4.1.3.1. Thành mạch
Các mô hình về thành mạch sử dụng cho các nghiên cứu về các thuốc cầm máu có xu hướng gây co mạch hoặc giảm tính thấm mạch máu.
Mô hình giãn mạch có thể thực hiện trên cả mạch máu trong cơ thể và mạch máu đã bị phân lập. Rodman và cộng sự (1989) đã đùng phương pháp phân lập động mạch và gây giãn mạch bằng cách cho đoạn mạch đó vào cốc đựng dung dịch acetylcholin 10-5M và kiểm tra sự thay đổi đường kính mạch máu [91]. Cũng có nhiều mô hình co mạch thực hiện trên tai thỏ đã cô lập hoàn toàn (cắt rời tai khỏi cơ thể) hoặc cô lập không hoàn toàn (cắt rời tai, để lại sợi thần kinh nối tai với cơ thể): cho dung dịch ringer chảy qua tai thỏ (vào theo đường động mạch và ra đường các tĩnh mạch). Thuốc có tác dụng làm co mạch sẽ làm giảm số giọt chảy ra so với lô chứng [4]. Các mô hình này có kỹ thuật dễ thực hiện hơn so với mô hình đã nêu trong bài (thủ thuật gắn khung kim loại để tạo bề mặt quan sát rất khó thực hiện), nhưng chưa đánh giá được sự thay đổi tác dụng co mạch của các thuốc lên các mạch có đường kính khác nhau. Cô lập mạch máu khỏi cơ thể cũng không đánh giá được một cách toàn diện ảnh hưởng của các yếu tố (như nhiệt độ cơ thể, các thành phần trong máu..) lên mạch máu.
Mô hình tăng tính thấm có thể được thực hiện bằng cách sử dụng oxazolon 40% để gây thoát mạch xanh Evan, đã được Zentel và Topert thực hiện (1994) [9], hoặc bằng cách sử dụng dung dịch carrgeenin 1% [4]. Các mô hình này tương tự như mô hình gây tăng tính thấm thành mạch bằng hợp chất 48/80.
Các mô hình gây rối loạn thành mạch đều có nguyên lý đơn giản, cho kết quả rõ ràng và có thể đo lường được (độ giảm đường kính mạch máu soi dưới kính hiển
vi quang học, độ giảm tính thấm đo bằng diện tích màu xanh Evan ở mỗi vết tiêm). Đây là những mô hình khả thi khi ứng dụng ở Việt Nam.
4.1.3.2. Tiểu cầu
Các mô hình tiểu cầu bao gồm mô hình gây giảm số lượng tiểu cầu và giảm chức năng tiểu cầu. Mô hình giảm số lượng tiểu cầu đã mô phỏng được các trường hợp giảm tiểu cầu gây xuất huyết trên lâm sàng: sốt xuất huyết, thuốc ung thư, hóa trị liệu ung thư, bệnh lý giảm tiểu cầu miễn dịch… Các mô hình giảm chất lượng tiểu cầu bắt chước được các bệnh lý di truyền như von-Willebrand, hội chứng Hermansky-Pudlak hay các trường hợp quá liều thuốc chống đông trên người. Đây là các mô hình hữu ích cho các thuốc cầm máu có xu hướng tác dụng lên tiểu cầu.
Thời gian máu chảy là thời gian tạo nút tiểu cầu. Thời gian chảy máu kéo dài ở các con vật có bệnh lý tiểu cầu làm giảm số lượng tiểu cầu, làm tiểu cầu giảm bám dính, giảm kết tập, giảm các hạt dẫn đến nút tiểu cầu không hoàn toàn làm máu ngừng chảy. Do đó, dựa vào thông số thời gian máu chảy có thể đưa ra những kết luận sơ bộ về tình trạng tiểu cầu trong cầm máu. Thời gian chảy máu đuôi, niêm mạc miệng là một xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để đánh giá khi có khiếm khuyết cầm máu trên con vật (điển hình là chó).
Các mô hình gây giảm số lượng tiểu cầu đơn giản, có thể điều chỉnh mức độ giảm bằng cách điều chỉnh các tác nhân. Tuy nhiên, để gây tình trạng chảy máu rõ rệt trên các con vật, cần kết hợp nhiều tác nhân với liều khá cao để đưa tiểu cầu xuống một mức thấp nhất định. Bên cạnh đếm số lượng tiểu cầu và xác định thời gian chảy máu, các nghiên cứu cũng cần xác định các thông số đông máu (aPTT, TT, PT), để đủ thông tin cần thiết cho đánh giá tác động của thuốc lên số lượng tiểu cầu.
