CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN
1.3. Các thuốc chống đông thực sự và các thuốc chống kết tập tiểu cầu sử dụng
1.3.5. Thuốc kháng thụ thể GP IIb/IIIa tiểu cầu
Cơ chế:
Trên bề mặt tiểu cầu có các vị trí (thụ thể) mà khi được hoạt hóa sẽ gắn kết với mạng fibrin gây nên kết tập tiểu cầu, các vị trí này gọi là các thụ thể Glycoprotein IIb/IIIa. Việc ức chế các thụ thể này đã ức chế tận gốc quá trình kết tập tiểu cầu, nên các thuốc nhóm này có tác dụng chống kết tập tiểu cầu rất mạnh.
Chỉ định:
Chỉ định ở những đối tượng HCMVC có nguy cơ cao và có can thiệp ĐMV hoặc có đái tháo đường. Hiện nay, thuốc ức chế thụ thể GP IIb/IIIa dạng TTM có chỉ định cho BN cần nong ĐMV sử dụng thuốc khoảng 1 giờ trước khi làm thủ thuật [14].
BN NMCT có ST chênh: nên bắt đầu sử dụng abciximab càng sớm càng tốt trước khi can thiệp ĐMV thì đầu (chỉ định nhóm IIa), cân nhắc việc sử dụng tirofiban hay eptifibatide trước khi can thiệp ĐMV thì đầu (chỉ định nhóm IIb).
Liều dùng: Có nhiều loại thuốc được dùng
Abciximab (Reopro): liều tấn công 0,25 mg/kg, tiêm thẳng tĩnh mạch sau đó truyền tĩnh mạch 10 µg/phút trong 12 giờ tiếp theo.
Eptifibatide (Intergrilin): liều tấn công 180 µg/kg tiêm tẳng tĩnh mạch sau đó truyền tĩnh mạch 1,3 – 2,0 µg/phút 12 giờ tiếp theo.
Tirofiban (Aggrastat): liều tấn công 0,6 µg/kg/phút truyền tĩnh mạch trong 30 phút sau đó truyền TM 0,15 µg/kg/phút trong 12 – 24 giờ tiếp theo.
Lamifiban: 0,1 µg/kg/phút truyền TM trong 24 giờ.
Dipirydamol: viên nén uống chứa 25mg, 50mg, 75mg; nang giải phóng chậm chứa 200 mg; thuốc tiêm IV 10 mg/2ml (chỉ dùng trong chẩn đoán) [1].
Tác dụng không mong muốn
Nguy cơ chảy máu điển hình là xuất huyết da, niêm mạc hoặc chỗ chọc vào mạch máu để can thiệp. Nếu không can thiệp thì tỉ lệ xuất huyết là 0,4 – 3%. Chú ý khi phối hợp với heparin phải giảm liều heparin. TDKMM giảm tiểu cầu đến mức < 50000/ml với tỉ lệ 0,5% và đến mức < 20000/ml với tỉ lệ 0,2%, tác dụng này có hồi phục [1].