CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN
1.2. Bệnh động mạch vành
1.2.2.2. NMCT cấp ST chênh lên
Chẩn đoán
Chẩn đoán NMCT cấp dựa vào 3 nhóm triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng: Cơn đau thắt ngực, biến đổi ECG, biến đổi men tim. Không nhóm nào có độ nhạy cảm 100%, chỉ cần sự hiện diện của 2 trong 3 nhóm triệu chứng đủ để xác định NMCT cấp.
Sự biến đổi ĐTĐ và men tim theo thời gian rất quan trọng, ở BN nghi ngời NMCT cấp cần đo ĐTĐ và men tim mỗi 6 giờ.
Cần chẩn đoán đau ngực do một số bệnh lý khác nhau: bóc tách ĐMC, viêm màng ngoài tim, ĐN ở BN bị bệnh cơ tim phì đại, ĐN do bệnh lý thực quản, dạ dày, ruột, túi mật, bệnh phổi (nhiễm trùng phổi, thuyên tắc phổi…), hội chứng tăng thông khí (hyperventilation syndrome), đau lồng ngực (xương, thần kinh), đau đầu do tâm lý.
Cần chẩn đoán vùng nhồi máu, có thể có kết hợp giữa 2 vùng: NMCT vùng dưới kèm thất phải hay vùng sau.
Siêu âm tim 2D và Doppler màu không giúp chẩn đoán xác định NMCT cấp. Tuy nhiên siêu âm tim rất quan trọng trong chẩn đoán NMCT thất phải và chẩn đoán các biến chứng cơ học của NMCT cấp.
Mục tiêu điều trị
Làm giảm tử vong và gia tăng chất lượng cuộc sống. Hai nguyên nhân tử vong chính của NMCT cấp là loạn nhịp tim và suy tim.
Điều trị
Sử dụng các phương tiện cấp cứu như máy tạo nhịp tim, máy sốc điện tim, lidocain,… đồng thời với việc tổ chức đơn vị mạch vành di động, phòng điều trị tích cực bệnh ĐMV đã giúp giải quyết được hầu hết loạn nhịp gây tử vong.
Để tránh suy tim ở BN NMCT cấp, cần giảm sự lan rộng vùng nhồi máu, phòng ngừa tái nhồi máu và thúc đẩy cơ tim hồi phục. Nhiều biện pháp đã được đề ra:
- Sử dụng thuốc tan cục máu.
- Sử dụng các thuốc giảm co bóp cơ tim hay tác động lên tiền gánh và hậu gánh: chẹn bêta, ức chế calci, ức chế men chuyển, nitrat.
- Sử dụng các thuốc chống đông máu và các thuốc chống kết tập tiểu cầu: heparin, LMWH, aspirin, clopidogrel,…
- Can thiệp mạch vành (nong hay đặt stent động mạch vành, mở bắc cầu nối chủ - vành) [14].