Hiện nay, hầu như pháp luật ngân hàng nước ta không đề cập đủ rõ những hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm thực hiện, mà chỉ liệt kê một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh, dưới một cách gọi khác là “hành vi
cạnh tranh bất hợp pháp” (Luật các tổ chức tín dụng 1997). Hiện tượng này tuy không cản trở việc áp dụng trực tiếp các quy định của Luật cạnh tranh chung về những hành vi hạn chế hành vi cạnh tranh bị cấm, nhưng lại không nói rõ tính đặc thù của ngành Ngân hàng cần phải quy chiếu điều luật chuyên ngành, trong khi đó Luật chuyên ngành “giao Chính phủ” quy định.
Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam áp dụng cho lĩnh vực Ngân hàng chủ yếu được điều chỉnh bằng 2 luật, gồm: Luật cạnh tranh chung số 27/2004/QH11; và Luật các TCTD số 47/2010/QH12. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề cạnh tranh mang tính độc quyền đang tồn tại trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng. Trong đó, nổi cộm nhất là pháp lý đang ủng hộ các Ngân hàng có sở hữu nhà nước và/ hoặc Nhà nước sở hữu chi phối. Theo đó, những Ngân hàng này hầu như được mặc nhiên giữ vai trò chủ đạo, chủ lực nhờ được cung cấp vốn từ ngân sách nhà nước, được ưu ái nơi đầu tư, được chỉ định tín dụng, ủy thác đầu tư và không bị hạn chế giới hạn sở hữu. Thuật ngữ “Nhà nước” được cụ thể hóa bởi những cá nhân đầy quyền năng, không một đồng vốn trong tay. Thậm chí, không ít còn rất hạn chế về kiến thức ngân hàng nhưng lại có quyền sử dụng mọi phương tiện sản xuất sẵn có của một ngân hàng để kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng – lĩnh vực dùng vốn xã hội gián tiếp đầu tư vào nền kinh tế qua đối tượng do mình lựa chọn…