Danh mục thuốc sử dụng

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình sử dụng thuốc chống đông và thuốc chống tập kết tiểu cầu trong điều trị bệnh mạch vành tại viện tim mạch bệnh viện tư 108 (Trang 74)

Trong mẫu nghiên cứu các thuốc chống đông chủ yếu được sử dụng là enoxaparin (Lovenox), heparin không phân đoạn, thuốc chống đông đường uống acenocoumarol (Sintrom) được sử dụng rất ít. Các thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng là aspirin (Aspegic, aspirin, aspilet EC) và clopidogrel (Plavix). Các thuốc tiêu sợi huyết không được sử dụng.

Trong nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu, tỉ lệ sử dụng aspirin tương đối cao 89,09% . Nghiên cứu SAPAT cũng cho thấy aspirin làm giảm tỉ lệ NMCT và tử vong 33% [32]. Mặt khác, giá thành của aspirin khá hợp lý nên aspirin trở thành lựa chọn đầu tay trong điều trị bệnh mạch vành. Một số ít trường hợp BN dị ứng với aspirin phải dùng thuốc kháng vitamin K thay thế [9].

Clopidogrel (Plavix) là nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu thứ hai được sử dụng trong mẫu nghiên cứu, tỉ lệ sử dụng clopidogrel trong mẫu nghiên cứu rất cao 99,09%, chỉ có 1 trường hợp không dùng clopidogrel. Nghiên cứu CAPRIE (Clopidogrel versus Aspirin in Patient at Risk of Ischemic Events) so sánh hiệu quả của clopidogrel (75mg) với aspirin (325 mg) trên BN bị bệnh mạch máu ngoại vi, NMCT hoặc đột quị thiếu máu cục bộ cho thấy clopidogrel hiệu quả hơn aspirin trong giảm tử vong tim mạch, NMCT và đột quỵ thiếu máu cục bộ (p = 0,04); an toàn của thuốc tương tự aspirin [19]. Có nhiều nghiên cứu lâm sàng chứng minh hiệu quả khi phối hợp clopidogrel với aspirin, nghiên cứu CURE (Clopidogrel in Unstable Angina to Prevent Recurrent Events) thực hiện trên BN ĐTNKÔĐ và NMCT không ST chênh, so sánh aspirin đơn thuần với aspirin phối hợp clopidogrel chỉ ra sự phối hợp 2 thuốc làm giảm đáng kể nguy cơ các yếu tố tim mạch, đặc biệt NMCT 20% [42]. Trường hợp BN có chống chỉ định aspirin, có thể thay thế bằng clopidogrel liều 300 mg ngày đầu và 75 mg các ngày kế tiếp [14].

Enoxaparin (Lovenox) được sử dụng phổ biến trong điều trị hội chứng vành cấp với tỉ lệ 96,36%. Cơ chế bệnh sinh chính của hội chứng vành cấp là do mảng xơ vữa nứt vỡ và hình thành huyết khối nên việc sử dụng thuốc chống đông là bắt buộc. Tỉ lệ sử dụng heparin không phân đoạn là 50%, sử dụng chủ yếu tiêm tĩnh mạch trong quá trình can thiệp và chỉ có 2 trường hợp truyền tĩnh mạch. Trước đây, heparin không phân đoạn được coi là điều trị chuẩn trong điều trị hội chứng vành cấp. Nhưng hiện nay việc sử dụng UFH có nhiều nhược điểm như thời gian tác dụng ngắn, phải theo dõi các xét nghiệm đông máu (aPTT,…) và nhiều TDKMM (giảm tiểu cầu,…) nên LMWH đã được ưu tiên lựa chọn để chống đông máu (do LMWH có thời gian tác dụng kéo dài, không phải theo dõi các xét nghệm đông máu thường xuyên,…). Một phân tích meta đã so sánh 2 nhóm BN sử dụng LMWH và UFH thì tỉ lệ chảy máu nặng ở nhóm sử dụng LMWH là 0,49% thấp hơn so với nhóm UFH là 1,2%. LMWH làm giảm 52% nguy cơ chảy máu nguy hiểm so với nhóm UFH [30]. Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra hiệu quả của LMWH so với UHF trong điều trị hội chứng vành cấp như nghiên cứu gộp của ESSENCE và TIMI 11B, sử dụng enoxaparin giảm 20% nguy cơ chết, NMCT, tái tưới máu động mạch vành khẩn từ 2 đến 43 ngày và không tăng nguy cơ xuất huyết nặng trong giai đoạn cấp [15]. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của hội tim mạch hoc Việt Nam 2008 vẫn khuyến cáo sử dụng UFH hoặc LMWH trong điều trị ĐTNKÔĐ, NMCT không ST chênh và NMCT cấp ST chênh lên [9]. Do những lý do trên cùng với kinh nghiệm của bác sĩ điều trị, mà tỉ lệ UFH truyền tĩnh mạch để chống đông rất thấp trong mẫu nghiên cứu 1,82% (2 trường hợp).

