là chàng sinh viên Đại học rời làng Đo Đo lên sống ở thành phố cùng gia đình, trong lần về thăm quê Đông như được sống lại tuổi thơ vô tư, êm đềm khi thấy cậu em trai
tên Thục chơi nhặt nắp keng hay dùng giấy kính màu “Bọn trẻ con làng Đo
Đo không đo ngày tháng theo thời tiết tự nhiên Chúng chả bao giờ gọi tên bốn mùa theo cách thông thường một năm của bọn chúng có tới sáu mùa: mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc lá, mùa thả diều, mùa chong chóng”[1,14] Qua những dòng hồi tưởng về tuổi thơ của
Đông, người đọc như được sống lại với những trò chơi thuở bé tưởng chừng
đã bị lãng quên
Nhà văn đã dựng lên cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Đông và cô bé Rùa tóc vàng cháy, người gầy gò luôn bị những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn bắt nạt, bị tranh cướp ngay cả những niềm vui nhỏ nhoi Bằng tài năng xây dựng tình huống truyện và những am hiểu sâu sắc về tâm lý tuổi mới lớn, nhà văn đã viết nên câu chuyện tình cảm động mà hết sức tự nhiên giữa hai nhân vật này, ban đầu
là thích thích, thương nhau giấu giếm, sợ làm nhau buồn rồi đến nhớ nhau mất ngủ… Ban đầu, Đông chỉ vì tình thương đối với một cô bé bị bạn bè kì thị nhưng sau đó Đông đã bị chính cá tính của cô bé nhà quê này lôi cuốn, một
thứ tình cảm khác lạ dâng lên tràn ngập tâm hồn cậu: “Tôi càng cố vùi mình
vào trang sách thì sách càng đẩy tôi ra Hình bóng con Rùa lấp đầy tâm trí tôi làm tôi lãng đi Nó ám ảnh tôi đến mức khi ngẩng đầu lia mắt ra chung
Trang 28quanh, thoạt nhìn thấy thứ gì tròn tròn tôi cũng tưởng là con mắt”[1,28] Và
tình cảm đó ngày càng lớn dần trong lòng cậu bé, mọi lời đồn đại không hay
về Rùa đối với Đông đều trở nên vô nghĩa: “Trong mắt tôi nó vẫn là đứa con
gái dịu hiền và tôi không giấu lòng rằng càng gần gũi với con Rùa, tôi càng thích nó”[1,48] Chính tình yêu thương, sự ngây thơ, trong sáng trong Rùa đã
chinh phục trái tim Đông Dù bị xa lánh, hắt hủi nhưng cô bé vẫn cố gắng che chở cho những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn mình Khi bị những tay săn thú rừng ghét cay ghét đắng, doạ dẫm, tung tin này nọ cô bé vẫn sống tự tin lạc quan và kết bạn với những người “bạn rừng” như con Tập Tễnh (con nai bị què chân khi vùng vẫy thoát khỏi bẫy của phường săn), con Miếng Vá (con khỉ), con chồn, con nhím…qua nhân vật này, nhà văn nhằm thuyết minh về ý thức bảo vệ rừng, thân thiết với môi trường, song cách viết về đề tài này không hề lộ liễu
mà người đọc vẫn nhận được thông điệp cần thiết Tuy đôi lúc người đọc vẫn nhận thấy hành động của nhân vật lý tưởng trên mức bình thường nhưng vẫn
dễ dàng chấp nhận bởi sự hồn nhiên, nhẹ nhõm của cách diễn đạt rất tâm lý của nhà văn đang “cố kéo” tuổi thơ xích lại gần thêm
Người đọc còn bị hấp dẫn bởi những tình huống hồi hộp gây tiếc nuối qua câu chuyện về bi kịch gia đình cô bé Rùa hay câu chuyện tình cảm động đầu đời mà đầy trở ngại giữa Đông và Rùa Song truyện lần lượt được khép lại một cách có hậu, người đọc như được trải nghiệm một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, qua đó, ta thấy được tấm lòng nhân ái của nhà văn Thông qua
đó, nhà văn gửi gắm thông điệp về niềm tin và tình thương trong cuộc sống: Điều tốt có thật và luôn tồn tại!
