Nguyên tắc:
Heparin có tác dụng chống đông máu nhanh cả in vitro và in vivo. Bình thường trong máu antithrombin III có tác dụng chống đông máu do làm mất hiệu lực của thrombin III và các yếu tố đông máu IX, X, XI, XII hoạt hóa. Khi có mặt heparin thì nó sẽ tạo phức với antithrombin III làm tăng tác dụng của antithrombin III lên 1000 lần, do đó, các yếu tố đông máu và thrombin mất nhanh hiệu lực làm máu không đông được [5], [10].
Heparin phân tử lượng thấp (LMWHs) không ức chế thrombin mà chỉ ức chế yếu tố X hoạt hóa, do đó, trong các xét nghiệm đông máu, LMWHs không làm thay đổi aPTT, nhiều, chỉ thay đổi hoạt tính của anti-Xa [10].
Dựa vào các nguyên tắc trên, các nghiên cứu đã sử dụng heparin cả dạng UFH và LMWHs tạo ra các mô hình thiếu hụt các yếu tố đông máu, sử dụng nghiên cứu tác dụng của thuốc.
Cách tiến hành:
Động vật: sử dụng chuột đực Sprague-Dawley có trọng lượng khoảng 250 - 274g. Chuột được chia ngẫu nhiên vào các lô: [47]
+ Lô chứng bệnh: gây giảm yếu tố đông máu bằng UFH/LMWH và cho dùng nước muối sinh lý.
+ Lô thử: gây giảm yếu tố đông máu bằng UFH/LMWH và cho dùng thuốc thử nghiệm.
+ Lô so sánh: gây giảm yếu tố đông máu bằng UFH/LMWH và cho dùng thuốc cầm máu đã biết cơ chế làm tăng các yếu tố đông máu trên (như protamin, yếu tố X).
Gây giảm các yếu tố đông máu bằng heparin: tiêm tĩnh mạch đuôi một trong hai chất gây giảm yếu tố đông máu sau:
+ Heparin (UFH) liều 2.0 mg/kg duy nhất + Enoxaparin liều 2.0 mg/kg duy nhất.
Năm phút sau, cho dùng thuốc hoặc nước muối sinh lý, và tiến hành các thử nghiệm sau: [47]
Gây chảy máu bằng cắt đuôi chuột: kỹ thuật như mục 2.1.5.
Gây chảy máu bằng kẹp tĩnh mạch: sau khi hoàn thành thử nghiệm chảy máu đuôi chuột, bộc lộ tĩnh mạch chủ bụng bên phải. Đo lưu lượng máu bằng một đầu dò Doppler. Sau đó, kẹp các tĩnh mạch trong 1 phút và phục hồi ít nhất 5 phút trước khi tiếp tục kẹp, khi đo lưu lượng bằng Dopper cho thấy các tĩnh mạch tắc hoàn toàn thì ngừng.
Đánh giá:
Thời gian chảy máu và khối lượng máu chảy: xác định theo phương pháp cắt đuôi chuột mục 2.1.5.
Thời gian tắc tĩnh mạch: thời gian từ khi kẹp đến khi tắc tĩnh mạch hoàn toàn.
Xét nghiệm đông máu: lấy máu bằng cách đâm vào tim, chống đông bằng dung dịch natri citrat 3.8% ( 9 phần máu / 1 phần citrate). Ly tâm ngay lập tức. Xác định các chỉ số aPTT, TT [47], [67].
Định lượng các antiprotease (anti-Xa và anti-IIa): sử dụng Xa và thrombin (IIa) của con người từ phòng nghiên cứu và Amidolytic (Spectrozyme Xa và Spectrozyme TH). Đánh giá nồng độ anti-Xa và anti-IIa bằng phương pháp đo quang [25], [67]. Với các con vật được gây bằng LMWHs, chỉ cần định lượng anti- Xa.
So sánh giữa các nhóm và sử dụng t-test để xác định ý nghĩa thống kê của các kết quả.
Các mô hình khác: Sogut và cộng sự (2013) cũng gây giảm các yếu tố đông máu bằng heparin liều 640 IU/ kg, tiêm màng bụng 3 lần một ngày, trong 3 ngày liên tiếp [80], Racanelli và Fareed (1992) dùng heparin liều 1 mg/kg hoặc FraxiparinR liều 1 mg/kg [67].