Giảm chất lượng tiểu cầu gặp phần lớn ở các bệnh nhân sử dụng thuốc kháng tiểu cầu, do vậy mà trên thực nghiệm, mô hình này đã được sử dụng nhiều và cho thấy tính khả thi cao. Tác dụng của thuốc cầm máu có xu hướng hoạt hóa tiểu cầu được đánh giá qua các thông số: độ kết dính của tiểu cầu, độ kết tập tiểu cầu trong ống nghiệm, phản ứng giải phóng các hạt và độ bám dính... Hiện nay, các phòng thí
nghiệm đều được trang bị các loại máy đo này, nên phương pháp này trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, các xét nghiệm là khác nhau đáng kể giữa các phòng thí nghiệm và các kết quả nghiên cứu thay đổi đáng kể giữa các nhóm khác nhau.
Đối với các mô hình gây bệnh di truyền như von-Willebrand và hội chứng Hermansky-Pudlak, còn ít được nghiên cứu ở Việt Nam, do đó, để nghiên cứu cần nhập các con vật đã gây bệnh từ nước ngoài.
4.1.3.3. Đông máu
Số lượng các yếu tố đông máu trong huyết tương tham gia vào quá trình cầm máu là tương đối lớn, do vậy mà các mô hình tác động vào giai đoạn đông máu cũng đa dạng hơn các giai đoạn khác. Các mô hình gây giảm các yếu tố đông máu đã mô phỏng được các bệnh lý thường gặp trên lâm sàng: sử dụng thuốc chống đông, bệnh gan, các bệnh di truyền, vì vậy, chúng được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu.
Thông số được sử dụng để đánh giá con đường đông máu bao gồm: thời gian chảy máu, các giá trị PT, aPTT, TT. Thời gian chảy máu trên các con vật đã gây rối loạn các yếu tố đông máu khó xác định: chảy máu xen kẽ các đợt chấm dứt chảy máu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: giai đoạn tạo nút tiểu cầu là bình thường, rối loạn đông máu không tạo được mạng fibrin liên kết tiểu cầu và các thành phần máu tại vị trí tổn thương nên máu tiếp tục chảy, xen kẽ các đợt ngừng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều nghiên cứu lấy kết quả là thời gian tính đến khi máu ngừng chảy lần đầu tiên, các nghiên cứu khác sử dụng thời gian tích lũy (tổng thời gian máu chảy).
Giá trị PT dùng để nghiên cứu tác dụng của thuốc lên con đường đông máu ngoại sinh, trong khi aPTT lại thăm dò quá trình đông máu nội sinh. Sử dụng cả hai thông số này có thể đánh giá và khu trú các yếu tố trong quá trình đông máu mà thuốc tác động vào.
Bên cạnh đó, sự ra đời của những con chuột biến đổi gen tạo ra các mô hình giúp nghiên cứu toàn diện hơn về quá trình cầm máu. Gen của yếu tố VIII và IX ở chuột và người có trình tự tương đồng khoảng 80%. Vị trí của gen và sự tương tác của protein trong cầm máu giống nhau ở chuột và người, các xét nghiệm đông máu
trên người có thể điều chỉnh để sử dụng trên chuột [71]. Vì vậy, nghiên cứu các phương pháp điều trị tiềm năng cho hemophilia, sử dụng mô hình chuột đột biến gen là cực kỳ hữu ích. Cũng như các mô hình khác, sự khác biệt về chủng giống và các yếu tố khác cần tính đến. Tuy nhiên, các con chuột hemophilia chưa mô phỏng được tác dụng của thuốc lên các bệnh liên quan đến khớp gối như ở người (trọng lượng khác nhau, sức ép lên khớp gối khác nhau) [71]. Các nghiên cứu về cầm máu trên động vật có đột biến gen đã chứng minh sự hữu ích của nó trên nghiên cứu như: cho phép mở rộng nghiên cứu đông máu invivo, tuy nhiên, nó còn thiếu những công cụ phân tích có độ nhạy phù hợp, thiếu các phương pháp phân tử, chưa cho các kết luận sắc bén.
Nhìn chung, các mô hình khá đầy đủ và bao gồm gần như các yếu tố đông máu. Sự thiếu hụt một trong các yếu tố này làm thời gian chảy máu kéo dài, nhưng các thuốc như heparin hay các thuốc kháng vitamin K tác động lên rất nhiều yếu tố, nên cần làm rõ hơn sự thiếu hụt của từng yếu tố riêng rẽ.