Với Ngồi khóc trên cây, Nguyễn Nhật Ánh ví mình như một người
trồng hoa hồng bên khu vườn văn chương bên cạnh những người nhổ cỏ và
bắt sâu: “Cho dù hằng ngày các bạn trẻ có tiếp cận những tin tức về những
chuyện đau lòng, những hoàn cảnh nghiệt ngã về một xã hội có vẻ như đang xuống cấp thì một cách nào đó trong cuốn sách này những hiện tượng xã hội
Trang 29đó khoog phải là tất cả mà còn có rất nhiều người tốt, còn có những điều tốt đẹp Những bạn trẻ chưa trưởng thành, chưa sàng lọc được những chuyện tốt xấu cần nhà văn là chỗ dựa tinh thần để thấy nhưng điều tốt đẹp vẫn còn…”
Ngồi khóc trên cây là bước phá mới mẻ trong cách viết truyện của
Nguyễn Nhật Ánh, tại buổi họp báo nhà văn chia sẻ: “Chưa có cuốn nào tôi
viết mà nhân vật lại rơi vào tình cảnh éo le như cuốn sách này Bản thân tôi khi viết cũng muốn thử xem ở tuổi này, các nhân vật sẽ hành động như thế nào khi phát hiện ra người mình thích là anh em con chú, con bác của mình
và nhiều tình huống éo le khác nữa, có lẽ vì thế mà truyện hơi buồn”
Không giống với các tác phẩm khác, Ngồi khóc trên cây có nhiều tình
huống éo le kịch tính, gợi buồn song nó vẫn hướng người ta đến sự trong trẻo
và cả những hi vọng! Như vậy, dù viết cho lứa tuổi nào, theo phong cách nào, người đọc luôn nhận thấy trong những trang văn của ông thấm đẫm tính giáo dục, hướng con người đến Chân – Thiện – Mĩ
Mỗi nhà văn đều có quan điểm sáng tác riêng, định hướng cho phong cách sáng tác của riêng mình Với Nguyễn Nhật Ánh, ông quan niệm sáng tác không phải vì mục đích mưu sinh hay mưu cầu danh lợi mà tác giả viết trước hết vì sự thôi thúc của con tim, vì niềm đam mê mãnh liệt với thế giới tuổi thơ
như một duyên nợ Nhà văn từng tâm sự: “Tiền bạc đối với nhà văn nếu có
chỉ là cái đến sau Nếu để kiếm tiền không ai chọn nghề viết văn, khi ngồi vào bàn làm việc, nhà văn chỉ tìm kiếm một thứ duy nhất: những ý tưởng Tôi rất thích một câu không biết của ai: lợi danh đi trước sáng tác là một tai hoạ, đi song hành với sáng tác là một cản trở, còn đến sau sáng tác là hợp quy luật”
Hay khi trao đổi qua email với nhà văn Trần Nhã Thuỵ, Nguyễn Nhật Ánh
cũng tâm sự: “Xét về mặt lao động, công việc của nhà văn cũng giống như
những công việc khác trong xã hội Người thợ mộc hành nghề bằng cưa, bào, đục thì nhà văn hành nghề bằng giấy bút Nhưng một chiếc ghế làm ra, mỗi lần chỉ có một vài người ngồi và nó chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất nhưng khi
Trang 30một cuốn sách in ra, có hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn người đọc…xưa nay, thiên hạ vẫn thường gắn công việc viết văn với hai từ cao quý
là “sứ mệnh” Là một nhà văn chuyên tâm viết cho thanh thiếu niên, tôi nghĩ công việc của tôi là giúp cho các bạn trẻ giàu có cảm xúc hơn, qua đó sống tốt hơn” Chính bởi lòng yêu nghề, ý thức rõ về nghề nghiệp văn chương của
mình cùng với niềm đam mê, sự thôi thúc của tâm hồn mà nhà văn không đặt
cho mình những trọng trách quá nặng nề: “Không nên viết quá nặng nề Nhà
văn phải là trụ đỡ tinh thần của các em, giúp các em yên tâm và vui sống Trẻ
em khác người lớn, tâm hồn mỏng manh, trong sáng như cây non, nhận thức chưa chín, kinh nghiệm chưa có, đem giông bão đến cho các em làm gì” Đây
là những chia sẻ của một người cầm bút am hiều về tâm lí trẻ thơ Nhà văn
quan niệm: “Phải viết sao cho hay, cho hấp dẫn mà vẫn đảm bảo tính logic,
đặc biệt tình tiết không quá nhiều, quá rắc rối Mặt khác, truyện phải vui vẻ, nhẹ nhàng, không nhiều yếu tố gây sốc và không chệch khỏi yêu cầu giáo dục” Viết về lứa tuổi thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh đã chọn cho mình một
hình thức biểu hiện phù hợp với nội dung phản ánh khiến các bạn đọc nhỏ tuổi luôn cảm thấy mới lạ, hấp dẫn vì vậy khi đến với tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích, say mê mà ngay cả bạn đọc lớn tuổi cũng trân trọng
Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn hướng tới hai yếu tố: “Trẻ em
