Mô hình chảy máu bằng tổn thương

Một phần của tài liệu Tổng quan một số mô hình nghiên cứu tác dụng cầm máu của thuốc trên động vật thực nghiệm (Trang 74)

Gây chảy máu bằng các tổn thương có thể phát hiện các thuốc cầm máu tại chỗ hoặc toàn thân tương tự các tổn thương thường gặp trên lâm sàng. Sử dụng các mô hình động vật có tình trạng cầm máu bình thường để nghiên cứu sơ bộ sàng lọc về các hợp chất có xu hướng rút ngắn thời gian chảy máu (mô hình cắt đuôi, chi), cũng như nghiên cứu khả năng cầm máu của thuốc trong các mô hình chảy máu mức độ lớn hơn (như gây tổn thương nội tạng, tổn thương mạch máu).

Các mô hình chảy máu ở các cơ quan lớn hoặc chảy máu ở các mạch bắt chước được các tổn thương thường gặp trên người để nghiên cứu tác dụng cầm máu của thuốc. Mô hình gây xuất huyết não (ICH) đã bắt chước được tính tự phát của ICH trên lâm sàng, cho phép đánh giá chảy máu não, phù, thay đổi mô học. Có thể dễ dàng thay đổi các vị trí chính của tổn thương bằng cách thay đổi vị trí tiêm collagenase, nhưng đôi khi rất khó kiểm soát vị trí của tổn thương và kích thước vùng xuất huyết trên các mô hình ICH này. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã sử dụng liều collagenase lớn hơn mức collagenase nội sinh của ICH lâm sàng [55], [74]. Ưu điểm ICH bằng collagenase: các mô hình này khả thi trong ứng dụng, bởi vì những thay đổi mô học quan sát được từ mô hình não sau khi tiêm collagenase phù hợp với các thay đổi trong mô não người sau khi ICH [55], do đó, phản ánh quá trình bệnh lý ở người một cách chính xác, có thể áp dụng phương pháp này cho nhiều loài, có thể điều chỉnh kích thước xuất huyết dựa vào sự thay đổi liều collagenase, có thể bắt chước hiện tượng chảy máu và tái xuất huyết. Nhược điểm: collagenase có nguồn gốc từ vi khuẩn có thể gây một phản ứng viêm nghiêm trọng, cơ chế gây chảy máu khác con người, và collagenase có thể gây độc thần kinh [40], [55], [74].

Mô hình nghiên cứu trên da và niêm mạc cho phép nghiên cứu thuốc cầm máu trong các trường hợp có tổn thương ngoài da, chảy máu cam, chảy máu niêm mạc [91]. Thời gian chảy máu niêm mạc chó kéo dài khi có: giảm tiểu cầu, bệnh von-Willebrand, nhiễm độc niệu, điều trị bằng aspirin hoặc thuốc chống đông máu, hoặc dextran (Forsythe và Willis 1989, Klement 1998).

Mô hình nghiên cứu chảy máu bằng cắt đuôi thường dùng đánh giá tác dụng của thuốc lên toàn thân, trên tổng thể quá trình cầm máu, cho các đánh giá ban đầu về tác dụng của thuốc. Đây là mô hình được sử dụng nhiều nhất trong thực nghiệm vì rất dễ thực hiện và là các tham số cần thiết cho đánh giá cầm máu bằng chất lượng, chức năng tiểu cầu. Lựa chọn nơi rạch đuôi làm thay đổi kết quả, một số thí nghiệm rạch đuôi ở một khoảng cách nhất định từ chóp đuôi, một số khác thì rạch ở vị trí có đường kính cụ thể [51]. Ngoài phương pháp cắt cụt còn phương pháp rạch dọc, tuy nhiên, Liu Y và cộng sự (2012) đưa ra các khuyến cáo: thứ nhất, nên cắt ngang hơn là rạch dọc đuôi. Thứ hai, thay vì để đuôi bị cắt tiếp xúc không khí, nên nhúng chìm vào trong cốc nước 37oC (ngoài việc giữ nhiệt độ ổn định và độ ẩm ở bề mặt cắt, thì chảy máu được duy trì liên lục mà không bị ảnh hưởng bởi vết thương). Thứ ba, nên theo dõi hình ảnh chảy máu ngay cả khi máu đã ngừng chảy vì khả năng chảy máu tái phát (hiện tượng phổ biến khi tiểu cầu bị ức chế). Thứ tư, dễ dàng xác định khối lượng máu bằng cách xác định khối lượng cơ thể vào cuối thử nghiệm [51].

Các mô hình này có thể dùng nghiên cứu thuốc tác dụng cả tại chỗ và toàn thân. Khi nghiên cứu tác dụng tại chỗ, cần đặc biệt lưu ý đến sự thay đổi mô bệnh học mà thuốc gây ra.

Các mô hình này có lợi thế là tính khả thi: nguyên tắc đơn giản (đo bằng đồng hồ, cân khối lượng máu mất, hoặc đo hematocrit máu...), nhanh, các đo lường cụ thể, cho các số liệu chính xác, khách quan và lặp lại. Chúng cũng có thể được chuẩn hóa các thủ thuật gây tổn thương để tạo sự đồng nhất trong các nghiên cứu (bằng diện tích các vết rạch, khối lượng phần cắt bỏ...). Do đó, các nghiên cứu có thể dễ dàng phát hiện các chất có xu hướng rút ngắn thời gian chảy máu hoặc giảm lượng máu chảy từ vết thương và đánh giá được khả năng cầm máu của thuốc trong các mô hình có mức độ chảy máu khác nhau. Mặt khác, các mô hình này thuận lợi về tính kinh tế, các con vật không cần trải qua gây bệnh.

Tuy nhiên, bất lợi của các mô hình này là chảy máu quá mức khiến con vật tử vong, đặc biệt trên các con vật có một số khiếm khuyết cầm máu, nên các mô hình tổn thương lớn này chỉ nên được áp dụng trên động vật bình thường.

Nói chung, các mô hình này là hữu ích cho nghiên cứu các thuốc có tác dụng cầm máu.

Một phần của tài liệu Tổng quan một số mô hình nghiên cứu tác dụng cầm máu của thuốc trên động vật thực nghiệm (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)