Tỉ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông đường uống trong mẫu nghiên cứu rất thấp 1,82% (2 trường hợp) với liều 1mg/ngày và 3mg/ngày. Các nghiên cứu về phối hợp thuốc kháng vitamin K với aspirin trong điều trị hội chứng vành cấp cũng không chỉ ra được lại ích của việc sử dụng thêm kháng vitamin K (coumadin) liều thấp hay trung bình như CHARP, CARS. Bên cạnh đó, TDKMM và tương tác thuốc mức độ 1 làm tăng nguy cơ xuất huyết khi phối hợp 2 thuốc cùng với việc phải theo dõi chặt chẽ các xét nghiệm đông máu như INR (cần đạt giá trị mục tiêu như 2-3 trong NMCT cấp kèm rung nhĩ,…),

prothrombin, do đó việc phối hợp thuốc chống đông đường uống coumadin trong điều trị hội chứng vành cấp rất hạn chế [9].

Nhóm thuốc kháng thụ thể GP IIb/IIIa tiểu cầu đường tĩnh mạch cũng được khuyến cáo sử dụng trong điều trị hội chứng vành cấp [9], xong trong mẫu nghiên cứu nhóm thuốc trên (Dipyridamol) được sử dụng trong xạ hình tái tưới máu cơ tim với dạng tiêm tĩnh mạch 1 giờ trước khi làm thủ thuật trong thời gian rất ngắn (khoảng 4 phút), do thời gian và liều dùng của thuốc còn hạn chế nên chúng tôi chưa đánh giá sử dụng nhóm thuốc này. Theo khuyến cáo của Hội tim mạch Hoa Kỳ và trường môn Tim mạch Hoa Kỳ nên dùng abciximab càng sớm càng tốt trước khi can thiệp ĐMV cho các bệnh nhân hội chứng ĐMV cấp có nguy cơ cao. Có thể dùng tirofiban hay eptifibatide trước khi can thiệp ĐMV cho BN hội chứng ĐMV cấp. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của thuốc ức chế thụ thể glycoprotein IIb/IIIa tiểu cầu làm giảm các biến chứng thiếu máu tái phát ở BN hội chứng ĐMV cấp. Nhóm thuốc này làm giảm tỉ lệ biến chứng trong giai đoạn cấp sau khi can thiệp ĐMV qua da. Các thuốc ức chế thụ thể glycoprotein IIb/IIIa cần phối hợp với aspirin và heparin. Khi dùng thuốc phải theo dõi số lượng tiểu cầu và hemoglobin hàng ngày cũng như các dấu hiệu xuất huyết trên lâm sàng [9], [16], [17]. Các thuốc tiêu sợi huyết không được sử dụng trong mẫu nghiên cứu, có thể do hạn chế của điều trị tiêu sợi huyết chỉ có 1/3 số lượng BN phù hợp với chỉ định dùng thuốc. Các thuốc tiêu sợi huyết hiện nay chủ yếu có tác dụng hòa tan lưới fibrin của huyết khối mà không làm thay đổi lõi giàu tiểu cầu, thuốc không thể đảo ngược được quá trình kết tập tiểu cầu (tạo các liên kết fibrin phức tạp ở cục máu đông giai đoạn cuối) cũng như không có tác dụng lên thrombin, chất hoạt hóa tiểu cầu mạnh nhất. Tác dụng tiêu huyết khối bị PAI-I (chất ức chế tiểu cầu I) ức chế nồng độ PAI-I cao sẽ dự báo hiện tượng tắc lại trong tương lai [40].

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình sử dụng thuốc chống đông và thuốc chống tập kết tiểu cầu trong điều trị bệnh mạch vành tại viện tim mạch bệnh viện tư 108 (Trang 74)