khen hay và phụ huynh khen tốt”, nghĩa là vừa đảm bảo được tính thẩm mĩ
hợp với gu mĩ cảm của trẻ em nhưng vừa phải có ý nghĩa giáo dục
Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một nhà văn, một người bạn, một nhà tâm lí, một nhà giáo dục đối với thanh thiếu niên và những bậc phụ huynh với văn phong giản dị nhưng không cẩu thả, lối viết quen thuộc nhưng không sáo mòn Những áng văn của Nguyễn Nhật Ánh trở nên sâu lắng, cấu tứ và cách nhìn cũng đầy mới lạ, hấp dẫn
Trang 31Chương 2 ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT TRONG TÁC PHẨM
NGỒI KHÓC TRÊN CÂY CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH
Điểm nhìn là một phạm trù quan trọng trong thi pháp học hiện đại Điểm nhìn là vị trí người kể hay nhà văn lựa chọn để quan sát, thâu tóm hiện thực được phản ánh trong tác phẩm, nó cũng là cơ sở để phân biệt người kể chuyện và tác giả Người kể chuyện có thể mang điểm nhìn của tác giả song tác giả không phải là trung tâm của truyện kể và không có vai trò đáng kể trong việc tổ chức truyện Điểm nhìn và người kể chuyện trở thành hai phương diện không thể tách rời Truyện bao giờ cũng được kể từ một điểm nhìn nhất định và bởi một người kể chuyện nào đó Như vậy, tìm hiểu điểm nhìn trong tác phẩm tự sự đóng một vai trò rất quan trọng, Pospelov khẳng
định: “Trong tác phẩm tự sự, điều quan trọng là tương quan giữa các nhân
vật với chủ thể trần thuật hay nói cách khác điểm nhìn trần thuật với những gì anh ta miêu tả” [12,205] Đồng thời, điểm nhìn cũng chỉ ra: “Những cách thức mà câu chuyện kể đến, một hay nhiều phương thức được thiết lập bởi tác giả bằng ý nghĩa mà độc giả được giới thiệu với những cá tính, đối thoại, những hành động, sự sắp đặt và những sự kiện mà trần thuật cấu thành trong
độ của chủ thể sáng tạo Trong nghệ thuật kể chuyện có những tác phẩm chỉ
có một kiểu điểm nhìn từ đầu đến cuối, có tác phẩm phối ghép nhiều kiểu
Trang 32điểm nhìn hoặc luân phiên trượt điểm nhìn tạo ra sự đa dạng trong điểm nhìn Với sự thay đổi điểm nhìn, tác phẩm tạo nên những ô cửa sổ khác nhau nhìn vào thế giới nhằm đem lại sự phức điệu đa âm
Tìm hiểu về nghệ thuật trần thuật trong Ngồi khóc trên cây của Nguyễn
Nhật Ánh, chúng tôi nhận thấy sự hấp dẫn trong nghệ thuật trần thuật của tác phẩm nằm ở những thể nghiệm, cách tân táo bạo trong việc lựa chọn ngôi kể thứ nhất cùng với sự dịch chuyển điểm nhìn giúp tác phẩm hấp dẫn, độc đáo hơn
Trong phạm vi chương 2, chúng tôi tiến hành tìm hiểu điểm nhìn trần
thuật trong tác phẩm Ngồi khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh ở hai phương
diện: điểm nhìn gắn với ngôi kể và sự dịch chuyển điểm nhìn
2.1 Điểm nhìn gắn với ngôi kể
Tác phẩm tự sự là sản phẩm tất yếu của người kể chuyện khi thực hiện hành vi kể chuyện Trong khi kể chuyện, người kể bao giờ cũng phải chọn cho mình một chỗ đứng, tức là lựa chọn điểm nhìn để kể lại chuyện Ngôi kể chính là những hình thức biểu hiện khác nhau xuất phát từ mức độ hoá thân thành vai của người kể chuyện có tính chất văn học Ngôi kể có sự gắn bó chặt chẽ với điểm nhìn Một ngôi kể có thể tạo ra nhiều điểm nhìn nhưng một điểm nhìn chưa chắc đã tạo ra được một ngôi kể Ngôi kể được chia làm ba dạng: ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba Trong văn học, ngôi kể được
sử dụng chủ yếu là ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba
Trong tác phẩm Ngồi khóc trên cây của Nguyễn Nhật Ánh hình thức kể
chuyện theo ngôi thứ nhất là hình thức đóng vai trò chủ đạo, xuyên suốt
Kể chuyện theo ngôi thứ nhất là người kể chuyện xưng “tôi”, được coi
là người “phát ngôn tự sự” thứ nhất (người nắm quyền kể toàn bộ câu chuyện, không ngừng can dự vào câu chuyện dưới nhiều hình thức) Trong tác phẩm đều bắt đầu và kết thúc bằng lời kể của người phát ngôn này Hai người phát ngôn tự sự cùng nằm trong một tầng câu chuyện, có sự giao lưu hai chiều,