Để công tác đấu thầu ngày càng được nâng cao về chất lượng thì Luật đấu thầu phải tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ trong lĩnh vực đấu thầu. Mục tiêu là sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất, tránh thất thoát lãng phí, đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng trong hoạt động đấu thầu.Sau đây là một số kiến nghị để Nhà nước xem xét và hoàn thiện hơn về các quy định trong Luật đấu thầu :
+ Quy định rõ cách xác định giá đề nghị trúng thầu trong khi xét thầu : Luật quy định giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được duyệt. Chính vì quy định này mà trong nhiều năm qua, không ít chủ đầu tư đã chọn nhà thầu có giá bỏ thấp nhất, khiến nhiều dự án chất lượng không đảm bảo, kéo dài trong nhiều năm, sau đó lại loay hoay xin thay đổi tổng mức đầu tư, xin thêm kinh phí... các chủ đầu tư chọn những nhà thầu có giá thấp là vì trong Luật Đấu thầu hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác chỉ quy định giá trần mà không áp dụng quy định giá sàn. Vì thế, các nhà thầu đua nhau bỏ thầu thấp để trúng thầu bằng mọi giá. Điều này hết sức nguy hiểm, bởi nhà thầu thấp thì phải luôn đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, nếu không bỏ thấp thì doanh nghiệp không có việc làm cho người lao động. Vậy là cuộc chạy đua bỏ thầu thấp dẫn đến một vòng xoáy luẩn quẩn không thể tháo gỡ. Để tránh những cuộc chạy đua bỏ thầu giá thấp, hoặc những hành vi bắt tay nhau để cùng có lợi trong đấu thầu... đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét lại quy định yêu cầu lựa chọn nhà thầu. Cụ thể là những nhà thầu được chọn phải đảm bảo yêu cầu: Đáp ứng được hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình; có phương án kỹ thuật, công nghệ cao; có giải pháp thực hiện gói thầu tối ưu nhất; có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng phù hợp, có giá dự thầu hợp lý phù hợp với các đề xuất về tiến độ, tài
chính; và cuối cùng là chọn nhà thầu phải khách quan, công khai, công bằng, minh bạch.
+ Hạn chế áp dụng hình thức chỉ định thầu : Hình thức chỉ định thầu hoàn toàn không có sự cạnh tranh, tiềm ẩm nhiều nguy cơ nhà thầu không có năng lực được chỉ định thầu thì hậu quả tất yếu là công trình kém chất lượng, chậm tiến độ, có thể xuất hiện nhiều tiêu cực trong sự móc ngoặc giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Chỉ nên áp dụng đối với các gói thầu thuộc dựán bí mật quốc gia; dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng do Thủ tướng Chính phủ quyết định khi thấy cần thiết; Sự cố bất khả kháng do thiên hại, dịch vụ, sự cố cần khắc phục ngay; và những gói thầu có giá trị nhỏ, không hiệu quả khi áp dụng hình thức đấu thầu công khai. Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu và phải tuân thủ quy trình thực hiện chỉ định thầu do Chính phủ quy định. Trước khi thực hiện chỉ định thầu thì dự toán đối với gói thầu đó phải được phê duyệt theo quy định.
+ Kiến nghị về việc ban hành mới Luật Đấu thầu trong thời gian tới : cần phải thiết lập được môi trường minh bạch, cạnh tranh cho các hoạt động đấu thầu và phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam; khắc phục được những điểm hạn chế trong các văn bản pháp luật cũ về đấu thầu mà thực tế đã kiểm chứng.
+ Đối với các Dự án lớn, cần chia các gói thầu hợp lý phù hợp với năng lực nhà thầu trong nước, đảm bảo tính cạnh tranh khi tham gia đấu thầu cùng doanh nghiệp nước ngoài.
+ Kiến nghị tới Cục Quản lý đấu thầu, cần tiếp thu những vướng mắc trong triển khai đấu thầu qua mạng và hoàn thiện công tác đấu thầu qua mạng, để hình thức đấu thầu này được áp dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả, làm tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động đấu thầu, phòng chống và giảm thiểu tiêu cực trong công tác đấu thầu.